Chùa Việt
Về chùa Cung Kiệm chiêm ngưỡng pho tượng Quan Âm được khắc niên đại sớm nhất Việt Nam
Chủ nhật, 03/11/2023 12:20
Pho tượng Quan âm chùa Cung Kiệm, phường Nhân Hòa (thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) được khắc niên đại sớm nhất, có giá trị đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Phật giáo, lịch sử tạo tượng Việt Nam nói chung và lịch sử tín ngưỡng thờ Quan âm của người Việt nói riêng.
Chùa Cung Kiệm (Thượng Phúc tự), Phường Nhân Hòa, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh vốn được khởi dựng từ lâu đời trên một gò đất cao ở cuối làng, mặt quay hướng Đông - Nam.
Trải qua thời gian, chùa được nhân dân nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm 1950, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, chùa bị dỡ bỏ. Đến năm 1954, nhân dân dựng tạm 3 gian chuôi vồ nhỏ để thờ Phật trên nền xưa đất cũ. Năm 2018, chùa được dựng lại toàn bộ bao gồm các công trình: Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách. Chùa Cung Kiệm đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa, Quyết định số 1598/CT ngày 30/11/1996.
Chùa Cung Kiệm là di tích có vị trí cảnh quan, kiến trúc cùng khuôn viên đẹp. Các công trình kiến trúc được thiết kế, trang trí theo lối truyền thống, chạm khắc trang trí tinh xảo, nghệ thuật. Hệ thống tượng Phật cùng các đồ thờ tự trong chùa cách đặc trưng của mỗi thời kỳ và tài năng của các nghệ nhân chế tác. Ngôi chùa từ lâu đời là trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân quê hương nơi đây góp phần giáo dục và phát huy tình đoàn kết cộng đồng làng xã, giúp con người hướng thiện trừ ác.
Vào thời Lê Sơ, ngôi chùa đã được nhiều người biết đến và cung tiến tiền của vào việc tôn tạo, tạc tượng Phật, tiêu biểu là pho tượng Quan Thế Âm chất liệu đá còn bảo lưu nguyên vẹn đến ngày nay.
Quan Âm (cách gọi khác của Quan Thế Âm Bồ tát) là vị Bồ tát đại từ đại bi, có thể hiện ra được 33 hóa thân, cứu 12 loại đại nạn, tôn hiệu là “Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ tát”, gọi tắt là “Đại Bi”. Tín ngưỡng thờ Quan Âm bắt đầu từ Ấn Độ, Tây Vực, sau được truyền đến Trung Quốc, Nhật Bản… và Việt Nam. Vì lòng từ bi cứu khổ cứu nạn chúng sinh, ngài tùy cơ hóa hiện. Ban đầu, Quan Âm được tôn tượng theo hình tướng nam giới. Sau khi đạo Phật được du nhập và phát triển ở các nước viễn Đông, Quan Âm được chuyển hóa và tôn tượng theo hình tướng nữ giới.
Dựa trên hình tượng nghệ thuật, kinh điển và truyền thuyết về Quan Âm lưu truyền ở Việt Nam, có thể thấy pho tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm thể hiện ứng thân của Nam Hải Quan Âm, cũng thường được biết đến với tên gọi Diệu Thiện, hay bà chúa Ba Quan Âm. Kinh truyện về đức Quan Âm Diệu Thiện có nhiều dị bản, nội dung cơ bản đều kể việc: Đức Phật bà vốn là con gái của vua Diệu Trang (Diệu Trang vương), có nhan sắc và mộ Phật. Bà đã từ bỏ vinh hoa phú quý, một lòng phát nguyện từ bi cứu độ chúng sinh, vượt mọi chướng ngại để tu hành đắc đạo.
Pho tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm hiện được bảo quản trong khám, đặt trên bục cao, gian bên phải tòa Thượng điện. Pho tượng có kết cấu gồm hai phần: Thân tượng và bệ tượng. Tính đến hiện nay pho tượng Quan âm chùa Cung Kiệm là pho tượng đá duy nhất được tạo tác từ hai khối tách rời gồm phần thân tượng và bệ tượng.
Phần thân tượng Quan Âm được tạc trong tư thế ngồi tọa thiền bán kiết già, lộ nửa bàn chân phải. Tay trái đặt trên đầu gối trái, tay phải đưa ra phía trước, bàn tay khép hờ. Trên đầu tượng đội mũ thiên quan, mặt trước, chính giữa mũ chạm nổi họa tiết hoa sen, xung quanh điểm xuyết các họa tiết hoa mai. Khuôn mặt tượng thon gọn, thanh tú với dáng vẻ nữ tính, nhưng vẫn toát lên vẻ từ bi của nhà Phật. Đôi mắt khép hờ, sống mũi cao, miệng mỉm cười an nhiên, thùy tai chảy dài, cổ kiêu ba ngấn. Trên mình tượng khoác hai lớp áo, trước ngực đeo dây anh lạc, chính giữa khắc hình hoa mai 9 cánh. Giữa bụng có dải lụa được thắt nút tạo thành hai dải lụa rủ xuống lòng bàn chân.
Phần bệ đá đặt tượng được làm thành 3 phần: trên cùng là bệ sen gồm những bông sen, cánh sen và hoa dây trên bề mặt. Khoảng giữa thắt lại, chạm khắc sóng nước, giữa sóng nước đó chạm nổi hai con thủy quái đang ngoảnh mặt vào nhau. Đôi thủy quái đang trong tư thế ngóc cao đầu, vượt lên sóng biển, ngoảnh mặt vào nhau cùng đội lấy đài sen. Hình tượng đôi thủy quái đội đài sen có nguồn gốc từ truyền thuyết Quan Âm Quá Hải trong kinh Phật kể về tích Quan Âm vượt biển nhìn xuống dưới thấy đám thủy quái đang hoành hành dữ dội. Bà đã ra tay cứu vớt chúng sinh và thuần phục đám thủy quái. Nên hình tượng này thường được gắn với hình ảnh quái vật đội tòa sen rước Quan Âm. Phần cuối của bệ đá là 2 bậc gờ đá hình vuông.
Tượng Quan Âm tại chùa Cung Kiệm, phường Nhân Hòa, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh là pho tượng Quan Âm duy nhất có minh văn cả trên thân tượng và bệ tượng. Minh văn pho tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm có tất cả 67 chữ (39 chữ khắc trên lưng tượng, 28 chữ khắc trên bệ tượng) cung cấp thông tin về niên đại tạo tác và địa chỉ, tên các tín chủ công đức.
Như vậy, tượng Quan Thế Âm chùa Cung Kiệm là pho tượng chất liệu đá được khắc niên đại sớm nhất (năm 1449), đồng thời là pho tượng Quan Âm thời Lê Sơ duy nhất được biết đến. Điều này có giá trị đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Phật giáo, lịch sử tạo tượng Việt Nam nói chung và lịch sử tín ngưỡng thờ Quan Âm của người Việt nói riêng.
Với những giá trị nêu trên, ngày 4/11/2023 Giáo hội phật giáo Việt Nam thị xã Quế Võ tổ chức công bố và trao quyết định công nhận tượng Quan Thế Âm chùa Cung Kiệm đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia, Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2023.