Chùa Việt

Vãn cảnh chùa Hà (Hà Nội)

Chủ nhật, 04/07/2014 02:30

Chùa Hà (Bối Hà) hay chùa Thánh Đức tọa lạc tại Giáp Bối Hà, thôn Trung, xã Dịch Vọng, tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, nay là phố chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Giữa đô thị phồn hoa sôi động, đôi khi mỗi người cần tĩnh tâm trong một khoảng lặng. Bên cạnh cuộc sống hiện đại, sang trọng, tiện nghi, tâm hồn có chiều sâu thường hoài niệm về những không gian dân dã cổ kính thấp thoáng hình ảnh làng quê đồng bằng Bắc bộ. Đó là lý do vì sao chùa Hà trở thành điểm đến cho người dân, phật tử thập phương không chỉ trong ngày Rằm, mùng Một, mà còn trong những ngày thường.

Chùa Hà (Bối Hà) hay chùa Thánh Đức tọa lạc tại Giáp Bối Hà, thôn Trung, xã Dịch Vọng, tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, nay là phố chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
 Khuôn viên chùa Hà
Tên gọi chùa Thánh Đức bắt nguồn từ truyền thuyết rằng: vua Lý Thánh Tông đã đến các chùa ở Dịch Vọng như chùa Thôn Hậu, chùa Bối Hà cầu tự mà sinh thái tử Lý Càn Đức (Lý Nhân Tông), rồi Ngài ban lễ vật cúng dàng các chùa đó, nên chùa Bối Hà có tên là chùa Thánh Đức, chùa Thôn Hậu có tên là chùa Thánh Chúa.

Lại có thuyết cho rằng, lúc còn hàn vi, vua Lê Thánh Tông có lần trú nạn tại chùa Bối Hà, chùa Thôn Hậu, xã Dịch Vọng, vì thế các chùa mới có tên chùa Thánh Đức, chùa Thánh Chúa.

Như vậy, chùa Thánh Đức, chùa Thánh Chúa đều là các ngôi chùa được các vua chúa quan tâm ban lễ vật cúng dàng. 

Chùa Hà (Thánh Đức tự) xây vào triều Lý, đã được trùng tu những năm Chính Hòa thứ 16 (1695) và Cảnh Thịnh 7 (1799). Chuông chùa Thánh Đức đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 7 hiện treo trên Tam quan có đoạn “Nay ở Giáp Bá Hà, thôn Dịch Vọng Trung, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây, nước Đại Việt có chùa Thánh Đức là nơi danh lam cổ tự, từ xưa chùa đã là nơi Phật pháp trang nghiêm, có đủ Phật đường, Pháp âm, bảo tháp...”

Trải qua bao thời kì lịch sử, chùa Thánh Đức đã bị phá hủy nhiều lần. Đến đời Vua Lê Huy Tông ( 1675 – 1705) có hai người quê làng Thổ Hà (Bắc Giang) sang ở chùa, để bán các đổ gốm sứ ở chợ trong và ngoài thành. Nhờ buôn bán phát đạt, hai gia đình phát nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trùng tu chùa với quy mô lớn bằng gạch ngói vào năm Chính Hòa (1680). 

Từ đó 2 làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà, và chùa có tên nôm là chùa Hà

“Trời xây Nam quốc
Đất mở Đoài hình
Trăng thay Dịch Vọng
Bối Hà hiển linh
Ba Vì dựng trụ
Thăng Long kinh thành
Thủ Lệ sau Trần
Nhuệ giang tiền nghênh
Phong cảnh tuyệt mỹ”.

Cũng tại tam quan gác chuông này, ngày 17/8/1945, Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội đã họp quyết định phương thức khởi nghĩa ngày 19/8/1945. Chính vì thế, UBND Tp.Hà Nội đã trao bằng di tích Cách mạng cho chùa Hà. Bên cạnh đó Bộ Văn hóa đã cấp bằng Di tích lịch sử cho chùa Hà vào năm 1996.

Nay đến thăm chùa Hà, du khách được quay về với làng quê Bắc bộ xưa với không gian dân dã, cổ kính có những cây ăn quả và cây đa cổ thụ, và những gian thờ trầm mặc chân phương bên khoảng sân đầy nắng điểm xuyết vài sắc hoa lan. Tạm gác lại sau lưng cảnh đô thị sôi động náo nhiệt, mọi người dân và phật tử thập phương đến chùa Hà để cảm nhận sự khác biệt từ không gian đến thời gian bằng năm giác quan. 
 Một góc hành lang
Nơi đây, người người lắng lòng lại để nghe rõ hơn sự bình yên đang lan tỏa trong tâm hồn, cảm giác bình yên đó khiến mỗi người thêm yêu quê hương từ những điều giản dị nhất :

“Quê hương là chúm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày”

Hình ảnh Việt Nam vô cùng thân thương với chùm khế ẩn hiện trong tán lá xanh mướt trước hiên chùa. Ngoài đường nắng nóng bụi bặm, nhưng bầu không khí dưới tán cây khế trong sân chùa lại mát mẻ, trong lành và thơm dịu một mùi hương khó gọi tên.

Điều này cũng giống như việc hàng trăm người quay về bóng cả tâm linh thanh tịnh này mỗi dịp lễ Tết, ngày rằm mồng một, để tăng trưởng đạo tâm cùng niềm tin & hy vọng vào cuộc sống. Chùa Hà trở thành ngôi chùa linh thiêng đặc biệt đối với giới trẻ Hà thành, ở đây họ cầu sự nghiệp thăng tiến hay tình duyên hầu như đều linh ứng.
 
 
Sự thiêng liêng của nhà Phật bắt nguồn từ năng lượng cảm ứng đạo giao giữa tâm chư Phật và tâm hồn người lễ chùa. Bởi quy luật nhân quả thật sự vi diệu : đối với những người sống nhu hòa, hay làm việc tốt hàng ngày, họ đi chùa cũng không bon chen vào dòng người trong chính điện để cầu khấn, mà khiêm nhường đứng ngoài sân cạnh gốc cây nhìn được tượng Phật qua khe cửa, xong cứ đứng đó chắp tay cầu nguyện trong đầu mắt nhìn thẳng vào Phật, cầu nguyện như tâm sự. Họ không có mang lễ hoa quả hay lễ mặn, chỉ thắp hương & đốt tiền vàng.

Những người như vậy, chỉ trong tối đa là một năm, điều họ cầu nguyện trở thành hiện thực. Đó là câu chuyện của Á hậu Việt Nam 2010 Đặng Thùy Trang, cô chia sẻ mùng một Tết năm 2013 cô đi lễ chùa Hà để cầu mong trong ấm ngoài êm, vậy là 27/12/2013, cô lên xe hoa cùng một người chồng tốt, giờ cô định cư tại Tp.HCM và làm việc cho PVI.
 
Bởi đạo Phật là đạo vô ngã mà cũng là con đường Chân ngã tìm cái tôi chân thật. Tôi chỉ trở về với con người thật của chính mình, khi tôi hiểu rằng im lặng là đỉnh cao của âm thanh, khiêm hạ là sự tự tin vững vàng nhất. 

Tuy luật nhân quả phân chia tốt – dở rõ ràng, song tinh thần từ bi, bao dung, hỷ xả của Phật giáo luôn mở rộng cửa chùa đón nhận mọi phẩm chất và tính cách khác nhau cùng quay về với nhau, để cùng chỉnh sửa và hoàn thiện. Những người biết tu sửa tâm tính cũng có thể nhận được nhân duyên thiện lành và cầu được ước thấy trên đường và đạo.

Mọi niềm tin đặt nơi cửa Không đều là thiện lành, song sự tin tưởng ấy cần dựa trên nền tảng hiểu biết về lý nhân quả ở đời, rằng: mỗi người gieo nhân lành cần tin vững chắc vào quả phúc mà mình xứng đáng được nhận, những người chưa tạo được nhân lành cũng cần tin rằng mình có thể tu sửa bản tâm, mà gieo và gặt phước điền.

Vì hạnh phúc của cuộc sống là có một niềm hy vọng để hướng về phía trước và làm được nhiều điều hay từ niềm tin chân chính đó.
                                                               
Diệu Hòa
loading...