Đức Phật

Vì cứu chúng sinh, Đức Phật có thể làm gì?

Thứ năm, 22/05/2023 01:40

Khi đức Thế tôn nói về chuyện cũ thì cả đại hội, bao gồm vô số nhân loại và chư thiên, ai cũng vô cùng bi cảm, hoan hỷ, tán dương là sự thể chưa bao giờ đã có, và cùng phát tâm vô thượng bồ đề.

Đức Thế tôn lại bảo Bồ đề thọ thần và đại hội, rằng trong quá khứ, Như lai đi theo đường đi bồ tát, chẳng những cho nước cho ăn để cứu mạng bầy cá, mà đến nỗi cái thân tiếc nuối cũng xả bỏ. Sự thể như vậy đáng cùng nhau quan sát.

Bấy giờ đức Thế tôn - bậc như lai ứng cúng chánh đẳng giác, bậc cao nhất tôn nhất trên trời dưới trời, bậc hàng trăm hàng ngàn ánh sáng chiếu khắp thế giới mười phương, bậc hoàn hảo nhất thế trí và viên mãn đại công đức đem các vị Bí sô và cả đại hội đến khu dân cư Bát giá ra, đi vào một cánh rừng. Ở đây đất bằng phẳng, không có gai góc, hoa danh tiếng, cỏ mềm mại, bủa khắp mặt đất.

Đức Thế tôn bảo trưởng lão A nan đà hãy trải tọa cụ cho Như lai dưới gốc cây kia. Trưởng lão vâng lời, trải tọa cụ rồi, thưa, bạch đức Thế tôn, con đã trải tọa cụ sắp chỗ ngồi rồi, xin đức Thế tôn biết cho đã đến lúc thích hợp. Đức Thế tôn đến ngồi xếp bằng trên chỗ ấy, thẳng mình, chính niệm, bảo các vị Bí sô, các vị muốn thấy xá lợi của Bồ tát khổ hạnh thời xưa không? Các vị Bí sô thưa, chúng con muốn thấy.

Đức Thế tôn liền dùng cái tay trăm phước trang nghiêm mà ấn xuống đất. Tức thì đại địa chấn động với sáu hình thức, và nứt ra, một ngôi tháp thất bảo bỗng nhiên xuất hiện, phủ lên trên là mạng lưới kết ngọc.

Đại hội thấy vậy lấy làm hiếm có. Đức Thế tôn tức thì đứng dậy khỏi chỗ Ngài ngồi, làm lễ bảo pháp, nhiễu quanh theo chiều bên phải, rồi trở lại chỗ ngồi, bảo trưởng lão A nan đà hãy mở cửa tháp. Trưởng lão mở ra, thấy có cái hộp thất bảo, được trang sức bằng những trân bảo kỳ lạ. Trưởng lão bạch đức Thế tôn, có cái hộp thất bảo, trang sức bằng các loại ngọc. Đức Thế tôn bảo hãy mở ra.

Cuộc đời Đức Phật là những điều thiêng liêng, kỳ diệu

23

Trưởng lão tuân mệnh, mở ra, thì thấy có xá lợi trắng như bạch mã não, như tuyết, như sen trắng (100) . Trưởng lão bạch đức Thế tôn, trong hộp có xá lợi, màu đẹp khác thường. Đức Thế tôn bảo hãy đem xá lợi của đại sĩ lại đây. Trưởng lão A nan đà liền lấy xá lợi ấy kính trao cho đức Thế tôn. Ngài cầm lấy mà bảo các vị Bí sô, các vị hãy nhìn xá lợi của Bồ tát khổ hạnh. Ngài lại nói chỉnh cú:

(1) Đức cao của Bồ tát

tương ứng có tuệ giác,

dũng mãnh mà tinh tiến

viên mãn cả sáu độ.

Thường xuyên tu không ngừng

và chỉ vì bồ đề,

không rời sự kiên cố

tâm không có mệt mỏi.

Các vị Bí sô, hãy cùng nhau kính lạy xá lợi của Bồ tát. Xá lợi này được xông bởi vô lượng hương liệu giới định tuệ, là ruộng phước tối thượng, cực kỳ khó gặp. Các vị Bí sô, và cả đại hội, đều nhất tâm, chắp tay, cung kính mà đảnh lễ xá lợi ấy, tán dương hiếm có. Bấy giờ trưởng lão A nan đà bước tới, lạy ngang chân đức Thế tôn mà thưa, bạch đức Thế tôn, Ngài là vị thầy cao cả, vượt trên hết thảy, được hết thảy chúng sinh tôn kính, tại sao lại lạy linh cốt xá lợi này?

Đức Thế tôn dạy, trưởng lão A nan đà, Như lai nhờ xá lợi này mà tốc chứng vô thượng bồ đề. Để báo ơn xưa nên Như lai kính lạy. Ngài lại bảo, An nan đà, Như lai sẽ giải trừ hoài nghi cho trưởng lão, và cả đại hội, mà nói chuyện cũ của xá lợi này. Các người hãy khéo nghĩ, hãy chuyên nhất tâm trí mà nghe. Trưởng lão A nan đà thưa, chúng con ước muốn được nghe. Xin đức Thế tôn khai thị cho chúng con.

Đức Thế tôn dạy, trưởng lão A nan đà, quá khứ có một quốc vương tên Đại xa, giàu lớn, lắm của, kho lẫm đầy ắp, quân binh vũ dũng, ai cũng khâm phục. Quốc vương lại thường xuyên đem chánh pháp mà khai hóa đến cả những người đen đủi. Quốc dân đông đảo, không có giặc thù. Hoàng hậu sinh được ba con trai, đẹp, nghiêm, ai cũng thích nhìn. Thái tử tên Ma ha ba la, thứ tử tên Ma ha đề bà, ấu tử tên Ma ha tát đỏa.

Bấy giờ quốc vương xuất du núi rừng. Ba vương tử cũng tùy tùng. Ham tìm hoa trái nên ba anh em tách ra, đi quanh quẩn đến nhằm khu rừng tre lớn, nghỉ ngơi ở đây. Vương tử thứ nhất nói, anh cảm thấy sợ hãi, chỗ này có mãnh thú hại chúng ta chăng? Vương tử thứ hai nói, chưa bao giờ em tiếc thân mình, chỉ sợ người thân có cái khổ biệt ly. Vương tử thứ ba thưa hai anh.

(2) Đây là nơi chốn

thần tiên cư trú.

Em không sợ hãi,

không khổ biệt ly.

Thân và tâm em

tràn ngập hoan hỷ,

cái điềm sẽ được

công đức đặc thù !

Ba vương tử nói linh tính mình rồi đi tới, thấy con cọp sinh bảy con. Sinh mới mấy ngày mà cọp mẹ bị bầy con quấn quýt nên đói khát, thân hình gầy ốm, có vẻ sắp chết. Vương tử thứ nhất nói cọp này thật đáng thương, bị con quấn quýt, không đi kiếm ăn được, đói quá chắc phải ăn đến con. Vương tử Tát đỏa hỏi anh, cọp mẹ này thường ăn thứ gì? Vương tử thứ nhất nói với em

(3) Cọp báo sói sư tử

chỉ ăn thịt máu nóng

chứ không ăn gì khác

mà qua cơn đói này.

Vương tử thứ hai nghe thế, nói con cọp này đói sắp chết, nhưng chúng ta làm sao kiếm được thực phẩm như anh nói? Ai chịu bỏ thân mạng mà cứu cơn đói của nó? Vương tử thứ nhất nói, không có gì khó bỏ cho bằng thân mình. Vương tử Tát đỏa nói, chúng ta tiếc nuối thân mạng, lại không trí tuệ, không làm được gì lợi cho kẻ khác. Nhưng bậc đại sĩ thì có đại bi tâm, thường vì lợi người mà bỏ mình. Vương tử Tát đỏa nghĩ riêng, thân ta đây hàng trăm hàng ngàn đời vất bỏ thối rã mà chẳng được ích gì, tại sao ngày nay ta không bỏ để cứu cái khổ cơn đói. Cả ba vương tử nói với nhau như trên kia, ai cũng thương xót, ái ngại nhìn cọp đói, bồi hồi bỏ đi. Nhưng vương tử Tát đỏa lại liên tiếp nghĩ riêng, nay chính là lúc thích đáng cho ta bỏ thân này. Tại sao?

(4) Vì xưa đến nay

ta giữ thân này,

cái thân xú uế

không thể thích được.

Ta cấp đồ nằm

cùng với đồ mặc,

cung đốn xe ngựa

và bao của quí.

(5) Nhưng thân hư rã

vì vốn vô thường,

cầu hoài không thỏa

giữ mãi vẫn chết.

Ta cung dưỡng nó

nó lại hại ta,

cuối cùng bỏ ta

chẳng biết ơn nghĩa!

Thêm nữa, thân này không bền, vô ích cho ta. Thân này đáng sợ như giặc, dơ bẩn như phân. Ngày nay ta sai cái thân này làm cái việc cao cả. Trong biển sinh tử, nó phải là thuyền tàu to lớn. Nó phải bỏ luân hồi, đạt đến giải thoát. Vương tử lại nghĩ, bỏ thân này là bỏ không ít ác bịnh và bao nhiêu kinh hãi. Thân này chỉ có phân giải. Nó mong manh như bóng nước. Nó, nơi sâu giòi tập hợp, sống chỉ vì gân cốt huyết mạch dính líu với nhau. Vậy ta nên bỏ, để cầu Niết bàn tối thượng và cứu cánh. Ở đó vĩnh biệt vô thường, vĩnh ly sinh tử, vĩnh đoạn trần lụy.

Ở đó huân tu bằng định lực và tuệ lực, trang nghiêm với cả trăm phước đức. Ở đó hoàn thành nhất thế trí, chứng đắc diệu pháp thân. Hoàn thành và chứng đắc như vậy rồi đem cho chúng sinh vô biên pháp lạc. Vương tử Tát đỏa bấy giờ nổi dậy sự đại dũng mãnh, phát ra sự đại thệ nguyện, và tăng cường tâm mình bằng sự đại từ bi.

Nhưng vương tử sợ hai anh lưu luyến sợ hãi mà cản trở, nên nói, hai anh đi trước, em đi sau một chút. Vương tử Ma ha tát đỏa liền trở lại khu rừng, đến chỗ cọp đói, thoát hết y phục mắc trên cây tre, phát nguyện như vầy.

(6) Ta vì chúng sinh

khắp cả pháp giới,

chí cầu Bồ đề

tuệ giác tối thượng.

Khởi tâm đại bi

không thể dao động,

mà bỏ cái thân

phàm phu luyến tiếc.

(7) Trạng huống Bồ đề

không có nóng bức,

ai người có trí

đều rất ưa thích.

Bao nhiêu chúng sinh

trong biển khổ lớn,

ta nguyện cứu vớt

đưa lên Bồ đề.

Vương tử phát nguyện như vậy rồi đến nằm buông mình trước cọp đói. Nhưng do uy thế từ bi của Bồ tát, cọp không làm gì được. Thấy vậy, Bồ tát chạy lên núi cao mà gieo mình xuống, thì thần tiên tiếp đỡ nên không thương tổn gì.

Vương tử nghĩ, cọp đói lả, không ăn ta nổi. Liền đứng dậy tìm dao, dao không có. Nên vương tử lấy tre khô thích cổ chảy huyết, đi lại bên cọp. Bấy giờ đại địa chấn động với sáu hình thức, như gió khích nước, vọt lên dội xuống không yên. Mặt trời không sáng, như bị la hầu che. Khắp nơi mờ tối, không còn ánh sáng. Chư thiên rải xuống danh hoa và diệu hương khắp cả khu rừng. Trong không gian, chư thiên nhìn cảnh tượng như vậy thì tâm tùy hỷ, than hiếm có, cùng khen lành thay bậc đại sĩ! Họ ca tụng

(Đại sĩ vận dụng

đại bi cứu vật,

nhìn toàn chúng sinh

coi như con một;

mạnh mẽ hoan hỷ,

lòng không tiếc nuối,

xả thân cứu khổ,

việc thật khó lường!

(9) Quyết định đạt đến

chân thường siêu việt,

thoát bỏ sinh tử

mọi thứ buộc ràng;

mau chóng chứng được

tuệ giác Bồ đề,

vắng lặng yên vui

thể hiện Vô sinh.

Bấy giờ cọp đói ngửi thấy huyết từ cổ Bồ tát chảy ra thì liếm lấy, và ăn hết thịt Bồ tát, còn lại chỉ có xương.

Vương tử thứ nhất thấy đất động thì nói với em hai

(10) Đại địa núi sông

chấn động tất cả,

bốn phía mờ tối

không ánh mặt trời,

thiên hoa rơi xuống

khắp cả không gian,

chắc chắn là điềm

em ba bỏ mình.

Vương tử thứ hai nghe anh nói rồi, tự nói chỉnh cú

(11) Em nghe Tát đỏa

nói lời từ bi,

khi thấy cọp đói

thân thể ốm xọp,

đói hành nó quá

chắc ăn cả con.

Em nghi em ba

xả thân mất rồi.

Vương tử thứ hai rất buồn rầu đau khổ, khóc lóc than thở. Tức khắc cùng anh trở lại chỗ cọp. Thì thấy y phục của em treo để trên tre, còn xương với tóc thì vung vãi ra. Máu thấm đỏ cả đất. Thấy thế ngất đi, không tự chủ được. Rơi mình trên xương em, hồi lâu mới tỉnh, dơ tay, kêu gào, khóc lớn, than thở:

(12) Em ta dung mạo đẹp,

cha mẹ thương hơn hết,

tại sao cùng ra đi

giờ bỏ mình, không về!

(13) Nếu cha mẹ ta hỏi,

ta phải nói thế nào?

Thà ta cùng bỏ mình,

chứ sống để làm gì?

Hai anh em vương tử khóc lóc áo não, tạm rời mà về. Trong khi những kẻ tháp tùng của vương tử út thì bảo nhau, vương tử đi đâu, chúng ta phải tìm.

Còn hoàng hậu thì ngủ trên lầu cao. Trong mộng thấy hiện tượng bất tường. Nhũ bộ bị cắt cả đôi. Răng rụng hết. Được ba con bồ câu non, một con bị cắt bắt, hai con kinh hoàng. Khi động đất, hoàng hậu thức, thì trong lòng sầu não:

(14) Tại sao hôm nay

đại địa chấn động,

sông ngòi rừng rú

đều rung lắc cả,

mặt trời mờ tối

như bị che khuất,

mắt máy vú động

khác hơn ngày thường?

(15) Tim như trúng tên

lo sợ bức xúc,

cả người run rẩy

không kềm chế được.

Hiện tượng bất tường

mà ta mộng thấy,

tất có tai biến

phi thường nào đây!

Nhũ bộ của hoàng hậu bỗng nhiên chảy sữa. Bà nghĩ tất có biến quái. Bấy giờ thị nữ nghe người ngoài nói tìm vương tử chưa được thì sợ quá, tức tốc vào tâu với hoàng hậu, rằng xin hoàng hậu biết cho, ở ngoài người ta bổ ra đi tìm vương tử khắp cả mà chưa thấy. Hoàng hậu nghe thế càng lo sợ, nước mắt đầy tròng, đến chỗ quốc vương mà tâu:

-Đại vương, thần thiếp nghe người ngoài nói đứa con nhỏ nhất mà chúng ta thương nhất đã mất đâu rồi. Quốc vương nghe thì kinh hoàng, nấc lên: Khổ quá, ta mất đứa con yêu thương rồi. Nhưng ông phải lau nước mắt mà an ủi hoàng hậu: Hiền thủ, đừng khóc nữa. Chúng ta cùng đi tìm đứa con yêu thương của chúng ta. Rồi ông cùng hoàng hậu và thần dân ra khỏi hoàng thành, phân tán tìm tòi khắp nơi. Một lát, một đại thần bước tới, tâu rằng đã nghe các vương tử hãy còn, xin vương thượng đừng lo. Chỉ vương tử nhỏ nhất thì tìm chưa thấy mà thôi.

Quốc vương nghe vậy, than thở khổ thay cho ta, ta mất đứa con thương yêu nhất rồi!

(16) Khi mới có con

ta vui mừng ít,

giờ con mất đi

ta khổ sở nhiều.

Ai làm con ta

sống còn lại được,

thì mất mạng ta

ta cũng không khổ.

Hoàng hậu nghe thì như bị trúng tên bắn, than thở

(17) Con ta ba đứa

đi với thị tùng,

cùng vào trong rừng

thưởng ngoạn cảnh trí.

Giờ đứa nhỏ nhất

mình nó không về,

chắc chắn có điều

tai biến mất rồi!

Kế tiếp, vị đại thần thứ hai đến chỗ quốc vương, vương hỏi ngay, con ta đâu? Đại thần áo não, lưỡi khô, cổ rát, miệng không nói được, không biết trả lời làm sao. Hoàng hậu bảo

(18) Thượng quan nói gấp,

con ta ở đâu?

Ta nóng cả người

như thiêu như đốt,

kinh hoàng hoảng hốt

mất cả bình tâm,

đừng để bụng ta

rách vỡ cả ra!

Đức Phật Thích Ca đã tu như thế nào để trở thành một vị Phật?

139785821_406019260658234_1410336570896401049_n

Vị đại thần phải đem việc vương tử xả thân mà tâu quốc vương. Quốc vương với hoàng hậu nghe rồi, bi thiết không thể chịu nổi, nhắm chỗ vương tử xả thân mà chạy tới. Đi đến rừng tre, chỗ Bồ tát xả thân. Thấy xương vung vãi, ai cũng gieo mình xuống đất, cơ hồ sắp chết. Họ như đại thọ bị gió mạnh xô ngã. Họ bất tỉnh. Đại thần rưới nước, một lát tỉnh lại. Họ lại dơ tay, khóc, than:

(19) Tai họa cho con!

con đẹp đẽ lắm!

tại sao cái chết

áp bức con trước?

Phải chi nếu cha

được chết trước con

thì đâu phải thấy

khổ quá thế này!

Hoàng hậu hơi tỉnh, lại đầu bù tóc rối, hai tay đấm bụng, quằn quại dưới đất. Như cá trên đất, như bò mất con, hoàng hậu buồn thảm:

(20) Ai giết mất con ta

mà chỉ còn xương cốt?

ta mất con yêu thương

bi thiết chịu sao nổi!

(21) Ai giết mất con ta

gây ra cảnh bi thảm?

lòng ta phi kim cương

làm sao không tan nát!

(22) Trong mộng ta đã thấy

nhũ bộ ta bị cắt,

răng cũng rụng mất cả,

nay khổ quá thế này!

(23) Lại mộng ba bồ câu

một bị cắt bắt đi,

ra ta mất con quí,

ác mộng thật không sai!

Bấy giờ quốc vương, cùng hoàng hậu với hai con, ai cũng gào khóc, bỏ cả chuỗi ngọc. Họ cùng quốc dân thu nhặt xá lợi của Bồ tát, tôn trí trong tháp để hiến cúng. Trưởng lão A nan đà, các người nên biết, đây là xá lợi ấy của Bồ tát.

Đức Thế tôn lại bảo trưởng lão A nan đà, xưa kia, Như lai đủ cả tham sân si, mọi thứ phiền não, vậy mà ngay trong năm nẻo đường dữ, Như lai vẫn tùy cảnh ngộ cứu vớt chúng sinh ra khỏi chỗ ấy; huống chi nay đây Như lai đã hết cả phiền não, thói quen cũng không còn, được gọi là bậc Thiên nhân sư, đủ Nhất thế trí, mà không thể vì mỗi một chúng sinh trải qua nhiều kiếp ở ngay trong địa ngục, và bao chỗ khác, thay họ chịu khổ, làm cho họ thoát ly sinh tử, phiền não và luân hồi hay sao. Bấy giờ đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(24) Như lai nhớ quá khứ

vô lượng vô số kiếp,

khi thì làm quốc vương

khi thì làm vương tử.

(25) Thường làm bố thí lớn,

cho cả thân đáng tiếc,

nguyện thoát sinh tử khổ

đi đến đại bồ đề

(26) Xưa có quốc gia lớn

quốc vương tên Đại xa,

vương tử tên Dũng mãnh

bố thí không tiếc lẫn.

(27) Vương tử có hai anh

Đại cừ với Đại thiên.

Ba anh em xuất du,

đi lần vào núi rừng.

(28) Thấy cọp mẹ bị đói

thì nghĩ như thế này,

cọp bị đói hành hạ

mà không có gì ăn.

(29) Đại sĩ thấy như thế

sợ nó ăn con nó,

nên xả thân không tiếc

để cứu cả mẹ con.

(30) Đại địa và núi non

đồng thời chấn động cả,

sông biển cũng sôi sục

sóng dữ mà nước ngược.

(31) Trời đất mất ánh sáng

mờ tối không thấy gì.

Cầm thú rừng, đồng nội

bay chạy mất chỗ ở.

(32) Hai anh quái mất em

lo buồn đến bi thảm,

tức khắc cùng thị tùng

tìm khắp cả lùm rừng.

(33) Hai anh bàn với nhau

hãy trở lại núi sâu,

nhìn quanh không có em

chỉ thấy con cọp đói.

(34) Cọp mẹ với bảy con

miệng toàn có vấy máu,

còn xương tàn với tóc

thì vung vãi mặt đất.

(35) Lại thấy có huyết chảy

dính nhằm mấy cây rừng.

Hai anh thấy như thế

lòng sinh đại sợ hãi.

(36) Ngã đất mà chết giấc

mê man hết biết gì,

bụi đất lấm cả người

giác quan mất ý thức.

(37) Thị tùng hai vương tử

khóc lóc lòng lo sợ,

lấy nước rưới tỉnh lại

lại dơ tay gào khóc.

(38) Khi Bồ tát bỏ mình

thì mẹ ở trong cung,

cùng năm trăm thế nữ

đang hưởng thụ vui thú.

(39) Hai nhũ bộ hoàng hậu

bỗng nhiên chảy sữa ra,

cả người như kim chích

đau đớn rất bất an.

(40) Đột nhiên nghĩ mất con

sợ như tim trúng tên,

tức khắc tâu vua hay

nỗi khổ bà đang có.

(41) Khóc lóc không nhịn được

thảm thiết nói với vua,

vua nên biết cho thiếp

thiếp đang khổ vô cùng.

(42) Nhũ bộ bỗng chảy sữa

ngưng lại cũng không được,

cả mình như kim chích

nóng bực bụng muốn vỡ.

(42) Điềm ác mộng trước đây

biết chắc mất con yêu.

Xin vua cứu mạng thiếp

tìm biết con còn mất.

(44) Mộng thấy ba bồ câu

nhỏ nhất là con cưng,

bỗng bị cắt bắt mất

đau buồn khó nói hết.

(45) Thiếp ngập trong lo sợ

đi mau đến cái chết,

e con không toàn mạng

xin vua đi tìm gấp.

(46) Lại nghe người ngoài nói

con út tìm không thấy,

lòng thiếp rất bồn chồn

xin vua thương xót thiếp!

(47) Hoàng hậu tâu vua rồi

cả người quị xuống đất,

đau đớn tâm mê man

hôn mê hết hay biết.

(48) Thế nữ thấy hoàng hậu

ngất xỉu xuống mặt đất

thì cất tiếng khóc lớn

bàng hoàng mất chỗ dựa.

(49) Vua nghe hoàng hậu nói

cũng lo không chịu nổi,

ra lịnh cho quần thần

tìm kiếm con thương nhất.

(50) Vua tôi ra hoàng thành

chia nhau mà truy tìm,

gặp ai cũng khóc hỏi

thấy vương tử ở đâu.

(51) Vương tử còn hay mất?

ai biết đi chỗ nào?

làm sao cho ta thấy

giải cho ta lo sợ.

(52) Ai cũng nghe nói chuyền

rằng vương tử chết rồi.

Ai nghe cũng thương cảm

buồn đau khó chế ngự.

(53) Bấy giờ Đại xa vương

kêu than mà đứng dậy

đến chỗ hoàng hậu ngất

lấy nước rưới thân bà.

(54) Hoàng hậu được nước rưới

lát lâu mới hồi tỉnh,

khóc thảm mà hỏi vua

con của thiếp còn không?

(55) Vua nói với hoàng hậu

ta đã phái mọi người

bốn hướng tìm vương tử

nhưng chưa có tin tức.

(56) Vua lại bảo hoàng hậu

hậu đừng quá phiền muộn,

cố bình tỉnh một chút

để cùng đi tìm con.

(57) Vua cùng với hoàng hậu

xa giá đi mau tới,

với tiếng kêu thê thảm

lo như lửa đốt lòng.

(58) Cả ngàn vạn dân chúng

cùng đi theo nhà vua,

cùng muốn tìm vương tử,

tiếng kêu than không ngớt.

(59) Vua cố tìm con yêu,

mắt nhìn cả bốn phía,

thấy một người bước đến,

tóc xõa mình đầy máu,

(60) khắp mình dính đất bụi,

buồn khóc đi ngược lại.

Vua thấy ác tướng ấy

càng nóng ruột lo sợ.

(61) Vua giơ cả hai tay

gào thảm không tự chế.

Vị đại thần thứ nhất

vội vàng đến chỗ vua,

(62) gắng gượng mà tấu bạch,

xin đừng quá bi thương,

vương tử vua thương nhất,

hiện vẫn chưa tìm được,

(63) nhưng lát nữa chắc đến

để giải lo cho vua.

Vua lại đi tới nữa

gặp đại thần thứ hai.

(64) Vị này đến chỗ vua

chảy nước mắt mà tâu,

hai vương tử hiện còn

nhưng đang bị quá lo.

(65) Còn vương tử thứ ba

vô thường nuốt mất rồi.

Cọp đói mới sinh con

sắp ăn chính con nó.

(66) Tiểu vương tử Tát đỏa

thấy vậy lòng thương xót,

nguyện cầu đạo vô thượng

quảng độ cho tất cả.

(67) Chuyên tâm đại bồ đề

rộng sâu như biển cả,

nên lên trên núi cao

gieo mình trước cọp đói.

(68) Cọp yếu nên không thể

vồ mà ăn vương tử,

vương tử phải dùng tre

tự thích cổ đổ máu.

Cọp liếm, ăn vương tử,

chỉ còn lại xương cốt.

(69) Vua cùng với hoàng hậu

nghe rồi cùng ngất xỉu,

lòng ngập trong đau thương

trong lửa dữ phiền não.

(70) Đại thần lấy nước hương

rưới vua và hoàng hậu,

hồi tỉnh lại thét gào

tự tay đấm ngực bụng.

(71) Vị đại thần thứ ba

tâu vua như thế này,

đã thấy hai vương tử

ngất xỉu ở trong rừng.

(72) Hạ thần rưới nước lạnh

hai vương tử mới tỉnh,

nhìn khắp cả bốn phía

thấy như lửa lan tràn.

(73) Nên dậy rồi lại ngã,

gào khóc không ngưng nổi,

và giơ tay mà than

em tôi thật hiếm có.

(74) Vua nghe nói như vậy

lo càng nung nấu hơn.

Hoàng hậu gào lớn lên

mà than vãn như vầy.

(75) Con út của ta

ta thương xiết bao,

nay thì đã bị

quỉ chết nuốt rồi!

Hai đứa con lớn

tuy vẫn hiện còn,

nhưng bị thiêu đốt

bởi lửa lo buồn.

(76) Ta phải đi mau

đến dưới núi kia,

an ủi cho chúng

bảo tồn mạng sống.

Hoàng hậu tức khắc

rong xe đi tới,

cố mong đến gấp

chỗ út bỏ mình.

(77) Trên đường gặp con

vừa đi vừa khóc,

đấm bụng áo não

mất hết uy phong.

Cha mẹ thấy vậy

buồn thảm ôm con,

cùng vào núi rừng

chỗ út bỏ mình.

(78) Khi đến cái chỗ

Bồ tát xả thân,

cả nhà gào khóc

đau đớn cùng cực,

cởi bỏ chuỗi ngọc,

cùng nhau bi thương

thu nhặt xương cốt

của thân Bồ tát.

(79) Rồi cùng mọi người

chung nhau hiến cúng:

đem xá lợi trên

đặt trong hộp này,

xây dựng tại đó

ngôi tháp thất bảo,

mới về hoàng thành

với sự đau buồn.

(80) Trưởng lão A nan đà,

Tát đỏa xưa kia ấy

nay là ta, Mâu ni,

đừng nghĩ là ai khác.

(81) Quốc vương là Tịnh phạn,

hoàng hậu là Ma da,

thái tử là Từ thị,

thứ tử là Mạn thù,

(82) Cọp là Đại thế chúa (101) ,

năm con: năm Bí sô (102) ,

một nữa: Mục kiền liên

một nữa: Xá lợi phất.

(83) Như lai nói việc cũ

để thấy phải lợi tha

mới là bồ tát hạnh,

là nhân tố thành Phật:

toàn thể đại hội này

phải học tập như vậy.

(84) Khi Bồ tát xả thân

thì đã phát đại nguyện,

nguyện xương cốt của mình

sẽ lợi ích lớn lao

cho bao nhiêu chúng sinh

trong bao kiếp sau đó.

(85) Và địa điểm này đây

chính là chỗ xưa kia

Bồ tát đã xả thân,

là chỗ tháp thất bảo,

vì trải qua nhiều kiếp

nên vùi sâu xuống đất.

(86) Do nguyện lực xưa kia,

rằng tùy theo cơ hội

mà tế độ chúng sinh,

nên nay vì ích lợi

cho bao nhiêu nhân thiên

mà bảo tháp xuất hiện.

Khi đức Thế tôn nói về chuyện cũ này thì cả đại hội, bao gồm vô số nhân loại và chư thiên, ai cũng vô cùng bi cảm, hoan hỷ, tán dương là sự thể chưa bao giờ đã có, và cùng phát tâm vô thượng bồ đề. Đức Thế tôn lại bảo Bồ đề thọ thần, Như lai vì trả ơn mà kính lạy. Rồi Ngài thu hồi thần lực thì bảo tháp trở lại lòng đất.

Trích Kinh Kim Quang Minh, Phẩm 26 - Xả bỏ thân mạng. 

loading...