Sách Phật giáo

Vài suy nghĩ về định hướng phát triển giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer

Thứ hai, 25/02/2018 08:53

Sau khi đất nước được độc lập, thống nhất, với sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981 tại thủ đô Hà Nội, trên cơ sở hợp nhất 9 hệ phái, tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer càng có điều kiện chuyển mình và thành tựu trên nhiều lĩnh vực trong việc góp phần phát triển đạo pháp và xây dựng đất nước.

Ở lĩnh vực giáo dục Phật giáo, hiện nay hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer đã hình thành Phân ban Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp hệ thống giáo dục đào tạo theo định hướng của nền giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer trong sự hội nhập và phát triển của nền giáo dục Phật giáo Việt Nam. Bài tham luận này chỉ trình bày 2 nội dung chính: Khái quát hóa về hệ thống giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer và giải pháp phát triển.

I. Khái quát về hệ thống giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer
1. Hệ thống giáo dục nhà chùa

Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer được khởi nguyên từ nền giáo dục tự phát ở nhà chùa trong các Phum Srok. Thực tế cho thấy nơi nào có Phum Srok, (như đơn vị hành chính làng xã của người Việt) thì nơi đó có chùa, đúng như nếp sống văn hóa của người Khmer: “Kon lóengna, miên Khmer, kon lóeng nưng, mien wat” (Nơi nào có người Khmer thì nơi ấy có chùa). Có thể nói, đây là mô hình giáo dục đặc trưng của Phật giáo Nam tông Khmer. 

Nhà chùa là nhà trường, là trung tâm giáo dục, văn hóa mang tính truyền thống từ xưa đến nay. Nhà sư là nhà giáo. Do đó, vai trò của nhà sư trong việc giáo dục con em phật tử là vô cùng quan trọng. Nói một cách cụ thể, sư là những người thầy đầu tiên của nền giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer được nhìn nhận như là chủ thể giáo dục. Sự gắn bó giữa nhà chùa (nhà trường) với quan niệm ‘Sống gửi của, chết gửi hài cốt” đã giúp cho việc giáo dục con em phật tử diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Các con em vào chùa vừa học giáo lý, vừa học chữ, học nghề, học văn hóa, học rèn luyện nhân cách đạo đức, nói chung mô hình này được gọi là mô hình học tu.

Có thể nói trường học đầu đời của đồng bào Khmer là tại các ngôi chùa. Nhằm nâng cao dân trí cho đồng bào Khmer, tại các ấp, xã vùng sâu vùng xa đều được hệ phái tạo điều kiện cho các chùa mở lớp dạy học tiếng mẹ đẻ, cả tiếng Việt, tiếng Pali, kết hợp dạy nghề. Chùa nào đông sư sãi, phật tử số lượng đông thì lại được tổ chức quy mô, dạy đúng theo chương trình Phật giáo Nam tông Khmer đề ra và đã được công nhận qua kết quả kiểm tra chất lượng hàng năm.
 
2. Hệ thống học đường

- Sơ Trung cấp Phật học: Do tính đặc thù của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nên chương trình giáo dục đào tạo dành cho hệ phái đều có sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương Giáo hội, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Dân tộc Trung ương và địa phương, Ủy ban Mặt trận các cấp, đã thành lập 6 trường Trung cấp Phật học, trong đó nổi bật nhất là Trường Trung cấp Pali Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng, mở các lớp Vini, Pali Trung cấp, Sơ cấp, Khmer ngữ và bổ túc văn hóa cấp 1, 2, 3; lớp dạy Anh văn, tin học cho chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer và thanh thiếu niên đồng bào Khmer. Được biết tại các tỉnh Nam Bộ, hiện nay các cơ sở đã nỗ lực đào tạo như sau:

+ Sóc Trăng: Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ có 170 vị sư sãi theo học từ năm thứ nhất đến năm thứ tư.

+ An Giang: 03 điểm học Sơ cấp Pali của Phật giáo Nam tông Khmer, có 60 tăng sinh theo học, gồm chùa Kol Bô Phức (27 tăng sinh), chùa Sà Lôn (11 tăng sinh), chùa Tommít (22 tăng sinh).

+ Trà Vinh:

~ Tiểu học ngữ văn Khmer (lớp 1 - 5): 931 lớp, 22.110 chư tăng và thanh niên sinh theo học.
~ Cấp II Trung học Cơ sở (Sơ cấp Pali Khmer, từ lớp 6 - 9): 102 lớp, 2.797 chư tăng và thanh niên theo học.
~ Cấp III Trung học Phổ thông (Trung cấp Pali Khmer, từ lớp 10 - 12): 14 lớp, 459 chư tăng và thanh niên sinh theo học.
~ Phối kết hợp với Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Trà Vinh mở lớp tập huấn nghiệp vụ sư phạm cho 1.256 achar.

+ Kiên Giang:

~ Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tổ chức thi tốt nghiệp Tiểu học Pali và Kinh Luận Giới Trây, Tô, Ek, lớp 5 Khmer ngữ năm 2014 tại hội đồng thi chùa Rạch Sỏi, Tp.Rạch Giá. Có 247 thí sinh dự thi.
~ Tổ chức 08 lớp dạy thiền cho chư tăng, tu nữ và phật tử. Có 485 thiền sinh tham dự tại các điểm: chùa Sóc Xoài, chùa Rạch Sỏi, chùa Khlang Mương, chùa Tà Bết, chùa Tiên Trúc.
~ 43 vị sư theo học BTVH Pali Trung cấp Nam Bộ.

+ Bạc Liêu: Phân hiệu Nam tông Khmer có 81 tăng sinh đang học năm thứ 3 và 144 chư tăng theo học các lớp Pali, Vini tại 5 điểm chùa trong tỉnh.

+ Vĩnh Long: Có 65 tăng sinh theo học lớp 03 Sơ cấp Phật học.

+ Cà Mau: Có 3 lớp Sơ cấp Phật học Pali, với 55 sư sãi theo học.

- Học viện Phật giáo Nam tông Khmer: Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer ra đời vào năm 2006 tại Tp.Cần Thơ, cùng chung với Hệ thống Học viện Phật giáo Việt Nam là Hà Nội, Huế, Tp.Hồ Chí Minh. Hiện nay đã đào tạo 2 khóa. Khóa I (2007-2011), 61 tốt nghiệp Cử nhân Phật, Khóa II (2011-2015) có 30 vị theo học. 

Bên cạnh đó, còn có 12 vị học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Có 11 vị đang theo học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, 27 vị học Cao đẳng Anh văn, 39 vị theo học Cao đẳng Văn hóa Khmer Nam Bộ, 26 vị học Đại học Sư phạm Ngữ văn Khmer Nam Bộ, 41 vị học Đại học Luật, 41 vị học Đại học Công nghệ Thông tin (theo thống kê năm 2013).

Ngoài ra, được biết sau khi các Chư tăng tốt nghiệp đại học, số lượng sư sãi du học ở các nước Đông Á theo Phật giáo Nam tông, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trong vùng thì trong khoảng 10 năm qua (2001-2010), toàn vùng Tây Nam Bộ có trên 630 sư sãi Khmer du học ở nước ngoài, nhiều nhất là tỉnh Trà Vinh với 493 vị. Phần lớn sư sãi du học ở các nước Đông Á theo Phật giáo Nam tông như Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ…, nhiều nhất phải kể đến là Campuchia với 371 vị. Có 137 sư sãi thực hiện đầy đủ thủ tục du học, còn lại 493 sư sãi du học chưa hoàn chỉnh thủ tục. Đến năm 2010 có 15 sư sãi đã học xong chương trình trở về nước và khoảng 500 sư sãi còn đang học.

II. Giải pháp phát triển giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer

1. Về giáo dục trong Phật giáo Nam tông Khmer, hiện nay đã có Phân ban Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer trong hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam, do đó Phân ban này cần có kế hoạch định hướng phát triển giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer trước mắt và lâu dài thích hợp để Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương có cơ sở quan tâm và tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc phát triển nền giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer.

2. Về mặt quản lý, do số lượng Chư tăng dao động, không mang tính ổn định (sau khi tu báo hiếu xong có thể hoàn tục), nên cần nghiên cứu chương trình giáo dục phù hợp để có nguồn nhân lực thích hợp cho việc điều hành và quản lý giáo dục thích ứng với nhu cầu phát triển xã hội.
 
3. Hiện nay Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương đang chủ trương thực hiện biên soạn sách giáo khoa Phật học các cấp, do đó, Phân Ban Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer cũng cần có kế hoạch biên soạn một bộ giáo trình Phật học các cấp phù hợp với tính đặc trưng, tính chất riêng biệt của hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer từ Sơ cấp, Trung cấp và Học viện. Tất nhiên, sự thực thi việc này cần đội ngũ nhân sự trí thức và tài chính khá lớn, vì vậy cần có sự hỗ trợ chính sách đặc biệt của Nhà nước đối với người dân tộc. 

4. Về phương pháp giảng dạy, ngày nay ngành giáo dục tăng ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang xây dựng và chuyển đổi một nền giáo dục Phật giáo hiện đại phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục trong thời đại phát triển hội nhập. Do đó, việc đổi mới về phương pháp giảng dạy trên cơ sở phát huy truyền thống giáo dục nhà chùa kết hợp phương pháp giáo dục hiện đại của hệ thống học đường, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy ở các trường cơ sở giáo dục Phật học Nam tông Khmer là điều tất yếu. 

Chúng ta có thể tìm thấy tất cả các phương pháp sư phạm hiện đại tiềm năng trong kinh điển Phật giáo. Trong các thời thuyết giảng, đức Phật rất linh động trong phương pháp. Có khi tự đức Phật nêu vấn đề và triển khai chi tiết (diễn giảng), có khi do được hỏi, hay do Ngài gợi ý bằng câu hỏi (vấn đáp). Đức Phật thường dùng các phương pháp thí dụ, ẩn dụ, so sánh, đối chiếu, quy nạp, tổng hợp, diễn dịch, loại suy. Đây là những phương pháp mà về sau này, các ngành khoa học đều thường sử dụng.

5. Hình thành Ban Giáo thọ sư cơ hữu cho các cơ sở giáo dục Phật giáo có chuyên môn cao: 

Thực tế, thành phần Ban Giáo thọ do Chư tôn đức lãnh đạo phải kiêm nhiệm nhiều phật sự, đội ngũ kế thừa còn mỏng. Do đó, việc hình thành Ban Giáo thọ có trình độ chuyên môn cao, có học vị chuyên trách việc giáo dục và đào tạo tăng ni là trọng trách của Ban Giám hiệu mỗi trường. Thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và hưởng chế độ ưu đãi, cơ hữu của trường, đây chính là cơ sở để phát huy năng lực giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo.

6. Cùng với sự phát triển hệ thống giáo dục Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM, Huế, Hà Nội; hiện nay, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ đang tiến hành xây dựng cơ sở sở mới. Có thể nói, vai trò và chức năng của Học viện này là vô cùng quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực trí thức cho Phật giáo Nam tông Khmer nói chung, và đồng bào phật tử Khmer nói riêng trong sự nghiệp phát triển đạo pháp nước nhà và góp phần xây dựng đất nước.

7. Phân Ban Giáo dục Phật giáo Nam tông nói chung, cụ thể là các cơ sở đào tạo của hệ phái cần có mối liên hệ hợp tác chặt chẽ giữa các Học viện, các Trường Phật học thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam để cùng nhau hỗ trợ, trao đổi về việc dạy và việc học để cùng nhau phát triển trong lĩnh vực giáo dục đào tạo Phật giáo. Trên tinh thần hợp tác và hữu nghị đối với các nước Phật giáo Nam tông thân hữu như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka, chúng ta có thể liên kết với các Viện, trường thuộc Phật giáo Nam tông để có chương trình hợp tác giáo dục Phật giáo Nam tông như trao đổi giảng viên, sinh viên, hỗ trợ học bổng.

III. Kết luận

Theo tài liệu thống kê gần đây, hiện có 1.300.000 người dân tộc Khmer sinh sống ở vùng Tây Nam Bộ, với số lượng 460 ngôi chùa, và có số lượng Chư tăng tu học dao động hàng năm trên dưới 10.000 vị. Trong sự thành tựu này, giáo dục Phật giáo Nam tông đã hình thành và phát triển hệ thống giáo dục Phật giáo mang tính đặc thù riêng biệt, nổi bật về số lượng và chất lượng. Với những định hướng phát triển của giáo dục Phật giáo Nam tông, chúng ta tin chắc rằng, trong thời gian tới, Phật giáo Nam tông Khmer sẽ gặt hái nhiều thành tựu hơn nữa trong xu hướng phát triển, hội nhập của thời đại.

TT.Thích Phước Đạt - UV HĐTS Phó Ban Kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
-
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Giáo dục Tăng Trung ương GHPGVN, Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Định hướng và phát triển, Nxb Tôn giáo, 2012.
2. Ban Giáo dục Tăng Trung ương GHPGVN, Báo cáo tổng kết chương trình hoạt động năm 2015. Nhiệm kỳ VII (2012 - 2017).
3. Nguyễn Khắc Cảnh, Ngôi chùa: Trung tâm giáo dục và sinh hoạt văn hóa - xã hội của phum sóc Khmer Đồng bằng sông Cửu Long, Tập san Khoa học, Trường Đại học Tổng hợp TP. HCM (Chuyên đề Khoa hoc lịch sử số 1), Nxb Giáo dục, 1996.
4. Nguyễn Mạnh Cường, Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2008.
loading...