Kiến thức
Vai trò của trụ trì trong việc quản lý tự viện
Chủ nhật, 27/12/2022 08:05
Vai trò của vị trụ trì trong việc quản lý Tự viện, đây là vấn đề quan trọng mang tính quyết định đến hệ thống tự viện suy tàn hay tồn tại, hay phát triển mạnh mẽ, góp phần làm phát triển Tự viện cũng như phát triển Phật giáo Việt Nam.
Chùa (tự viện) là một trong những nhân tố cấu thành Giáo hội, do đó trách nhiệm của vị trụ trì đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thịnh suy của Giáo hội. Bởi vị trụ trì là người thay mặt Giáo hội lãnh đạo Tăng, Ni, phật tử tại trú xứ và là người chịu trách nhiệm về mặt tinh thần đối với Tăng, Ni, phật tử, cũng là bậc mô phạm cho mọi người noi theo. Vì thế, nếu vị trụ trì sống phạm hạnh, sống đúng theo chánh pháp đã minh thị thì Phật giáo ở khu vực do vị trụ trì đảm trách sẽ phát triển, ngược lại thì Phật giáo ở khu vực đó sẽ kém phát triển. Còn đối với Quốc gia, nếu vị trụ trì tự thân và hướng dẫn mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, các chủ trương chính sách của Đảng nhà nước đề ra, sẽ trở thành nhân tố tích cực làm động lực phát triển đất nước. Đối với xã hội luôn luôn thực hiện tinh thần Tứ nhiếp pháp sẽ đóng góp tích cực trong việc hộ quốc an dân. Điều này đã được đức Phật dạy trong thánh điển A- Hàm “Ta ra đời vì hạnh phúc cho số đông, cho chư thiên và loài người” . Do đó, nếu các vị trụ trì luôn áp dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống thường nhật sẽ làm nên giá trị to lớn trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc.
Nói đến vai trò của vị trụ trì thật là rộng rãi, nhưng không ngoài ý nghĩa “Trụ Như Lai xứ, hành Như Lai sự”, đây là nhiệm vụ mà Tăng đoàn thời đức Phật đã thực hiện. Đức Phật dạy: Này các tỳ kheo hãy đi mỗi người mỗi hướng truyền bá giáo pháp của Như Lai, đem lại sự lợi lạc cho quần chúng. Và đó cũng là sứ mệnh của Như Lai: “Như Lai ra đời không ngoài mục đích đem lại sự an lạc cho chư thiên là loại người”. Để làm tròn một trọng trách của một vị trụ trì thì cần phải:
a) Đối với Già Lam
Già Lam có trang nghiêm, vững mạnh thì Giáo hội mới trang nghiêm vững mạnh. Do đó, vị trụ trì giữ một vai trị cực kỳ quan trọng trong việc làm cho Già Lam trang nghiêm, vững mạnh. Muốn thực hiện được điều nêu trên, trước hết vị trụ trì phải làm tốt 3 điều “Nhân – Minh – Dũng”:
Nhân có nghĩa là nhân nghĩa, tức là trong mọi hành vi, cử chỉ lời nói đều phải đúng theo đạo đức Phật giáo và đạo đức xã hội, thường xuyên thuyết giảng chánh pháp, xa lìa các việc mê tín, tà kiến, luôn luôn làm cho trên thuận dưới hòa, vui lòng người đi kẻ lại, đoàn kết lương giáo.
Minh có nghĩa là lễ nghĩa trọn vẹn, tức là biết tôn ti thượng hạ, biết kính trên nhường dưới, biết thịnh suy của Phật pháp mà ra sức hộ trì, biết đâu là kẻ trí người ngu, người hiền, kẻ bất hiếu để mà gần gũi hay xa lánh ….
Dũng có nghĩa là mạnh dạng loại bỏ các tà pháp ra khỏi cuộc sống tu hành vì sự lợi ích của Giáo hội, của dân tộc, mạnh dạng loại trừ những kẻ lợi dụng tôn giáo, những kẻ cơ hội mưu cầu lợi ích thấp hèn, làm điều bất chánh ra khỏi hàng ngũ Tăng già, không vì lợi ích cá nhân mà làm băng hoại đạo pháp và đất nước.
Nếu vị trụ trì chỉ dừng lại ở 3 điều “Nhân – Minh – Dũng” thì chưa làm tròn trách nhiệm của vị trụ trì. Tiếp theo vị trụ trì cần phải có “Huệ” và “ Đức”:
Huệ có nghĩa là ơn huệ, tức là ra tay cứu giúp mọi người trong cơn khó ngặt nghèo, thiên tai dịch bệnh v.v…
Đức có nghĩa là đạo đức, tức là mọi hành vi, tu tập đều phải y cứ vào pháp luật đã minh thị.
Ngoài các việc vừa nêu trên, vị trụ trì cịn phải làm rất nhiều việc trong 1 ngày, còn gọi là “trụ trì nhật dụng”, theo các nhà Phật học khái quát vị trụ trì phải làm các việc như sau:
– Vì sự tu học của đồ chúng, phải luôn thăng tòa thuyết pháp.
– Khi thăng tòa, có người hỏi đạo, phải vì lợi ích của số đông mà thuyết pháp khai thị.
– Phải trả lời đầy đủ những thắc mắc của từng người một khi họ đã hỏi và chỉ trả lời ở nơi phương trượng.
– Khi thuyết pháp phải triệt để nhất quán đúng theo chánh pháp. Không được để tư tưởng tà pháp lẫn lộn trong khi thuyết pháp.
– Phải thường xuyên nhập thất để nâng cao phần sở đắc.
– Phải thường xuyên thọ trì đọc tụng kinh điển.
– Khi có vị Tăng nào mới đến học đạo, phải vì họ mà thuyết pháp, khai thị cho họ.
– Thường xuyên đi xem xét nơi ngủ, nghỉ của đồ chúng.
– Đôn đốc, coi sóc đồ chúng tu học và chấp tác.
– Dạy dỗ các Sa di học đạo và chấp tác.
– Đối với các vị đồ chúng nào đang thực hành một công án phải thường xuyên huấn thị cho họ học.
– Được nhận y công đức sau mùa an cư.
– Khi có vị tôn túc quan lâm phải nghinh tiếp trọng hậu.
– Khi có khách Tăng đến phải tiếp đãi ân cần vì họ là người thay Phật tiếp Tổ thắp sáng ngọn đèn chánh pháp.
– Phải thường xuyên thăng tòa thuyết pháp và luôn tạo không khí thoải mái để đồ chúng sống yên ổn hòa thuận theo pháp lục hòa.
– Mặc dù bận rất nhiều việc, nhưng phải cố gắng sao cho mọi người cùng được giải thoát, còn gọi là “trụ trì sự phồn”.
Mục đích của việc lập chốn Già Lam là vì người học đạo, vì chánh pháp của đức Phật phải được hoằng truyền đúng theo ý nghĩa của nó. Do đó, vị trụ trì ngoài việc tiếp Tăng độ chúng, làm hưng thịnh Già Lam, mà còn phải giữ gìn đạo đức, giữ gìn oai nghi tế hạnh từng lời nói và hành động. Trong việc hưng thịnh chốn Già Lam, vị trụ trì phải tính đến kế hoạch phát triển ở thời gian xa và công việc lớn trên cơ sở mục tiêu hướng tới của Giáo hội. Có như vậy Già Lam ngày càng phát triển mạnh mẽ.
b) Phụng sự đạo pháp và dân tộc
Từ những khái quát của các nhà Phật học, chúng ta có thể đưa ra một khái niệm mới về vị trụ trì trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc. Bởi vì mỗi thời điểm lịch sử cần phải có lối sống thích nghi với thời đại (khế lý, khế cơ), nếu đi ngược lại sẽ bị lịch sử đào thải. Trong việc hộ trì Phật pháp, vị trụ trì cần phải làm các việc sau:
– Phải là người thầy có đầy đủ đạo đức để xứng đáng là người thay mặt Giáo hội điều hành mọi Phật sự tại trú xứ và xứng đáng là người lãnh đạo tinh thần cho phật tử.
– Nói và làm phải luôn luôn đi đôi với nhau mới xứng đáng là người mô phạm cho mọi người noi theo.
– Phải tuyệt đối không vì lý do này nọ mà vi phạm giới luật, phải xả bỏ tư tưởng tư hữu về chùa chiền.
– Phải có bổn phận hướng dẫn mọi người tu học đúng chánh pháp, phải luôn tạo mọi đoàn kết trong nội bộ.
– Mọi Phật sự phải tuyệt đối thực hiện theo đúng chánh pháp, mọi hình thức mê tính dị đoan cần phải loại bỏ.
– Phải tuyệt đối trung kiên với Giáo hội, tự thân và hướng dẫn phật tử luôn luôn đi theo đường hướng của Giáo hội đã đề ra.
– Phải am hiểu mọi vấn đề có liên quan đến chánh pháp và giới luật để biện biệt trong hành trì pháp môn nào không đúng chánh pháp và giới luật thì loại bỏ.
– Khi tổ chức một buổi lễ Phật giáo phải vừa phù hợp với chánh pháp, vừa trang nghiêm trọng thể lại vừa tránh được lãng phí.
Trong việc phụng sự quốc gia dân tộc là tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo. Có thể khái quát việc hộ quốc an dân gồm các việc như sau:
– Trong sự nghiệp hoằng pháp độ sanh phải luôn luôn đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên hết, đặt quyền lợi Giáo hội lên trên quyền lợi cá nhân.
– Phải luôn luôn phát huy truyền thống phụng đạo yêu nước, đoàn kết một lòng cùng đồng bào các giới để chung lo phát triển đất nước ngày một phồn vinh.
– Phải kiên quyết đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, không để kẻ xấu lợi dụng mà đi ngược lại quyền lợi quốc gia dân tộc, làm phương hại đến an ninh tổ quốc vì một lợi ích thấp hèn.
– Phải tuyệt đối tuân thủ các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Phải luôn luôn nghiêm chỉnh chấp hành hiến pháp và pháp luật hiện hành, giống như việc tuân thủ hiến chương Giáo hội của mọi Tăng Ni.
c) Đối với phật tử
Phật tử là một trong những nhân tố tích cực để phụng sự đạo pháp và dân tộc. Muốn được thế, vị trụ trì phải hướng dẫn phật tử tu học đúng chánh pháp và giới luật, trong mọi hành vi của đời sống thường nhật, không được vi phạm những quy định của pháp luật.
Niềm tin chân chánh là bước đầu tiên để vào Phật đạo, bổn phận của vị trụ trì là dạy cho hàng phật tử có niềm tin chơn chánh, có tín chơn chánh thì phải có đức, đối với Tam bảo phải có lòng vui vẻ, tin theo bằng lòng tin chơn thật. Tín để thực hành tám Thánh đạo, lòng tin sâu sắc là động lực để thành tựu mọi việc thiện ở thế gian, xuất thế gian.
“Nếu muốn có được lòng tin chơn chánh thì không thể xa lìa Tam Bảo và các thánh giới”
Qua Thánh đạo tám nghành, là trụ trì phải thông hiểu và giảng dạy cho hàng phật tử tại gia, phải có chánh tri kiến (nhận thức đúng đắn), chánh tư duy (suy nghĩ chơn chánh), chánh ngữ (nói năng chơn chánh), chánh nghiệp (hành động chân chánh), chánh mạng (mưu sinh đúng đắn), chánh tinh tấn (tinh tấn chính đáng), chánh niệm (suy nghĩ đúng đắn), chánh định (thiền định chân tránh).
Hàng phật tử với chí hướng thượng sẵn có cộng thêm niềm tin chơn chánh, với sự tự lực phong phú, với đuốc chánh pháp soi đường thì đạo quả vô thượng Bồ đề nhất định đạt được. Nếu ngược lại hàng phật tử không tự tìm an lạc hạnh phúc mà nhờ vào Thượng đế tồn năng, không dùng chánh pháp làm đuốc soi đường mà lại dùng tà pháp để làm đuốc soi đường thì nhất định sẽ rơi vào đường ác, làm hại mình, hại người. Chỉ có khi tự tin vào sự giác ngộ của chính mình. Lấy chánh pháp làm đuốc soi đường, chính khi ấy tự mình được an lạc giải thoát.
Ngoài các vai trò kể trên, vị trụ trì còn có những vai trị khác như phải am tường giới luật, am tường các pháp yết ma, am tường cách thức truyền giới và thọ giới, vấn đề thọ với cụ túc, vấn đề về Ni xuất gia và thọ giới , vần đề an cư và tự tứ, am hiểu những vấn đề hành chánh thông thường ….
Vị trụ trì đóng một giai trò hết sức quan trọng trong việc xương minh đạo pháp và góp phần vào việc hộ quốc an dân. Bởi lẽ, quý vị trụ trì làu thông nội điển là điều tất yếu, am tường lịch sử Phật giáo và đất nước là việc phải biết. Nhưng nếu dừng lại đó thì chưa trọn vẹn ý nghĩa trụ trì, vì phải rành mạch một số kiến thức phổ thông, phương pháp đối nhân xử thế dành cho mọi đối tượng đến chùa, hiểu rõ sinh hoạt của thế gian từ đó làm phương tiện hướng đạo mọi người để lợi mình, lợi người, lời cả hai.
Vị trụ trì là những nhân tố tích cực hay tiêu cực trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc tùy theo nhận thức làm việc của từng vị. Nếu các vị trụ trì làm mọi việc đúng theo những gì mà đức Phật, các vị Tổ sư đã làm và đã dạy thì đó là vị trụ trì phụng sự đạo pháp tích cực nhất, còn ngược lại thì đó là người phá hoại đạo pháp. Đối với đất nước, nếu vị tru trì luôn làm theo những gì mà pháp luật đã quy định thì đó là người tích cực xây dựng và phát triển tổ quốc, còn ngược lại thì đó là người làm cản trở sự phát triển của đất nước. Do đó, tất cả chúng ta muốn hoàn thành trách nhiệm, vai trò của vị trụ trì trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc, điều tiên quyết là khi thực hiện mọi công việc (Phật sự lẫn thế sự) nhất nhất phải đúng chánh pháp và giới luật. Có như vậy chúng ta mới hoàn thành được trọng trách mà Giáo hội và Phật tử đã tín nhiệm giao phó trong ý nghĩa “Ở nhà Như Lai, làm việc Như Lai” (Trụ Như Lai xứ, Trì Như Lai sự).