Chùa Việt
Vẻ đẹp ngôi cổ tự được cho là một trong những chùa cổ nhất miền Trung
Chủ nhật, 30/03/2022 03:58
Có tuổi đời hơn 700 năm, Chùa Hoằng Phúc được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung. Ngôi cổ tự không chỉ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cho người dân địa phương mà còn là địa chỉ tham bái của du khách thập phương.
Chùa Hoằng Phúc nằm trên địa phận xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Ngôi chùa tọa lạc trên một vùng đất cao ráo, rộng gần 10.000m2, ở phía hữu ngạn sông Kiến Giang. Diện tích thực được đưa vào sử dụng chỉ tầm 100m2. Phần diện tích còn lại chủ yếu là ao hồ và đất canh tác cho nhân dân trong vùng.
Không ai rõ chùa được xây dựng từ thời gian nào, chỉ biết theo lời truyền thì năm 1301, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã đến thuyết pháp, truyền giảng đạo lí tại ngay chính ngôi chùa này. Như vậy ngôi chùa này cũng đã có trên 700 năm tuổi, là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung.
Chùa Hoằng Phúc vốn bắt nguồn từ am thờ Phật mang tên Tri Kiến Am. Theo sử cũ chép lại, tháng 3 năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đường viễn du ghé qua chùa Am Tri Kiến, sau đó ngài đổi tên thành Am Kính Thiên. Năm 1609, trên đường đi qua đất Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng cũng đã đến nghỉ tại Am Kính Thiên và sau đó không lâu, chúa Nguyễn Hoàng đã cho dựng chùa lớn ngay trên nền am cũ và đặt tên là Chùa Kính Thiên.
Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu ra thăm Chùa Kính Thiên rồi cấp tiền tu sửa, ban cho một biển đề tên chùa “Kính Thiên Tự” và một biển đề đại tự: “Vô song phúc địa” (đất phúc khôn sánh). Cùng với đó ngự chế 5 câu đối treo ở chùa. Năm Minh Mạng thứ hai (1821), trong chuyến ngự giá Bắc Tuần, vua ghé thăm chùa Kính Thiên và cho đổi tên chùa là “Hoằng Phúc Tự” (Phúc lớn).
Trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thời gian, của chiến tranh, Chùa Hoằng Phúc bị hư hại nghiêm trọng. Ngôi cổ tự sau đó được phục dựng, tôn tạo theo hướng giữ nguyên trạng chùa cũ (lối chùa cổ thời nhà Trần).
Chùa còn lưu giữ lại một số hiện vật như tượng Phật bà Quán thế âm Bồ Tát, Địa tạng Vương Bồ Tát cùng một số pháp khí bằng đồng được đúc rất tinh xảo.
Điện thờ được bài trí trang nghiêm.
Tượng La Hán tại chùa Hoằng Phúc.
Chùa Hoằng Phúc không chỉ phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng cho người dân mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, lễ phật của du khách thập phương.
Với những giá trị về văn hóa, lịch sử mang trong mình, vào tháng 12/2015, Chùa Hoằng Phúc được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.