Chùa Việt

Về Hải Dương chiêm bái chùa Phúc Long

Thứ bảy, 24/12/2015 06:37

Chùa Phúc Long nằm sâu trong ngõ nhỏ ở giữa làng quê đang trên đà phát triển. Có lẽ vì thế mà ngôi chùa quê cũng mang hơi thở của nhịp sống hối hả chốn thôn quê.

Khi những guồng quay hối hả của thời gian đang trôi dần về những ngày cuối năm cũng là lúc chúng ta sống nhanh hơn, gấp gáp hơn đối với những công việc còn dang dở trong năm qua và chuẩn bị tâm thế để bước sang năm mới, với niềm vui và khí thế mới. Thời gian như con tạo xoay vần khiến cho con người cứ phải chạy theo thời gian để làm việc, để sống, để sinh tồn.

Nhưng những ngày cuối năm này cũng là lúc để mỗi con người ngồi nghĩ suy lại những việc đã làm trong năm qua, cái được cái mất, cái tồn tại, cái phôi pha. Để rồi chính từ đó hướng mỗi chúng ta có được động lực trong năm tiếp theo. Chúng tôi nhớ đến cửa thiền, nơi chùa để được tĩnh tâm. Bao nhiêu ngổn ngang suy nghĩ trong chiều muộn của những ngày đông lạnh giá đã đưa bước chân của những người làm truyền thông Phật giáo về với chùa Phúc Long tại xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
 
Chùa Phúc Long nằm sâu trong ngõ nhỏ ở giữa làng quê đang trên đà phát triển. Có lẽ vì thế mà ngôi chùa quê cũng mang hơi thở của nhịp sống hối hả chốn thôn quê. Đã lâu lắm rồi khi chúng tôi bắt gặp cảnh trẻ nhỏ đá bóng trước sân chùa khiến cho những người khách hập phương đến viếng thăm chùa như lạc vào cõi Phật đang ngự trị chốn thiền môn.

Bước qua cổng Tam quan chúng tôi đã thấy bà vãi nhà chùa đang cặm cụi nhặt rau để chuẩn bị bữa cơm chiều cho sư Thầy và phật tử. Khác với những gì chúng tôi lo lắng khi đến với chùa Phúc Long, khi trước mặt chúng tôi là cảnh các phật tử gần xa đang tấp nập dọn dẹp ngôi Tam Bảo để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại của chùa. Dựng xe cẩn thận và đứng trước ngôi Tam Bảo thành tâm lễ Phật, sau đó chúng tôi ngồi uống nước tại phòng khách với Đại đức Thích Quảng Tịnh – trụ trì chùa.

“Hôm nay nhà chùa và các phật tử đang dọn dẹp, bao sái tượng Phật để cho sạch sẽ. Vì hôm vừa rồi các phật tử ở Tp.Hải Dương có công đức ốp lát lại các ban thờ tự trong chùa. Đồng thời nhà chùa đang chuẩn bị nhiều công việc giỗ Tổ truyền thống hàng năm. Cho nên chú thấy đấy, công việc ngổn ngang, bận bịu….” Vừa nói Đại đức Thích Quảng Tịnh vừa nở nụ cười hoan hỉ và rót cho chúng tôi chén trà nóng ấm để xua đi sự lạnh giá của những ngày Đông. 
 
Xin phép Thầy đi chiêm bái cảnh đẹp của chùa trong những ngày chiều đông muộn. Nếu như chỉ cách đó có bờ tường rào là cảnh nô đùa chơi bóng của trẻ nhỏ làng quê và cuộc sống hối hả của nhân dân. Thì ở trong chùa này lại yên bình đến vô thường. Bà sãi nhà chùa vẫn cặm cụi nhặt từng cọng rau muống nhẹ nhàng bên tháp chuông cổ, trong nhôi Tam Bảo các bạn thanh niên và các cô đang kê lại tượng, bao sài cho sạch sẽ và rửa nền nhà.

Bà sãi nhà chùa cất tiếng hỏi:

- Cháu thấy chùa nhà bà có nghèo không? Trước khi Thầy về trụ trì cảnh vật hoang sơ lắm, chỉ có mỗi ngôi Tam Bảo nhỏ bé và xuống cấp. 5 năm nay nhờ hồng ân Tam Bảo, nhờ sự duyên lành và sự tận tâm của Thầy, đến nay ngôi chùa này mới được khang trang đó.

Đứng trước cổng Tam quan nhìn vào chùa là cả một không gian rộng lớn sạch sẽ và trang nghiêm. Trước mặt chúng tôi là nhà chuông cổ kính rêu phong nhuốm màu cùng thời gian, với chiếc chuông cổ có hàng trăm năm gắn liền với sự hiện hữu của ngôi chùa cổ. Phía bên trái là nhà Tổ, nhà Mẫu mới được Đại đức Thích Quảng Tịnh cho xây dựng với số tiền hàng tỷ đồng và sự phát tâm công đức, cúng dường của các phật tử, chính quyền địa phương và nhân dân. Trước ngôi nhà Tổ và nhà Mẫu được nhà chùa lát gạch đỏ làm tôn lên nét đẹp của ngôi chùa.
 
Vừa chỉ hướng cho những đoàn xe chở vật liệu để làm sân. Đại đức Quảng Tịnh cho chúng tôi biết: “Trước đây khu vực trước mặt chùa là ao và thùng vũng, nhà chùa đang đổ cát vào để làm sân chuẩn bị cho kịp làm ngày giỗ Tổ truyền thống. Đồng thời cũng đang vận động các tổ chức cá nhân ủng hộ ngày công để làm cho kịp tiến độ”.

Cũng theo bà sãi trông chùa cho biết: Chùa Phúc Long là một ngôi chùa cổ không chỉ của làng mà là của cả vùng đất Gia Lộc. Trải qua năm tháng và thăng trầm của thời gian, chùa bị xuống cấp và mai một. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền và địa phương sở tại cùng với sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân đã tu bổ, tôn tạo ngôi Tam Bảo. Nhưng qua năm tháng ngôi Tam bảo cũng xuống cấp. Được sự quan tâm của GHPGVN tỉnh Hải Dương, nhân dân đã cung thỉnh Đại đức Thích Quảng Tịnh về trụ trì từ năm 2010. Từ khi Sư thầy về trụ trì đến nay, Đại đức đã phát tâm công đức, vận động các phật tử gần xa cùng nhau phục dựng chùa cổ và xây dựng các công trình. Vì chân cột và nền của Tam Bảo thấp, nên Đại đức đã nâng cao lên, sửa chữa và tu bổ lại. Năm 2013, nhà chùa cho xây dựng lầu Quan Âm toạ lạc trên hồ trước mặt ngôi Tam Bảo. Năm 2015 xây dựng thêm công trình nhà Tổ, nhà Mẫu và nhà khách. Đồng thời cho xây dựng toàn bộ khuôn viên, làm cổng và đổ sân với tổng số tiền lên tới hàng tỷ đồng. 
 
Có lẽ mỗi một chùa chúng tôi ghé thăm đều mang lại ấn tượng, sự vấn vương khác nhau. Điều gây ấn tượng cho chúng tôi khi về chiêm bái chùa Phúc Long đó là khuôn viên của chùa có rất nhiều cây xanh tạo cho không gian của chùa thoáng mát, khuôn viên hài hoà và quan trọng hơn là sự hiện hữu của các loại cây cổ có hàng trăm năm.

Dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên của chùa, Đại đức Quảng Tịnh hoan hỉ cho biết: “Hiện nay trong chùa có cây mít là cây có niên đại hơn 200 năm, cây quéo, cây thị hai cây này có tuổi đời trên 150 năm nhưng vẫn toả bóng xanh mát trước ngôi và sau ngôi Tam Bảo. Mỗi lần Thầy đi làm công việc phật sự về Thầy lại ngồi dưới gốc cây đó cho đỡ mệt mỏi và mang lại sự tĩnh tâm. Không chỉ có Thầy mà các phật tử gần xa khi đến với chùa cũng có cảm nhận như vậy”. 
 
Càng về chiều chúng tôi càng cảm nhận rõ cái lạnh của những ngày cuối năm. Ánh nắng mặt trời đang dần lẩn khuất sau những tán cây cổ thụ. Những chuyến xe chở vật liệu san lấp để mở rộng sân của chùa cũng hối hả hơn. Dảo bước vào trong chùa, chúng tôi vẫn thấy hai cô phật tử ở Thành phố Hải Dương đang nói chuyện rôm rả, nhanh tay bao sái hệ thống tượng Phật và lau nhà, các cô chia sẻ: “Khi Thầy Quảng Tịnh về đây vất vả lắm cháu ạ! Đáng ra công việc về trụ trì là giảng đạo pháp, mang lại niềm an vui cho chúng sinh. Nhưng do nơi thờ tự quá xuống cấp không đáp ứng yêu cầu của Phật giáo, nên Thầy vận động con dân cháu làng và quý phật tử gần xa chung tay góp sức xây dựng chùa. Các cô là nhóm phật tử thường xuyên đi làm từ thiện ở các chùa. Mấy hôm nay, các cô công đức tiền mua gạch, vật liệu để ốp lát gạch men các ban thờ ở  Tam Bảo, nhà Tổ và nhà Mẫu. Nói chung khi Thầy về đây trụ trì và hành đạo đã là một cái duyên, mình chỉ góp công công đức cho chùa có thêm sự linh thiêng và sạch đẹp”.

Mỗi một phật tử đến chùa và chùa đều có những cảm nhận khác nhau. Chúng tôi – những người làm truyền thông Phật giáo cũng có những xúc cảm khác nhau. Chào tạm biệt Đại đức Quảng Tịnh và bà vãi của chùa trong niềm vui hoan hỉ khi chúng tôi nhận được lời mời của Thầy về dự giỗ tổ truyền thống của nhà chùa và khánh thành nhà Mẫu, nhà Tổ vào ngày 19 tháng 11 năm Ất Mùi. 

Đức Tuỳ
loading...