Chùa Việt

Về Quảng Ngãi thăm ngôi cổ tự trên đỉnh Thiên Ấn

Chủ nhật, 22/05/2015 02:24

Đã từ lâu, nhắc đến Quảng Ngãi, người ta nhớ đến “núi Ấn sông Trà”. Là ngọn núi cao 106m, không hẳn là cao lắm, nhưng ngọn núi như tam giác cân ấy, nằm ở tả ngạn dòng Trà Khúc này được ví như chiếc ấn của trời niêm xuống dòng sông thơ mộng, nên còn có tên là “Thiên Ấn Niêm Hà”.

Cặp sông núi hữu tình này, rất linh thiêng, gắn với tâm hồn tình cảm hàng bao thế hệ người dân Quảng Ngãi. Trên đỉnh “đệ nhất thắng cảnh” của Quảng Ngãi - núi Thiên Ấn, còn có ngôi cổ tự gắn với bao huyền tích mờ ảo.
 
Trong cuốn sách viết về 12 danh thắng của Quảng Ngãi, tác giả Lê Hồng Khánh có đoạn miêu tả núi Thiên Ấn: “Núi cao 106 m, trông từ 4 phía đều tựa hình thang cân. Vào mùa nước đầy, nhìn từ bờ bắc, dòng nước sông Trà Khúc chảy theo hướng tây nam - đông bắc, như dồn vào chân núi; rồi lại từ chân núi, theo hướng tây bắc - đông nam, đổ về Cửa Đại. Giữa một thiên nhiên thoáng đãng, ngọn núi như chiếc ấn của trời cao niêm xuống dòng sông xanh, nên người xưa còn gọi là Thiên Ấn Niêm Hà. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), núi được liệt vào hàng danh sơn và ghi vào điển tịch”.

Trong những dòng ghi về lịch sử chùa Thiên Ấn, mà Hòa thượng Thích Hạnh Trình cho tôi xem, có ghi, 1670, Thiền sư Lê Diệt, hiệu là Pháp Hóa thuộc dòng thiền Lâm Tế, người Trung Quốc, đến Quảng Ngãi, lên ngọn núi Hó (người địa phương gọi vậy) này xây thảo am ẩn tu. Đến nay, Tổ đình Thiên Ấn đã có 16 vị trụ trì, trong đó có 6 vị được gọi là Tổ (thường được gọi là “lục Tổ”), nhiều vị chân tu đã đắc đạo nơi đây, để lại những ngôi mộ tháp rêu phong cô tịch nơi đây.
 
Khi đó, đỉnh núi Hó cây rừng um tùm có nhiều thú hoang, như cọp beo... giữ núi rừng mênh mang là trời đất, sư chỉ ăn lá cây và củ rừng, rồi ngồi thiền và niệm Phật. Lòng từ bi của vị chân tu đắc đạo, đã “cảm hóa” được cọp beo chăng? 

Theo huyền sử, một hôm sư mơ thấy chư thiên về mách bảo, sẽ có đoàn người từ phía dưới núi lên với sư, thì quả nhiên vài hôm sau có nhóm người lên hái củi, tìm nguồn nước, họ tìm thấy hốc đá có nước. Họ lên thảo am, và ngồi nghe sư thuyết giảng về đạo Phật. Người đến nghe càng đồng, thì nguồn nước không đủ cung cấp, sư bèn tìm cách đào giếng. Nhà sư đào, đào mãi, đào mãi... mà chưa có nước, thì lại gặp một tảng đá lớn. Đúng khi ấy, đang nản, thì nhà sư mơ thấy thần nhân nói, phải đào sang phía Tây Nam 8 thước, và phải lật qua tảng đá lên. Sáng hôm sau, không biết từ đâu có vị tăng trẻ đến xin làm giúp sư. May quá! Lật tảng đá là việc khó khăn, mà tự nhiên có người đến làm giúp! Thêm đôi tay của vị tăng trẻ, lật tảng đá dễ dàng...  
 
 
Và khi có nước, thì vị tăng trẻ cũng đi đâu mất cùng với làn nước trong xanh, mát lành. Từ đó, dân gian có câu “Có thầy đào giếng trên non/Đến khi có nước không còn tăm hơi”. Đứng bên thành giếng, tôi nhìn xuống dưới thấy sâu hun hút, sâu 20m, Hòa thượng Thích Hạnh Trình cho biết- giếng này được gọi là giếng Phật, người ta coi là nơi nối thông trời đất! Cũng vì vậy, Thầy nói thêm, nhà chùa đã từng “đau đầu”, vì người dân đến lấy nước về chữa bệnh đông quá. Chả biết có khỏi không, nhưng sợ nguy hiểm, và vấn đề an ninh trật tự nên nhà chùa đã xây thành giếng cao lên, rào lại.

Vào thời nhà Lê, chúa Nguyễn Phúc Chu cũng là người mộ đạo, nghe được câu chuyện, đã mời sư vào triều (đàng Trong), đã phong cho chùa là Sắc Tứ Thiên Ấn, rồi sư về lại chùa Thiên Ấn, sau đó vào Bình Định cùng với Thiền sư Nguyên Thiều khuyến tấn sơn môn mở rộng đạo tràng.  

Sân chùa là Bảo Tháp cao 9 tầng mới được xây dựng, rồi khu vườn Lâm Tì Ni (Lumbini), mô phỏng nơi đức Phật đản sinh, rồi các tượng Phật và Bồ tát được phật tử cùng dường nằm rải rác... dưới những tàng cây râm mát... Phóng tầm mắt ra xa, bên dưới là dòng sông Trà Khúc chảy ra biển, với những xóm thôn bên sông... Bất giác tôi nghe văng vẳng những câu thơ từ “người xưa” vọng về: “Am xưa giếng cũ vẫn còn đây/Dấu tích sư tổ về núi Hó/Một dòng nước mát giữa trời mây/Tiếng mõ am xưa sư thiền định/Chim rừng buông cảnh rủ nghe kinh/Vượn từng đàn, hang chật cửa/Muôn vật từ bi cõi nhân sinh/Mênh mông u tịch rừng hoang vắng/Hang sâu vượn hú chẳng sớm hôm”.

Đứng bên giếng, nghe tiếng chuông Thần (lại một câu chuyện: chuông này chỉ kêu khi được sư thầy chú nguyện) buông từng hồi, tôi bâng khuâng như vào cõi tịnh.

Hà Quang Đức
loading...