Sách Phật giáo

Vai trò của HĐTS trong việc xây dựng tổ chức Giáo hội

Thứ hai, 16/03/2018 12:58

Hội đồng Trị sự là cơ quan điều hành, quản lý hành chính cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về mọi mặt hoạt động giữa hai nhiệm kỳ của Giáo hội. Mọi hoạt động phật sự trong nước, cũng như các hoạt động đối ngoại của Giáo hội đều do các Ban, Viện của Hội đồng Trị sự triển khai và thực hiện. Các hoạt động phật sự của tăng ni, phật tử ở các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp cũng đặt dưới sự hoạch định kế hoạch, ấn định chương trình hoạt động, tổ chức triển khai thực hiện, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện theo kế hoạch thời gian của Hội đồng Trị sự.

Chúng ta đang sống trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21, thế kỷ của sự hội nhập quốc tế sâu rộng và chứng kiến sự chuyển mình nhanh chóng và phổ biến từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên công nghệ thông tin, kỷ nguyên số, kỷ nguyên mạng và sự chuyển đổi từ nền văn minh vật chất sang nền văn minh tri thức. Sự chuyển đổi này đã làm thay đổi căn bản các mối quan hệ trong xã hội hiện đại. Điều đó đặt ra những thách thức, yêu cầu tìm ra giải pháp đối với Giáo hội và Tăng đoàn Phật giáo trong tiến trình đi tìm con đường gìn giữ sự hài hòa của giáo pháp của đức Phật và sự chuyển tải giáo lý của đức Phật vào việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong đời sống đương đại, giải quyết mối quan hệ giữa tu tập giải thoát và nhập thế vào đời sống của tăng ni.

Đứng trước đòi hỏi đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của của Giáo hội trong thời kỳ hội nhập phát triển. Hội đồng Trị sự phải thật sự là một tập thể đoàn kết, hòa hợp, vững mạnh trong điều hành phật sự; thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, kiên định theo phương châm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội.
 Thượng tọa Thích Đức Thiện

Hội đồng Trị sự cần phải có số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng ngày càng nâng cao, có trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo hạnh tốt, có tinh thần trách nhiệm, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện các phật sự trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn và địa phương. Phân bổ tỷ lệ hợp lý theo các Ban, Viện Trung ương; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố và địa bàn trọng yếu và đặc biệt quan tâm đến các Hệ phái truyền thống trong Giáo hội. Việc giới thiệu nhân sự phải thực sự xuất phát từ yêu cầu công việc, theo tiêu chí công khai, trên cơ sở phân tích, đánh giá, dự báo nguồn nhân lực hiện tại và tương lai; việc cơ cấu hướng đến đổi mới về chất lượng nhân sự, thay thế những người không đáp ứng được yêu cầu công tác phật sự của Giáo hội trong tình hình mới. Quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ nhân sự trẻ để đảm bảo nguồn nhân sự kế cận cho các nhiệm kỳ tiếp theo. Ưu tiên cho những nhân sự trẻ có năng lực làm việc tốt, tâm huyết, trình độ và phạm hạnh. Do đó công tác nhân sự Đại hội VIII cần đảm bảo:

1. Nhân sự nhiệm kỳ VIII được xây dựng trên cơ sở uy tín, phẩm chất, lối sống đạo hạnh, năng lực làm việc, trình độ chuyên môn; tính kỷ cương, kỷ luật và ý thức trách nhiệm.

2. Nhân sự nhiệm kỳ VIII phải đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao, đề cao trách nhiệm cá nhân.

3. Nhân sự nhiệm kỳ VIII phải tiến hành đúng quy định của Hiến chương, khách quan trong công tác nhân sự; phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể; không chủ quan duy ý chí trong công tác nhân sự.

4. Có tinh thần phụng đạo, yêu nước, có bản lĩnh vững vàng, kiên định theo phương châm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội; luôn đặt sự nghiệp hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh và trang nghiêm Giáo hội lên hàng đầu.

5. Có đạo hạnh trong sáng, có tâm huyết phụng sự; có trí tuệ, nhận thức và lý luận phù hợp xu thế hội nhập quốc tế; có tư duy sáng tạo và có tầm nhìn chiến lược trong hoạch định và thừa hành phật sự; nêu cao tính kỷ cương, kỷ luật, tiêu biểu trong tu tập hành đạo; trong điều hành và quản lý tôn trọng các pháp môn, tu hành đúng Chính pháp của các Hệ phái thành viên Giáo hội; có khả năng nhiếp chúng, quy tụ đoàn kết tăng ni các hệ phái, truyền thống Phật giáo, tập hợp và gắn bó mật thiết với đồng bào phật tử để tăng số lượng tín đồ; chấp hành nghiêm giới luật Phật chế và pháp luật nhà nước.

6. Có đủ uy tín, năng lực hoàn thành xuất sắc các phật sự được giao phó ở từng lĩnh vực chuyên môn và địa bàn được phân công để phát triển Giáo hội và xây dựng đất nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Nâng cao năng lực, kỷ cương, hiệu quả trong điều hành công tác phật sự của Hội đồng Trị sự đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
loading...