Kiến thức
Vấn đề tài sản của người tại gia theo quan điểm của đạo Phật (Phần 1)
Thứ ba, 17/06/2023 01:30
Tài sản đối với người thế gian mang một ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những điều mà họ quan tâm nhất. Vậy tài sản theo quan điểm của Đức Phật là gì? Nhưng phương cách nào giúp tài sản thành tựu và hưng thịnh ? Làm sao để bảo vệ được tài sản?
Khi sinh ra chúng ta không có gì, khi trở về có lại hóa hư không. Đến và đi chúng ta không mang được gì ngoài nghiệp, nhưng khoảng giữa chúng ta lại có nhiều thứ, trong đó có tài sản. Tài sản ấy có khi là hiện vật thực tế, cũng có khi là tài sản tỉnh thần quý giá. Tài sản đối với người thế gian mang một ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những điều mà họ quan tâm nhất.
Vậy tài sản theo quan điểm của Đức Phật là gì? Nhưng phương cách nào giúp tài sản thành tựu và hưng thịnh ? Làm sao để bảo vệ được tài sản? Cách thức sử dụng tài sản lợi ích nhất là gì ? Đối trước định luật vô thường, sinh diệt của cuộc đời, người tại gia có tâm thế như thế nào với sự được và mất của tài sản ? Chúng ta nên để lại gì cho con cháu ? Đây là những vấn đề người thế gian quan tâm và muốn tìm hiểu.
Một người cư sĩ nên chia đều tài sản như thế nào theo lời Phật dạy?
Định nghĩa về “tài sản”
Bộ luật dân sự năm 2015 xác định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá trị và quyền tài sản".
Trong kinh có đề cập đến các loại tài sản: Tài sản của Bà-la- môn là khất thực, tài sản của Sát- đế-lợi là cung và tên, tài sản của Vệ-xá là canh nông và nuôi bò, tài sản của Thủ-đà-la là lưỡi liềm đòn gánh. Tài sản của Sa-môn là nhẫn nhục nhu hòa.
Theo A-tỳ-đạt-ma, tài sản thuộc pháp tục đế, chịu quy luật vô thường, bị chi phối bởi lửa, nước, vua chúa, kẻ ăn trộm, các kẻ thừa tự, người thù địch. Có bảy thứ tài sản không bị làm tổn hại, gồm: tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài và tuệ tài. Đức Phật cũng khẳng định “lòng tin” là tài sản tối thượng (Saddhā bijam) . Nhưng niềm tin ấy phải dựa trên thực nghiệm và trí tuệ, không nên tin chỉ vì nghe truyền thuyết, truyền thống.
Theo kinh sách, tài sản có hai loại là tài sản phi pháp và tài sản đúng pháp”. Tài sản đúng pháp có được do sự chơn chánh thu hoạch từ sự nỗ lực tinh tấn, mồ hôi, công sức. Ngược lại với tài sản đúng pháp là tài sản phi pháp.
Mục đích làm ra tài sản
Theo kinh sách, có năm lý do sau để tạo ra tài sản: để mình, người thân, người làm công được an lạc; để giúp bạn bè thân hữu; để đề phòng những tai họa có thể xảy ra; để giúp đỡ bà con, khách khứa ...; để cúng dường đến các Sa-môn, Bà-la-môn phạm hạnh.
Gầy dựng tài sản trước hết là tự lo cho bản thân mình, để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, để báo đáp cha mẹ, để làm tròn trách nhiệm với chồng con, làm chỗ dựa cho người làm công. Thứ nữa là giúp đỡ bạn bè. Tài sản chúng ta có đôi khi nhờ các mối liên hệ và hợp tác với bạn bè. Ta làm ra tài sản để thể hiện lòng tri ân không phụ với giúp đỡ ấy, cũng để bạn bè không phải lo cho ta. Tài sản ta làm ra hãy chia sẻ cho những người bạn khó khăn hơn để cùng nhau đi lên.
Tạo ra tài sản để đề phòng những tai họa từ lửa, nước, kẻ trộm... Nếu không tích cóp và không năng nổ tạo ra tài sản thì sẽ không có đủ kinh tế nuôi gia đình. Mục đích tạo ra tài sản là để bù trừ vào những gì đã mất. Tạo ra tài sản cũng để có cơ hội làm các việc thiện giúp người. Điều này thể hiện sự tri ân và báo ân đối với các nhân duyên trong đời, giúp lòng bố thí và tâm từ, bi, hỷ, xả tăng trưởng. Cao quý hơn là nỗ lực tạo ra tài sản là để cúng dường tối thượng đến với các Sa-môn phạm hạnh, tạo thiện duyên để đời sau sinh về cảnh giới an lành.
Như vậy ngoài việc tạo của cải vì để phục vụ nhu cầu sinh hoạt bản thân, người thân, bạn bè, hay để duy trì tài sản, thì tạo tài sản còn để giúp ích xã hội, gieo duyên, quan trọng là góp nhặt tư lương cho kiếp vị lai.
Sự nguy hại khi có nhiều tài sản
“Thật là nhiều thay, những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào, bị lôi cuốn, chìm đắm, say mê trong các dục và có hành vi không tốt đẹp đối với các người khác”. Lúc nghèo khó người ta sống đạm bạc, chăm làm ăn, nhưng khi có chút tài sản lại thích tụ tập ăn chơi, lười biếng, chìm đắm dục lạc.
Tài sản ẩn chứa mối nguy hiểm tiềm tàng. Thấy được mối nguy hại của tài sản, ngài Ratthapāla đã cảm thán: “Tôi nhìn thấy ở thế gian những người có tài sản, sau khi thâu vào của cải thì không cho ra bởi si mê. Những kẻ tham lam thực hiện việc tích lũy tài sản rồi mong mỏi các dục nhiều thêm hơn nữa”. Bởi si mê nên họ không chia sẻ tài sản với ai, lo hưởng thụ nên rồi sa ngã.
“Loài người bị đắm say
Trong tài sản trong dục
Về sau họ khổ đau
Chịu quả báo ác nghiệp”.
(còn tiếp).