Chùa Việt

Về Tây Nguyên thăm chùa Quảng Trạch có “Vườn Lộc Uyển” trên đỉnh núi…

Thứ sáu, 04/08/2013 10:56

Thầy ơi! Có hình này, con chưa nhớ ra là khung cảnh gì ạ? Tôi mở máy ảnh cho Thầy xem. Thầy mỉm cười chia sẻ: “Vườn Lộc Uyển” đó con, hay còn gọi là Vườn Nai. Nhà chùa mới hoàn thiện hồi tháng 7 Âm lịch năm ngoái con à.

Theo trục đường chính hơn 2km, hướng đi Buôn Triết, thuộc huyện Lak, tỉnh Daklak, chúng tôi về với chùa Quảng Trạch, ngôi chùa lưng chừng núi một chiều cuối tuần lác đác mưa bay…

Đến ngã rẽ vào chùa bên tay phải, chỉ có hơn 600 mét tới lối dẫn lên chùa, nhưng đường đi khá lầy lội, lớp nhớp bùn đất nên chúng tôi khó mà đi nhanh. Hai chiếc xe máy nối đuôi nhau, thận trọng từng bước. Còn chừng hơn 100 mét, tôi thấy từng tốp bà con mặc áo mưa, chống gậy cùng nhau chung lối một ngã rẽ lớn, chính là nơi cổng chính nhà chùa, cách mặt đường làng khoảng 50 mét.

Khoảng sân bên hông gian chính điện

Lên đến khoảng sân phía sau gian chính điện, trời ngớt mưa, tôi chớp ngay thời cơ cho chiếc máy ảnh, sẵn sàng “ngắm là chụp”. Chiếc máy ảnh bên mình như cũng có duyên nơi cửa từ bi, cứ loang loáng chớp liên hồi, được góc hình ưng ý, là “nó” tác nghiệp liền, chẳng kịp ngưng nghỉ. Khuôn viên chùa rộng rãi, nhưng nhà chùa có thiết kế bố cục chặt chẽ, khoa học, nên tôi không khó để có được những bức hình như ý.

Nơi gian chính điện Tam Bảo, tượng Phật bài trí đơn giản, chỉ có tượng Đức Phật: Tôn tượng Tam Thánh Tây Phương, tôn tượng Đức Bổn Sư và tôn tượng Đức Chuẩn Đề Vương Bồ Tát.

Trước thềm Tam Bảo là tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát bằng gỗ, hướng nhìn ra lối cổng chính dẫn lên sảnh trước nhà chùa, hai bên là tôn tượng Hộ Pháp.

Ngay lối dẫn lên khoảng sân trước chính điện, là tượng Đức Phật Di Lặc, nét ngời rạng rỡ ấm lòng khách đến thăm chùa. Phía phải là Lầu Quán Âm, bên trái là tôn tượng Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn phổ độ chúng sinh.

Tới một khoảng sân sau rộng và thoáng đãng, thấy có cây cầu đá và đường bậc thang được thiết kế ôm sát một bên triền núi. Tôi liền lên cầu, theo đường bậc thang dẫn bước, lên đỉnh tận cùng, một khung cảnh quen thuộc mà tôi không thể nhớ đã thấy ở đâu. Rõ ràng đã từng thấy, và tôi còn được nghe các quý Thầy giảng nữa. Nhưng, cứ chụp hình đã rồi tính sau. Chiếc máy ảnh lại được dịp thỏa trí tác nghiệp…

Ông trời cũng chiều lòng người, chụp xong hình nơi khuôn viên trên đỉnh núi, xuống tới sân sau nhà chùa có mái che thì trời lại đổ mưa. Kịp lúc, có sư Thầy đang ngồi trò chuyện cùng bà con Phật tử, chắc Thầy vừa dẫn chúng bà con xong một thời khóa tụng Kinh… Tôi đỉnh lễ Thầy, đó chính là Đại đức Thích Nhuận Độ, trụ trì chùa Quảng Trạch.

Thầy nói luôn: Thầy có nghe các phật tử nói, con ở Hà Nội về, nay tới thăm chùa nhà, con chụp được nhiều hình chưa?

Dạ, con chụp cũng được vài chục hình thưa Thầy. Thầy ơi! Có hình này, con chưa nhớ ra là khung cảnh gì ạ?

Tôi mở máy ảnh Thầy xem. Thầy mỉm cười chia sẻ: “Vườn Lộc Uyển”đó con, hay còn gọi là Vườn Nai. Nhà chùa mới hoàn thiện hồi tháng 7 Âm lịch năm ngoái con à.

Mấy chị phật tử dường như đợi tôi đã lâu, lên tiếng xin phép Thầy ra về. Tôi biết ý, chào Thầy rồi lên lễ Tam Bảo trước khi về. Chúng tôi về sớm, còn kịp nhận 300 phần quà từ thiện, chuẩn bị đợt phát quà cho các em học sinh nghèo trong Tháng 8…

Hình ảnh CTV ghi nhận:

Cổng chính nhà chùa nhìn từ thềm gian chính điện Tam Bảo

Tượng Phật Di Lặc luôn rạng ngời, ấm lòng khách về thăm chùa

Lầu Quán Âm

Tôn tượng Đức Phật A Di Đà







Bên trong chính điện Tam Bảo





Nhị vị Hộ Pháp và tôn tượng Đức Quán Thế Âm bằng gỗ, thềm trước cửa chính gian Tam Bảo





Bên trong gian nhà Tổ

Đường lên "Vườn Lộc Uyển"





Mô phỏng khuôn viên “Vườn Lộc Uyển”, nơi đức Phật đã khai giảng bài pháp đầu tiên cho 5 anh em ông Kiều Trần Như trước kia cùng tu khổ hạnh với Ngài.

Lầu Quán Âm nơi khuôn viên "Vườn Lộc Uyển"


Gần như toàn cảnh chùa Quảng Trạch nhìn từ Vường Lộc Uyển xuống

Một góc khung cảnh đặc trưng Tây Nguyên nhìn từ Vườn Lộc Uyển

Thường Nguyên
loading...