Kiến thức

Vì sao phải bỏ ác, làm lành?

Thứ năm, 03/04/2022 10:47

Mỗi người đều có một hoàn cảnh cuộc sống khác nhau, điều đó phản ánh đích thực nghiệp nhân của chính họ. Do vậy, muốn hạnh phúc và bình an trong cuộc sống ở hiện tại cũng như trong tương lai, mỗi người phải tự gây tạo nhân lành cho chính mình.

Một thời Thế Tôn trú ở Kimbilà, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có năm nguy hại này cho người ác hành. Thế nào là năm?

- Tự mình chỉ trích mình.

- Sau khi suy xét, các bậc trí quở trách.

- Tiếng ác đồn khắp.

- Khi mạng chung, tâm bị mê loạn.

- Sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các Tỷ kheo, có năm nguy hại này cho người ác hành.

Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích này cho người thiện hành. Thế nào là năm?

- Tự mình không chỉ trích mình.

- Sau khi suy xét, các bậc trí tán thán.

- Tiếng tốt đồn khắp.

- Khi mạng chung, tâm không bị mê loạn.

- Sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích này cho người thiện hành.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Ác hành, phần Người ác hành, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.741)

Thiện hành là suy nghĩ thiện, nói lời thiện và hành động thiện, tạo ba nghiệp thiện. Ai sống trong sạch thì cõi lòng thanh thản, tâm thư thái an nhiên, không lo lắng, dằn vặt và sợ hãi.

Thiện hành là suy nghĩ thiện, nói lời thiện và hành động thiện, tạo ba nghiệp thiện. Ai sống trong sạch thì cõi lòng thanh thản, tâm thư thái an nhiên, không lo lắng, dằn vặt và sợ hãi.

Lời bàn: 

Thời Đường, Bạch Cư Dị có lần hỏi Thiền sư Ô Sào về đại ý Phật pháp và được trả lời một cách giản dị rằng “Không làm các việc ác, hãy làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch”. Bạch Cư Dị không mấy hài lòng về câu trả lời ấy vì trẻ lên ba cũng nói được. Ô Sào đã lưu ý rằng dù vậy nhưng người già tám mươi cũng chưa chắc đã làm xong. Thế mới biết chuyện “bỏ ác, làm lành” quan trọng và không dễ làm.

Ác hành là suy nghĩ ác, nói lời ác và hành động ác, tạo ba nghiệp bất thiện. Người làm ác tất bị lương tâm cắn rứt, luôn mang nỗi bất an, hối hận và lo sợ. Mặt khác, người làm ác bị pháp luật trừng trị, nhẹ hơn thì bị xã hội phê phán, tiếng xấu đồn khắp, thanh bại danh liệt. Quan trọng hơn, những việc ác đã gây tạo trong đời sẽ kết thành cận tử nghiệp xấu ác và theo đó sẽ bị sanh vào cõi dữ ở tương lai.

Thiện hành là suy nghĩ thiện, nói lời thiện và hành động thiện, tạo ba nghiệp thiện. Ai sống trong sạch thì cõi lòng thanh thản, tâm thư thái an nhiên, không lo lắng, dằn vặt và sợ hãi. Ăn hiền ở lành thì mọi người đều khen ngợi, tiếng tốt đồn xa. Nhất là, một đời làm các điều thiện sẽ kết tụ nghiệp lành, làm cho cuộc sống hiện tại luôn bình an, đến khi từ giả cuộc đời chết trong thanh thản và tái sanh vào cõi lành.

Bỏ ác, làm lành là đạo lý sống của những người con Phật và của tất cả mọi người. Nhân quả luôn chính xác và rõ ràng. Mỗi người đều có một hoàn cảnh cuộc sống khác nhau, điều đó phản ánh đích thực nghiệp nhân của chính họ. Do vậy, muốn hạnh phúc và bình an trong cuộc sống ở hiện tại cũng như trong tương lai, mỗi người phải tự gây tạo nhân lành cho chính mình.

loading...