Chùa Việt
Vẻ đẹp chuyển động nơi ngàn năm mây bay
Thứ bảy, 24/09/2015 02:53
Chúng tôi đến nhà Bảo An một ngày hè hé nắng, mù sương. Đoàn nghỉ ở biệt thự Kim Giao. Biệt thự này là một trong 4 biệt thự đang hoạt động. Năm 1932 một kỹ sư người Pháp là Girard đã tổ chức khai phá vùng núi này nhằm phát triển du lịch phục vụ giới thượng lưu thời đó cùng các quan chức của Pháp.
Khí hậu của núi Bạch Mã rất đặc biệt. Nhiệt độ ở đây luôn thấp hơn 7-10 độ C so với những vùng lân cận. Đây cũng là một trong những vùng đất ẩm ướt nhất Việt Nam, nơi ngàn mây bay với lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 9.000 mm/ năm.
Tôi men theo đường mòn lên Vọng Hải Đài, đường đầy mây bay, mây tan, mây tụ những hình kỳ thú và chen kẻ lá, tạo ra một vẻ đẹp chuyển động thiêng liêng. Ở độ cao 1.450 m, đứng mấp mé trên mái ngói xi-măng của Vọng Hải Đài. Trước mắt tôi trùng trùng mây, trùng trùng đồi núi rừng xanh. Mây như một bức màn sương trắng bao la từ từ hé mở ra một cảnh quan hùng vĩ của những dãy núi nối tiếp lan ra tận biển Đông. Anh Hoái bạn mới của tôi, nói: “Ngày nắng trong, có thể nhìn được vịnh Lăng Cô, Hồ Truồi, tượng Phật ở Bà Nà anh ạ. Ở đây, không chỉ có vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng mà cón hiện diện một vẻ đẹp chuyển động của những đám mây bay.
Núi Bạch Mã là nơi ngàn năm mây bay, nơi ngàn năm mây luồn trong trong ngàn lá, mây vương vấn đường người đi, mây chung sống với du khách, mây ùa vào phòng đem theo cái se se lạnh của buổi tàn đông vào ngày hè ẩm ướt, mây cùng với rừng thiêng, khe suối tạo ra một vẻ đẹp đặc trưng và riêng biệt của Bạch Mã mà không nơi nào có được. Đấy là vẻ đẹp chuyển động Bạch Mã.
Chúng tôi xuất phát từ biệt thự Đỗ Quyên. Đây là một biệt thự đẹp bởi tường xây bằng đá granite đi qua trên dưới 90 năm, đã ngả màu thời gian đen như than. Dù lúc đó hơn 9 giờ của một ngày đầu Hạ, nhưng sương mù loãng như sữa quấn quýt chân người đi. Đường xuống dốc dài, uốn lượn quanh co. Tôi tưởng mình đang vén mù sương để bước vào cõi tiên hạ giới. Đường mòn gần đến thác bắt đầu thắp lên những cánh hoa Đỗ Quyên màu đỏ rực như ráng chiều rồi vỡ òa thành những ngọn lửa nồng nàn hai bên thác nước trắng xóa.
Một họa sĩ trong đoàn, chiêm ngưỡng dòng thác mùa Đỗ Quyên ra hoa, nhanh tay ký họa, mà ngay hôm ấy anh vẽ được một bức tranh Thác Đỗ Quyên lộng lẫy, tươi nóng bằng nét cọ tài hoa.
Tôi lại đi một mình giữa rừng cây, chân leo dốc, tai nghe tiếng thì thào của ngàn lá và trái tim nghe mạch ngầm của đất đang chuyển dinh dưỡng cho từng thớ gỗ nuôi lớn ngàn cây. Tôi nghĩ, trong đời chúng ta nên có một hay nhiều lần, ở một nơi nào đó thật tịch lặng, một ngày, hai ngày, ba ngày hay nhiều hơn để lắng nghe mình, nhìn vào bên trong của mình và lắng nghe sự chuyển động chung quanh.
Trước mắt tôi hiện ra cánh cổng gỗ viết ba chữ Bạch Vân Tự, phía bên trái cổng tự có tượng đức Phật Tổ bằng đá quý, nặng gần 25 tấn (trong đó phần đế nặng 16 tấn) được cung thỉnh về tôn trí trong dịp chùa Bạch Vân đang trong giai đoạn bắt đầu Đại trùng tu. Đây là dự án do BTS GHPGVN tỉnh Thừa thiên Huế làm chủ đầu tư. Ngôi chùa sẽ được xây dựng trên diện tích khu đất 3.3 ha trên đỉnh non thiêng Bạch Mã. Mấy năm trước, sáng ngày 27 tháng 07 năm 2013 ( nhằm ngày 20 tháng 06 năm Quý Tỵ), BTS GHPGVN tỉnh TT Huế đã long trọng tổ chức Lễ thỉnh tượng về tôn trí tại chùa Bạch Vân do Trưởng lão Hòa Thượng Thích Đức Phương trụ trì, trong VQGBM, tại núi Bạch Mã.
Quang lâm chứng minh tham dự buổi lễ có Trưởng Lão Hòa thượng Thích Đức Phương, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Trưởng BTS GHPGVN tỉnh TT Huế, Chư tôn đức giáo phẩm chứng minh BTS GHPGVN tỉnh TT Huế, Chư tôn đức thường trực BTS GHPGVN tỉnh TT Huế, Chư tôn đức tăng ni các ban ngành trực thuộc BTS, Chư tôn đức tăng ni các tổ đình, tự viện, tịnh xá, tịnh thất cùng đông đảo phật tử từ các tỉnh thành miền Bắc: Thủ đô Hà Nội, Lai Châu, Sơn La và Thừa Thiên Huế…
Tôi bước sang đảnh lễ Phật Tổ và Bồ Tát Quán Thế Âm. Tượng Quán Thế Âm được tạc bằng đá trắng non nước Đà Nẵng, nhũng vòng tròn nhỏ như những cuộn mây nhỏ khéo xếp lại. Bức tượng được nhà điêu khắc, khắc từ bức ảnh của nhà báo, nhà nhiếp ảnh Khắc Sóng chụp tại Bạch Mã khi bất chợt bà thấy mây trên núi Bạch Mã hiện ra Đức Quán Thế Âm. Duyên lành bà bấm máy và ghi lại được hình dáng tượng Bồ Tát Quán Thế Âm khi chưa kịp tan đi.
Tôi bước lên một trăm lẻ tám bậc đá, kể ra ở những tuổi sáu mươi cũng có thở phì phò đôi chút, nhưng tôi chóng khỏe bởi thân tâm mình đang chìm trong yên tĩnh hoang vu. Tôi thỉnh chuông và đảnh lễ chư Phật. Phía trên một bức vách có treo một tờ giấy đã bọc ni-long vì ẩm ướt nên nhiều nét chữ mờ nhòe: CHỨNG THƯ GIÁM ĐỊNH ĐÁ QUÝ. TƯỢNG PHẬT TỔ BẰNG ĐÁ CORINDON.
PGs.Ts Nguyễn Ngọc Khôi, Giám đốc Trung tâm DOJILAB (đã ký và đóng dấu). Đứng ở đây, tôi chiêm ngưỡng chư tượng Phật đang thiền. Chư tượng Phật và chư tượng Bồ Tát đang nhập định rất sâu, sau lưng Bạch Vân Tự núi Bạch Mã cũng đang thiền, chỉ có gió và mây lao xao cây lá tạo vẻ đẹp chuyển động, sinh động trong im lặng thánh thiện.
Trong những ngày loanh quanh với Bạch Mã, thi thoảng tôi gặp các anh em đi phát quang, dọn dẹp bụi bờ hai bên đường, chăm sóc phong lan... Các anh âm thầm lặng lẽ với công việc của mình. Có anh sinh ở miền quê, có anh lớn lên ở thành phố Huế, Hà Nội... nhưng về đây đều chung cùng mục đích bảo vệ rừng nguyên sinh, bảo vệ côn trùng, muôn thú, hoa trái, cây cỏ, môi trường, môi sinh khe suối, hồ, thác... VQGBM đó là nhưng người kiểm lâm Bạch Mã.
Đời sống của những người kiểm lâm gian nan, vất vả nhưng thú vị. Vượt hàng chục cây số với ba lô nặng trịch trên vai, giống như những chiến sĩ vượt dãy Trường Sơn đi chống Mỹ. Bữa cơm giữa rừng đơn sơ mà ấm áp bởi những tiếng cười hào sảng của anh em đồng nghiệp. Buổi sáng núi rừng rất đỗi bình yên trong cảnh không khí trong lành, chim hót, vượn hú, sóc rộn ràng. Giúp các anh thêm sức, chân cứng đá mềm và lòng yêu rừng, yêu nghề và yêu cuộc sống chung quanh.
Có lẽ các anh là người bảo vệ rừng, bảo vệ ngôi nhà của muôn thú nên các vị thần núi, thần sông bảo vệ cho cho các anh! Bất ngờ tôi gặp lại Tiến sĩ Huỳnh Văn Kéo - Giám đốc VQGBM, mà hơn hai mươi năm trước tôi theo nhà văn Nguyễn Quang Hà và các nhà báo đi viết cho lâm nghiệp, khi ấy ông là một trung niên mạnh khỏe, tâm huyết với nghề. Bây giờ ông vẫn vui khỏe, vẫn yêu rừng, tận tụy với nghề như trước. Ông đã chạm tới độ chín của một người đàn ông dành hết đời mình cho rừng xanh, núi biếc, cho VQGBM nơi ngàn năm mây bay nên bây giờ ông vẫn có vóc dáng khỏe mạnh, tươi vui như thế. Ông giới thiệu với chúng tôi VQGBM được mở rộng đến 37.487 ha, 220km2 và chạy dài tận núi Mang (một bên mái núi là tỉnh Quảng Nam, một bên là Thừa Thiên Huế).
Đêm chia tay với rừng, chúng tôi thức rất khuya, tiếng hát của các thành viên vang lên những tác phẩm mới viết vội của minh cho anh em góp ý. Tiếng đàn ca vang trong đêm, trên non thiêng Bạch Mã như nói lời tri âm, như lời tạ từ hẹn ngày tái ngộ. Anh bạn nhạc sĩ Việt Hoàng chung phòng với tôi, đọc tôi nghe hai câu thơ của một nữ họa sĩ : “Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp. Lở một nhịp cầu, lở suốt trăm năm”. Anh nói tiếp: “Em xin được đứng trên vai người khổng lồ. Xin câu thơ của nữ họa sĩ đưa vào tác phẩm mới của em”. Chúng tôi đồng ý thay hai chữ cho phù hợp bản nhạc: “Lở một nhịp cầu, thương nhớ suốt trăm năm”. Sáng hôm sau tạm biệt Bạch Mã, mây lưu luyến quấn quýt chạy theo xe một đỗi đường đèo tiễn biệt người đi. Lòng tôi ấm lại và tự nhiên vang lên lời hẹn: “Sẽ trở lại một ngày không xa, để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp chuyển dộng nơi ngàn năm mây bay lần nữa”…
Bút ký Nguyễn Nguyên An
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 năm 2015
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 năm 2015