Kiến thức
Vì sao Đức Phật hết lời ca ngợi Pháp môn Tịnh độ, vẫn luôn có những đệ tử Phật không tin?
Thứ năm, 17/11/2022 12:42
Mọi sự đều có nhân duyên, những người trong tiền kiếp có duyên lành với môn Tịnh Độ, sớm muộn sẽ gặp và tu theo Tịnh Độ. Còn không duyên, có giải thích thế nào cũng không chịu hiểu. Chỉ mong cho những vị được phước phận với môn này, sau khi nghe lời dẫn giải trên, càng củng cố thêm lòng tín nguyện.
Trong Kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật Thích Ca đã kể lược qua trong mười bốn quốc độ có bao nhiêu Bồ Tát được sanh về Cực Lạc. Riêng cõi Ta Bà này có sáu mươi bảy triệu bậc Bất Thoái Chuyển Bồ Tát được vãng sanh, còn số tiểu hạnh Bồ Tát và những chúng sanh tu tập chút ích công đức được vãng sanh nhiều không xiết kể!
Như trên, ta thấy chúng sanh sanh về Cực Lạc nhiều không thể kể xiết, còn hơn vô số điểm giọt mưa. Nhưng xét chung về tâm nguyện cầu sanh của những vị ấy, ta có thể chia làm ba hạng:
- Hạng thứ nhất, là những phàm phu thấp kém nhưng chân thật, không hiểu công đức cùng sự trang nghiêm ở Tịnh Độ, chỉ cảm nghĩ đời sống nhiều vất vả khổ nhọc, cõi Ta Bà đầy chán nản lo phiền, nên nguyện sanh về cõi nước thanh tịnh an vui.
Đôi dòng về Phật hiệu A Di Đà và Pháp môn Tịnh độ
- Hạng thứ hai, tuy cũng là phàm phu nhưng có trí huệ và chí nguyện lớn, muốn sanh về Cực Lạc để bảo đảm thoát ly nẻo luân hồi, mau chứng đạo quả, hoàn thành chí nguyện tự độ độ tha.
- Hạng thứ ba, gồm từ hàng tiểu thánh đã thoát ly vòng sống chết cho đến bậc Đẳng Giác Bồ Tát, vì muốn mau tiến lên thượng địa, muốn học hỏi diệu pháp thành Phật, nên phát nguyện vãng sanh.
Như vậy, ta thấy cầu về Tịnh Độ không phải chỉ có hạng người vì chán cảnh khổ miền ngũ trược, mà cũng có hạng người vì thương xót muốn tế độ chúng sanh cõi Ta Bà; cho đến những bậc vì trên cầu Phật đạo, dưới độ quần mê ở khắp mười phương thế giới. Tuy sở nguyện có thấp cao, nhưng khi đã sanh về Cực Lạc, thì cũng đồng được sự lợi ích như nhau, nghĩa là tất cả đều không thối chuyển, đạt đến mục đích thành Phật lợi sanh.
Cổ đức đã bảo:
"Pháp môn Tịnh Độ rất cao thâm mầu nhiệm, duy có Phật với Phật mới biết hết được, vì bậc Đẳng Giác còn nguyện vãng sanh, ngôi Nhất Sanh Bổ Xứ còn phải trụ nơi miền Cực Lạc để học hỏi. Các kinh Đại Thừa như: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Đại Bảo Tích .v.v... đều khen ngợi Tịnh Độ và đề cập đến sự vãng sanh."
Lại cũng trong Kinh Vô Lượng Thọ, để tỏ sự trân quý tuyệt vời của môn Tịnh Độ, đức Thế Tôn đã nói:
"Giả sử có cơn lửa lớn cháy phừng đầy khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, vì cầu nghe kinh pháp này phải vượt ngang qua nơi ấy, cũng nên vui vẻ tin ưa mà cầu, để được thọ trì đọc tụng, như lời dạy mà tu hành. Tại sao thế? Bởi vì có rất nhiều bậc Bồ Tát muốn nghe kinh này mà không được nghe. Nếu có chúng sanh nào được nghe và tín thọ kinh này, tất sẽ không thối chuyển nơi đạo Vô Thượng."
Kinh pháp đã quý báu có nhiều lợi ích như thế, nên đức Thế Tôn từng căn dặn sau khi Ngài diệt độ, không nên sanh lòng nghi hoặc đối với pháp này.
Nhưng tiếc thay, có những kẻ học Phật chưa thấu đáo đã không tin, lại đem kinh này giải thích theo lối chấp lý bỏ sự, thành ra xuyên tạc hủy báng, thật đáng thương buồn!
Các bậc tôn túc khi xưa đã nói: "Đối với môn Tịnh Độ, duy có hai hạng người được lợi ích. Một là hạng tối dốt nhưng chân thật chỉ nghe lời dạy liền một bề tin nhận mà hành trì theo. Hai là hạng trí huệ sâu có căn lành về Tịnh Độ, thông suốt tánh tướng, hiểu rõ công đức niệm Phật, nên quyết lòng tín phụng. Còn hạng trí thức thông thường, hiểu cho thâm sâu thấu
đáo thì không hiểu thấu, mà tin như kẻ tối dốt họ lại không thể tin. Vì thế hạng này khó được sự lợi ích."
Nhưng, mọi sự đều có nhân duyên những người trong tiền kiếp có duyên lành với môn Tịnh Độ, sớm muộn cũng sẽ gặp và tin hiểu, tu theo Tịnh Độ. Còn không duyên, có giải thích thế nào cũng không chịu hiểu. Chỉ mong cho những vị được phước phận với môn này, sau khi nghe lời dẫn giải trên, càng củng cố thêm lòng tín nguyện.
Trích “Niệm Phật Thập Yếu”