Đức Phật

Ứng xử của Đức Phật trong quan hệ thân tộc, anh em

Thứ năm, 07/11/2023 03:10

Một bậc xuất thế không phải là một kẻ lánh đời, cũng như trốn tránh các trách vụ liên hệ tự thân. Nhận định đó càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết khi tham chiếu về những quan tâm của Đức Phật đối với dòng tộc, anh em của mình.

00

Người tự hào về sanh,

Về tài sản dòng họ,

Khinh miệt các bà con,

Chính cửa vào bại vong (1).

Con đường học hỏi và thực hành giáo pháp theo Đức Phật là thuận thứ, là từ từ. Hành trình đó có thể khởi đầu từ những sự quan tâm giản đơn, cụ thể và bình thường nhất. Đó là điều được Đức Phật khẳng định qua ẩn dụ sinh động như biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy, này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình (2).

Từ đó có thể thấy, quan tâm đến thực tiễn sinh động của con người, mà ở đây, là những quan hệ về cộng đồng, anh em, thân tộc cũng là một trong những học pháp mà người học Phật cần phải hiểu rõ, để tùy theo hoàn cảnh mà ứng xử cho phù hợp. Thực sự, quan tâm về thân tộc, anh em cũng là một trong những mối lưu tâm của Đức Thế Tôn được thể hiện rải rác trong nhiều kinh điển.

Ứng xử của Đức Phật trong quan hệ thân tộc, anh em

Theo khảo sát hiện tại của chúng tôi, có năm sự kiện minh chứng cho sự quan tâm của Đức Phật đối với dòng tộc, anh em.

1. Về thăm quê hương và hóa độ thân quyến

Trước hết, theo sự thỉnh cầu từ vua Suddhodana và hai bên nội ngoại, Đức Phật đã thân hành về thăm quê hương. Kinh điển đã ghi lại lời thỉnh cầu văn vẻ của hoàng thân Kalundayin: Không quá lạnh, quá nóng/ Thế Tôn thời tiết đẹp./ Hãy để hai dân tộc/ Thích-ca, Ko-li-ya/ Nhìn Ngài mặt hướng Tây/ Vượt sông Ro-hi-ni(3). Từ sự cầu thỉnh này, Đức Thế Tôn cũng nhận thấy rằng mình đi sẽ cứu độ cho nhiều người, nên đã ra đi với hai mươi ngàn vị A-la-hán, mỗi ngày đi bộ một do-tuần(4). Lúc đó, Đức Phật đang ở Rajagaha và phải mất gần hai tháng để vượt qua quãng đường dài gần 600km để về tới Kapilavatthu. Ở đây, khi lựa chọn phương tiện đi bộ mà không sử dụng các phương tiện nhanh hơn do hoàng gia cung cấp, chuyến hành hương về thăm quê hương của Đức Phật còn hàm nghĩa là một chuyến hóa đạo trong suốt lộ trình. Theo sử gia H.W. Schumann, trường hợp hóa độ Ưu Ba Li và sáu vị Khất sĩ thuộc dòng họ Thích Ca tại thị tứ Anupiya thuộc Cộng hòa Malla là một minh chứng cho quan điểm này(5).

Mặc dù có những khó khăn và bỡ ngỡ bước đầu cho những người thân trong hoàng tộc, nhưng sau đó mọi chuyện trở nên tốt đẹp khi biết đã có một đấng tối thắng xuất hiện từ dòng họ Sakya, nên các vị hoàng thân luôn bày tỏ lòng quý kính. Đơn cử cho lòng sùng kính, kinh ghi: Các Sakya ở Kapilavatthu đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Các Sakya ở Kapilavatthu đang ngồi một bên, bạch Thế Tôn: - Ở đây, bạch Thế Tôn, có một ngôi giảng đường mới, được dựng lên không bao lâu cho các Sakya ở Kapilavatthu, và chưa được một Sa-môn, Bà-la-môn, hay một người nào đến ở. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy dùng nhà giảng đường ấy trước tiên, rồi các Sakya ở Kapilavatthu sẽ dùng sau, và như vậy các vị Sakya ở Kapilavatthu sẽ hưởng hạnh phúc, an lạc lâu dài. Thế Tôn im lặng nhận lời(6).

Sau chuyến hành hương này, kinh điển còn ghi lại rằng Đức Phật đã trở về quê hương hai lần nữa để cuối cùng, đã có một sự chuyển hóa mạnh mẽ trong toàn bộ thân tộc Thích Ca. Theo Hajime Nakamura, sau những chuyến về thăm quê hương của Đức Phật, đã có bốn mươi mốt Tỳ-kheo, hai mươi Tỳ-kheo-ni, chín nam cư sĩ tại gia và ba nữ cư sĩ tại gia đều ở trong số các môn đồ của Đức Phật thuộc bộ tộc Thích Ca(7). Với một bộ tộc không lớn lắm vào thời đó, con số những người thân xả tục xuất gia không hề nhỏ từ những nỗ lực giáo hóa không mệt mỏi của Đức Phật. Từ đây có thể thấy, trọng trách hóa độ thân tộc, anh em cũng là một trong những trách vụ cần có của người xuất gia, dù ở bất cứ thời đại nào.

2. Hóa giải bất hòa giữa hai bên nội, ngoại

Căn cứ vào kinh Tiểu bộ, truyện Tiền thân số 536, chuyện Chúa chim Kunala (tiền thân Kunala) và Tích truyện Pháp cú, bản dịch của Viên Chiếu, phẩm Hạnh phúc, sự tranh chấp về nguồn nước của con sông Rohini cung cấp nước cho cả hai bộ tộc Sakya và Koliya đã tăng dần cấp độ khi các nhà chức trách ở mỗi bộ tộc không bên nào chịu nhường bên nào về nguồn nước của con sông. Đỉnh điểm của tranh chấp xảy ra vào tháng Jetthamùla, theo văn kinh là khoảng tháng 5 hoặc tháng 6, là lúc lúa ngậm đồng để chín, đó là khi sự va chạm giữa nông dân đã có sự tham gia của giới chức quân sự. Sự kiện này càng đau lòng hơn nữa vì bộ tộc Koliya chính là quê ngoại của Phật và cũng là quê hương của công chúa Yasodhara và bộ tộc Sakya là quê nội của Đức Phật. Sự va chạm giữa hai bên nội ngoại bao giờ cũng để lại những niềm đau, và nỗi đau đó không dừng lại ở một thế hệ, một đời người. Khi Đức Thế Tôn quan sát thế gian vào mỗi sáng sớm, Ngài thấy sự kiện trên và nghĩ thầm: “Nếu Ta không đến giảng hòa, họ sẽ giết hại lẫn nhau mất”(8), và Đức Phật đã thị hiện đúng thời điểm để giảng hòa. Tại đây Ngài đã khéo léo chỉ rõ cho cả hai bộ tộc thấy rằng sự tạm bợ của vật chất, của phương tiện sinh nhai và chỉ ra cái cao quý của sinh mạng, của phẩm vị con người, của tình đoàn kết. Đặc biệt, với những người trong thân tộc họ hàng, thì yếu tố đoàn kết có vai trò quan trọng. Từ đây, Ngài đã mở rộng thêm: Đối với những sinh vật đoàn kết, không ai có thể tìm ra lỗ hổng để tấn công cả, nhưng khi chúng đã tranh chấp lẫn nhau, thì một kẻ đi săn nào đó cũng tàn phá chúng và tiêu diệt chúng. Quả thật không có phần thưởng gì trong cuộc tranh chấp cả(9). Từ lời dạy này, ta dễ dàng thấy rõ Đức Phật đã lưu ý đừng rơi vào những kế sách như Ngư ông đắc lợi(10) mà các mưu sĩ phương Đông hay vận dụng, khi có sự tranh chấp nội bộ xảy ra. Cũng theo truyện Tiền thân số 536, sau khi hóa giải xung đột giữa hai dòng họ xong, Đức Phật còn giảng dạy thêm kinh Chấp trượng (kinh Attadanta) được ghi lại trong kinh Tập: Không nghĩ “đây của tôi”/ Không nghĩ “đây của người”/ Người không có tự ngã/ Không sầu vì không ngã/ Không tàn bạo, không tham/ Không dục, thường đồng đẳng/ Ðược hỏi Ta nói lên/ Lợi ích bậc bất động(11).

3. Can ngăn vua Tỳ Lưu Ly tận diệt dòng họ Thích Ca

Xuất phát từ sự nhận thức sai lầm, có hệ thống và do nội kết quyện chặt từ nhiều đời giữa dòng họ Thích Ca và vua Tỳ Lưu Ly, vua Tỳ Lưu Ly đã nhiều lần khởi binh tiến đánh bộ tộc Thích Ca và cuối cùng đã tàn sát gần như diệt vong dòng họ Thích Ca(12).

Trong sự kiện kinh hoàng này, theo sự mô tả chi tiết trong kinh Tăng nhất A hàm, Đức Phật đã hơn một lần đứng ra ngăn cản vua Tỳ Lưu Ly sát hại dòng tộc Thích Ca. Theo kinh văn, khi ấy có khá đông các vị Tỳ-kheo đến báo tin vua Tỳ Lưu Ly hưng binh tiến đánh họ Thích, “Bấy giờ Thế Tôn nghe lời này xong liền dùng thần túc đến bên đường ngồi dưới một gốc cây. Vua Lưu Ly xa thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây liền xuống xe đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên. Bấy giờ vua Lưu Ly bạch Thế Tôn:

- Lại có những cây tốt sao Ngài không đến ngồi mà hôm nay Thế Tôn cớ gì lại ngồi dưới cây khô này?

Thế Tôn đáp:

- Bóng mát của thân tộc hơn người ngoài(13).

Khi ấy Thế Tôn liền nói kệ: Bóng mát của thân tộc/ Từ họ Thích có Phật/ Ðều là cành lá Ta/ Nên ngồi dưới cây ấy.

Vua Lưu Ly lại nghĩ:

- Ngày nay Thế Tôn phát xuất từ dòng họ Thích. Ta không nên chinh phạt, nên cùng quay về nước”.14 Cũng cần nói thêm rằng, theo Tích truyện Pháp cú, khu đất phía trước đoàn binh mã của vua Tỳ Lưu Ly có nhiều cây cao bóng mát, nhưng thuộc phần đất của bộ tộc Koliya, trong khi đó, trên phần đất của bộ tộc Sakya thì chỉ có một gốc cây khô trụi lá. Đức Phật đã đến ngồi dưới cội cây này để ngăn cản đoàn binh mã của vua Tỳ Lưu Ly. Đứng trước tình hình này, ngài Mục Kiền Liên đã nhiều lần xin phép Đức Phật cho ngài thi triển thần thông để bảo hộ dòng họ Thích Ca. Tuy nhiên, Đức Thế Tôn không chấp thuận và đã ôn tồn bảo ngài Mục Kiền Liên: Thầy trở về chỗ đi. Hôm nay họ Thích túc duyên đã chín, nay sẽ thọ báo(15). Từ đây có thể thấy rõ không có một sức mạnh nào vượt qua được nghiệp lực và mỗi cá nhân hoàn toàn tự chịu trách nhiệm trước mỗi việc mà mình đã gây ra. Ở đây, sau nhiều lần do dự, băn khoăn vì nể tình của Đức Phật, nhưng cuối cùng, do sự xúi giục của bề tôi xấu, do hận thù chưa nguôi, vì lúc trẻ bị dòng họ Thích Ca làm nhục, nên vua Tỳ Lưu Ly đã tàn sát gần như hoàn toàn bộ tộc Thích Ca và chỉ có một vài nhóm người trốn thoát. Sự kiện dòng họ Thích Ca chưa hoàn toàn tuyệt diệt sau cuộc tàn sát của vua Tỳ Lưu Ly được khẳng định, vì theo kinh Trường bộ, sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, đã có một số người mang họ Sakya ở Kapilavatthu đến xin một phần xá-lợi để về phụng thờ(16).

4. Tình thương vô hạn và ứng xử nghiêm khắc với người anh em Đề Bà Đạt Đa

Đề Bà Đạt Đa là anh em bà con với Đức Phật. Có nhiều nguồn tài liệu nói khác nhau về nhân thân của Đề Bà Đạt Đa. Theo Maha Thera Narada và sử gia H.W. Schumann, thì Đề Bà Đạt Đa là con vua Suppa - Buddha và hoàng hậu Pamita, một người cô của Đức Phật. Công chúa Yasodhara là chị của Đề Bà Đạt Đa. Như vậy, Đề Bà Đạt Đa vừa là anh em cô cậu vừa là em vợ của thái tử Shidharta. Nói rõ hơn, giữa Đức Phật và Đề Bà Đạt Đa có quan hệ thân tộc khá gần.

Đề Bà Đạt Đa xuất gia vì động cơ chân chánh. Đó là điều có thể nhận ra vì đã cùng bảy vị vương tôn như Bhaddiya, Anuruddha, Ānanda, Bhagu, Kimpila, Devadatta và người thứ bảy là thợ cạo Upāli cùng phát nguyện xuất gia với Đức Thế Tôn tại Anupiyā, một thị trấn của tiểu quốc Malla(17). Thời gian đầu, Đề Bà Đạt Đa đã nỗ lực tu tập nên cũng có một ít thần thông và khả năng thuyết giảng, nên cũng được ngài Sariputta ủng hộ và quan tâm(18). Tuy nhiên, càng về sau, Đề Bà Đạt Đa càng dễ duôi, bê trễ, và thậm chí thường xuyên bị nung nấu bởi tư dục: “Ta sẽ lãnh đạo chúng Tăng”(19), nên đã nhiều lần thỉnh cầu Đức Phật truyền trao cho ông ta trọng trách đó. Đức Phật không những không chấp nhận mà còn bảo rằng: Này Devadatta, ngay cả Sāriputta (Xá Lợi Phất) và Moggallāna (Mục Kiền Liên) ta còn không thể bàn giao hội chúng Tỳ-khưu, làm sao (có thể bàn giao) cho kẻ tồi tệ đáng phỉ nhổ như ngươi được(20). Ở đây, cần phải thấy rằng, quan điểm xuyên suốt của Đức Phật là: Không có một vị Tỳ-kheo nào được Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác sắp đặt: “Vị này, sau khi Ta diệt độ, sẽ là chỗ nương tựa cho các ông, và các ông sẽ y chỉ vị này”(21). Đây là một trong những nguyên do để dẫn đến việc Đề Bà Đạt Đa nhiều lần mưu hại Đức Phật.

 Theo kinh điển ghi lại, ít nhất có ba sự kiện lớn chứng tỏ Đề Bà Đạt Đa liên tục mưu hại Đức Phật. Thứ nhất là thuê sát thủ hành thích Đức Phật, thứ hai là thả voi say Nàlàgiri và thứ ba là tự minh lăn đá để sát hại Đức Phật(22). Trước tất cả những dã tâm nhưng với kết cuộc hoàn toàn thất bại của Đề Bà Đạt Đa, Đức Thế Tôn không hề oán hận và còn mở rộng lòng thương cảm, tha thứ cho ông ta. Trong kinh điển Bắc truyền, thái độ đó của Đức Phật đã được ca ngợi hết mực, vì trong kinh Pháp hoa, Ngài đã xác nhận rằng, Đề Bà Đạt Đa sẽ thành Phật ở tương lai(23).

Với Đức Phật, Ngài nghiêm khắc với tất cả những sai trái của những người thân. Việc Đề Bà Đạt Đa cầu thỉnh năm việc(24) cũng như một số yêu cầu không hợp lý khác đã không được Đức Phật đáp ứng, chứng tỏ sự cứng rắn tuyệt vời của bậc Đạo sư. Đây là một bài học có ý nghĩa thời đại. Vì lẽ, người thân tuy quan trọng nhưng chân lý quan trọng hơn.

5. Phút cuối đời vẫn quan tâm về người hầu cận Xa-nặc (Channa)

Thân cận với Đức Phật từ những ngày còn trong hoàng cung và có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho thái tử Siddharta vượt thành xuất gia, ở một chừng mực nào đó Xa-nặc đã có công lao rất lớn. Trong những chuyến về thăm hoàng cung của Đức Phật, Xa-nặc đã phát tâm xuất gia. Đó là điều được khẳng định rõ ràng vì ông có tên trong danh sách bốn mươi mốt người nam cư sĩ trong bộ tộc Thích Ca phát nguyện xuất gia(25).

Trong quá trình tu tập, ông đã liên tục vi phạm nhiều lỗi lầm. Trong Cullavagga đã dành nhiều đoạn đề cập về ông: Lúc bấy giờ, Đức Phật Thế Tôn ngự tại Kosambī, tu viện Ghosita. Vào lúc bấy giờ, Đại đức Channa sau khi phạm tội lại không muốn nhìn nhận tội(26)… Vào lúc bấy giờ, Đại đức Channa sau khi phạm tội lại không muốn sửa chữa lỗi… Sau đó, các vị Tỳ-khưu đã trình sự việc ấy lên Đức Thế Tôn(27). Ở đây, mặc dù chưa tìm thấy sự lý giải thỏa đáng về hành động tái phạm lỗi lầm của Tỳ-kheo Channa từ kinh, luật; thế nhưng theo cảm quan người viết, phải chăng Channa có thái độ ỷ lại vì đã có chút ít công lao trong việc hỗ trợ thái tử Siddharta ở buổi đầu? Đặc biệt, tại Kusinagar, trong đêm trước khi nhập Vô dư Niết-bàn, Đức Phật đã thể hiện thái độ nghiêm khắc đối với Channa: Này Ananda, sau khi Ta diệt độ, hãy hành tội Phạm đàn (Brahmadanda) đối với Tỷ-kheo Channa.

- Bạch Thế Tôn, thế nào là Phạm đàn?

- Này Ananda, Tỷ-kheo Channa muốn nói gì thì nói. Chúng Tỷ-kheo sẽ không nói, sẽ không giảng dạy, sẽ không giáo giới Tỷ-kheo Channa(28).

Sự lưu tâm của Đức Phật đối với Tỳ-kheo Channa xuất hiện trong thời khắc đặc biệt, phải chăng là một bài học lớn đối với chúng ta trong việc ứng xử với người thân? Vì lẽ, tính khí ỷ lại, dựa dẫm vào người thân, bà con… thường là tập khí sâu dày của chúng sanh nói chung. Tập khí đó, về ý nghĩa sâu xa thì không phù hợp với con đường Thánh đạo, trong thực tiễn đời thường thì không phù hợp với nếp sống của người cư sĩ nói riêng. Từ sự quan tâm rất mực đặc biệt này của Đức Phật, Channa đã có một sự chuyển hóa tích cực và có hậu. Kinh ghi: Vì lòng thương mến Thế Tôn, vì tự phụ, tự đắc đối với ‘Đức Phật của chúng ta, giáo pháp của chúng ta’, ngài không thể chinh phục khuyết điểm này và không làm tròn bổn phận của một người Sa-di. Khi Thế Tôn mệnh chung, theo lời dặn của Thế Tôn cần phải phạt nặng Channa, ngài xấu hổ, chế ngự được khuyết điểm này, không bao lâu chứng quả A-la-hán(29). Tương tự như vậy, kinh điển Bắc truyền có cùng nội dung đồng thời xác tín: Sau khi Phật nhập Niết Bàn, Tỳ-kheo Xa-nặc tâm tánh sẽ lần lần điều phục, nhu hòa, bỏ ác tánh cũ(30).

Từ năm điểm vừa trình bày cho thấy, quan tâm đến anh em thân tộc và định hướng hành động cho họ là những nỗ lực của Đức Thế Tôn đối với thân tộc của mình. Mặc dù vậy, xét đến cùng của đời sống, sự nương tựa, dính kết với nhau để tạo nên tình anh em thân tộc, chẳng qua chỉ là sự vận hành sinh động của dòng sóng nghiệp lực. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu(31). Cho nên, dòng tộc, họ hàng, anh em, bà con chỉ có ý nghĩa trong tương quan luân hồi, nghiệp quả. Còn sống trong luân hồi, thì còn phải ứng xử phù hợp và thích ứng trong tương quan anh em, thân tộc. Tuy nhiên, trong cộng nghiệp của anh em thân tộc, mỗi cá nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm độc lập trước tư duy, lời nói, việc làm của mình. Với Phật giáo, cá nhân và dòng họ tuy có liên quan nhưng mang tính độc lập rất lớn. Cũng chính bởi điểm này, Đức Phật còn cẩn thận cảnh báo: Chớ hỏi về thọ sanh/ Hãy hỏi về sở hành/ Tùy theo mọi thứ củi/ Ngọn lửa được sanh khởi/ Dầu thuộc nhà hạ tiện/ Bậc ẩn sĩ tinh cần/ Ðược xem như thượng sanh(32). Cũng có thể xem đây là quan điểm căn bản trong ứng xử với anh em, thân tộc của Phật giáo.

Những đức tính tiêu biểu trong quan hệ anh em, thân tộc

Quan hệ thân tộc, anh em xuất hiện rất sớm. Khi một cộng đồng dân cư được hình thành thì cùng lúc ấy, mối quan hệ anh em thân tộc được xuất hiện, định hình. Tùy theo không gian sống và bối cảnh văn hóa mà tính chất của quan hệ anh em, thân tộc, thay đổi. Với Phật giáo, để quan hệ anh em, thân tộc được giữ gìn và phát triển thì đòi hỏi phải hoàn thiện một số đức tính sau.

1. Tinh thần đoàn kết

Đã cùng thọ sanh trong một gia đình, dòng tộc, việc đầu tiên là phải biết đoàn kết với nhau. Theo Đức Phật, nếu như bất cứ một dòng tộc, anh em biết tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, làm việc trong niệm đoàn kết33, thì không có ai có thể làm tan rã mối quan hệ của họ. Vốn dĩ đây là một trong bảy pháp bất thối được Phật dạy cho dân Vajji, nhưng nếu như linh động mở rộng ứng dụng trong quan hệ thân tộc, anh em, thì vẫn tạo nên tác dụng: sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm(34). Vì lẽ, sự đoàn kết làm cho những cá thể hợp thành một khối và sẽ tạo nên sức mạnh tổng hòa. Với sức mạnh đó, có thể thực hiện được nhiều việc tốt cho bản thân và cho tha nhân, cho cộng đồng. Chuẩn mực sống chung theo nguyên tắc Lục hòa(35) là một trong những yếu tố góp phần tạo nên tinh thần đoàn kết vững mạnh, bất kể đó là tập thể nào.

Ở một chừng mực nào đó, sự đoàn kết là biểu hiện sinh động của bước đầu chinh phục tự ngã. Khi cái ta nhỏ lại thì người ta dễ dàng chấp nhận nhau, hoan hỷ với nhau và có thể đến với nhau trong một tập thể lớn. Câu chuyện về đàn chim cùng đoàn kết bay lên, kéo theo cả tấm lưới của người thợ săn được Đức Phật khéo dẫn dụ trong kinh Tiểu bộ(36) là minh chứng sống động về sức mạnh đoàn kết. Sự khẳng định của Đức Thế Tôn: các bà con không nên tranh cãi nhau. Tranh cãi là nguồn gốc diệt vong(37) còn có ý nghĩa thời sự trong thời đại ngày nay.

Một khi các cá thể trong một dòng tộc, và gần nhất là anh em, biết vận dụng tinh thần tuy khác thân nhưng giống như đồng một tâm… sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm(38)  thì đó là dấu hiệu hưng thịnh của một gia đình, dòng tộc. Với thân tộc, anh em, tinh thần đoàn kết là đức tính rất mực quan trọng.

2. Tương kính, nhường nhịn và sẻ chia

Đã là người thân thì phải thương nhau, lo lắng cho nhau, sẻ chia công việc cho nhau. Đặc biệt, trong quan hệ anh em cùng một nhà thì đức tính này cần phải nỗ lực vận dụng. Thương nhau nhưng phải kính trọng nhau. Đó là nguyên tắc bắt buộc trong mọi mối quan hệ xã hội theo quan điểm Phật giáo, mà ở đây là quan hệ anh em, thân tộc. Phật dạy: Với mẹ và với cha/ Với anh nhiều tuổi hơn/ Với thầy là thứ tư/ Không nên sanh kiêu mạn/ Nên kính trọng vị ấy/ Nên tôn kính vị ấy/ Cúng dường họ, tốt lành(39). Phật giáo rất chú trọng đến trật tự đạo đức. Trật tự đạo đức này được xây dựng trên tinh thần thương nhau trong tương kính và nhường nhịn cả đôi bên. Câu chuyện xem ai nhiều tuổi hơn giữa con voi, con khỉ và chim đa đa được Phật thuyết giảng trong bộ Cullavagga(40) đã cho thấy tinh thần kính trọng các bậc trưởng thượng là chuẩn mực ứng xử cần có trong quan hệ thân tộc.

Nhờ sự tương kính và nhường nhịn này, mặc dù đôi khi có sự tranh cãi hay va chạm giữa anh em, thân tộc, nhưng sau đó mọi chuyện dễ dàng được tha thứ và mối quan hệ nhanh chóng được hàn gắn ngay. Từ sự kiện đệ tử của giáo phái Nigantha Nathaputta không nhường nhịn nhau, tranh cãi nhau, xung đột nhau và chia rẽ nhau sau khi giáo chủ của họ tạ thế, Đức Phật đã dạy cho Sa-di Cunda: Này Cunda, các ngươi hãy hội họp với nhau trong tinh thần hòa đồng và tương kính, không có tranh luận nhau(41).

Trong quan hệ sống chung giữa anh em thân thích thì sự quan tâm hỗ tương, san sẻ cho nhau từ sự nghiệp, cơ hội làm ăn cho đến giúp nhau trong những việc vặt giữa đời thường, cũng là những đức tính được Phật ca ngợi và tán thán. Câu chuyện thú vị giữa hai thầy Tỳ-kheo Nandiya và Kimila được Phật nêu rõ trong kinh Trung bộ là một bài học lớn về sự chia sẻ công việc khi cùng sống chung: Ai thấy ghè nước uống, ghè nước rửa chân, hay ghè nước trong nhà cầu hết nước, trống không thì người ấy sẽ lo liệu (nước). Nếu ai làm không nổi với sức bàn tay của mình, thì người ấy dùng tay ra hiệu gọi người thứ hai(42). Có thể thấy, sự thương nhau, tương kính, nhường nhịn và sẻ chia là các đức tính giúp cho quan hệ thân tộc, anh em ngày càng ổn định và phát triển.

3. Giữ vững nếp nhà

Nếp nhà được hiểu ở đây là truyền thống đạo đức của gia đình, của dòng tộc, là những giá trị tinh thần được thiết lập và củng cố từ nhiều thế hệ trước đó. Ngay như bản thân của Đức Phật, qua sự mô tả của Bà-la-môn Sonadana trong kinh Trường bộ, cho thấy Ngài có một nếp nhà trong sạch và vững chãi: Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời Tổ phụ không bị một vết nhơ nào, không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh, vì điểm này thật không xứng đáng cho Sa-môn Gotama đến yết kiến chúng ta, trái lại thật xứng đáng cho chúng ta đến yết kiến Sa-môn Gotama(43). Tạo ra những giá trị đạo đức truyền thống được cộng đồng ghi nhận, tán trợ và được các thế hệ tuân thủ nghiêm túc là phước đức của một dòng họ(44). Cũng chính vì lẽ đó mà Nho gia luôn đề cao giá trị: Đại hiếu tôn thâ(45). Nôm na có thể hiểu, giữ được truyền thống gia đình, làm rạng danh ông bà, cha mẹ là một trong những việc đại  hiếu.

Có một lưu ý về giá trị đạo đức truyền thống mà ở đây tạm gọi là nếp nhà. Bởi lẽ, không hẳn mọi giá trị được định hình từ truyền thống đều tốt, đều có giá trị. Vì lẽ, có những tập tục, có những định kiến được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác nhưng bản chất là bất lạc, là khổ đau. Điều này đã được Đức Phật cân nhắc: Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng(46)… mà cần phải có một thái độ thẩm sát tỉnh táo: khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này được người có trí tán thán; các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc”(47) thì hãy tuân thủ và thực hành. Nếp nhà hay giá trị đạo đức truyền thống cũng cần phải ứng xử như vậy. Không có truyền thống thì không có hôm nay, vận dụng nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại là tâm thế đúng trong việc giữ gìn mối quan hệ anh em, thân tộc.

4. Thái độ tự chủ và không ỷ lại

Thái độ ỷ lại người thân là một tập tính xấu của con người, xưa cũng như nay. Ỷ lại người thân là một dạng thức nương tựa ngã sở - sở hữu của bản ngã (Hòa thượng Trí Quang hay dùng chữ này - NV). Đó là một suy nghĩ từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của con người, theo dạng thức tương tự như suy nghĩ của Tôn giả Channa: ‘Đức Phật của chúng ta, giáo pháp của chúng ta’(48). Ở đây, vì đơn giản nghĩ rằng, người thân đó, có liên hệ đến bản thân chúng ta nên có khả năng bảo hộ và nâng đỡ chúng ta. Trong khi đó, tự ngã của mỗi người, xét đến cùng chỉ duyên sinh, là giả hợp, là không. Tự ngã vốn dĩ là không thì những gì liên hệ với tự ngã cũng tương ưng như vậy. Cho nên, thái độ ỷ lại người thân là một dạng nhận thức sai lầm. Phật giáo hướng con người tìm về vô ngã, lẽ tất nhiên không bao giờ đồng tình với việc ỷ lại, dựa dẫm người thân.

Mặt khác, từ lý giải của lý thuyết nghiệp quả, có thể thấy rằng, mỗi người tự chịu trách nhiệm trước hành vi của mình. Chí thân như anh em và cha con, nhưng một khi nghiệp quả đã đến thì phải tự chịu lấy quả báo. Trường hợp Đức Phật và dòng họ Sakya trước sự não hại của vua Tỳ Lưu Ly là một minh chứng sống động cho tính tự chủ trên phương diện nghiệp lực của mỗi người. Liên hệ với thực tiễn đời sống, mặc dù người thân và anh em có sự liên hệ tương hỗ đến nhau, tuy nhiên luôn bình đẳng trước nghiệp nhân mà mình đã gây tạo. Nhận rõ về tính chất này trong mối quan hệ thân tộc, anh em để vận dụng cho đúng, là điều cần làm của một người cư sĩ thuần thiện.

Ngay đây, cũng cần mở rộng để thấy rằng, đôi khi vì bà con mà mình giúp đỡ và sự giúp đỡ đó đem lại hiệu quá tốt; nhưng cũng có khi, vì sự giúp đỡ bà con nên mình phải chịu đau khổ, thiệt thòi. Đây là cách hành xử chưa đúng trong quan hệ thân tộc, anh em. Điều này, ngài Sariputta cũng đã quan tâm, cảnh báo: người vì bà con huyết thống làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn… người vì bà con huyết thống làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn(49). Do vậy, nếu như biết tự chủ bản thân, không qụy lụy người thân quá mức là thái độ sống đẹp cần được học hỏi và noi theo.

Thay cho lời kết

Quan hệ anh em và rộng hơn là họ hàng, thân tộc là điều cao cả, thiêng liêng. Tục ngữ Việt Nam đã khái quát cái thiêng liêng đó bằng câu nói đầy ý nghĩa: Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Từ hàng ngàn năm về trước, Đức Phật cũng khẳng định rằng: Bóng mát của thân tộc hơn người ngoài(50). Tính thiêng liêng đó đã khẳng định nét đạo đức riêng có của con người và xã hội loài người.

Trong năm sự thành tựu của loài hữu tình được Phật dạy trong kinh Tăng chi thì thành tựu bà con(51) là một trong những thành tựu đi đầu và mang tính cơ bản. Được sống và sống được lòng người không phải ai cũng thực hiện được. Nhất là trong cuộc sống luôn đầy dẫy những sự đua chen của các dục như hiện nay, khi mà gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè(52)… thì giữ cho được tình cảm anh em, thân tộc vững bền là việc không hề đơn giản.

 Đạo Phật chú trọng ở lẽ vị tha, trước khi bước ra phụng sự tha nhân ở nghĩa rộng nhất, thiết tưởng sự thực tập đơn giản bước đầu bằng cách quan tâm đến thân tộc, anh em theo những chuẩn mực mà Đức Phật đã dạy cũng là một trải nghiệm đầy giá trị. Đồng thời, đó cũng là lý tưởng vươn tới trong đời sống hiện thực của người cư sĩ, được Đức Phật tán thán, quan tâm: Bố thí, hành đúng pháp/ Săn sóc các bà con/ Làm nghiệp không lỗi lầm/ Là điềm lành tối thượng (53).

Chú thích: 

(1) Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, kinh Bại vong.

(2) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Lớn, kinh A-tu-la Pahàràda.

(3) Kinh Tiểu bộ, Trưởng lão Tăng kệ, chương mười, phẩm mười kệ, Kaludadin.

(4) Kinh đã dẫn.

(5) H.W. Schumann, Đức Phật lịch sử, Trần Phương Lan dịch, NXB. TP. HCM, 2000, tr. 239.

(6) Kinh Trung bộ, kinh Hữu học số 53.

(7) Theo Hajime Nakamura, Đức Phật Gotama, một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất, bản dịch của Trần Phương Lan, NXB. Phương Đông, TP. HCM, 2011, tr. 486.

(8) Tích truyện Pháp cú.

(9) Kinh Tiểu bộ, tập 9, chương XXI, phẩm tám mươi bài kệ, chuyện tiền thân số 536, chuyện Chú chim Kunala

(10) Nói cho đủ là:  鷸 蚌 相 爭, 漁 翁 得 利, tạm dịch: Trai cò đánh nhau, người đánh cá được lợi (Chiến Quốc Sách).

(11) Kinh Tiểu bộ, kinh tập, chương bốn, phẩm tám, kinh số 15, kinh Chấp trượng.

(12) Kinh Tăng nhất A hàm, bản dịch của Hòa thượng Thích Thanh Từ, tập 2, phẩm Đẳng kiến, xem thêm kinh Duy Lâu Lặc Vương, bản dịch của Thiền sư Nhất Hạnh; Tích truyện Pháp cú, phẩm Hoa, bản dịch của Viên Chiếu.

(13) Nguyên văn: 親族之廕故勝外人, (增壹阿含經卷第二十六, 東晉罽賓三藏瞿曇僧伽提婆譯, 等見品第三十四).

(14) Kinh Tăng nhất A hàm, bản dịch của Hòa thượng Thích Thanh Từ, tập 2, phẩm Đẳng kiến.

(15) Kinh đã dẫn.

(16) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Đại bát Niết-bàn, tụng phẩm VI.

(17) Theo, Vinaya Pitaka, Cullavagga, chương VII, đoạn 341. Bản dịch tiếng Việt của Tỳ-kheo Indacanda Nguyệt Thiên.

(18) Kinh Tăng chi, chương Chín pháp, phẩm Chỗ cư trú các loài hữu tình, kinh Trụ đá.

(19) Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Kakudha, kinh Kakudha.

(20) Vinaya Pitaka, Cullavagga, Seventh Khandhaka: Chapter 3, 361: “I would not give over the Bhikkhu-sangha, Devadatta, even to Sâriputta and Moggallâna. How much less, then, to so vile and evil-living a person as you”. Bản dịch tiếng Việt sử dụng trong bài của Tỳ-kheo Indacanda Nguyệt Thiên.

(21) Kinh Trung bộ, kinh Golaka Moggalana.

(22) Kinh Tiểu bộ, truyện Tiền thân (Jataka) số 533, Chuyện tiểu thiên nga (Cullahamsa).

(23) Xem thêm, kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm Đề Bà Đạt Đa thứ 12.

(24) Theo, Vinaya Pitaka, Cullavagga, chương VII, đoạn 383. Bản dịch tiếng Việt của Tỳ-kheo Indacanda Nguyệt Thiên.

(25) Theo Hajime Nakamura, Đức Phật Gotama, một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất, bản dịch của Trần Phương Lan, NXB. Phương Đông, TP. HCM, 2011, tr. 486.

(26) Theo, Vinaya Pitaka, Cullavagga, bản dịch tiếng Việt của Indacanda, chương Hành sự, phần VI, đoạn 174, câu chuyện về Tỳ-kheo Channa.

(27) Theo, Vinaya Pitaka, Cullavagga, bản dịch tiếng Việt của Indacanda, chương Hành sự, phần VI, đoạn 225, câu chuyện về Tỳ-kheo Channa. Bản dịch tiếng Việt của Tỳ-kheo Indacanda Nguyệt Thiên.

(28) Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết-bàn, tụng phẩm VI.

(29) Kinh Tiểu bộ, Trưởng lão Tăng kệ, chương bảy kệ, Channa.

(30) Kinh Đại bát Niết-bàn, bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, phẩm Di giáo thứ 26.

(31) Kinh Trung bộ, kinh Tiểu nghiệp phân biệt.

(32) Kinh Tương ưng, tập 1, Tương ưng Bà-la-môn, phẩm A-la-hán thứ nhất.

(33) Kinh Trường bộ, Kinh Đại bát Niết-bàn, tụng phẩm I

(34) Kinh đã dẫn.

(35) Kinh Trung bộ, kinh Kosambya.

(36) Kinh Tiểu bộ, Truyện Tiền thân Đức Phật, tập 4, phẩm Kulavaka, chuyện thứ 33, truyện Tiền thân Sammodamàna.

(37) Kinh đã dẫn.

(38) Kinh Trung bộ, Tiểu kinh rừng sừng bò.

(39) Kinh Tương ưng, tập 1, chương VII, Tương ưng Bà-la-môn, phẩm cư sĩ, Mànatthada.

(40) Vinaya Pitaka, Cullavagga, chương VI, tụng phẩm thứ hai, đoạn 262

(41) Kinh Trường bộ số 29, kinh Thanh Tịnh.

(42) Kinh Trung bộ, Tiểu kinh Rừng sừng bò.

(43) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Chủng Đức.

(44) Xem thêm, Kinh Trung bộ, kinh Đàm-ba-la sư tử hống.

(45) Lễ ký, thiên Tế nghĩa.

(46) Kinh Tăng chi, chương Ba pháp, Phẩm lớn, kinh Các vị ở Kesaputta

(47) Kinh đã dẫn.

(48) Kinh Tiểu bộ, Trưởng lão Tăng kệ, chương bảy kệ, Channa.

(49) Kinh Trung bộ, kinh số 97, kinh Dhananjani.

(50) Kinh Tăng nhất A hàm, đã dẫn ở trên.

(51) Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Bệnh, kinh Thành tựu.

(52) Kinh Trung bộ, Tiểu kinh khổ uẩn.

(53) Kinh Tiểu bộ, Kinh Tập, kinh Điềm lành lớn (kinh Đại hạnh phúc - MahaMangala sutta).

loading...