Kiến thức
Vai trò sứ mệnh của nhà hoằng pháp mẫu mực
Thứ ba, 19/04/2021 01:59
Trong thời đại số, Giáo hội đã, đang hội nhập sâu rộng với thế giới thì vai trò, sứ mệnh của người làm công tác hoằng pháp càng nặng nề hơn. Đó là vừa giáo dục, truyền bá Chính pháp, vừa hài hòa với các tôn giáo để vừa tạo nên sự nhận thức chuẩn mực trong Tăng Ni, tín đồ, cư sĩ Phật tử.
Trong quá trình tồn tại, phát triển ở Việt Nam, vai trò, sứ mệnh của nhà hoằng pháp mẫu mực có một vị trí đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, muốn đưa Phật giáo vào đời thì người làm công tác hoằng pháp phải quan tâm đến sự hài hòa các tôn giáo, truyền bá Chính pháp bằng văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc Việt Nam. Từ đó tạo nên một bức tranh Việt Nam đa tôn giáo nhưng luôn chung sống thân thiện, hợp tác, đoàn kết(1), và Phật giáo không ngừng phát triển. Do đó, Phật giáo đã được xem là đạo của ông bà, lịch sử đã ghi nhận không có một xung đột tôn giáo tại Việt Nam. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao các tôn giáo tại Việt Nam luôn hài hòa với nhau và Phật giáo luôn được người dân tin tưởng qua các giai đoạn lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Để trả lời cho câu hỏi nầy có thể phân chia lịch sử Việt Nam thành 02 giai đoạn: Giai đoạn thế kỷ 16 trở về trước, giai đoạn thế kỷ 16 đến nay.
Giai đoạn thế kỷ 16 trở về trước: Khi Phật giáo có mặt, Việt Nam đã có những tín ngưỡng bản địa và hệ tư tưởng khác là Nho giáo, Lão giáo. Nhưng với hệ tư tưởng của mình, Phật giáo đã tôn trọng và dung hóa các tín ngưỡng có trước, tạo nên một Phật giáo Việt Nam tam giáo đồng nguyên, tôn trọng tục thờ cúng Tổ tiên, thờ Mẫu của cư dân bản địa. Từ đó tạo nên sự hài hòa và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.
Giai đoạn thế kỷ 16 đến nay: Do sự tiếp biến văn hóa, thế kỷ 16 tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện nền văn hóa phương Tây và tôn giáo ngoại sinh, nội sinh mới tại Việt Nam. Trong sự đan xen niềm tin tôn giáo, Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống của mình và đã tạo nên sự hài hòa tôn giáo tại Việt Nam, Phật giáo tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong lòng dân tộc.
Trong phạm vi tham luận, tôi xin chia sẻ một vài ý kiến “Vai trò, sứ mệnh của nhà hoằng pháp mẫu mực” tại vùng đất phương Nam. Qua các cứ liệu lịch sử, công cuộc khai hoang, lập ấp của các cư dân người Việt tại vùng đất phương Nam đã hoàn tất vào thế kỷ 18 (1611 đến 1757)(2) và Phật giáo là một trong những ý thức hệ mà những người dân đi mở đất mang theo. Bởi vì, Phật giáo luôn là người bạn đồng hành với dân tộc trong mọi giai đoạn lịch sử, là người bạn thân thiết nhất của nhân dân “vui cái vui của đồng bào, khổ cái khổ của đồng đạo”. Vấn đề hài hòa tôn giáo tại vùng đất mới phương Nam, có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đây cũng là cơ duyên để Lãnh đạo Giáo hội có sự quan tâm hơn nữa đến công tác hoằng pháp tại những vùng có nhiều tôn giáo khác nhau, nhằm phát huy tính tích cực của Phật giáo đối với xã hội văn minh, tiến bộ hiện nay.
Thời đại mới - cơ hội và thách thức của nhiệm vụ Hoằng pháp
Như chúng ta biết, vùng đất phương Nam là vùng đất mới, trù phú, xinh đẹp nhưng cũng là nơi hội tụ của nhiều dân tộc khác nhau như người Việt, người Chăm, người Khmer, người Hoa, người từ các vùng của Việt Nam đến đây cộng cư và cùng nhau chung sống một cách đoàn kết để xây dựng vùng đất mới phát triển như hiện nay. Song song đó, các tôn giáo tại đây đều thể hiện sự hiểu biết, tôn trọng niềm tin tôn giáo của nhau, tạo nên một bức tranh đa sắc màu giữa các tôn giáo ngoại sinh (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Islam), tôn giáo nội sinh (Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài). Các cư dân nơi đây có tư tưởng rất thoáng, kiến thức mở, ít chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, từ cơ sở như vậy, vùng đất phương Nam trở thành nơi hội tụ của nhiều dân tộc, nhiều vùng miền Việt Nam và nhiều tôn giáo cùng tồn tại, phát triển, đã mang một bản sắc độc đáo về cá tính người ở đây(3).
Với việc tìm hiểu tiến trình lịch sử dân tộc và vai trò của Phật giáo trong các giai đoạn lịch sử, qua đó để thấy rằng Phật giáo là một trong những nhân tố cấu thành “văn hóa dân tộc” và đã trở thành “mạch sống dân tộc”. Để thấy rằng vai trò, sứ mệnh của nhà hoằng pháp mẫu mực là không thể thiếu đối với người dân Việt Nam trong mọi giai đoạn lịch sử, đặc biệt là sự hài hòa giữa các tôn giáo tại Việt Nam nói chung và vùng đất phương Nam nói riêng nhằm góp phần làm phong phú cho bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hội nhập hiện nay, công tác hoằng pháp với hiệu quả cao nhất để Phật giáo luôn là một trong những nhân tố chính trong việc hộ quốc an dân đối với mọi giai đoạn lịch sử của dân tộc, nhất là nâng cao sự hài hòa tại những vùng có các tôn giáo cùng hoạt động.
Một câu hỏi khác được đặt ra, giai đoạn trước thế kỷ 16, Phật giáo vẫn phát triển tuy không bằng thời Lý – Trần; sau thế kỷ 16, nhất là giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, Phật giáo bị suy thoái về mặt tổ chức. Vậy Phật giáo bằng cách nào để giữ vai trò soi đường cho hậu thế. Chúng ta dễ dàng thấy rằng các bậc Cao Tăng bấy giờ vận dụng tư tưởng “Tùy duyên bất biến” một cách hiệu quả. Do những điều kiện khác nhau của giai đoạn lịch sử này, Nho giáo thì không còn giữ vai trò độc tôn, sùng thượng như trước tại vùng đất phương Nam; Lão giáo thì biến tướng thành đạo giáo phù thủy nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phận cư dân vùng đất mới; các tôn giáo ngoại sinh và nội sinh từng bước phát triển rất mạnh; Phật giáo trong bối cảnh suy thoái, dù có không ít bậc chân tu nhưng thiếu lớp trí thức Tăng Ni trẻ và một bộ phận Tăng Ni trẻ không được đào tạo chính quy, từ đó tạo nên sự mất cân đối trong đội ngũ Phật giáo đã dẫn đến những chuyện không hay trong nội bộ Phật giáo bấy giờ. Vì thiếu một đội ngũ trí thức trẻ, nên Phật giáo chỉ co cụm lại tại các vùng dân cư ổn định và đô thị, không tỏa rộng đến các vùng xa vùng sâu, cho nên Phật giáo không còn là người bạn đồng hành với nhân dân như buổi đầu đi mở đất, đôi khi cũng có những đợt hoằng pháp đến các vùng sâu vùng xa, nhưng hiệu quả đạt được không nhiều.
Trước bối cảnh chung như thế, các bậc Cao Tăng phải thực hiện song song hai công việc: vai trò, sứ mệnh của nhà hoằng pháp mẫu mực. Tức là các bậc Cao Tăng vừa giữ được sự hài hòa tôn giáo, vừa củng cố và phát triển Phật giáo. Chính tư tưởng “tùy duyên bất biến” phát huy tác dụng. Bằng hành động cụ thể, các bậc Cao Tăng tổ chức trường hương, trường kỳ, các lớp gia giáo để truyền trao tinh hoa Phật học cho Tăng Ni trẻ, củng cố Tăng đoàn; tổ chức các pháp sự khoa nghi để tạo điều kiện cho tín đồ giữ niềm tin với Đạo Phật. Các bậc Cao Tăng bấy giờ đã vận dụng một cách linh hoạt học thuyết “Biện tâm” của Phật giáo thời Trần trong công cuộc hoằng pháp lúc này. Đặc biệt là khi phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam thành công, các Phật học viện được thành lập tại nhiều địa phương trong cả nước, tổ chức Giáo hội được thành lập, quan trọng nhất là được sự hậu thuẫn của các vị nhân sĩ, tri thức cư sĩ.(4)
Nhìn chung, Phật giáo với cái nhìn thoáng, bao quát, bao dung, thông cảm, không đối kháng với bất cứ ai mà luôn chủ trương sống hòa bình. Vì thế Phật giáo đã tập hợp được lực lượng, góp phần vào những thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Phật giáo Việt Nam nói chung là một nền Phật giáo hợp sáng. Cho nên tư tưởng phụng đạo yêu nước của Phật giáo kết hợp với tư tưởng yêu nước của dân tộc luôn là động lực tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong mọi giai đoạn lịch sử. Phật giáo luôn là hệ tư tưởng chủ đạo và dân tộc Việt Nam là người đã biết chủ động, sáng tạo, chọn lọc trong hệ tư tưởng Phật giáo với tất cả những gì tinh hoa nhất, tích cực nhất, phù hợp nhất với hoàn cảnh lịch sử, địa lý của Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử, biến nó thành chất men hội tụ và làm chất xúc tác, làm cho cả dân tộc Việt Nam triệu người như một đứng dậy bảo vệ tổ quốc, làm cho mỗi người dân Việt Nam trên những cương vị khác nhau, luôn phát huy cao độ trí huệ và dũng khí của chính mình để lo cho dân cho nước.
Tóm lại, quá khứ tốt đẹp là nền tảng, là động lực, là sức mạnh để làm nên một tương lai tốt đẹp. Qua các giai đoạn lịch sử, lúc thịnh, lúc suy, Đạo Pháp luôn soi đường cho hậu thế. Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, tình hình chính trị trên thế giới luôn có sự đan xen, sự xung đột tôn giáo là một trong những nguy cơ thường trực trên thế giới. Đối với Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử không có xung đột tôn giáo. Nguyên nhân thì có nhiều, tựu trung các tôn giáo tại Việt Nam luôn chung sống hài hòa, tôn trọng những giá trị về niềm tin tôn giáo của nhau, không vì lợi ích cục bộ của tôn giáo mình mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, bên cạnh đó các bậc Tôn túc làm công tác tôn giáo luôn nêu cao tính mẫu mực, làm rất tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong sự nghiệp xương minh Đạo pháp.
Những thành tựu của quá khứ vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn đối với hiện tại. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, người làm công tác hoằng pháp mẫu mực cần phát huy vai trò, sứ mệnh của mình khi tạo nên sự hài hòa giữa các tôn giáo tại Việt Nam; sự phát triển Phật giáo ở tầm cao mới. Giáo hội các cấp, từng cá nhân Tăng Ni, tín đồ, cư sĩ Phật tử đã rất quan tâm, thì hôm nay cần được quan tâm hơn nữa để vai trò và sứ mệnh của bậc Trưởng tử Như Lai được phát huy, có hành xử đúng mực dưới góc độ văn hóa.
Vấn đề hài hòa tôn giáo, phiên dịch Kinh điển, thành lập trường Phật học các cấp, Phật giáo đã làm rất tốt từ xưa đến nay. Tuy nhiên vấn đề truyền bá Phật pháp, mỗi giai đoạn có cách truyền bá khác nhau, nhìn chung đều hướng đến một mục tiêu duy nhất, đó là tạo nên nhận thức đúng đắn giáo lý Phật giáo, đề ra một phương pháp tu hành tương ứng với trình độ tín đồ, cư sĩ Phật tử. Trước đây khi có cá nhân có hành vi chưa chuẩn mực đều được tổ chức Giáo hội giáo dục, phê phán, các huynh đệ đồng học động viên, nhắc nhở để sự trong sáng của Đạo pháp được giữ vững, người có hành vi lệch chuẩn phục thiện.
Trong thời đại kỷ nguyên số, Giáo hội đã, đang hội nhập sâu rộng với thế giới thì vai trò, sứ mệnh của người làm công tác hoằng pháp càng nặng nề hơn. Đó là vừa tuyên truyền, giáo dục, truyền bá Chính pháp, vừa hài hòa với các tôn giáo để vừa tạo nên sự nhận thức chuẩn mực trong Tăng Ni, tín đồ, cư sĩ Phật tử. Nếu làm tốt công tác này, thì các hoạt động Phật sự sẽ hanh thông. Ngược lại, nếu vai trò, sứ mệnh của người làm công tác hoằng pháp chưa phát huy giá trị thì những tư kiến, quan điểm chủ quan sẽ tạo nên những phức tạp không cần thiết. Thực tế hiện nay cho thấy đã xuất hiện, biểu hiện lệch chuẩn trong tu học.
Hoằng pháp hôm nay chiếu từ chất điểm thời đại công nghệ 4.0
Hiện nay có một số ít người, khi được Giáo hội phân công tham gia một số công tác, họ lại cho rằng mình là đầu tàu lãnh đạo, là trung tâm, hạt nhân quan trọng bậc nhất, có quyền quyết định mọi vấn đề, cho nên họ mang tính chủ quan. Do vậy, khi phê phán một hành vi lệch chuẩn nào đó, cá nhân sẵn sàng bới lông tìm vết, tự cho mình là trên thiên hạ, không cần bận tâm đến hệ lụy phê phán sự lệch chuẩn của mình, công bố trên diện rộng và chỗ đông người. Luật Tỳ kheo cũng không cho phép hành vi này. Qua đây đã góp phần làm cho đức tin của tín đồ, cư sĩ Phật tử bị xói mòn, hệ quả tiếp theo là xã hội đánh giá thấp sự trong sáng của Đạo Phật. Vấn đề “bới lông tìm vết” nếu không được chấn chỉnh kịp thời, vấn đề nêu gương trong tu học nếu không được phát huy, tiếp tục khen chê nhau không được khắc phục, như ông cha chúng ta đã dạy “Núi cao vì bởi đất bồi, núi chê đất thấp núi ngồi với ai”, thì hệ quả là người không tốt sẽ lợi dụng việc này để tuyên truyền theo kiểu: “Nước trong một giếng múc ra, đó chê kia đục đó là trong chi”.
Đức Phật dạy 5 hạng người trong Kinh Ví dụ lõi cây(5): “Hạng thứ nhất con người được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng, nên khen mình, chê người; hạng thứ hai con người do không tự mãn với lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng nên thành tựu giới đức và khen mình, chê người; hạng thứ ba con người do không tự mãn với lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng nên thành tựu thiền định và khen mình, chê người; hạng thứ tư con người do không tự mãn với lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng nên thành tựu tri kiến và khen mình, chê người” đã cho chúng ta cái nhìn tổng thể về tính tự mãn con người, mục đích tối thượng phải hướng đến là “Giải thoát bất động” (hạng người thứ năm). Những gì đức Phật dạy từ bỏ thì những thứ đó lại được một bộ phận người đang ngưỡng vọng và hướng đến.
Qua bài kinh này, về cách hành xử của một ít cá nhân có hành vi lệch chuẩn và phê phán lệch chuẩn đã cho chúng ta những bài học vô giá trong công tác quản lý. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chia sẻ: “Quy luật khách quan của sự phát triển, trong bất kỳ tổ chức nào trên thế giới, hiện tượng một ít cá nhân có hành vi tiêu cực làm ảnh hưởng đến tổ chức đó, không thể vì một ít cá nhân mà chúng ta đánh đồng với bản chất của tổ chức đó(6)”.
Một vấn đề khác được đặt ra hiện nay là sự kết hợp giữa hai mẫu người: Một mẫu người thoát tục hoàn toàn đó là các Tăng Ni, một mẫu người nữa là những tín đồ, cư sĩ Phật tử với vai trò hộ trì Chính pháp, tùy hoàn cảnh, tùy người mà mang lại sự an lạc, lợi ích cho số đông, dùng trí huệ và tâm từ bi làm hành trang xây dựng cho chính mình và tha nhân để cùng thăng hoa trong cuộc sống, tạo dựng một xã hội an lạc giải thoát. Đây là một mô hình mà các bậc tiền bối đã thực hiện rất thành công, mô hình này cần được quan tâm và nhân rộng trong một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay.
Một số đặc điểm hoằng pháp của Ðức Phật
Đất nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng phát triển về mọi mặt, nhưng hiện nay đã xuất hiện những thực trạng tiêu cực như đã trình bày. Vấn đề tuy không nhiều, nhưng nếu không có giải pháp chấn chỉnh kịp thời có thể sẽ trở thành nguy cơ cho một giai đoạn suy thoái mới của Phật giáo trong tương lai không xa. Giải pháp thì có nhiều, nhưng giải pháp thiết thực nhất chính là tất cả đệ tử Phật đều phải y cứ một cách đầy đủ lời Đức Phật dạy trong tu tập và hành trì. Để từng bước khắc phục thực trạng này, theo chúng tôi phải tuyên truyền và giáo dục về 7 nguyên lý phát triển Giáo hội theo lời Đức Phật dạy: 1/. Hòa hợp để cùng nhau giải quyết và chung lo các Phật sự; 2/. Đoàn kết để thực hiện các Phật sự; 3/. Tuân thủ các nguyên tắc của Giáo hội và đặc thù của hệ phái; 4/. Biết kính trên nhường dưới; 5/. Sống không tham ái; 6/. Sống đời sống an tịnh; 7/. Tự thân có chánh niệm để đem lại an lạc cho mọi người.
Hy vọng rằng những gì mà chúng tôi trình bày, chúng ta sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng và có giải pháp khả thi để làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam không ngừng phát triển, vị thế của Giáo hội luôn được khẳng định, niềm tin của Tăng Ni và Phật tử đối với Giáo hội luôn được giữ vững; với đường lối chủ trương đúng đắn của Giáo hội sẽ giúp chúng ta vừa hoàn thành các Phật sự, vừa thành tựu Giải thoát bất động như lời Đức Phật đã dạy.
Chú thích
- Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng trong, Nxb.Thuận Hóa, 1995.
- Cuộc Nam tiến bắt đầu từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng đến Võ vương Nguyễn Phúc Khoát thì hoàn tất.
- Sơn Nam, Cá tính của miền Nam, Nxb. Văn hóa, 1992, tr. 41.
- Trần Đình Sơn, Nghĩ về vai trò cư sĩ trong việc chấn hưng Phật giáo, Báo Giác Ngộ số 1002, ngày 07/6/2019.
- HT. Thích Minh Châu, Kinh Tương ưng bộ III, VNCPHVN, 1993, tr. 31-32
- HT. Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS, Không thể vì một ít cá nhân mà đánh đồng bản chất của tổ chức, Báo Giác Ngộ số 994, ngày12/4/2019.
Tài liệu tham khảo
- HT. Thích Minh Châu, Kinh Tương ưng bộ III, Viện Nghiên cứu Phật học VN, 1993.
- HT. Thích Minh Châu, Những lời dạy Đức Phật về hòa bình và giá trị con người, Viện Nghiên cứu Phật học VN, 1995.
- Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng trong, Nxb. Thuận Hóa, 1995.
- Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Tôn giáo, tập 1, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1994.
- HT. Thích Thiện Hoa, 50 năm chấn hưng Phật giáo, Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, 1970.
- Lê Hương, Đạo Phật và các giáo phái miền Nam, Tập san Văn hóa số 2, 1972.
- Viện Khoa học Xã hội, Đại việt Sử ký toàn thư (03 tập), Hà Nội, 1985.
- Trần Hồng Liên, Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam bộ, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1995.
- Trần Hồng Liên, Phật giáo Nam bộ, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995.
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, 1994.
- Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Thiền học đời Trần, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995.
- HT. Thích Đức Nghiệp, Đạo Phật Việt Nam, Thành hội Phật giáo Tp. HCM, 1995.
- Sơn Nam, Cá tính của miền Nam, Nxb. Văn Hóa, 1992.
- Sử quán triều Nguyễn, tập 3, Minh Mạng chính yếu (bản dịch), Sài Gòn, 1974.
- Sơn Nam, Lịch sử An Giang, Nxb. Tổng hợp An Giang, 1988.
- Phan Lạc Tuyên, Ảnh hưởng của một số Đạo giáo trong nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 9. III/1991.
- Nguyễn Đăng Thục, Thiền học Trần Thái tông, Nxb.Văn hóa Thông tin, 1996.
- Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương Lịch sử cổ trung đại Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 1991 (lưu hành nội bộ).
- HT. Thích Thanh Từ, Phật giáo với dân tộc, THPG Tp. Hồ chí Minh, 1995.
- Chính Văn, Các hệ phái đạo Phật tại An Giang, lịch sử và huyền thoại, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 18. IV/1993.
- Báo Giác Ngộ số 994, 1002.
TT. Thích Thiện Thống - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Chánh Thư ký Ban Tăng sự TƯ
Tham luận kỷ yếu - Hội thảo khoa học Hoằng pháp Hải ngoại