Kiến thức
Vai trò của việc làm phước đối với sự tu tập
Chủ nhật, 22/09/2021 03:44
Có nhiều người cho rằng: Việc tu tập chỉ cần sửa tính xấu thành tính tốt như vậy là đủ, không cần phải làm phước, hay giúp đỡ người khác gì cả. Vậy chúng ta sẽ nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Nhân quả của hai anh em không chịu tu phước huệ song hành
Ngày nay việc tu tập có rất nhiều trường phái, mỗi người tùy theo duyên nghiệp, họ sẽ đi theo những hướng khác nhau, mà ít có ai giống ai.
Còn với những vị có duyên tu tập với tôi, thì tôi sẽ chủ trương "phước - tuệ" song tu, nghĩa là tu tuệ phải đi song hành với việc tu phước.
Tu phước là làm gì?
Là phải siêng năng trong việc làm những điều tốt đẹp, ít lợi cho cuộc đời, cho chúng sinh.
Như: Phóng sinh, khuyến khích người ăn chay phát đồ chay, cúng dường Tam Bảo, làm đường xây cầu, phát gạo cho người nghèo, hỗ trợ tiền trị bệnh cho người khó khăn, trao học bổng cho những em học sinh nghèo học giỏi, cúng dường để xây chùa tạc tượng, ấn tống kinh điển...
Còn tu tuệ là tu cái gì?
Đó là tập lễ Phật, ngồi thiền, đi thiền hành, tụng kinh, trì chú, nghe pháp, lần chuỗi niệm Phật....
Có thể nói phước báu hỗ trợ cho việc công phu tu hành rất là lớn.
Một người thiếu phước, khó có thể thành tựu trí tuệ trong việc tu hành.
Trước đây, có một người nghèo khổ thích tu, hỏi tôi: Giờ cuộc sống khó khăn phải đi chích điện cá ở sông để bán kiếm sống, vậy làm sao tránh nghiệp sát sinh?
Với câu hỏi này quý vị thấy, là người này đang thiếu phước rồi, thiếu phước nên rất khó tu là vậy. Chứ nếu là một người giàu có, khi mình không thích làm nghề này thì có thể chuyển làm nghề khác. Hơn nữa khi quý vị có nhiều phước báu, tâm rất dễ an định, khi tu hành rất dễ nhiếp tâm, dễ vào định, đắc đạo. Còn với người kém phước, tâm hay bị động loạn suy nghĩ nhiều, tu hành rất khó đi vào chiều sâu tâm linh được.
Một lợi ích rất lớn nữa của người hay làm phước đó là:
Kết duyên lành với nhiều chúng sinh, kết duyên lành với Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), dễ gặp Chánh Pháp, dễ gặp Bậc Chân Tu chỉ dạy (đây là do khi làm phước đã gieo duyên với những vị ấy). Và khi hành Bồ Tát Đạo rất dễ giáo hóa chúng sinh, chúng sinh quý mến rất nhiều (đây là do trước đây ta đã từng làm phước gieo duyên giúp đỡ họ), nếu có xuất gia tu hành sẽ được rất nhiều người cúng dường, trợ duyên...
Không những thế, với một Đạo Phật mà có rất nhiều người làm phước như vậy thì xã hội sẽ vô cùng tốt đẹp, tạo được hình ảnh tốt cho người khác nhìn vào thấy quý mến, và khi quý mến họ sẽ quý Đạo Phật nhiều hơn, sẽ theo Đạo Phật nhiều hơn. Đây là điều vô cùng tốt.
Mục đích tu hành trong đạo Phật là gì?
Còn với những người theo đạo Phật, mà sống thụ động chẳng biết giúp đỡ ai, cũng chẳng chịu hoằng pháp, chỉ biết tu cho bản thân mình... Người tu như thế thì không bao lâu Phật Pháp sẽ suy yếu, suy tàn và chẳng còn ai biết đến lời Phật dạy nữa.
Tu như thế là rất có lỗi với Chư Phật, với Chư Hiền Thánh Tăng....Vì bao nhiêu thế hệ đi trước, các Ngài đã giữ gìn, phát triển chánh pháp, để cho chúng ta có kinh điển mà tu học, nhưng khi đến đời chúng ta đã làm cho bị lụi tàn, kinh dần đi vào quên lãng, nhiều thế hệ con cháu, chúng sinh sẽ bị thiệt thòi, nên rất là đáng thương, đáng tiếc và đáng trách.
Do đó, khi tu hành các vị đừng để cho mình rơi vào thế thụ động, thờ ơ như vậy.