Kiến thức
Vận dụng thiền quán vào xã hội hiện đại để góp phần xây dựng thế giới hòa bình an lạc
Thứ năm, 14/10/2022 08:47
Bước vào thế kỷ XXI, nhân loại bước vào một kỷ nguyên đầy biến động với đà phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật. Nhìn một cách tổng thể chúng ta thấy rằng trình độ dân trí và đời sống vật chất được nâng cao đáng kể, nhưng đời sống tinh thần có nhiều lúc lại rơi vào khủng hoảng.
Bài viết này đề cập đến vấn đề khủng hoảng tinh thần trong đời sống xã hội hiện nay và nêu ra phương pháp khắc phục thông qua việc vận dụng thiền quán vào đời sống thường nhật, giúp cho người thực hành thiền quán hiểu rõ và kiểm soát được thân tâm với hoàn cảnh đang sống, bình tĩnh xử lý các tình huống để vượt qua những khó khăn bế tắc trong cuộc sống, khống chế và điều phục được các tâm bất thiện, đạt được những lợi ích về tinh thần và có được nội tâm thanh thản, đời sống an lành hạnh phúc thật sự.
Thiền là một lĩnh vực rất đa dạng, phong phú về thể loại và phương cách thực hành. Trong Phật giáo có nhiều trường phái thiền như: Thiền Như Lai, Thiền Tổ sư, Thiền Nguyên thủy, Thiền Phát triển v.v… Nguyên nhân có nhiều trường phái khác nhau như vậy là bởi Phật giáo có một quá trình phát triển lâu dài, tính đến nay đã hơn 2.600 năm. Theo dòng thời gian, Phật giáo được truyền lưu khắp nơi trên thế giới, và đã thích nghi với phong tục tập quán và văn hóa tín ngưỡng của từng địa phương, từng quốc gia. Sau khi được truyền vào Trung Quốc, với tinh thần khai phóng đầy sáng tạo, các Tổ sư khai sáng các dòng thiền đã lập nên những tôn chỉ theo quan điểm riêng mình. Tuy vậy, về nền tảng giáo lý cơ bản (giới-định-tuệ) thì không có nhiều điểm khác nhau. Phương cách hành trì đều trải qua các bước giữ giới rồi đến thiền định để phát sinh trí tuệ. Thiền bao gồm thiền chỉ và thiền quán. Nó có thể giúp cho hành giả đạt được đời sống an lành trong thực tại và từng bước đi đến giác ngộ giải thoát.
Các vấn đề của nhân loại trong xã hội hiện đại
Nhân loại ngày nay có đời sống hướng ngoại nhiều hơn, sống gấp và sống vội hơn. Quỹ thời gian của mỗi người dường như lúc nào cũng bị thiếu. Rất nhiều người không có thời gian để tĩnh tâm nhìn sâu vào đời sống của mình, của những người thân trong gia đình, vì vậy mà các vấn đề mâu thuẫn nảy sinh trong các gia đình hiện đại ngày càng trở nên nghiêm trọng. Hơn nữa, mối quan hệ giữa người với người ngày càng nhạt dần theo quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Nhiều người đối xử với nhau chỉ vì vụ lợi hoặc lợi ích cá nhân. Tình cảm lối xóm láng giềng không còn chan hòa như ông bà chúng ta trước kia.
Nhiều người trong xã hội ngày nay đang sống trong tình trạng khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng tinh thần. Nguyên nhân thì có rất nhiều: những tranh chấp về kinh tế; sự chia rẽ và lòng thù hận do phân biệt sắc tộc, phân biệt tín ngưỡng tôn giáo; sự phân biệt ý thức hệ giữa các đảng phái chính trị tranh giành quyền lực thống trị xã hội; tầng lớp thống trị không quan tâm đến các vấn đề như hòa bình, tự do, dân chủ, công bằng… Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội hiện nay như sự biến đổi khí hậu, nạn phá rừng tràn lan, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức… Các loại dịch bệnh hiểm nghèo như ung thư, tiểu đường, tai biến, đột quỵ… ngày càng phổ biến… Nói chung, con người chúng ta ngày nay đa số đang sống trong trạng thái khủng hoảng và bị động trước thế giới tự nhiên.
Thêm nữa, một số các bạn trẻ ngày nay quá say đắm vào thế giới ảo, không tìm thấy được lý tưởng sống và mục đích sống cho mình. Một số khác lại không có đủ sức đề kháng với các trào lưu văn hóa ngoại lai, thích sống lập dị hoặc rơi vào các tệ nạn xã hội, có lối sống ích kỷ và không cần quan tâm đến những người xung quanh. Mặt trái của sự phát triển công nghệ thông tin qua mạng internet đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bình thường của giới trẻ ngày nay. Các phim ảnh có nội dung người lớn tràn lan trên mạng, và các trò chơi điện tử bạo lực giả tưởng đã làm thay đổi tính cách hướng thiện của rất nhiều người trẻ, khiến tâm lý họ ngày càng trở nên bạo động, thủ đoạn, dục vọng, tham lam, nổi loạn và bất chấp. Những điều đó đã dẫn đến những việc làm nguy hiểm gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, gia đình và xã hội mà chúng ta thường bắt gặp đây đó hoặc xem trên báo chí mỗi ngày. Do đó, việc tích cực ứng dụng và phổ biến thực hành thiền vào trong xã hội ngày nay là việc làm hết sức cần thiết, nhằm giúp cho người thực hành thiền kiểm soát được tâm ý, lấy lại sự quân bình nội tâm, hạn chế những tác động xấu từ cuộc sống hiện đại, và đạt được đời sống an lành và hạnh phúc thật sự.
Việc thực hành thiền quán
Phật giáo ra đời hơn 2.600 năm trước, khi đất nước Ấn Độ đang trong tình trạng rối ren về mặt tư tưởng và tình trạng phân biệt giai cấp nghiệt ngã. Sau khi thành đạo, Đức Phật đã đi khắp nơi để thuyết giảng về lòng từ bi, sự bình đẳng, lòng bao dung, tôn trọng dân chủ, sự hiểu biết chân thật và thực hành các thiện pháp nhằm thúc đẩy xã hội tiến bộ… Ngài khuyến khích phá bỏ sự phân biệt đối xử về giai cấp và chủng tộc, thực thi đường lối giáo dục mang tính thiết thực, đem lại sự an bình và hạnh phúc thực sự cho xã hội. Ngài giảng dạy các học thuyết về tính không, vô thường, duyên sinh, vô ngã, sự khổ và nguyên nhân của khổ v.v… Điều này cho chúng ta thấy rằng công việc giáo dục và cải cách tư tưởng xã hội là việc làm mà Đức Phật đã làm suốt cả cuộc đời. Trong nhiều bài kinh, Đức Phật đã dạy cho các đệ tử những phương cách điều phục thân tâm, thành tựu chánh trí, đạt được đời sống an lành và giải thoát. Và một trong các phương cách đó là pháp thực hành thiền quán.
Thiền quán là phương pháp hành trì quán chiếu nội tâm, nhìn sâu vào tâm để thấy được tâm mình và hiểu được tâm người, thấy được tầm quan trọng của tâm khi chúng ta sống và đối xử với mọi người, với các sự vật hiện tượng trong thế giới quanh ta. Qua sự quán chiếu và tư duy, chúng ta hiểu rõ rằng vũ trụ và nhân sinh đều chịu sự chi phối của luật nhân quả trùng trùng duyên khởi và trải qua chu kỳ: thế giới có thành, trụ, hoại, không; vạn vật có sanh, trụ, dị, diệt; và con người có sinh, già, bệnh, chết v.v... Thế nên trong suốt cuộc đời hoằng pháp độ sinh, Đức Phật luôn chú trọng chỉ bày cho chúng ta nhận diện được bản thể chân tâm không sanh không diệt của con người. Điều quan trọng trước nhất là quán chiếu tìm tâm, thấy tâm, điều phục tâm, trừng tâm, chuyển hóa tâm, minh tâm và xả tâm v.v... Trong kinh Pháp cú, Đức Phật có nói rõ về tâm như sau:
“Tâm dẫn đầu các pháp/ Tâm làm chủ, tâm tạo/ Nếu với tâm nhiễm ô/ Nói lên hay hành động/ Khổ não bước theo sau/ Như xe theo vật kéo.
Tâm dẫn đầu các pháp/ Tâm làm chủ, tâm tạo/ Nếu với tâm thanh tịnh/ Nói lên hay hành động/ An lạc bước theo sau/ Như bóng không rời hình.”2
Trong các phương pháp thiền quán, có phương pháp được xem là xương sống của việc hành thiền, đó là việc quán chiếu “thân, thọ, tâm, pháp”, điều được Đức Phật dạy trong kinh Đại niệm xứ. Người thực hành thiền quán Tứ niệm xứ lâu dài chắc chắn sẽ đạt được sự bình an và hạnh phúc trong hiện tại. Thế nên trong nhà thiền có bài kệ tán dương thiền quán Tứ niệm xứ như sau:
Có con đường độc nhất
Bốn cơ sở quán niệm
Giúp chúng sinh thanh tịnh
Diệt phiền não khổ ưu
Thành tựu được chánh trí
Và chứng nhập Niết-bàn.
Một quán thân trên thân
Hai quán thọ trên thọ
Ba quán tâm trên tâm
Bốn quán pháp trên pháp.
Bốn đề mục thiền quán này rất quan trọng cho người thực hành. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thân và tâm, điều phục được thân tâm, nhận ra cảm giác khổ đau và vui sướng vốn không thật, thân tâm và thế giới này đều là duyên sinh giả hợp lúc có lúc không, thân người là giả tạm sớm còn tối mất, không một vật gì là tồn tại vĩnh hằng. Cho nên các đề mục thiền quán Tứ niệm xứ nêu trên thường được áp dụng trong cách thực hành thiền đối trị các trạng thái tâm tiêu cực.
Thiền quán và các lợi ích của thiền khi áp dụng các đề mục đối trị
Các đề mục thiền quán được áp dụng cho việc đối trị những trạng thái tâm tiêu cực của con người, được ví như vị bác sĩ tùy theo chứng bệnh của bệnh nhân mà cho toa bốc thuốc. Toa thuốc có thể linh động chứ không phải cố định theo khuôn mẫu chung cho tất cả mọi người, bởi vì nghiệp duyên và căn tính con người không ai giống ai, dưới đây người viết đưa ra một số ví dụ điển hình:
Nếu bạn là người tham lam vàng bạc của cải vật chất, cách thiền quán đối trị là hãy tư duy sâu về những hệ lụy của người có rất nhiều tiền. Tại sao có nhiều người lắm tiền nhưng lại ăn không ngon, ngủ không yên và không có hạnh phúc? Chắc chắn là vì họ có những nỗi lo về tiền bạc. Tiền bạc lắm khi cũng là nguyên nhân đưa người ta đến những vấn đề khốn đốn như tham nhũng hối lộ phải vào tù, trộm cướp, người thân tranh giành tài sản mà đoạn tuyệt với nhau… Sau một thời gian thực hành thiền quán như vậy, chúng ta sẽ thấy rõ sự tham muốn tiền tài vật chất của mình từng bước được chuyển hóa, dần đi đến chỗ khi nhìn thấy vàng bạc của cải vật chất, tâm ta không dao động, không còn bị vật chất cuốn hút, làm khổ như trước kia.
Nếu bạn là người có lòng tham sắc dục, cách thiền quán đối trị là hãy quán chiếu về sự bất tịnh và giả tạm của thân thể, hoặc quán sát về thi thể người chết đang trương sình nơi bãi tha ma v.v… Kết quả là sau một thời gian thực hành thiền quán như vậy, bạn sẽ thấy sự tham muốn sắc đẹp của mình từng bước được điều phục, và dần đi đến chỗ tâm thấy sắc không động, do đó không còn bị sự cuốn hút say mê sắc đẹp làm khổ bạn như trước nữa.
Nếu bạn là người hay nóng giận, xin hãy quán chiếu gương mặt phúc hậu thánh thiện giàu lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật, tư duy quán chiếu về hậu quả của những người hay nóng giận không kiềm chế được, đã động thủ giết người nên phải đền tội v.v… Sau đó từng bước sửa đổi tính tình cho bớt nóng giận. Khi cơn giận lên đến đỉnh điểm, tâm chúng ta sẽ mất bình tĩnh, mất kiểm soát và có thể hung hãn làm những việc tai hại gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến nguy hiểm khó lường. Kết quả là sau một thời gian thực hành thiền quán, bạn sẽ thấy lòng nóng giận của mình từng bước được cải thiện và dần đi đến thuần thiện hiền hòa, không còn cảm thấy khổ sở bởi cái tính hay nóng giận của mình như trước.
Nếu bạn là người sắp gần đất xa trời với lòng nhiều sợ hãi về sự chết chóc, hãy quán chiếu rằng sự sống và cái chết vốn là hai mặt của một bàn tay. Cái chết chẳng qua là một cuộc dừng chân nghỉ ngơi của hành giả khi đêm xuống, rồi sáng hôm sau lại tiếp tục cuộc hành trình tiến về phía trước với việc tiếp nối một đời sống mới. Bởi sinh tử là lẽ thường nhiên nên không việc gì phải lo sợ. Kết quả là sau một thời gian thực hành thiền quán như vậy, bạn sẽ thấy sự sợ hãi cái chết của mình từng bước được điều phục và dần đi đến chỗ không còn sợ nữa.
Nếu bạn là người trẻ tuổi với lòng nhiệt tình nhiều hoài bão phía trước, sau thời gian thực tập thiền quán bạn sẽ nhận thấy rõ những sở trường và sở đoản của mình, sáng suốt chọn cho mình một con đường, một nghề nghiệp thích hợp với sở trường, thích hợp với nhu cầu xã hội để tiến bước về tương lai với lòng tự tin, thực hiện chính xác những gì mình đã chọn và gặt hái thành công.
Nếu bạn là người tài xế, hãy quán chiếu lại những cảnh chết chóc tang thương vì tai nạn giao thông mà bạn thường bắt gặp trên đường hay thông qua báo chí. Điều đó sẽ khiến bạn cảm nhận rõ hơn những nỗi khổ niềm đau của những người không may bị tai nạn giao thông làm mất đi một phần thân thể hay chịu sự tật nguyền đau đớn suốt cuộc đời. Kết quả là sau thời gian thực tập thiền quán như vậy, tâm của bạn sẽ an định bình tĩnh và chú tâm hơn khi bạn ngồi phía sau tay lái. Bạn yêu cuộc sống này hơn, biết quý trọng sinh mạng của mình và mạng sống của người khác. Bạn sẽ thấy rõ những hậu quả nghiêm trọng mà tai nạn giao thông đã gây ra mỗi ngày, và càng cẩn thận hơn khi ngồi vào tay lái.
Nếu bạn là một kỹ sư, sau thời gian thực tập thiền quán, bạn sẽ nhận rõ hơn trách nhiệm và nhiệm vụ của mình đối với xã hội, với chất lượng và tuổi thọ các công trình do chính công ty của mình làm ra. Điều đó thật tốt đẹp biết bao khi hiện nay lương tâm nghề nghiệp của một số người trong các ngành nghề bị lãng quên. Họ chú trọng và chạy theo cuộc sống hưởng thụ vật dục. Đạo đức nghề nghiệp bị xuống cấp trầm trọng, nhưng họ chẳng quan tâm và cũng chẳng có thời gian nghĩ về hậu quả của nó.
Nếu bạn là một nhà chính trị, sau thời gian thực tập thiền quán sâu sắc, bạn sẽ nhận rõ hơn về chức vụ và quyền lực mà bạn đang có được là do người dân tin tưởng bạn mà biểu quyết hoặc bầu cử trao quyền cho bạn. Quyền lực đó là của nhân dân chứ không phải của chính bạn, cho nên bạn không nên vì nó mà tỏ ra hách dịch quan liêu, lợi dụng chức quyền để tham nhũng hối lộ, hà hiếp dân chúng v.v… Những sai phạm hay lạm quyền của bạn, một ngày nào đó pháp luật sẽ trừng trị. Nếu không bị luật pháp trừng trị, bạn cũng không thể nào thoát khỏi sự trừng phạt của luật nhân quả. Do đó, việc thực tập thiền quán có công năng giúp bạn nhận ra giá trị thật của bạn, và bạn sẽ cố gắng trở thành một nhà chính trị có lương tâm nghề nghiệp, sống hết lòng vì nước vì dân, vì lý tưởng cao thượng tốt đẹp.
Nếu bạn là một doanh nhân, sau thời gian thực tập thiền quán sâu sắc, bạn sẽ rõ hơn về việc giữ gìn chữ tín, nội lực cạnh tranh với nhiều yếu tố quan trọng khác giúp cho công ty của bạn tồn tại và phát triển. Ngoài ra, đòi hỏi bạn phải có cái tâm tích đức làm phước thông qua công tác từ thiện. Việc làm này tạo nên những phước báo, giúp cho bạn và công ty luôn gặp được may mắn, vượt qua những khó khăn và dễ dàng gặt hái kết quả tốt đẹp.
Nếu bạn là người thành công, thông minh, học giỏi, giàu sang và được mọi người quý mến v.v…, sau thời gian thực tập thiền quán sâu sắc, bạn sẽ thấy rằng những điều tốt đẹp mà bạn đang có được là không chỉ nhờ sự cố gắng của bạn ở hiện tại mà còn do nhiều đời kiếp ở quá khứ bạn đã rất nỗ lực tinh cần học hành, làm nghề chân chính, làm nhiều việc phước thiện không biết mệt mỏi, cho nên từ những nhân duyên phước báo đó, đời này khi được sinh ra, bạn là người rất ư hạnh phúc, muốn gì có nấy. Khi hiểu được sự vận hành của quá trình nhân quả qua việc thiền quán, bạn càng nỗ lực làm việc nhiều hơn, tinh tấn học tập và thiền quán nhiều hơn để phát sinh trí tuệ. Bạn sẽ trích ra một phần tài sản để làm từ thiện, mang lợi ích đến cho nhiều người và góp phần kiến tạo một xã hội bình an, ấm no và hạnh phúc.
Nếu bạn là người hay gặp sự thất bại, đụng đâu hư đó, làm việc gì cũng chẳng nên thân, nhiều lúc chán đời muốn tự tử cho xong v.v... Sau thời gian thực tập thiền quán sâu sắc, bạn sẽ thấy rõ được nguyên nhân và quả khổ của mình. Chắc hẳn nhiều đời kiếp trước kia của bạn, bạn đã từng lười biếng học hành, không có ý chí tiến thủ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, lại còn dung túng những ý nghĩ tiêu cực v.v… Cho nên khi hiểu được nguyên nhân và kết quả của vòng xoáy luân hồi bất tận trong nhân gian, bạn sẽ không còn oán trời trách người, mà chỉ trách cứ bản thân mình, qua đó bạn sẽ tỉnh ngộ, nỗ lực cố gắng làm lại từ đầu bằng sự quyết tâm cao độ, chắc chắn vào thời điểm nào đó trong tương lai bạn sẽ thay đổi được cuộc đời của mình theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Nhà Phật có câu: “Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thọ giả thị, yếu tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị”. Có nghĩa là: Nếu muốn biết nguyên nhân trước kia, thì hãy nhìn kết quả hiện tại, nếu muốn biết kết quả trong tương lai, thì hãy xem những việc đang làm. Vì thế, người thực hành thiền quán sâu sắc sẽ hiểu rõ về quy luật nhân quả của tất cả sự vật hiện tượng theo lý duyên sinh với vòng xoáy luân hồi bất tận trong không gian vô cùng và thời gian vô tận. Cho nên đạo đức học Phật giáo thường nhắc đến câu “phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến hậu quả của nó”. Do đó khi chúng ta thực tập thiền quán, chính là lúc sử dụng thời gian vào sự chú tâm để tư duy quán chiếu về các chuỗi mắt xích liên hệ hữu cơ giữa nhân duyên và quả báo, từ đó nhận rõ được nguyên nhân sinh ra hạnh phúc hay khổ đau, thất bại hay thành công, phiền não hay vui sướng, giàu sang hay nghèo đói v.v… của con người, và từ đó có thể điều phục những vấn đề tiêu cực trong tâm, đồng thời tạo điều kiện cho các yếu tố tích cực trong tâm được phát triển, làm cho cuộc sống của mình và người trở nên ngày càng có ý nghĩa. Trong nhà Phật có câu: “Tâm bình thế giời bình, tâm an vạn sự an”.
Kết luận
Thực hành thiền xưa nay đã được xem là phương cách quan trọng giúp cho người hành trì đạt được sự quân bình về nội tâm và thanh lọc thân tâm, ngoài ra còn được xem là phong cách sống nghệ thuật, hướng đến các giá trị đạo đức cho một xã hội văn minh tiến bộ và phát triển hài hòa. Tâm lý học Phật giáo phân ra nhiều dạng thức về tâm như: 8 tâm vương, 51 tâm sở, 24 tâm bất tương ưng hành v.v… Thiền quán tức là dụng tâm để quán chiếu nhằm thấu triệt vấn đề, đối trị, khống chế và điều phục các tâm tiêu cực như: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v… Tạo điều kiện phát triển các tâm tích cực như: lòng bao dung vị tha; lòng từ bi hỷ xả; sự hiểu biết sáng suốt; sự cảm thông chia sẻ; sự tinh tấn cầu học; ý chí tiến thủ vươn lên trong cuộc sống, lòng nhiệt thành giúp đỡ mọi người v.v… Ngoài ra thiền quán còn giúp chúng ta thanh lọc thân và tâm trong sạch, tinh thần nhẹ nhàng thanh tịnh, nhận diện được chân tâm bản tính thuần khiết của mình. Vì thế việc phổ biến phương pháp thiền quán vào xã hội ngày nay là góp phần làm cho thế giới hòa bình và đời sống chúng ta ngày một an lạc hơn.
Chú thích: (2) Thích Minh Châu (dịch) (2000), Kinh Pháp cú, phẩm Song yếu, tr.7, NXB.Tôn Giáo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Thích Minh Châu (dịch) (2000), Kinh Pháp cú, NXB.Tôn Giáo.
- Thu Giang Nguyễn Duy Cần (1971), Phật học tinh hoa, NXB.Khai Trí.
- Pháp sư Thánh Nghiêm, Nguyên Bửu (dịch) (2011), Thiền và ngộ (trọn bộ 2 tập), NXB.Phương Đông.
- Thích Minh Châu (2012), Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, NXB.Tổng Hợp.
- Thích Minh Châu (2002), Hành thiền, Hà Nội: NXB.Tôn Giáo.
- D.Suzuki, Thiền luận (3 tập), NXB.Tổng Hợp TP.HCM .
- Sayadaw U Kundalabhivamsa, Tỳ-kheo Thiện Minh (dịch) (2000), 9 yếu tố phát triển Thiền quán, NXB.TP.HCM.
- Kimura Taiken, Thích Quảng Độ (dịch) (2012), Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, NXB.Tôn Giáo, tb.
- Kimura Taiken, Thích Quảng Độ (dịch) (1969), Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, NXB.Lá Bối, tb 2012.
- Kimura Taiken, Thích Quảng Độ (dịch) (1969), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, tb 2012.
- Thenchen Thrangu, Nguyên Hương (dịch) (2004), Sự thực hành về Thiền chỉ và Thiền quán, NXB.Tổng Hợp TP.HCM.
- Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận (trọn bộ 3 quyển), NXB.Văn Học Hà Nội.
- Thích Thanh Từ (2008), Thiền sư Việt Nam, NXB.Tổng Hợp TP.HCM.
- Thiền học đời Trần, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995.
* Tiến sĩ Văn học Phật giáo tại Trường ĐHSP Thượng Hải, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.