Kiến thức
Về chữ “Vía” trong vía Phật, Bồ tát
Thứ bảy, 25/12/2023 04:30
Trong Phật giáo Bắc truyền, kỷ niệm ngày sinh (hoặc ngày mất - Niết-bàn) của chư Phật, Thánh Tăng đều gọi là Vía. Mặc dù trong Phật Quang Đại Từ điển có định nghĩa, kỷ niệm ngày Phật Niết-bàn gọi là Niết-bàn hội hay Niết-bàn kỵ nhưng hầu hết Phật giáo Bắc truyền gộp ngày sinh (hoặc ngày mất) gọi là Vía.
Theo Huình Tịnh Paulus Của trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (1) trang 1165: “Vía” [????] là âm Nôm, nghĩa là: “Hồn sống; hơi; bóng người ta” (cột a) “Ăn vía: Ăn mầng ngày sinh; ngày vía: ngày sinh” (cột b);
Theo A.D Rhodes trong Từ điển AnNam – Lusitan – LaTinh (2) trang 264 nêu: Vía (quốc ngữ thời kỳ phôi thai, ngài A.D.Rhodes ghi là UIÁ) nghĩa cũng tương tự như cụ Huình Tịnh Paulus Của nêu. “Ăn vía: làm tiệc mừng ngày sinh” “Vía chúa: ngày sinh của Chúa”
Như vậy, nghĩa ban đầu của chữ Vía không chỉ dón gọn ở nghĩa kỷ niệm ngày sinh (của một người đã mất) mà còn có nghĩa là…ăn sinh nhật. Nhưng ngày nay, ít ai nói ăn vía cả, mà chỉ có happy birthday mà thôi.
Trong Phật giáo Bắc truyền, kỷ niệm ngày sinh (hoặc ngày mất – Niết-bàn) của chư Phật, Thánh Tăng đều gọi là Vía. Mặc dù trong Phật Quang Đại Từ điển (3) có định nghĩa, kỷ niệm ngày Phật Niết-bàn gọi là Niết-bàn hội hay Niết-bàn kỵ (chữ kỵ nghĩa húy kỵ, đám giỗ) nhưng hầu hết Phật giáo Bắc truyền gộp ngày sinh (hoặc ngày mất) gọi là Vía. Thí dụ: Vía Phật đản; Vía Phật Niết-bàn…
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Việc gộp chung này, theo người viết có 2 lý do:
1. Do “nhân tuần” (4) lịch đại của bậc tiên đức để lại hoặc “áp lực” của dân gian để lại, và hàng hậu thế cứ thế noi theo. Di sản của “nhân tuần” đôi lúc cũng thật trái ngang, thí dụ: Quảng Hương Già-lam thì dân gian gọi là chùa Già Lam, và đầu hẻm 498 đường Lê Quang Định có bảng tone chỉ dẫn… chùa Già-lam, trong khi Già-lam nghĩa là chùa! Nhưng các bậc tiên đức Phật giáo Bắc truyền miền Nam dùng chữ Vía thay cho ngày sinh lẫn ngày mất là một “nhân tuần” tiến bộ.
2. Trong tư tưởng Phật giáo Bắc truyền, xem Phật, Bồ tát là hằng hữu. Thí dụ: Như lai thường trụ. Trong bài kệ Mộc dục thánh tượng (bài kệ Tắm Phật) có nêu: “Ta-la thọ gian, bất tằng diệt/Bất sinh, bất diệt lão Cù-đàm” (Trong rừng cây Ta-la, Như Lai chưa từng “mất đi”/[Vì] Đức Gotama chưa từng sinh và cũng chưa từng diệt).
Như vậy, việc dùng chữ Vía thay cho ngày sinh lẫn ngày mất của Phật, Bồ-tát là điều bình thường (như đã nói ở mục 2). Chỉ có một khác biệt nhỏ, chữ Vía thường dùng trong văn nói và chữ “thánh đản” thường dùng trong văn viết mà thôi.
Chú thích tư liệu trích dẫn:
(1) NXB Trẻ ảnh ấn lại ấn bản 1895 – 1896, xuất bản năm 1998, nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh – Xây dựng và Phát triển;
(2) Thường gọi Từ điển Việt – Bồ - La, do Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính phiên dịch; HN, 1991. NXBKHXH;
(3) Sa môn Thích Quảng Độ dịch, tập 3, trang 4434. TPHCM, 2014. NXBTH,TP.HCM;
(4) Nhân tuần 因循: Theo cũ; Theo Trần Văn Chánh, Từ điển Hán –Việt; Hán ngữ Cổ đại và Hiện đại; in lần thứ năm. TPHCM, 2014. NXB Từ Điển Bách Khoa, trang 438.