Kiến thức
Văn tưởng niệm Phật Thích Ca thành đạo (Phần 1)
Chủ nhật, 30/12/2022 09:15
Vì bị ám ảnh bởi những nỗi khổ đau sinh già bệnh chết bủa vây kiếp người, Thái tử Sĩ Đạt Ta của dòng họ Thích Ca nước Ca Tỳ La Vệ đã nguyện dấn thân trên con đường thênh thang vạn lối, quyết tìm ra con đường bất tử vô sanh, mở ra lối mòn hạnh phúc bất diệt cho loài người.
Kính lạy đức Thế Tôn, bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác.
Sao Mai từ góc trời lên
Tử sinh đã dứt, não phiền đã tan.
Mười phương thế giới hân hoan
Mừng đấng Chánh Giác với ngàn lời ca.
Vào ngày này năm xưa, cách đây hơn 26 thế kỷ, có một cuộc chiến đấu kiên cường bất khuất giữa một con người với muôn trùng chướng ngại ma binh, để vươn lên trở thành một đấng Giác Ngộ.
Đức Phật thành đạo là sự kiện tối quan trọng trong lịch sử Phật giáo
Vì bị ám ảnh bởi những nỗi khổ đau sinh già bệnh chết bủa vây kiếp người, Thái tử Sĩ Đạt Ta của dòng họ Thích Ca nước Ca Tỳ La Vệ đã nguyện dấn thân trên con đường thênh thang vạn lối, quyết tìm ra con đường bất tử vô sanh, mở ra lối mòn hạnh phúc bất diệt cho loài người.
Ngài nhận thấy, giữa thế gian, bao nhiêu lâu đài thành quách đã dựng xây bên bờ nước lấp lánh ánh triều dương, lạ lùng chi, dưới bóng hoàng hôn hiu hắt, thoáng chốc đã xiêu vẹo ngổn ngang trên bãi cát điêu tàn hiu quạnh. Thảng thốt bao năm, trong giấc mộng vật vờ, loài người chỉ mong để dựng nên một cái gì bền vững, dài lâu.
Rồi từng đêm, từng đêm, rồi nghìn đêm mờ mịt, loài người không thấy đâu là ánh sáng. Chỉ có năng lực của ý chí tồn sinh là không ngừng đốt cháy, bập bùng như ánh lửa ma trơi, suốt những đêm dài bất tận.
Dựng nên, rồi sụp đổ; sụp đổ rồi lại dựng nên. Luẩn quẩn vần xoay như con kiến bò quanh miệng chén, như dã tràng xe cát bãi hoang. Tất cả chỉ là sự kiên trì của bao sinh linh mê muội lầm than khốn khổ.
Cho đến một ngày, Người trải cỏ bên sông, lặng lẽ ngồi xuống. Một mình Ngài điềm nhiên giữa rừng sâu u tịch. Từng đêm thâu, thú dữ tru tréo thét gầm. Ngày ngày gió chướng, mưa sa, nắng táp sương mù; có khi sấm sét kinh hoàng, xé rách màn trời, xé toang mặt sông dậy sóng. Nhưng lòng Người không nao núng. Niềm tịch lặng tỏa sáng từ bên trong, làm lắng trong cả đại thiên giới.
“Từ trong thiền định thâm sâu, với tâm định tĩnh, nhu nhuyến, trong sáng như gương, Ta suy tư về lẽ sống chết, về những nguyên nhân tích tập dẫn tới luân hồi sanh tử và con đường giải thoát, dẫn tới Niết bàn, Ta nhớ lại, thấy rõ các kiếp sống trước đây của mình, một kiếp, hai kiếp cho tới hàng trăm ngàn kiếp. Ta đã từng là ai, tên họ là gì, sinh trưởng trong dòng họ nào, cha mẹ là ai...
Rồi, bằng tuệ quán, Ta thấy rõ các chu kỳ thành hoại của một thế giới, nhiều thế giới, hằng hà sa thế giới. Hướng tâm về vạn loại chúng sinh, với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, vượt qua tri kiến phàm tục, Ta thấy rõ các chúng sanh, tùy theo nghiệp nặng nhẹ, thiện ác do mình tạo ra, luân hồi như thế nào trong các cõi sống, từ vô thủy cho tới ngày nay, ai, trong kiếp sống nào, đã từng cao sang hay hạ liệt, thông minh hay ngu đần, mỗi người được tái sinh cõi lành cõi dữ ra sao...
Cuối cùng, hướng tâm về lậu tận trí, đoạn tận lậu hoặc và Ta nhận ra: Đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, và đây là con đường đưa tới khổ diệt. Khi nhận ra được điều này, trí Ta được giải thoát khỏi các dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Rồi tri kiến khởi sanh trong Ta: Sanh đã đoạn tận, khổ đã diệt, phạm hạnh đã thành, những gì cần làm đã được làm xong, Ta không còn tái sanh nữa.”
(còn tiếp ...)
Trích "Điếu Văn Văn Tưởng Niệm Văn Tác Bạch".