Sống an vui

Vì duyên vốn dĩ vô thường

Thứ năm, 23/02/2024 12:15

Có hai người yêu nhau rồi cưới nhau, nhưng chỉ vài năm sau đó, họ chán nhau đến mức suýt phải ly hôn. Họ đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia tâm lý, được tư vấn đủ cách nhưng vẫn không thể hàn gắn nổi. Dù vậy, họ cũng không thể bỏ nhau vì còn trách nhiệm với con cái.

Người vợ không muốn nói chuyện với chồng, người chồng thấy vợ cũng không muốn nhìn, cơm nấu xong người kia ăn hay không cũng không buồn quan tâm. Ngày xưa, họ yêu nhau tha thiết, từng thề non hẹn biển, vượt qua mọi trở ngại của hai bên gia đình để đến với nhau, thậm chí còn tìm cách gài cha mẹ vào thế bí, buộc phải cho cưới. 

Trong đạo Phật có một từ nhẹ nhàng nhưng chua xót, đó là hết duyên, không còn liên quan đến nhau nữa.

Trong đạo Phật có một từ nhẹ nhàng nhưng chua xót, đó là hết duyên, không còn liên quan đến nhau nữa.

Thế nhưng, không hiểu tại sao bây giờ lòng họ lạnh như băng giá. Mọi người khuyên họ: “Thôi hãy nghĩ đến con, nghĩ đến những ngày xưa mà gắng thương nhau, dựng lại hạnh phúc gia đình đi”. Nhưng tình yêu không thể tự khởi lên được, không phải muốn thương thì thương, muốn ghét thì ghét. Mọi thứ đều có nguyên nhân sâu xa phía sau. Vì vậy, kết quả là cặp đôi vẫn không thể thay đổi tình hình của mình.

Trên cuộc đời này, chúng ta gặp nhau và thương nhau không phải là do tình cờ mà vì có ân nghĩa của đời trước. Những kiếp xưa đã mắc nợ nhau nhiều, ân nghĩa nhiều thì đời này thương nhiều, ít ân nghĩa thì đời này tình thương nhạt nhẽo. Tất cả đều là nhân quả. 

Có người thắc mắc rằng, ví dụ một cô gái đẹp được nhiều người thầm thương trộm nhớ, liệu có phải tất cả đều mắc nợ cô? Cũng có thể. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đó là do bản năng tự nhiên của người đàn ông mà không phải là duyên nợ tình nghĩa gì. Cái thích trong lòng họ chưa đủ để gọi là tình yêu sâu đậm, đủ để họ hi sinh, sống chết vì nhau. Vì vậy, đừng nhầm lẫn cái háo sắc với tình yêu thương nhớ nhung nặng lòng do duyên nợ đời trước.

Hoặc tình thầy trò cũng vậy. Một vị thầy có duyên về một vùng xây chùa, Phật tử quy tụ về rất đông, nguyên nhân cũng bắt nguồn từ quá khứ. Trong những kiếp xưa, thầy đã chịu cực chịu khổ để kết duyên lành với chúng sinh, nên đời này người ta tự tìm đến thương mến, vâng lời, cúng dường, thừa sự, ủng hộ, tu tập. Đặt trường hợp nếu đời trước thầy không gieo duyên nhiều, thì đời này ngôi chùa sẽ vắng lạnh. 

Người ta không hắt hủi hay ghét bỏ, nhưng không nhớ và không nghĩ đến chùa, bởi vì không có duyên. Tình cảm với nhau là một con đường lòng vòng bắt nguồn từ đời xưa. Bây giờ, nếu chúng ta có dùng chiêu trò, ví dụ gọi gánh hát về mời người trong làng đến xem, có thể nhờ xem hát mà họ biết đến chùa... thì cũng chỉ được một đêm rộn ràng. Người ta cũng kéo nhau về chùa, rồi thôi, nhưng sau đó cũng sẽ vắng dần đi.

Trong đạo Phật có một từ nhẹ nhàng nhưng chua xót, đó là hết duyên, không còn liên quan đến nhau nữa. Nguyên nhân của cái Hết duyên này có khi bắt nguồn từ kiếp xưa ân nghĩa chỉ chừng ấy thôi!

Duyên đưa đến hạnh phúc, Duyên đưa đến khổ đau, nhưng bản chất của Duyên vốn vô thường, vì vậy khi gặp hạnh phúc thì trân trọng, gặp đau khổ thì giác ngộ, học được bài học không nắm giữ bám víu, sống tùy duyên. Được vậy thì lòng sẽ bình yên, thanh thản..

Hãy nhớ, thân tâm này còn không phải là ta thì các duyên cũng chỉ là sương khói lãng đãng nơi quán trọ nhân gian này..

loading...