Kiến thức
Vì sao công đức tu bổ chùa miếu, tháp tượng cũ vượt trội hơn xây mới?
Thứ năm, 15/11/2022 11:00
Chúng ta phải có một quan niệm đúng đắn, đừng tưởng rằng công đức tu bổ tượng Phật cũ không lớn, đúc tượng mới thì công đức lớn. Kiến trúc mới thì lộng lẫy, vô cùng đẹp đẽ, chứ chẳng biết tu bổ đồ cổ có công đức lớn hơn rất nhiều! Thật ra thì không có cách gì để diễn tả cho hết được.
Chúng ta dùng cách nói hiện nay thì đạo tràng cũ có nguồn gốc lịch sử, có bối cảnh văn hóa. Trong đó có ba ý nghĩa, thứ nhất ‘tiêu biểu người thù thắng’, quá khứ có rất nhiều người tu hành chứng quả ở nơi đó, chúng ta bước vô đạo tràng này, thật sự sẽ tự nhiên khởi lên ý niệm “nhớ đến Thánh hiền thì nghĩ mình phải học theo quý Ngài”, khởi lên tâm niệm này, sức mạnh này rất lớn.
Giống như ngày nay chúng ta đến chùa Đông Lâm ở Lô Sơn, lập tức liền nghĩ đến năm xưa đại sư Huệ Viễn ở đó niệm Phật, ở đó thành tựu thì tâm tôn kính, tâm bắt chước học theo lập tức khởi lên. Đạo tràng mới xây dựng không có sức mạnh này, do đó công đức tu bổ đạo tràng cũ vượt hơn đạo tràng mới. Thứ nhì ‘làm cho người ta tin tưởng’, đạo tràng này có nguồn gốc xa xưa, nhiều đời tiếp nối truyền mãi không ngừng, vì người ta đến thăm viếng đạo tràng mới xây dựng, không khởi lên lòng tin vững chắc bằng khi tới những đạo tràng cũ. Thứ ba là ‘vì muốn báo ân’, báo đáp ân đức của tổ sư đại đức, phải duy trì bảo vệ đạo tràng của tổ sư, đại đức.
Công đức xây chùa, tạc tượng, đúc chuông lớn như thế nào?
Ngày nay chúng ta đến đạo tràng ở núi Linh Nham, Tô Châu sẽ nhớ đến đức hạnh của đại sư Ấn Quang, đây là đạo lý nhất định. Các đệ tử hải ngoại, chỉ cần có cơ duyên liền ra sức, ra tiền khôi phục lại đạo tràng của tổ sư, hầu báo đáp ân đức của tổ sư. Đây là lý do tu bổ đạo tràng cũ có công đức hơn xây dựng đạo tràng mới.
‘Ngộ tiên Phật tháp miếu’ nghĩa là đạo tràng của tổ sư. ‘Hoặc chí kinh tượng’, kinh thư, kinh sách cũ có giá trị cao. Kinh sách cũ đã được truyền qua bao nhiêu đời, bạn hãy nghĩ đời trước có bao nhiêu người đã đọc qua, ngày nay truyền đến tay chúng ta, đọc xong chúng ta còn phải truyền đến đời sau, niềm ân tình chứa đựng trong đó sâu đậm biết bao? Đây là lý do tu bổ kinh sách cũ vượt trội hơn in kinh sách mới. Trong đó ẩn chứa ân đức, cảm tình mà sách mới in không thể nào có; sách cũ có niềm ân tình này nên phải tu bổ những sách cũ này. Nhưng những sách vở ấn loát ngày nay không dễ tu bổ, đây đích thật là quan niệm của người phương Tây, những gì cũ đều không coi trọng, đều phế bỏ. Sách cổ của Trung Quốc ngày xưa có thể tu bổ, giấy dùng cho sách đóng bằng chỉ rất mềm, giấy dùng phổ biến nhất ở Trung Quốc đại lục là giấy Mao Biên. Giấy ngày nay chúng ta dùng làm sách là giấy Đạo Lâm, giấy này có thể giữ được bao lâu?
Đại khái có thể giữ được một trăm năm, hơn một trăm năm sau thì giấy này sẽ biến thành tro, thành bột, bạn thấy giấy này coi rất đẹp nhưng chẳng chịu nổi sự khảo nghiệm của thời gian. Giấy Mao Biên của Trung Quốc, bạn trông thấy nó rất quê mùa, vàng khè, mềm mỏng, chẳng đẹp bằng giấy ngoại quốc, giấy Mao Biên có thể giữ được năm trăm năm. Tốt hơn nữa là giấy Liên Sử, không biết ngày nay sách đóng bằng chỉ ở Trung Quốc có dùng giấy Liên Sử không, giấy Liên Sử mềm vô cùng, trước kia vào năm đầu Dân Quốc, Tần Già Tạng in ở Hiệp Đồng, Thượng Hải dùng giấy Liên Sử. Lúc trước sách tốt đều dùng giấy Liên Sử, giấy Liên Sử rất mềm, có thể giữ được một ngàn năm, nếu bị hư thì có thể bồi lại.
Cho nên đích thật có thể giữ được mấy ngàn năm cũng không sao. Đây là chỗ khác nhau giữa văn hóa Trung Quốc và ngoại quốc, đồ ngoại quốc hào nhoáng nhưng không bền, đồ Trung Quốc không hào nhoáng nhưng bền bỉ. Tu bổ kinh cũ, tượng Phật cũ, những tượng Phật cũ này đã có bao nhiêu người lễ bái, bao nhiêu người cúng dường, đó là 'hủy hoại phá lạc, nãi năng phát tâm tu bổ’.
Cho nên chúng ta phải có một quan niệm đúng đắn, đừng tưởng rằng công đức tu bổ tượng Phật cũ không lớn, đúc tượng mới thì công đức lớn. Kiến trúc mới thì lộng lẫy, vô cùng đẹp đẽ, chứ chẳng biết tu bổ đồ cổ có công đức lớn hơn rất nhiều! Thật ra thì không có cách gì để diễn tả cho hết được.