Kiến thức

Vì sao cần phóng sinh và phóng sinh như thế nào là đúng?

Thứ bảy, 13/03/2024 09:29

Phóng sinh bắt nguồn từ kinh Phật Đại Thừa, thịnh hành ở Trung Hoa, Tây Tạng, truyền sang Nhật Bản và các nước láng giềng Triều Tiên, Việt Nam.

Hoạt động phóng sinh dựa trên tinh thần từ bi và bình đẳng giữa chúng sinh, và quan niệm nhân quả của sinh tử luân hồi. Nếu vừa giữ giới sát, lại vừa phóng sinh thì công đức gấp bội. Những tỷ dụ kinh nghiệm cảm ứng về phóng sinh, sách sử nói đến rất nhiều.

Trong kinh "Tạp bảo tạng" quyển 4 có ghi chép sư phụ của một Sa di biết Sa di này sẽ chết trong vòng 7 ngày, nên cho phép anh ta về thăm nhà, 7 ngày sau sẽ trở lại, nhưng không giải thích rõ lý do. Anh ta lên đường về nhà, thấy nước trong một cái ao thoát ra một khe hở, đe dọa một ổ kiến ở bờ ao. Bầy kiến nháo nhác chạy trốn nhưng không kịp với tốc độ nước tháo ra. Anh Sa di thấy vô số con kiến ắt phải chết đuối bèn lấy áo cà sa của mình bồi đất vào để đắp lỗ hổng ở bờ ao, cứu thoát bầy kiến. Sa di về thăm nhà 7 ngày, rồi trở lại ra mắt sư phụ. Sư phụ thấy Sa di kinh ngạc vô cùng, hỏi anh ta mấy ngày qua có xảy ra chuyện gì đặc biệt không. Tưởng rằng sư phụ nói mình phạm giới, làm việc bậy bạ nên lo sợ nói rằng không làm việc gì sai trái. Sư phụ là A la hán dùng thiên nhãn biết rõ là anh Sa di này đã làm một việc thiện nhỏ là cứu sống một bầy kiến, nhờ vậy mà khỏi phải chết yểu, được sống cho đến già.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Các tín đồ Phật giáo đều biết rõ căn cứ của phóng sinh. Có hai bộ kinh. Một là "Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới", trong đó có nói: "Mọi người hãy lấy từ tâm mà phóng sinh, vì tất cả đàn ông là cha của mình, tất cả đàn bà là mẹ của mình, mình chính là từ ở đó mà sinh ra. Vì vậy chúng sinh trong sáu cõi đều là cha mẹ ta, giết họ mà ăn là giết cha mẹ, và giết cả bản thân mình nữa. Tất cả đất và nước là thân trước của ta, tất cả lửa và gió đều là bản thể của ta, cho nên thường làm việc phóng sinh, đời đời thọ sinh. Nếu người đời khi thấy việc giết hại súc vật thì nên cứu chúng thoát khỏi khổ nạn, thường giáo hóa nói về giới Bồ Tát, cứu độ chúng sinh".

Bộ kinh thứ hai là "Kinh Kim Quang Minh" quyển 4 (phẩm con ông trưởng giả Lưu Thủy) kể lại chuyện ngày trước Phật Thích Ca tu hạnh Bồ Tát. Thời ấy Phật Thích Ca làm con ông trưởng giả Lưu Thủy. Một lần Người đi qua một cái hồ lớn. Trời đại hạn. Có người đắp đập trên thượng nguồn để bắt cá, làm cho mức nước hồ thấp xuống, hàng vạn cá lớn, cá bé có nguy cơ bị chết. Con trưởng giả muốn cứu bầy cá, nhưng không thể lên tận nguồn để phá đập chắn, bèn tâu với quốc vương phái đến 20 con voi lớn, chở nước tới, đổ đầy hồ, cứu sống đàn cá.

Kinh "Phạm Võng" là chỗ dựa lý luận của phóng sinh. "Kim Quang Minh" là chỗ dựa để xây ao phóng sinh. Các bộ kinh Đại Thừa khác như "Lục độ tập kinh" quyển 3, ghi chép việc mua rùa để phóng sinh. Cuốn "Đại Đường Tây Vực Ký" của Huyền Trang cuốn 9 kể chuyện Tháp Nhạn. Ở nước Magadha thuộc Trung Ấn Độ có một ngôi chùa Tiểu Thừa, do một vị Tỳ kheo tu không giữ giới ăn ba loại thịt thanh tịnh là các loại thịt không thấy giết, không nghe giết, không vì mình mà giết. Có một ngày, một Tỳ kheo không có thịt ăn, chính lúc đó ở trên trời có một bầy nhạn bay qua, Tỳ kheo bèn nói với đàn nhạn "Hôm nay, có vị Tăng không có thịt ăn, vì không ai cúng dường. Các vị Đại Bồ Tát biết là thời cơ đã đến rồi". Bầy nhạn nghe thấy như vậy, đều sa xuống mà chết. Vị Tỳ kheo ấy vốn không tin Đại Thừa, không tin chim nhạn có thể là Bồ Tát, nên nói ra câu trên để chế diễu Đại Thừa. Không ngờ chính các Bồ Tát đã hiển hiện làm nhạn để giác ngộ cho anh. Các Tỳ kheo Tiểu Thừa trong chùa lấy làm xấu hổ và bảo nhau : "Đây là các vị Bồ Tát, ai mà dám ăn". Từ nay về sau phải dựa vào Đại Thừa, chúng ta sẽ không ăn ba loại thịt thanh tịnh. Rồi xây tháp thờ chim nhạn.

Có thể thấy phóng sinh có gốc rễ ở giới sát. Cũng có thể nói phát triển giới sát thêm một bước, thành ra phóng sinh. Giới sát chỉ là ngăn không làm ác, là hành vi thiện thụ động. Phóng sinh cứu mạng là hành vi thiện tích cực. Nếu chỉ ngăn ác, mà không hành thiện thì không phải là tinh thần của Phật pháp Đại Thừa. Vì vậy mà Trung Quốc, từ thời Bắc Tề Lương đến nay, có phong trào không ăn thịt không sát sinh. Phong tục phóng sinh cũng từ đó được phát triển dần dần từ triều đình đến dân thường, từ chúng Tăng đến người trần tục đều coi trọng ăn chay.

Chính phủ Dân quốc hiện nay cũng định kỳ cấm giết hại súc vật một số ngày trong năm, từ trung ương đến địa phương để cầu mưa, xua đuổi tai họa, người ta cũng tổ chức phóng sinh và cấm giết hại súc vật. Võ Đế nhà Lương xuống chiếu cấm sát sinh để cúng tế. Tỳ kheo Tuệ Tập đời nhà Lương, nguyện tự đốt hai cánh tay, đi khắp nơi khuyên phóng sinh. Đời Tùy, đại sư Trí Khải phát động phong trào xây ao phóng sinh, giảng các kinh "Kim Quang Minh" và "Pháp Hoa" để tuyên truyền xin bỏ tiền mua lương thực để nuôi cá. Đời Trần Tuyên Đế, Vua sai quan Tế Tửu Từ, Khắc Hiếu viết "Bài Bia về việc thiền sư Trí Khải" tu ở chùa Thiền núi Thiên Thai tổ chức phóng sinh. Điều đó mở đầu cho việc ghi chép các hội phóng sinh và các ao phóng sinh ở Trung Quốc. Từ đó về sau từ đời nhà Đường, nhà Tống đến nhà Minh, đời nào cũng có phát triển việc phóng sinh. Đời vua Đường Túc Tôn, có viết bài bia về ao phóng sinh. Đến đời Tống, hai đại sư Tuân Thức và Tri Lễ cũng ra sức tán thán việc phóng sinh.

Cuối đời nhà Minh có đại sư Liên Trì là một trong những cao tăng rất tích cực tuyên truyền việc phóng sinh. Đại sư viết các bài "Như Lai không cứu nghiệp sát", "Ăn thịt", "Ăn chay" in trong tập "Trúc song tùy bút", lại viết các thiên thư như "Mặc áo lụa ăn thịt", "Giữ giới sát được sống thọ", "Ao phóng sinh", "Thầy thuốc giới sát sinh", "Vì bệnh ăn thịt". Trong tập "Trúc song tùy bút", lại có các bài "Sát sinh là tội ác lớn trong đời người", "Làm người không nên sát sinh", "Làm người không nên ăn thịt chúng sinh để khuyến khích giới sát và phóng sinh". Ngoài các bài viết về "ăn chay", ông còn viết các bài "Nghi thức phóng sinh", "Giới sát phóng sinh", để bày vẽ các nghi thức phóng sinh cho mọi người. Thời hiện đại có sách của đại sư Hoàng Nhất, các tập tranh về "Bảo vệ cuộc sống" của Phong Tử Khái "6 cuốn". Ngoài ra còn có Cư sĩ Thái Niệm Sanh đề xướng việc giới sát phóng sinh biên tập những câu chuyện về chủ đề "Động vật cũng có linh tính và cảm ứng" thành sách với nhan đề "Động vật còn như vậy". Nhưng trong xã hội hiện đại, khoa học kỹ thuật tiến bộ, mật độ nhân khẩu tăng nhanh, không gian sống bị thu nhỏ lại, muốn có một ao phóng sinh, một khu vực phóng sinh tuyệt đối an toàn là tương đối khó khăn. Ở nước Mỹ và Đài Loan hiện nay có các khu vực bảo vệ dã thú. Ngoài ra cũng có người do lòng thương yêu loài vật và muốn bảo vệ thiên nhiên đã khuyến khích dân chúng không nên giết, bắt bừa bãi, tránh phá hoại sự điều hòa phối hợp tự nhiên của sinh vật, tránh nguy cơ diệt chủng đối với loài động vật hiếm. Điều này phù hợp nhưng không hoàn toàn tương đồng với tinh thần phóng sinh của đạo Phật. Nếu chúng ta thả tất cả động vật được phóng sinh vào các khu bảo vệ động vật… thì sẽ có nguy cơ bão hòa, số động vật tăng nhan tới mức phải hạn chế.

Do đó, chúng ta đến đâu để phóng sinh ? Nếu là cá thì có người câu hay thả lưới, nếu là chim, thì có người dùng súng bắn, hay dùng lưới vây bắt. Ở các chợ bán chim, bán cá ngày nay, thường không phải là động vật hoang dã, mà đại bộ phận là do người ở các ao cá, vườn chim. Những động vật này căn bản không thích ứng với hoàn cảnh tự nhiên, phóng sinh chúng cũng như sát sinh. Phóng sinh loài nhỏ, chúng sẽ bị những loài lớn ăn thịt. Phóng sinh loài lớn, chúng sẽ bị săn bắn đưa vào bếp các quán ăn. Hơn nữa, giống chim, loài cá đều có thói quen của chúng. Có những loài cá nhất định phải sống trong những hoàn cảnh nhất định như chất nước, độ sâu, độ chảy, mua giống cá sông thả vào biển hay mua và thả cá biển vào sông đều thành vấn đề. Loại chim nuôi ở công viên, không quen săn mồi trong hoàn cảnh tự nhiên không biết rau quả nào trong rừng có thể dùng làm thức ăn. Nếu thả chúng vào rừng sẽ bị đói hoặc bị các động vật khác hoặc các loài chim ăn thịt.

Trong tình hình như vậy, có cần phóng sinh hay không, có nên phóng sinh hay không? Điều này rõ ràng là một sự thực không may mắn. Sự hạn chế của hoàn cảnh tự nhiên làm cho cuộc vận động phóng sinh ngày càng khó khăn.

Thực ra, ý nghĩa phóng sinh là ở nơi động cơ của phóng sinh mong muốn kéo dài thọ mạng của sinh vật. Còn kéo dài được bao lâu thì chúng ta phải có trách nhiệm khảo sát, nghiên cứu như muốn thả chim thì phải nghiên cứu xem thả loài chim gì, thả ở đâu, thả vào lúc nào mới an toàn, có kết quả.

Đối với loài cá, tôm, cua… cũng phải như vậy. Trước hết phải nghiên cứu tập quán sinh thái, nguồn gốc của chúng, rồi chọn thời cơ thích đáng nhất để thả chúng ở những nơi an toàn thích hợp nhất. Nhưng nếu không may, hôm nay chúng được thả, sang ngày hôm sau chúng bị bắt thì cũng đành chịu vậy.

Mục đích của chúng ta là phát động lòng từ bi, tinh thần cứu tế của người phóng sinh. Còn số phận của động vật được phóng sinh ra sao, thì còn tùy thuộc vào nhân quả họa phúc và nhân duyên của chúng nữa. Miễn là khi phóng sinh chúng ta thành tâm cầu cho chúng được thoát nạn. Hãy vì chúng mà nói Tam Quy, nói Phật pháp, phát nguyện hồi hướng. Chúng có thể nhờ đó mà thoát ly được các thân khác loài, chuyển tái sinh làm người, sinh lên cõi trời, vãng sinh tịnh độ, phát tâm Bồ đề, độ thoát chúng sinh sớm thành Phật đạo. Trong việc phóng sinh, chúng ta chỉ cần tận tâm, tận lực mà làm. Như vậy là tốt.

loading...