Chùa Việt
Về Tiền Giang thăm Liên Trì Cổ Tự
Thứ năm, 25/12/2012 11:47
Ngôi Cổ Tự này xứng danh là một trong những chiếc nôi của Phật giáo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với ý nghĩa đó mà sự hiện diện của ngôi Cổ Tự này sẽ mãi mãi tươi sáng trong lòng người con Phật
Ngôi Cổ Tự này xứng danh là một trong những chiếc nôi của Phật giáo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với ý nghĩa đó mà sự hiện diện của ngôi Cổ Tự này sẽ mãi mãi tươi sáng trong lòng người con Phật, hòa mình cùng nhịp bước thăng trầm với đất nước dân tộc, luôn tô điểm cho vùng đất phù sa tươi đẹp, hun đúc sự kiên cường bất khuất, niềm tự tin của người dân, xây dựng nền tảng an lạc hạnh phúc cho nhân dân vùng đất mầu mỡ giàu lòng yêu nước. Ngôi Cổ Tự này xứng đáng với niềm ước vọng của người kiến tạo và của hàng vạn Phật tử đang quy ngưỡng, dân quanh vùng thường gọi là Chùa Phật.
Tương truyền Thiền sư Đức Hạnh là một vị quan triều đình nhà Nguyễn, một khi đã trãi nghiệm trong chốn quan trường, biết bao sự thăng trầm của bể khổ cồn dâu, Ngài chợt thức tỉnh:
Trăm năm kiếp sống, một phú hơi tàn,
Công danh sự nghiệp áng mây tan,
Phú quý vinh hoa cơn gió thoảng. . .
Giác ngộ lý vô thường, trần gian ảo mộng phù du, Ngài rủ áo từ quan, xuất gia học Phật, đó đây hành cước khắp chốn Thiền môn. Khi đủ duyên hành hóa độ tha thì Ngài tìm nơi dừng trụ hoằng pháp độ sinh. Du hành hóa tha đến vùng đất của làng An Thái Đông thì được đại thí chủ là Ông Bà Cai họ Huỳnh phụng hiến thêm 5 heta vườn, để cho Ngài khuếnh trương cơ sở vật chất, tiếp tăng độ chúng, thừa hành Phật sự và 2 heta ruộng để làm hương hỏa thờ phụng ngôi Tam Bảo Liên Trì Cổ Tự.
Thiền sư Đức Hạnh họ Nguyễn, sinh năm Quý Tỵ (1831) tại miền Trung Việt, thọ tâm pháp truyền thừa dòng Lâm tế chi Nguyên Thiều đời thứ 38, pháp húy Minh Nguyên. Thọ tâm pháp truyền thừa dòng Lâm tế chi Liễu Quán đời thứ 41 pháp húy Thanh Tịnh hiệu Đức Hạnh. Ngài viên tịch vào giờ Tý ngày mồng 10 tháng 11 năm Giáp Tý (1923), hưởng thượng thọ 92 Xuân. Tang lễ được tổ chức tại Bổn tự và Kim quan đưa vào Bảo tháp phía bên phải trước chùa hiện nay.
Giai thoại nhân gian truyền tụng rằng : “Lãnh binh Nguyễn Văn Cẩn, một trong Tứ Kiệt đất Định Tường thường lui tới đàm đạo với Thiền sư Đức Hạnh tại Liên Trì Cổ Tự, và sau đó xuất gia với pháp danh Minh Mai hiệu Phương Danh (người khai sơn chùa Gò Tháp thờ những anh hùng Phật tử, nhằm duy trì và phát triển tinh thần giáo dục truyền thống yêu nước mãi mãi cho con cháu mai sau)”.
Năm 1927 Giáo Thọ Trụ trì Liên Trì Cổ Tự là ngài Trừng Trung hiệu Chánh Vi -Minh Tâm (bào huynh lão Hòa Pháp Tràng) đúc Hồng Chung.
Năm Đinh Hợi (1947), Hòa thượng Minh Nguyệt đã về Liên Trì cổ tự, thành lập Hội Phật Giáo Cứu Quốc huyện Cái Bè. Đây là nơi vận động Tăng Ni Phật tử, quyên tiền ủng hộ kháng chiến và chế tạo vũ khí, giáo dục tinh thần yêu nước cho giới tăng ni, Phật tử và vận động họ đóng góp công sức, tiền của, phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc.
Thời gian này Hòa thượng Hành Trụ đã mở lớp gia giáo và dạy giáo lý cho Phật tử địa phương.
Liên Trì Cổ Tự một thời gian vắng bóng Trụ trì. Đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của quần chúng tín ngưỡng, lãnh đạo chính quyền cùng chư tôn thiền đức Phật giáo địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đại đức Thích Tịnh Huệ về đây Trụ trì vào năm 2006.
Để tiếp nối mạng mạch Phật pháp, truyền đăng tục diệm, tiếp ngọn lửa hương Từ bi Trí tuệ của Phật Tổ, Đại đức Trụ trì Thích Tịnh Huệ cùng đồng bào địa phương phát tâm đại trùng tu toàn bộ ngôi phạm huy hoàng, giai đoạn một tạm hoàn thiện, Liên Trì Cổ Tự đã chọn ngày húy kỵ Tổ sư Thích Đức Hạnh, cử hành lễ Khánh thành vào ngày 11 tháng 11 năm Nhâm Thìn (Chủ nhật, 23.12.2012).
Công trình mới đang dở dang |
Từ một ngôi chùa quá sức chịu đựng với phong sương tuế nguyệt, quá tải với thời gian năm tháng, cơ sở thờ tự xuống cấp trầm trọng. Nay đã trở nên một ngôi Phạm vũ huy hoàng là một điểm son của Đại đức Thích Tịnh Huệ đã thể hiện báo ân Thầy Tổ và tri ân đàn na tín thí. Mong rằng sự nghiệp của Đại đức Tịnh Huệ sẽ là một trong tấm gương tiêu biểu cho thế hệ Tăng Ni trẻ thời đại.
Bình yên giữa làng quê sông nước Tiền Giang |
Mỗi chiều, tiếng chuông thong thả ngân giữa bầu trời thanh bình, tiếng mõ nhịp gõ hòa quyện với âm vang tiếng kinh trầm hùng, trong ngọn gió sông Cổ Cò ngọt ngào hương vị phù sa, như rót vào lòng người dân Cái Bè một niềm an lạc vô biên, một lời nhắc nhở về cái chân thiện mỹ ở đời, và cũng là cái đẹp truyền thống của xứ sở Việt Nam lũy tre đình làng, cây Đa, bến nước, mái chùa cong cong.
Thích Vân Phong