Chùa Việt

Về “quê lụa Hà Tây” thăm ngôi chùa nhỏ một sớm Hè

Thứ sáu, 26/05/2014 08:37

Gió ban mai xa đưa ươm hương lúa chín theo chúng tôi về tới tận cổng chùa. Về chùa từ sớm, ngôi nhà chính pháp miền “quê lụa Hà Tây” thanh bình quá. Sáng sớm, nắng le lói nhưng cũng đã sáng tỏ. Từng đường nét hiện rõ. Một vẻ đẹp bình dị khó tả…

Chưa đến 6 giờ sáng, không gian nơi chùa An Phú đã sáng tỏ. Ngôi chùa nhỏ nơi thôn An Phú, xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa, Hà Tây-Hà Nội tọa lạc một bên triền đê, nhìn từ trục đường chính phía trước nhà chùa, bên kia triền đê rộng khắp thảm cỏ xanh rì, những ruộng lúa vàng óng, đầm nước mát rượi…

Phía bên kia triền đê, nơi trục đường chính đối diện lối vào nhà chùa

Về với chùa An Phú, theo trục đường chính cột mốc cây số còn ghi “Vân Đình 15 km”, suốt chặng đường dài, hai bên đường là những hồ nước rộng, mát lộng trong gió sớm, xen giữa một “rừng lúa vàng” chờ ngày gặt.

Gió ban mai xa đưa ươm hương lúa chín theo chúng tôi về tới tận cổng chùa. Về chùa từ sớm, ngôi nhà chính pháp miền “quê lụa Hà Tây” thanh bình quá. Sáng sớm, nắng le lói nhưng cũng đã sáng tỏ. Từng đường nét hiện rõ. Một vẻ đẹp bình dị khó tả…

Tôn tượng Đức Phật Đản Sinh nơi khoảng sân nhìn từ cổng chính phía trước gian nhà mái lá

Gần như toàn toàn cảnh khuôn viên nhà chùa nhìn từ cổng chính

Góc kiến trúc gác mái nhìn từ phía trước gian Tam Bảo

Chùa An Phú có kiến trúc đơn giản, không quá cầu kỳ. Từng hợp tầng kiến trúc nhỏ được bố trí hợp lí tạo nên một quần thể kiến trúc chùa Việt truyền thống “Nhỏ, nhưng Đẹp” mà vẫn thoáng đãng.

Cổng chính...

...và lối vào phía sau nhà chùa

Chùa có hai lối vào, cổng Tam quan và một cổng nhỏ phía sau, với lối đi “nông thôn thời đổi mới” quen thuộc hút tầm mắt. Đường làng đã đổ bê tông, nhưng hai bên nhà dân vẫn còn những gờ tường gạch đỏ, xanh rêu có phần phai dấu thời gian. Từng hàng cây xanh mát có lúc như phủ kín lối đi phía sau nhà chùa.

Vườn Quán Âm

Vườn tháp

Khoảng sân rộng ngay lối vào cổng chính nhà chùa, bên phải là lầu Quán Âm lộ thiên, bên trái là tôn tượng Đức Phật Di Lặc, đặt nơi lầu nhỏ, bên ao nước tự nhiên trong lành, tươi mát. Khoảng ao cuối sân chùa bên trái, sát bờ ao, bên cây bồ đề xum xuê xanh lá, tôn tượng Đức Phật Di Đà Tiếp Dẫn uy nghi trong sắc vàng nghiêm tịnh.



Tôn tượng Đức Phật Di Đà Tiếp Dẫn uy nghi trong sắc vàng nghiêm tịnh

"Nụ cười Di Lạc" luôn rạng ngời đón chào khách thập phương về thăm chùa An Phú



Gian thờ Đức Phật Dược Sư bên trái lầu Quán Âm

Giữa sân chính, chếch phía trước lầu Quán Âm là gian chính điện Tam Bảo. Bên trái lầu Quán Âm là một gian thờ tượng Phật. Vườn tháp đã nhuốm màu thời gian liền phía sau khuôn viên lầu Quán Âm lộ thiên.

Khoảng sân rực nắng vàng trước gian Tam Bảo

Chừng 7 giờ, nắng dần trải vàng khắp không gian chùa An Phú. Nơi khoảng sân trước gian Tam Bảo có lúc rực sáng ánh vàng, lung linh, kỳ ảo.

Ban thờ Tổ





Những góc kiến trúc chùa Việt truyền thống nhìn từ hành lang nhà Tổ

Được biết, cơ bản các kiến trúc chính giữ nguyên, chỉ tôn tạo lại phần nào vì chùa An Phú đã được công nhận Di tích lịch sử. Đảm bảo đời sống tâm linh của đông đảo bà con phật tử nơi đây, nhà chùa mới xây cất gian nhà 2 tầng, tầng 1 là Gian thờ Mẫu, thờ Thánh; tầng 2 là Gian thờ Tổ. Công trình còn đang hoàn thiện, nơi gian nhà Tổ, tường còn tươi vữa mới chưa quét vôi…

Không gian đậm chất thôn quê nhìn từ nhà Tổ

Chừng 20 phút, tôi đã dạo hết một vòng khuôn viên chùa An Phú, thỏa sức cùng chiếc máy ảnh Nikon D90 “ngắm và chụp”.

Nơi gian nhà mái lá
Mang đậm chất thôn quê
Bên cội gốc Bồ Đề
Bóng tỏa đều xanh mát...

Có lúc khẽ bâng khuâng trước vẻ đẹp thanh bình nơi ngôi chùa quê, bên tai tôi vang lên lời hát về một miền quê vùng đồng bằng Bắc bộ từng gắn với những năm tháng lịch sử hào hùng:

…Hà Tây! Cửa ngõ Thủ Đô!
Áo giáp chở che ngàn năm bền vững
Ngăn bầy giặc Mỹ vẩn đục bầu trời
Hà Tây! Vọng gác Thủ Đô!
Cô gái Suối Hai chàng trai Cầu Giẽ
Giữ lấy màu xanh biếc cho tấm lụa thanh thiên
Hà Tây...
(Hà Tây quê lụa - Một sáng tác bất hủ của nhạc sĩ Nhật Lai)

* Chùa An Phú có từ thời Tự Đức thứ 4. Khi xưa, vào một ngày trời mưa giông bão tố, Sư cụ Giác Linh ra ngoài sông vần một tảng đá to bằng cái chiếu về trước cổng chùa, và yểm một con rùa vàng bên dưới, đặt tảng đá lên trên, từ đó ngôi chùa khi nay được gọi là "Kim Quy Cổ Tự". Như một nhân duyên đặc biệt, Sư cụ Giác Linh nhận nuôi cậu bé Đặng Xuân Hiên từ năm 7 tuổi.

Theo thời gian, cậu bé 7 tuổi năm nào
trở thành Sư tổ Trụ trì Kim Quy Cổ Tự, hiệu là Thích Thanh Hiên (tức cụ Đặng Xuân Hiên), quê ở Xuân Trường, Nam Định, là chú ruột của cố Tổng Bí thư Trường Chinh (tên khai sinh là Đặng Xuân Khu). Hiện, chùa Kim Quy Cổ Tự còn lưu giữ được hai cổ vật là tượng đức Phật Đản Sinh bằng đồng cổ, và bát hương cổ có từ thời Tự Đức thứ 4.

Thường Nguyên
loading...