Chùa Việt

Về thăm chùa Ngũ Phúc với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo

Thứ bảy, 21/07/2023 04:20

Tọa lạc trên mảnh đất rộng rãi bằng phẳng, với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo, chùa Ngũ Phúc là niềm tự hào của người dân khu dân cư Duẩn Khê, phường Long Xuyên (Kinh Môn).

Biểu tượng của một vùng quê văn hiến

Chùa Ngũ Phúc được UBND tỉnh Hải Dương xếp hạng theo Quyết định số 3835/QĐ-UBND ngày 2.11.2009 thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật. Chùa thường được người dân trong vùng gọi với ba tên: Ngũ Phúc tự với ý nghĩa ngôi chùa mang 5 điều phúc lành, tốt đẹp đối với con người là trường thọ, phú quý, an khang, hảo đức và thiện chung; chùa Măng theo tên nôm của thôn và chùa Duẩn Khê theo tên chữ. Theo gia phả và truyền thuyết lưu truyền trong nhân dân, mảnh đất Duẩn Khê hình thành từ khá sớm, vào thế kỷ X, làng có tên là làng Măng, bắt nguồn từ vùng đất này có rất nhiều măng, nên cư dân khi đến sinh cơ lập nghiệp đã đặt tên cho làng như một biểu tượng.

01

Cho đến nay, chưa có tài liệu nào ghi chép cụ thể về năm xây dựng chùa. Căn cứ vào các mảng chạm khắc kiến trúc trên hệ thống vì kèo và văn bản Hán nôm còn lưu giữ, chùa Ngũ Phúc khởi dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ XVIII). Đến năm Nhâm Tý (1912), ngôi chùa tôn tạo lại. Năm Giáp Dần - niên hiệu Duy Tân thứ 8 (1914); năm Giáp Tý - niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) tiếp tục trùng tu, có văn bia ghi chép cụ thể. Ngoài ra, tại hệ thống cột gỗ tòa tiền đường còn khắc một số dòng chữ Hán ghi tên những người giàu lòng hảo tâm hưng công, cúng tiến tiền của tu bổ chùa. Đây là thời gian ngôi chùa được tôn tạo khang trang và mang đậm dấu ấn kiến trúc của thời Nguyễn.

Trải qua những năm tháng dãi dầu mưa nắng, chiến tranh và biến cố, chùa hiện còn kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện, xây theo kiểu tường hồi bít đốc, quai chảo, bảo lưu kiến trúc cổ. Nghệ thuật kiến trúc độc đáo tại di tích thể hiện trên hệ thống vì kèo tòa tiền đường, trong đó hai vì gian trung tâm được các nghệ nhân chế tác công phu, chạm bong kênh tỉ mỉ, trau chuốt đề tài rồng chầu, lá lật, triện tàu lá dắt và tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai). Mái chùa cổ kính, ẩn hiện trong những lùm cây tạo nên phong cảnh u tịch, thâm nghiêm.

Ngoài chùa chính, khuôn viên di tích còn có một số công trình phụ trợ như nhà mẫu, gác chuông... tạo thành một khu thờ tự liên hoàn.

Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị gồm bia đá, tháp cổ. Đây là nguồn tư liệu thành văn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử phát triển của ngôi chùa. Ngoài văn bia, chùa còn khối lượng khá lớn câu đối, đại tự cùng hệ thống tượng nguy nga, sơn son thếp vàng lộng lẫy, trong đó có 19 pho tượng được xác định niên đại vào thời Nguyễn bài trí thờ ở tòa thượng điện và tiền đường.

Toàn bộ 19 pho tượng tạc bằng gỗ mít, trong đó có những pho kích thước lớn, là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có giá trị.

Không chỉ là nơi thờ Phật, công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, chùa Ngũ Phúc còn là cơ sở cách mạng, nơi lưu giữ nhiều sự kiện gắn liền với truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng in đậm dấu ấn trong lòng mỗi người dân địa phương. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa là nơi đặt hòm phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), chùa là nơi diễn ra hội nghị thành lập chi bộ Đảng xã Long Xuyên, tiền thân của Đảng bộ phường Long Xuyên ngày nay. Đồng thời, cũng là địa điểm thành lập các tổ chức quần chúng như thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc; cơ sở tập trung lực lượng để tiến về huyện giành chính quyền cách mạng nhân dân và vận động binh lính bỏ hàng ngũ địch trở về quê.

Hoa văn chạm khắc tinh xảo.

Hoa văn chạm khắc tinh xảo.

Trong những ngày tháng kháng chiến gay go quyết liệt, chùa là căn cứ hoạt động cách mạng, tại đây có hầm bí mật và đường địa đạo nối từ chùa đến giếng, thoát ra ngoài cánh đồng, bảo đảm an toàn cho các cán bộ Việt Minh tham gia kháng chiến. Nhân dân trong làng đã hiến tặng cho cách mạng quả chuông đồng nặng 150 kg để đúc vũ khí đánh giặc. Đây là nghĩa cử cao đẹp của nhân dân thôn Duẩn Khê.

05

Lịch sử và nghệ thuật kiến trúc điêu khắc đan xen, tạo cho ngôi chùa đầy đủ các yếu tố trường tồn và là biểu tượng của một vùng quê văn hiến.

Lưu giữ bảo tồn

Ông Dương Văn Nam, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư Duẩn Khê cho biết: Chùa Ngũ Phúc là một trong những cơ sở tôn giáo được nhân dân địa phương quan tâm gìn giữ, bảo vệ chu đáo. Sau những lần trùng tu vào đầu thế kỷ XX đến nay, chính quyền và nhân dân địa phương đã đóng góp hàng trăm triệu đồng tu sửa, qua đó không những bảo vệ giá trị công trình kiến trúc cổ mà còn đáp ứng nguyện vọng cho đời sống sinh hoạt tôn giáo của nhân dân trong thôn, ngoài xã.

Tháp cổ niên đại vào thời Nguyễn.

Tháp cổ niên đại vào thời Nguyễn.

Sau khi được UBND tỉnh xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2009, Ban Quản lý di tích chùa được thành lập. Ban có nội quy, quy chế hoạt động rõ ràng, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên nên việc bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường, các giá trị vật thể và phi vật thể như cổ vật, di vật có kết quả tốt. Các ngày lễ, Tết chùa cũng từng bước được phục dựng trở lại và tổ chức hằng năm với lễ dâng hương, bái Phật, cúng Tổ trang trọng, đã thu hút không chỉ nhân dân địa phương mà du khách thập phương cũng về dự hội rất đông để cầu mong mọi sự tốt lành đến với gia đình dòng tộc và vãn cảnh Phật nơi đây.

Hiện nay, chùa Ngũ Phúc không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của nhân dân mà còn là nơi giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

loading...