Kiến thức
Vì sao con người sợ hãi cái chết?
Thứ năm, 08/07/2022 07:42
Trong một lần chia sẻ lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Nỗi ám ảnh lớn nhất, đeo đẳng tôi từ thuở còn nhỏ cho đến sau này vẫn luôn luôn bị ám ảnh, là cái chết.
Sự sống và cái chết trở thành một vấn đề lớn trong đời sống tinh thần của tôi. Có lẽ suy cho cùng, từ đâu mà ra cái suy nghĩ đó, là do tôi quá yêu cuộc sống, sợ mất nó. Mất mát một cái gì đó mà mình từng có trong cuộc đời, đã từng đi qua và đã từng tìm thấy, như tình yêu, như cái gì đẹp nhất của cuộc sống, sợ nó sẽ mất đi một ngày nào đó”.
Cái chết, có lẽ không là sự ám ảnh của riêng ai. Nỗi ám ảnh ấy, bằng cách này hay cách khác, vẫn vây lấy toàn thể sự sống hiện hữu trên cõi đời. Chính vì thế, việc hiểu được ý nghĩa của cái chết, định nghĩa được nó, nhìn rõ tiến trình diễn ra của vòng tuần hoàn sinh - tử, con người sẽ thôi phí hoài cuộc sống và “giải quyết” được nỗi ám ảnh lớn nhất của đời mình: cái chết.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói về Phật giáo
Chết là gì? Tiến trình của cái chết diễn ra như thế nào? Quá trình linh hồn rời khỏi thể xác ra sao? Liệu có còn một sự sống khác sau cái chết? Ý nghĩa thật sự của tập tục thờ cúng tổ tiên là thế nào?... Đây là những câu hỏi lớn của đời người.
Bardo - phiên âm từ tiếng Phạn: Antarābhava - theo Phật giáo có thể được hiểu là “thân trung ấm” hay “thân trung hữu”, một thuật ngữ nói về trạng thái trung gian hoặc khoảng không gian mà chúng ta sẽ trải nghiệm sau khi kết thúc sự sống và trước lần tái sinh tiếp theo. Đó là khoảng thời gian chuyển trạng thái khi mà tâm và thân đã tách rời độc lập, không còn liên kết với nhau.
Nếu nhận thức rõ có một sự sống sau cái chết và cần làm gì để xây tạo một nền tảng tốt đẹp cho sự sống sau cái chết đó, chúng ta sẽ biết cách trân quý từng hơi thở ở hiện tại hơn, biết làm những việc lợi lạc cho mình và cho người, cũng như dừng bức hại chúng sinh, những sự sống khác ngoài con người. Đây cũng chính là tinh thần tối thượng của triết lý Phật giáo.