Sách Phật giáo

Vài nét đẹp lễ hội văn hóa

Thứ hai, 30/04/2018 09:16

Văn Hoá Việt có muôn ngàn nét đẹp và phong phú. Ngày hôm nay chúng ta đang mang những nét đẹp văn hóa ngàn đời của cha ông đến tận góc biển chân trời. Hy vọng một ngày nào đó, nền Văn Hóa Việt của chúng ta sẽ được nhiều người chấp nhận và thực hành với ước mong có một cuộc sống hài hoà và hướng thượng. 

A. Phần Mở Đầu. 

Lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam đã trải dài suốt mấy nghìn năm, và bàng bạc rộng khắp cả ba miền đất nước. Do đó, nói về văn hoá của dân tộc Việt chúng ta thật không đơn giản, bởi nó quá phong phú và đa dạng. Hôm nay chúng tôi xin trình bày vài nét đẹp mà người Việt chúng ta đã và đang thể hiện trong các dịp quan, hôn, tang, tế. 

B. Một vài nét đẹp qua các sinh hoạt quan hôn tang tế. 

I. Sự liên hệ của cá nhân, gia đình và dân tộc họ qua lễ tục cưới hỏi: 

Văn hóa mỗi miền một khác, mỗi nước một khác. Tây phương khác với Đông phương...Ví dụ trong lễ tục cưới hỏi, ở Tây phương ngày nay, khi người con trai và người con gái đã đến tuổi trưởng thành, họ có thể rời gia đình, đi thuê nhà ở riêng với nhau. Sau một thời gian như thấy thuận thảo hay đã có một vài mặt con mới rủ nhau làm đám cưới. Trái lại, ở Đông phương, nhất là ở Việt nam ta, trước khi người con gái về nhà chồng, việc cưới hỏi phải được tổ chức chu đáo, đầy đủ các lễ nghi như dạm hỏi, lễ đính hôn rồi cuối cùng là lễ cưới. Nét đẹp của Văn Hóa Việt trong lễ tục cưới hỏi là, hạnh phúc hôn nhân của đôi trẻ không thể tách rời hạnh phúc của gia đình và tộc họ. Nếu quan niệm tình yêu và hạnh phúc chỉ giới hạn trong phạm vi hai người phối ngẫu thì không hoàn toàn đúng và có phần ích kỷ, vì cha mẹ nào sinh con mà lại không yêu thương con của mình. Do đó, hạnh phúc của con cũng chính là hạnh phúc của cha mẹ và đồng thời cũng là nguồn vui chung của cả bà con hai họ. 
 Ảnh minh họa
II. Giọt nước mắt của cô thiếu nữ trong ngày vu quy: 


Người xưa có nói: 

" Khấp như xử nữ vu qui nhựt 
Tiếu tợ thư sinh lạc đệ kỳ"

Nếu thư sinh hỏng thi mà cười thì ắt hẳn đó phải là nụ cười héo hắt, không thể vui được; ngược lại giọt nước mắt của cô thiếu nữ khóc trong ngày vu quy phải là những giọt nước mắt của niềm vui. 

Cũng chưa hẳn như vậy. Theo quan điểm của chúng tôi, giọt nước mắt trong ngày Vu quy, hay bữa cơm cuối cùng với gia đình để rồi ngày mai người thiếu nữ về nhà chồng, giọt nước mắt ấy không thể nào gọi là vui được. Giọt nước mắt ấy đã chan chứa biết bao tình cảm yêu thương mặn nồng, gắn bó qua bao năm tháng cùng chung sống dưới mái ấm gia đình. Giọt nước mắt ấy rất đẹp , óng ả như pha lê. Giọt nước mắt ấy đã biểu lộ một nỗi niềm đó là chưa tròn bổn phận của mình đối với tổ tiên, ông bà: 

"Miếu thiêng vụng kén người thờ
Nhà hoang khói lạnh chị nhờ cậy em".

- (Nguyễn Bính)

Và giọt nước mắt ấy cũng bày tỏ bổn phận chưa tròn của kẻ làm con đối với cha mẹ. Nhà thơ Nguyễn Bính đã nói giùm tâm trạng của các cô gái trước lúc sang ngang: 

" Em ơi, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa..."

Nỗi "xót xa" của người thiếu nữ lên xe hoa về nhà chồng không phải vì đò xe cách trở, mà vì một khi từ giã mái ấm để đi làm dâu nhà người, thì kể từ đó mình đã không còn là người của mái ấm gia đình. Ngay cả chiếc gối trong khuê phòng bao năm mình đã nằm, lúc bấy giờ, sau khi ra đi, chiếc gối ấy cũng được mẹ sửa lại; và dĩ nhiên khi trở về thăm lại gia đình cô không được tự tiện nằm, ngồi như trước; cũng như không được tự tiện làm bất cứ điều gì nếu chưa được phép cha mẹ và các thành viên còn lại trong gia đình. Nỗi xót xa vì vừa mất đi cái gì thiêng liêng quý báu, vừa không còn thân thiết như xưa, vừa phải xa cha mẹ, xa gia đình, xa các em thơ cũng như chưa biết được những tháng ngày sắp tới phải sinh hoạt bên nhà chồng như thế nào... đó là nỗi xót xa, nỗi buồn trĩu nặng tâm hồn chứ không thể nào là niềm vui được. Cho nên giọt nước mắt của cô thiếu nữ trong ngày vu qui "khấp như xử nữ vu quy nhật", nó chan chứa biết bao tâm tư, tình cảm của người con gái Việt Nam trong đó. 

Như chúng tôi đã ví nó rất đẹp và óng ả như pha lê, nhưng pha lê lại rất dễ vỡ nếu chúng ta không biết cẩn trọng và giữ gìn. 

Do vậy, đã có biết bao cô gái Việt-nam vì không muốn mất đi cái tình cảm thiêng liêng quý báu ấy nên đã không muốn đi lấy chồng, muốn ở bên cha mẹ suốt đời. Các cô viện lý do là vì cha mẹ sức yếu tuổi già không ai hầu hạ, đỡ đần hôm sớm... Nhưng đâu có bậc cha mẹ nào mà muốn con mình ở như vậy suốt đời. Bởi cha mẹ đâu có ở đời với con. Rủi mai kia cha mẹ khuất núi, qua đèo thì con biết nương cậy vào ai. Do đó, cha mẹ muốn con gái của mình phải có nơi nương tựa, mà đành chấp nhận gánh vác những việc nặng nhọc hằng ngày để con có thể an lòng mà "xuất giá tòng phu". Nguyễn Bính diễn tả lời âu yếm thương yêu của người mẹ với cô con gái khi nhà trai đến dạm ngỏ (xem mắt) như sau: 


"Gái lớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc, nín đi không
Nín đi, mặc áo ra chào họ
Rõ quí con tôi, các chị trông... 
"Ruộng tôi cày cấy, dâu tôi hái
Nuôi dạy em cô, tôi đảm đương
Nhà cửa tôi trông, nợ tôi trả
Tôi còn khỏe chán, khiến cô thương."

(Nguyễn Bính) 

Nhưng trong ngày cưới của con, khi tiễn con ra khỏi cửa buồng, chỉ còn một mình mẹ lủi thủi ở lại, vì theo phong tục Việt, người Mẹ chỉ được phép tiễn con ra khỏi cửa buồng thôi, chứ không được theo con về đến nhà họ trai. Khi trở vào trong căn phòng mà con gái của mẹ đã từng ở, sửa lại chiếc gối, nhìn cái bàn, trông cảnh nhớ người, đâu đâu cũng toàn là kỷ niệm, hình ảnh của con lấp kín căn phòng. Những giọt nước mắt mà mẹ đã khéo kềm chế trong giây phút tiễn đưa, chia tay với con, thì giờ nầy mặc tình tha hồ tuôn chảy.

"Đưa con ra đến cửa buồng thôi
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi
Con ạ, đêm nay mình mẹ khóc
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi"

(Nguyễn Bính)

III. Lễ tục để tang

Tại sao ta phải để tang? Để tang là biểu lộ niềm tôn kính và biết ơn đối với người quá cố. 

1. Con cái để tang cho cha mẹ. 

Đối với cha mẹ, những người sinh thành và đã phải nhọc nhằn vất vả để nuôi mình khôn lớn, mình đã thọ nhận không biết bao nhiêu là công ơn của cha mẹ, không biết bao nhiêu là chén cơm và manh áo mà cha mẹ đã cho mình. Thì mảnh khăn tang chít trên đầu, chiếc áo tang mặc trên người là để tri ân và báo ân sinh thành dưỡng dục, mà hạn chế những việc làm vì ham vui có thể đi đến trụy lạc của mình, những việc làm đó có thể sẽ làm cho vong linh người quá cố không vui. Thứ đến là có thể để người láng giềng sẽ đánh giá cười chê, cho rằng cha mẹ vừa mới nằm xuống mà con cái không biết kiêng cữ gì hết. Ăn chơi, đàn hát, rượu chè là không biểu lộ sự bi ai, đau buồn trước sự mất mát to lớn đối với cha mẹ. Nói như thế, không có nghĩa là cha mẹ qua đời, người con phải làm ra vẻ buồn rầu áo não mới là đại hiếu. 

Chữ "chế" trong danh từ kép tang-chế, có nghĩa là chế chỉ, là ngăn chặn mọi sự vui chơi, hoan lạc trong suốt thời gian để tang. Ngày xưa ở quê nhà, những gốc cau, những giây trầu được các cụ chăm sóc mỗi ngày, khi các cụ qua đời, những gốc cau, những giây trầu ấy cũng được chít khăn tang và dường như chúng cũng biết biểu lộ sự buồn đau mất chủ, nên những giây trầu ấy có khi cũng héo úa vàng vọt. 

2. Học trò để tang cho thầy và con nuôi để tang cho nghĩa phụ, nghĩa mẫu. 

Vì chữ "tang" liên hệ đến chữ "tình", do vậy có tình tức là có tang. Có những người con nuôi không phải do cha mẹ sinh ra nhưng vì có tình với cha mẹ nuôi nên có thể để tang được; người học trò có ân tình với thầy cũng có thể để tang được. Nếu chít khăn tang trên đầu, mặc áo tang trên người mà không có chút tình thì dù có chít bao nhiêu cái khăn tang trên đầu và có để tang bao lâu cũng không có giá trị. 

3. Có nên duy trì lễ tục để tang không? 

Trong bối cảnh hiện tại những người Việt ở hải ngoại, xa quê, xa những sinh hoạt văn hóa nghìn đời đó, nếu cha mẹ của chúng ta khuất núi, chúng ta có nên để tang hay không? Nếu không làm thì sợ người đời dị nghị, phê bình nên cũng làm một cách nôm na chiếu lệ, làm cho có, không cần thiết, làm hời hợt không sâu sắc. Bởi không thấy giá trị ý nghĩa của khăn tang, rồi để tang một vài tuần, hoặc 49 ngày thì xả, viện cớ là vì ai cũng bận rộn với cơm áo, với công việc làm ăn buôn bán nên không thể để tang, hoặc không thể để lâu được. Dĩ nhiên người quá cố không trách cứ gì trước việc làm như hờ hững, vô tình của chúng ta. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, chúng ta làm như vậy sẽ cảm thấy như không xứng đáng với công ơn và sự hy sinh cao cả của cha mẹ hoặc những người mà chúng ta từng mang nặng ân tình. 

IV. Tinh thần tương tế


1. Tình láng giềng 

Ở Tây phương này, tình láng giềng không giống như ở Việt nam. Tình cảm láng giềng của Việt Nam gần gũi, gắn bó chặt chẽ vô cùng. Việc gì cũng có thể nhờ hàng xóm. Thiếu lon gạo, chén muối có thể qua hàng xóm mượn, thiếu bất cứ cái gì cũng nhờ hàng xóm giúp đỡ, thậm chí bệnh tật, gió máy đều có thể gọi nhờ hàng xóm giùp đỡ cho dù là nửa đêm, gà gáy mà không sợ phiền hà gì hết. Láng giềng ở Việt Nam không những chỉ giúp đỡ cho nhau về vật chất mà còn giúp cho ta về cả tinh thần nữa. 

Cách đây cũng nhiều năm, có một hôm tôi thấy trên một tờ báo Anh ngữ có đăng một tấm hình thật thương tâm, đó là hình ảnh một chiếc kéo cắt đôi bức hình hai mẹ con, bức tranh tách hai mẹ con thành hai mảnh riêng biệt. Điều xót xa là tuổi của người con chỉ mới lên mười. Nội dung bài báo cho biết là, một luật sư lão thành đã từng thắng những vụ kiện lớn tại Hoa-Kỳ đứng ra biện hộ cho em bé ấy được thoát ra khỏi vòng tay yêu thương và chăm sóc của người mẹ. Và kết quả, tòa phán quyết em là người thắng kiện. Nghĩa là em được (hay bị) thoát ly khỏi gia đình! Và dĩ nhiên người đàn bà kia (người thua kiện) đã mất đi quyền làm mẹ và mất hẳn một đứa con tuổi còn thơ dại. Đọc xong bài báo, tôi bàng hoàng xao xuyến, xót xa cho cả hai mẹ con. Nếu em bé ấy sinh ra trong xã hội Việt Nam và được nuôi dưỡng bằng chất liệu Văn Hoá Việt Nam, thì chúng tôi tin rằng sẽ không có tình trạng đó xảy ra, em sẽ được cứu bằng Văn Hóa Việt Nam. Trường hợp nếu có một em bé Việt Nam bị cha mẹ la rầy, đánh mắng, và cô bác láng giềng thấy được, em bé ấy sẽ được cô bác láng giềng bảo bọc, che chở. Họ sẵn sàng đem em về nhà khuyên nhủ, dỗ dành và chờ cho cha mẹ của em nguôi cơn tức giận sẽ đích thân dẫn em về, hướng dẫn em xin lỗi cha mẹ, và đồng thời khuyên cha mẹ nên đối xử thương yêu con cái, chứ không bao giờ có tình trạng họ giúi vào tay em bé số điện thoại của luật sư và khuyên em hãy nên điện thoại cho luật sư để em được bênh vực. 

Ở đây chúng ta không có điều kiện làm người láng giềng như ở bên nhà, nhưng ta có tình đồng hương. Tuy chúng ta không được sống san sát bên nhau, nhưng chúng ta có sự liên hệ qua những sinh hoạt hội đòan. Mặc dù kẻ sống ở phía tây, người sống ở bên đông nhưng ta có thể họp mặt nhau cuối tuần, nhờ có những sinh hoạt hội hè, đình đám, nhà thờ, chùa... Qua những sinh hoạt đó, chúng ta gặp gỡ nhau để trao đổi tâm tình đối với đồng hương, nối nhịp cầu thông cảm giữa người và người; sẵn sàng giúp đỡ và cùng siết chặt tay nhau để san bằng những khó khăn nơi đất khách quê người. 

2. Tục phúng điếu trong tang lễ 

Phúng điếu cũng là một lễ tục rất đẹp của dân tộc chúng ta. Qua lễ tục nầy, chúng ta có thể bày tỏ niềm biết ơn và tôn kính đối với người quá cố dưới mọi hình thức chẳng hạn như: chúng ta đến với một thẻ nhang, một tràng hoa, một bức trướng, một điếu văn... hay là một khoản tiền nhỏ để phụ giúp cho thân nhân người quá cố vượt qua những khó khăn trong việc ma chay, tống táng. Những hình thức phúng điếu như trên của dân tộc chúng ta, nó nói lên tinh thần tương tế của chòm xóm, láng giềng. Lễ tục nầy có khả năng giúp cho mọi người yêu thương, gắn bó và đùm bọc lẫn nhau. Ở hải ngoại ngày nay có nhiều người nghĩ không cần thiết phải duy trì lễ tục nầy, vì sống trong xã hội nầy hầu hết mọi người đều có bảo hiểm. Khi nằm xuống đã có bảo hiểm lo, con cháu không cần phải lo lắng gì cả. Cho nên vấn đề nhận phúng điếu bằng tiền sẽ không là vấn đề cần thiết, và tạo cho người quá cố mang nợ. Nhưng theo quan niệm của cá nhân chúng tôi, không nhận tiền phúng điếu cũng chưa hẳn là không mang nợ, và chưa chắc đó là một giải pháp ổn thỏa. Có điều chúng ta biết xử dụng lễ vật phúng điếu một cách khéo léo thì sẽ đem lại ích lợi cho cả người sống lẫn người đã mất. 

a. Không nhận phúng điếu 

Nếu không nhận phúng điếu, thì bằng hữu, thân nhân sẽ phải tìm một cách nào đó, bằng cách nầy hay cách khác để bày tỏ tấm lòng của họ đối với người quá cố. Cách thông thường là bằng một vòng hoa hay một lẵng hoa, mà hoa đẹp thì thường là đắt tiền. Cuối cùng chúng ta cũng phải nhận một cái gì đó từ nơi họ, không nhận phúng điếu bằng tiền, nhưng lại nhận phúng điếu bằng hoa thì cũng là nợ hoa vậy. Hoa tốn kém, nhưng chỉ có giá trị vài ngày, và sau đó hoa sẽ héo tàn. 

b. Nhận phúng điếu 

Thử giải pháp nhận phúng điếu bằng tiền. Nếu chúng ta nhận phúng điếu bằng tiền, thì thân nhân hay bằng hữu có thể đến với ta một số tiền ít nhiều theo khả năng của họ. Để thực hiện lễ tục nầy một cách hài hòa và lợi lạc, người thân không mặc cảm và người quá cố cũng không mang nợ. Giải pháp như sau: chúng ta có thể làm một cái thùng nhỏ, vuông vức nhưng kín đáo để thân bằng quyến thuộc bỏ tiền phúng điếu vào. Trên thùng ấy ghi rõ: "tất cả số tiền phúng điếu nầy sẽ được sung vào quỹ từ thiện, cứu trợ xã hội... để hồi hướng công đức cho người quá cố", . Sau đó chuyển tất cả số tiền này tới một cơ quan từ thiện nào, hoặc người thân đích thân mang tất cả số tiền nầy về giúp cho các trẻ em nghèo khổ ở Việt Nam hoặc là những đồng bào bị thiên tai bão lụt ở quê nhà chẳng hạn. Như vậy, Những người kém may mắn cũng thừa hưởng được những ân huệ của người quá cố; người quá cố đã nằm xuống rồi mà vẫn còn làm được một việc cuối cùng có ích lợi cho mọi người; đồng thời, thân nhân và bằng hữu cũng có cơ hội bày tỏ chút ân tình với người quá cố và còn gián tiếp làm được một công việc phúc lợi cho đời. 

Cho nên việc phúng điếu ở hải ngoại ngày nay, theo chúng tôi nên chuyển qua hướng như vậy, để chúng ta có tầm nhìn rộng hơn, đẹp hơn và ích lợi hơn. Đây là việc làm thiết thực ích lợi, chúng ta cần nên khuyên hóa cho con cháu biết. 

V. Tục thờ cúng, giỗ kỵ và nhớ ơn tiền nhân


1. Tục giỗ kỵ ông bà. 

Hàng năm ở Việt Nam chúng ta đều có những ngày giỗ kỵ, ngày họp mặt trong gia đình tộc họ, một năm một lần. Sở dĩ có ngày nầy, là để tập họp con cháu trong gia đình cùng về đoàn tụ, trước hết là để tưởng nhớ đến cội nguồn tổ tiên theo truyền thống "ẩm thủy tư nguyên" (uống nước nhớ nguồn), và sau là để con cháu các chi, các nhánh, con chú, con bác trong tộc họ có dịp quen biết nhau. 

Việc cúng cho ông bà, tổ tiên và những người quá cố, họ có hưởng dụng được hay không đó là một việc (chúng tôi sẽ bàn rõ đề tài nầy vào một dịp khác có nhiều thời giờ hơn), còn về phía chúng ta, cúng cho người quá cố là chúng ta đang làm bổn phận hiếu đạo: tri ân, báo ân đối với người quá cố. 

2. Chiếc bàn thiên trong văn hóa Việt 

Chúng ta thường thấy ở thôn quê Việt Nam trước mỗi nhà có đặt chiếc bàn thiên. Dưới nhãn quang của một số người, họ cho đó là một hình thức mê tín, nhưng với tâm tình của người dân quê chất phác, đó là một hình ảnh hết sức đạo đức. Bởi vì quan niệm về nhân sinh quan của dân tộc Việt, đối với cuộc sống không phải chỉ có quan hệ với những người đang sống không thôi, mà cũng phải tưởng nghĩ đến những người đã nằm xuống, những người đã khuất mặt, những chiến sĩ vô danh, những người đã vì nước, vì dân, những người đã hy sinh để cho mình có một đời sống ấm no hạnh phúc. Theo quan điểm của chúng tôi, chiếc bàn thiên để tưởng niệm đến những người đó, là một việc làm hết sức nhân bản, đạo đức và rất đẹp. Đối với những phong tục ở các quốc gia Tây phương hằng năm họ có những ngày truy điệu, tưởng niệm để nhớ ơn những anh hùng, chiến sĩ, những người có công với đất nước, hoặc treo cờ rũ _ một hình thức quốc tang để tưởng niệm, mỗi khi có một vị trong hàng lãnh đạo quốc gia nằm xuống...Tất cả những hình thức ấy, dù là phong tục ở phương Ðông hay phương Tây, cũng đều bày tỏ niềm tôn kính, tri ân đối với người đã khuất. 

3. Lễ chúc thọ 

Các cụ của chúng ta thường không quan trọng ngày sinh của mình, mà lại luôn luôn chú trọng những ngày húy nhật của tổ tiên ông bà. Ngày sinh của chính mình thì các cụ có thể không nhớ, nhưng ngày húy kỵ của tổ tiên, ông bà thì các cụ chẳng bao giờ quên. Ðây là điểm nổi bật thường thấy ở xã hội Việt Nam. 

Các cụ có thể không nhớ ngày sinh của các cụ thì không sao, nhưng phận làm cháu con, chúng ta không thể lơ là, hờ hững những ngày đó, nhất là lễ mừng thọ các cụ hằng năm. Chúng ta tổ chức những buổi lễ như vậy để các thế hệ con cháu có dịp học hỏi về bài học tri ân và cung kính bậc trưởng thượng, người đã hy sinh cho cha mẹ của mình và bồi đắp cho chính các em đó. 

C. Phần kết 

Tóm lại, Văn Hoá Việt có muôn ngàn nét đẹp và phong phú. Ngày hôm nay chúng ta đang mang những nét đẹp văn hóa ngàn đời của cha ông đến tận góc biển chân trời. Hy vọng một ngày nào đó, nền Văn Hóa Việt của chúng ta sẽ được nhiều người chấp nhận và thực hành với ước mong có một cuộc sống hài hoà và hướng thượng. Muốn được như vậy thì tất cả chúng ta, những người Việt Nam phải luôn luôn trau giồi, học hỏi và động viên con cháu phải biết tôn trọng, giữ gìn nền văn hóa cao đẹp nầy, để thừa kế gia tài quý báu đạo đức của cha ông để lại. Nếu chúng ta không khéo giữ gìn lễ tục, không khuyến khích con cháu học hỏi và sống với đạo lý ngàn đời của cha ông, thì chúng ta sẽ đánh mất đi di sản văn hóa của dân tộc. 

Nếu những đạo lý đó mất đi, thì làm sao chúng ta có cơ hội vãn hồi lại sự thanh bình cho đất nước, làm sao các thế hệ con cháu của chúng ta sau này có cơ hội nghĩ về việc xây dựng quê hương, vì chúng không hiểu gì về giá trị đạo đức của dân tộc, không có ý niệm gì về cội nguồn, tổ tiên, và dòng tộc. Cho nên còn giữ được truyền thống đạo lý Việt Nam, là còn có thể giữ được giềng mối của quốc gia, dân tộc. 

Hôm nay trong phạm vi của bối cảnh sinh hoạt cùng quí cụ cao niên, với thời lượng ngắn ngủi, chúng tôi xin chỉ được giới thiệu vài nét khái quát về những nét đẹp trong Quan, Hôn, Tang, Tế của nền văn hóa Việt. Với những đề tài lớn lao và ích lợi như thế nầy, hy vọng trong tương lai chúng ta nên tạo những cơ hội để thế hệ trẻ được tham dự, cùng trình bày và thảo luận cặn kẽ hơn. 

Chân thành cám ơn quý cụ. 

Thích Tâm Hòa
loading...