Sách Phật giáo
Vài suy nghĩ về Đại Tạng Kinh Việt Nam
Thứ hai, 12/12/2017 01:04
Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII sắp diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào tháng 11/2017 với chủ đề “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”. Đây là tín hiệu, là niềm vui của tất cả Phật giáo đồ khắp cả nước vì một lần nữa tổ chức Giáo hội khẳng định sự phát triển bền vững trong sự nghiệp xương minh Phật pháp và đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam kính cầu chúc Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc với trí tuệ tập thể lèo lái con thuyền Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành công tốt đẹp.
Từ Đại hội lần thứ II nhiệm kỳ 1986-1991 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam được thành lập với mục đích bảo tồn các giá trị văn hóa, đạo đức, triết lý và tâm linh của Phật giáo; phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam. Trong đó, phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam được xem là nhiệm vụ hàng đầu trong việc truyền bá lời Phật dạy. Mặc dù được thừa hưởng những thành quả của Chư thiền hiền đức, nhưng Viện Nghiên cứu cũng gặp không ít khó khăn.
I. Phiên bản Đại Tạng Kinh
Đại Tạng Kinh hay Tam Tạng Kinh Điển hay Tam Tạng Thánh giáo là tên gọi chỉ cho toàn bộ kinh điển Phật giáo đã được hệ thống hóa trong cùng một ngôn ngữ, bao gồm 3 tạng: Kinh, Luật, Luận. Từ hai ngôn ngữ gốc được dùng để ghi chép kinh điển là Sanskrit và Pali. Kinh điển Phật giáo hiện nay đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới nên cũng đã có nhiều Đại Tạng Kinh với ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, do các yếu tố hoàn chỉnh, hệ thống và ảnh hưởng lịch sử mà các Đại Tạng Kinh Pali, Trung Hoa và Tây Tạng có giá trị vượt trội hơn.
Cần để ý rằng, trong cùng một loại Đại Tạng Kinh có những khác biệt trong mỗi ấn bản, chẳng hạn có những khác biệt trong Đại Tạng Kinh Pali ấn bản của Thái Lan so với Đại Tạng Kinh Pali ấn bản của Tích Lan. Cũng vậy, tuy được xem là Đại Tạng Kinh Trung Hoa, nhưng có những khác biệt về nội dung giữa các ấn bản của Nhật Bản, của Đại Hàn, của Trung Hoa. Vì khi tập thành đã dựa trên những ấn bản khác nhau trước đó của Đại Tạng Kinh Trung Hoa.
Nam Truyền Đại Tạng Kinh, hay cũng được gọi là Thánh điển Pali, là Đại Tạng Kinh của các quốc gia Phật giáo thuộc Phật giáo Nam truyền như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia... Đây là Đại Tạng Kinh được hệ thống và hoàn chỉnh sớm nhất, không trải qua những chặng đường phiên dịch nhiêu khê nên được các nhà nghiên cứu Tây phương tin tưởng cho rằng gần gũi với những gì đức Phật giảng dạy nhất.
Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh: Đây là Đại Tạng Kinh Trung Hoa (kanji: 大正 新脩大蔵経, romaji: Taishō Shinshū Daizōkyō), thường gọi tắt “Chánh Tạng” hoặc “Đại Chánh Tạng”, là bộ Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán được các học giả danh tiếng của Nhật tập thành dưới triều Đại Chánh của Nhật Bản (1912-1925) và Hội Xuất bản các kinh điển Quan trọng Taisho (大正一切経刊行会) ấn hành trong thời gian 10 năm bắt đầu từ năm 1924 và hoàn tất năm 1934. Đây là Đại Tạng được giới học giả nghiên cứu đánh giá là hoàn bị nhất, có thẩm quyền nhất và uy tín nhất được sử dụng khắp nơi trên thế giới kể cả trong các đại học Âu Mỹ để nghiên cứu Phật giáo.
Đại Tạng này gồm 100 tập dày và lớn theo khổ tự điển, bao gồm gần 12.000 trang, chứa đựng 3360 bản Kinh, Luật, Luận sớ giải. Phần chính của Đại Tạng là 55 tập bao gồm Kinh, Luật, Luận. Những quyển kinh còn lại đa phần là trước tác của các tông sư 30 tập với 736 tác phẩm của người Nhật và 15 tập đồ tượng. Bản này hiện thời được coi là bản kinh tiêu chuẩn và uy tín nhất vì mỗi bản kinh, luận đều được tham khảo, hiệu đính tỷ mỉ đồng thời trong phần ghi chú còn có thêm các thuật ngữ bằng tiếng Pali và Sankrit. Bản này được sử dụng khắp nơi trên thế giới kể cả các phân khoa Phật học trong các trường đại học Âu Mỹ các tông phái của Trung Hoa và Nhật Bản và những đề mục liên quan đến lịch sử, tiểu sử, mục lục.
Đại Tạng Kangyur và Tengyur: Đây là tên gọi Đại Tạng Kinh Tây Tạng, bao gồm hơn 300 bộ Kinh Luận được dịch từ Sanskrit. Kinh tạng Kangyur ghi lại những thuyết giảng của đức Phật bao gồm luôn cả giới luật, gồm 92 bộ với 1055 bài. Luận tạng Tangyur bao gồm các Bộ luận của các bậc luận sư Phật giáo Ấn Độ, gồm 224 bộ với 3626 bài. Điều đáng lưu ý là trên thực tế có nhiều kinh điển được đọc tụng, nghiên cứu, giảng dạy hơn là số lượng đã được in trong Đại tạng.
Có thể vì mất bản gốc Sanskrit nên một số lớn các bản dịch trước đây trong thời kỳ đầu của Phật giáo Tây Tạng không được chính thức thừa nhận. Mãi đến thế kỷ 11, mới có kế hoạch xét lại các bản dịch và cho vào mục lục Đại Tạng Kinh. Tuy vậy vẫn còn một số lớn nằm ngoài được dịch trực tiếp từ nguyên bản Sanskrit ở giai đoạn khá sớm nên Đại Tạng Kinh Tây Tạng được các học giả đánh giá là nguồn tư liệu trung thực và quan trọng.
II. Đại Tạng Kinh Việt Nam
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thành lập Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam (1991-2017) gồm Ban Chứng minh và Hội Đồng Chỉ đạo. Tiêu chí hoạt động Hội đồng Phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam theo hai truyền thống Phật giáo: Nam Truyền Đại Tạng Kinh Việt Nam và Bắc Truyền Đại Tạng Kinh Việt Nam.
1. Nam Truyền Đại Tạng Kinh Việt Nam
Cố Hòa thượng Tiến sĩ Thích Minh Châu đã cố công dịch thuật từ tiếng Pali sang tiếng Việt Tạng kinh Nikaya như: Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh và Tiểu Bộ Kinh (Jātaka: Chuyện Tiền Thân Đức Phật) thì ngài chỉ dịch ra tiếng Việt từ Tập I - Tập V, và sau này đã có cố Giáo sư cư sĩ Nguyên Tâm - Trần Phương Lan tiếp tục dịch sang tiếng Việt (Tập VI -Tập X) theo bản tiếng Anh của Hội Kinh Tạng Pali, Luân Đôn - Anh Quốc (Pali Text Society - Oxford University - London) để hoàn thành Tam Tạng Kinh điển của hệ phái Theravada. Đây là một thành quả tuyệt vời của Cố Hòa thượng Minh Châu cũng như của Phật giáo Việt Nam.
Sau khi Hòa thượng Tiến sĩ Thích Minh Châu viên tịch, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã suy cử Hòa thượng Tiến sĩ Thích Trí Quảng tiếp tục thành quả của tiền nhân đi trước. Sau gần 40 năm thực hiện, đến cuối năm 2011 sự nghiệp phiên dịch để hoàn thành Đại Tạng Kinh Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng phấn khởi. Đến 2016, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã hình thành Đại Tạng Kinh Nam truyền và đóng thành 13 tập khổ lớn (26x19) rất trang nhã.
Tập 1 có 744 trang, tập 2 có 632 trang, tập 3 có 666 trang, tập 4 có 810 trang, tập 5 có 844 trang; tập 6 có 860 trang, tập 7 có 786 trang, tập 8 có 814 trang, tập 9 có 662 trang, tập 10 có 768 trang, tập 11 có 802 trang, tập 12 có 756 trang và tập 13 của Tiểu Bộ Kinh có 714 trang. Tổng cộng 13 quyển là 9.858 trang. Đó là tất cả những lời Phật dạy suốt 45 năm hiện thế của Ngài.
Tạng Luật do Hòa thượng Hộ Tông, Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Giới Nghiêm, Thượng toạ Giác Giới, Thượng toạ Chánh Tân đã chuyển dịch toàn bộ ra tiếng Việt; phần Luận tạng, Hòa thượng Tịnh Sự cùng một số vị khác đã và đang dịch ra tiếng Việt cũng như chú giải, rất thuận tiện, lợi ích cho việc giảng dạy, nghiên cứu và học tập của giới học Phật. Như vậy, cần có sự tập hợp thông qua để khẳng định Đại Tạng Kinh Việt Nam phần Phật giáo Nguyên thủy đã hoàn thành.
2. Bắc Truyền Đại Tạng Kinh Việt Nam
Bắc truyền Đại Tạng Kinh Việt Nam còn gọi Đại Tạng Kinh Việt Nam Phật giáo Đại thừa phát triển, Việt dịch từ bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Ngoại trừ Bốn bộ A Hàm - Agama (Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm) đã được Việt dịch do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành trong đó công lớn là Hòa thượng Thích Tuệ Sĩ chủ biên và phiên dịch; Viện Nghiên cứu cũng ấn hành bộ Kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Lăng Già… của các vị như Ngài Ðại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Ðổng Minh, Hòa thượng Thích Trí Quang, Hòa thượng Thích Thanh Từ, Hòa thượng Thích Thiện Siêu... Còn các bản kinh khác đã và đang thực hiện của chư vị học giả trong và ngoài nước như thành quả tổ chức hiệp hội:
- Đại Tạng Kinh Linh Sơn Pháp Bảo: Do Hòa thượng Tịnh Hạnh (định cư ở Đài Loan) sáng lập và bảo trợ, hoạt động từ năm 1994, đã in được Tạng kinh gồm 70 tập: Việt dịch từ 17 tập nơi Tạng kinh của Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu (Đại Tạng Kinh/Đại Chính Tân Tạng): Tập 1 đến tập 17.
Không dịch bộ Mật giáo (Từ tập 18 “ 21) chỉ đưa Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Đại Tạng Kinh/Đại Chính Tân Tạng Tập 19, N0 945, 10 quyển) đã được Đại Tạng Kinh/Đại Chính Tân Tạng sắp vào bộ Mật giáo lên bộ Kinh tập, biên tập theo bản Việt dịch của Cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Tám. Đến 2004 gần như hoàn thành gồm những bản chính yếu.
- Ban phiên dịch Pháp tạng Phật giáo Việt Nam: Do Hòa thượng Thích Đổng Minh chủ trì thành lập vào năm 2002 với sự tham gia của một nhóm tăng, ni, phật tử tại Nha Trang (Khánh Hòa). Song song với Ban phiên dịch này là việc thành lập một Ban bảo trợ phiên dịch Pháp tạng, do Như Bửu làm Trưởng ban, có nhiệm vụ vận động tài chánh phục vụ công tác phiên dịch.
- Đại Tạng Kinh Tuệ Quang: Do Cư sĩ Nguyên Hiển (Bác sĩ Trần Tiễn Huyến) sáng lập và bảo trợ, nhận lãnh Việt dịch phần Tạng Luận, với sự giúp sức của hai người em là Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh và Trần Tiễn Tiến cùng nhiều người khác. Công trình của Bác sĩ Huyến chú trọng nhiều đến sáng kiến sử dụng phần mềm máy tính để phác dịch rồi sau đó chỉnh sửa lại.
Hội hoạt động từ năm 2006, đến đầu năm 2012 thì dịch xong Tạng Luận: Việt dịch từ 8 tập nơi Tạng Luận (tập 25 - tập 32) của Đại Tạng Kinh/Đại Chính Tân Tạng, đang chuẩn bị in 2 tập 25, 26. Sau Tạng Luận thì đến Tạng Luật. Tạng Luật gồm 3 Tập 22, 23, 24, gồm 4 Bộ Luật Tăng Kỳ, Tập Tụng, Ngũ Phần, Tứ Phần cùng những liên hệ là theo hệ Cựu dịch. Còn Luật Hữu Bộ do Đại sư Nghĩa Tịnh (635-713) Hán dịch vào đời Đường và toàn bộ các dịch phẩm thuộc Hữu Bộ do Đại sư Nghĩa Tịnh Hán dịch là theo hệ Tân dịch.
- Ban phiên dịch Việt ngữ Vạn Phật Thánh Thành: Đây là một trong các tổ chức do Hòa thượng Tuyên Hóa sáng lập tại Hoa Kỳ. Tuy nhóm này không đề ra mục đích xây dựng Đại Tạng Kinh tiếng Việt, nhưng họ đã đóng góp một số bản Việt dịch kinh điển hiện đang được lưu hành.
- Các dịch giả cá nhân: Ngoài các tổ chức nêu trên, chúng tôi cũng ghi nhận được sự đóng góp của hàng trăm dịch giả cho công việc phiên dịch, trong đó có cả tăng sĩ và cư sĩ như là: Thích Bảo Lạc, Thích Chánh Lạc, Thích Chính Tiến, Thích Chúc Hiền, Thích Đắc Pháp, Thích Đạo Tâm, Thích Đức Niệm, Thích Duy Lực, Thích Giác Chính, Thích Giác Quả, Thích Hằng Đạt, Thích Hành Trụ, Thích Hạnh Tuệ, Thích Hồng Nhơn, Thích Huệ Hưng, Thích Huyền Dung, Thích Huyền Tôn, Thích Khánh Anh, Thích Minh Lễ, Thích Minh Quang, Thích Minh Thành, Thích Nguyên Chơn, Thích Nguyên Hùng, Thích Nguyên Ngôn, Thích Nguyên Xuân, Thích Nhất Hạnh, Thích Như Điển, Thích Nhuận Châu, Thích nữ Chơn Tịnh, Thích nữ Diệu Châu, Thích nữ Diệu Thiện, Thích nữ Đức Thuần, Thích nữ Huệ Thanh, Thích nữ Như Huyền, Thích nữ Như Phúc, Thích nữ Như Tuyết, Thích nữ Tâm Thường, Thích nữ Thuần Hạnh, Thích nữ Tịnh Nguyên, Thích nữ Tịnh Quang, Thích nữ Trí Hải, Thích nữ Trung Tể, Thích nữ Tuệ Thành, Thích Phước Sơn, Thích Quảng Độ, Thích Quảng Trí, Thích Tâm Châu, Thích Tâm Hạnh, Thích Tâm Khanh, Thích Thanh Từ, Thích Thiện Chơn, Thích Thiện Siêu, Thích Thiền Tâm, Thích Thiện Tông, Thích Thiện Trí, Thích Tịnh Nghiêm, Thích Trí Nghiêm, Thích Trí Quang, Thích Trí Thủ, Thích Trí Tịnh, Thích Trung Quán, Thích Từ Chiếu, Thích Tuệ Sỹ, Thích Tuệ Thông, Thích Vạn Thiện, Thích Viên Đức, Thích Viên Giác, Thích Viên Lý, Cao Hữu Đính, Đạo Tâm, Diệu Âm, Định Huệ, Đoàn Trung Còn, Huyền Thanh, Lê Đình Tám, Lệ Nhã, Lý Hồng Nhựt, Nguyên Hảo, Nguyên Hiển, Nguyên Hồng, Nguyên Huệ, Nguyễn Minh Tiến, Nguyên Tánh, Nguyên Thuận, Nguyên Trang, Như Hòa, Phước Thắng, Quảng Lượng, Quảng Minh, Thanh Tâm, Thiện Nhựt, Trần Văn Nghĩa, Trúc Tiên, Tuệ Khai, Tuệ Nhuận, Vọng Chi v.v...
Như thế, trong vòng 2-3 năm nữa, Đại Tạng Kinh Việt Nam phần Phật giáo Bắc truyền sẽ hoàn thành. Đại Tạng Kinh Việt Nam bước đầu đã hoàn thành, là một phật sự lớn, góp phần chính để khẳng định bản sắc của Phật giáo Việt Nam. Có Đại Tạng Kinh Việt Nam thì các vấn đề như Nghi lễ, Nghi thức tụng niệm v.v… sẽ được điều chỉnh một cách thuận hợp.
III. Khó khăn và kiến nghị
1. Khó khăn
Các cá nhân, hiệp hội tổ chức Phật giáo trong ngoài nước đã phiên dịch tác phẩm Đại Tạng Kinh rất hoan hỷ hợp tác với Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, với Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhưng có vài yêu cầu bất cập là:
- Không được chỉnh sửa, thêm bớt hay chú giải tác phẩm. Đây là điều thật khó khăn vì tác phẩm cần thống nhất ngôn ngữ dịch thuật chung.
- Có những tác phẩm dịch thuật trùng lặp, có nhiều tác giả, làm thế nào để chọn tác phẩm hay tác giả đưa vào Đại Tạng Kinh là điều rất khó khăn.
- Mỗi hiệp hội tổ chức Phật giáo sắp xếp thư mục Đại Tạng Kinh theo mỗi cách khác nhau. Hay như cách sắp xếp thư mục bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh và Đại Tạng Kinh Tây Tạng cũng có sự sai biệt. Nên chọn thư mục nào cho Đại Tạng Kinh Việt Nam.
2. Kiến nghị
Bắc Truyền Đại Tạng Kinh Việt Nam sớm hoàn thành người viết chân thành có vài kiến nghị:
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và cần có những quan tâm hơn nữa đối với những hoạt động của các Đại Tạng Kinh kể trên, kêu gọi sự hợp tác toàn diện đóng góp cho căn nhà chung của Phật giáo Việt Nam.
- Cần có thống nhất về các thuật ngữ Phật học tránh cho những nhà nghiên cứu và học giả không phải thêm phép đối chiếu. Đồng thời cho phép Hội đồng phiên dịch thẩm định.
- Cần có thông tin rộng rãi trên các trang mạng (đặt biệt trang web: vncphathoc.com) về hoạt động phiên dịch của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, các tổ chức và cá nhân phiên dịch để tránh sự chồng lấp lãng phí tiền bạc và nhân lực; cũng như cần triển khai với những tác phẩm chưa dịch.
- Cần có thư mục riêng cho Đại Tạng Kinh Việt Nam, sắp xếp tất cả tác phẩm phiên dịch của nhiều tác giả Việt Nam nhằm ghi nhận các bản chú giải, cũng như thống kê chính xác số lượng kinh điển đã dịch.
Tóm lại với những thành quả Đại Tạng Kinh Việt Nam là bước tiến dài, là tâm nguyện lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chư tôn đức tiền bối từ quá khứ cho đến hiện nay đã dày công phiên dịch, trong đó cũng có những hiệp hội Phật giáo Việt Nam từ trong nước đến hải ngoại cũng góp phần trong công cuộc phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam. Người dân Việt Nam có quyền kỳ vọng lãnh hội lời Phật dạy một cách sâu sắc, đem lại lợi lạc tự thân và hòa bình cho nhân loại.
Kính chúc Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII thành công tốt đẹp!
ĐĐ. TS.Thích Đức Trường - Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng VNCPHVN
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII