Kiến thức
Vì sao niệm Phật nhưng không điều phục được phiền não?
Thứ ba, 07/06/2021 09:01
Có một số đồng tu nói là họ rất muốn học nhưng phiền não của họ không đoạn được, tham-sân-si-mạn, phải quấy nhân ngã không thể hàng phục, rất muốn hàng phục nhưng không phục được.
Thực tế mà nói, câu Phật hiệu này chân thật thì được rồi, nếu Phật hiệu không thể hàng phục thì phiền não tập khí rất nặng, do đó phải dùng phương pháp khác để giúp đỡ. Niệm Phật là chính.
Nếu Phật hiệu có thể hàng phục được phiền não, ý niệm của phiền não vừa khởi, lập tức liền dùng một câu A Di Đà Phật thay thế ý niệm này đi thì công phu niệm Phật này liền có lực. Hay nói cách khác, phiền não tập khí khởi hiện hành là công phu niệm Phật của bạn không có lực, là do ý niệm của bạn tùy thuận phiền não, không hề tùy thuận Phật hiệu, bạn không biết dụng công, bạn không biết niệm Phật.
Người biết niệm Phật, làm gì có chuyện không thể phục được phiền não? Ý niệm vừa khởi, người xưa nói “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Cái gì gọi là giác? Phật hiệu chính là giác, lập tức đem Phật hiệu đề khởi lên. Pháp môn Tịnh Độ thù thắng chính ngay chỗ này.
Hễ có một chuyện nào chưa buông xuống được, sẽ đều là chướng ngại nghiêm trọng, chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng điều này. Bản thân chúng ta tu hành chẳng thể thành tựu, đừng nói là nhất tâm bất loạn, ngay cả công phu thành phiến cũng chưa đạt được, nguyên nhân là vì đâu? Không buông xuống được! Đây là căn bệnh lớn của chúng ta.
“Không buông xuống” là căn bản của sanh tử luân hồi. Nếu muốn vượt thoát sanh tử luân hồi phải buông xuống, quyết định chẳng tham ái hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian.
Kinh đã nói rất hay: “Ái bất trọng, bất sanh Sa Bà” (Ái chẳng nặng, chẳng sanh trong Sa Bà). Sa Bà là lục đạo luân hồi. Vì sao có lục đạo luân hồi? Tham ái quá nặng, “niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Độ” (niệm chẳng nhất chẳng sanh Tịnh Độ), “nhất” là nhất tâm. Tuy công phu thành phiến chưa đạt đến nhất tâm, chẳng phải là nhất tâm thật sự, nhưng đã gần với nhất tâm, đó là tương tự nhất tâm; do vậy, người ấy cũng có thể sanh về Tịnh Độ. Vì thế, chẳng xả, chẳng buông xuống thì chúng ta lại bỏ uổng một đời này!
Pháp sư Tịnh Không