Kiến thức
Vì sao Ðức Phật lại khuyên chúng ta phải phản tỉnh nhiều lần?
Thứ ba, 14/08/2021 02:45
Tâm ý giữ trong sạch, phải là mối quan tâm thường xuyên và hàng đầu của mọi Phật tử chúng ta, xuất gia hay tại gia. Vì sao vậy? Vì, thông thường, người ta suy nghĩ trước rồi mới nói, mới làm.
Ðó là do quá trình diễn biến của nghiệp, có thể chia làm ba giai đoạn: giai đoạn một là giai đoạn dụng tâm, cũng gọi là tác ý. Thông thường, chúng ta gọi là ý muốn.
Ngay trong giai đoạn ý muốn này, chúng ta cũng phải phản tỉnh, phải xét xem muốn như vậy là đúng hay không đúng, hợp hay không hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, có lợi lạc cho mình và cho người hay không, đem lại hạnh phúc hay là gây ra đau khổ, cho mình và cho người hay là cho cả hai.
Nếu trong giai đoạn ý muốn, quý vị phản tỉnh thấy vào ngày Lễ Phật đản mà đi xem bói xem toán là không thích hợp, là nêu gương xấu mê tín dị đoan cho vợ con, họ hàng bè bạn và những người khác thì quý vị hãy kiên quyết từ bỏ ý muốn đó đi. Ngược lại, đối với ý muốn đi chùa, lễ Phật, nghe thuyết giảng, làm nhiều Phật sự và thiện sự khác. Các vị phản tỉnh thấy ý muốn đó là tốt đẹp, đem lại an lạc cho mình và cho người khác, hiện nay cũng như về sau, thì quý vị hãy cương quyết thực hiện ý muốn đó, mà cũng chính vì tuyệt đại đa số các vị đã có ý muốn tốt đẹp đó, cho nên hôm nay chúng tôi có duyên lành thuyết giảng trong một hội chúng đông đảo và hồ hởi như thế này.
Quán chiếu về tương quan sẽ dẫn tới cái thấy vô ngã
Nếu mọi việc chúng ta làm, mọi lời chúng ta nói, mọi ý nghĩ của chúng ta đều được phản tỉnh xem xét cẩn thận ngay từ trong giai đoạn ý muốn, như lời Ðức Phật dạy La Hầu La, thì bao nhiêu sai lầm, tội ác và bất hạnh đã không xảy ra trong thế giới đầy đau thương này.
Ðức Phật nói: "Này La Hầu La, nếu trong khi phản tỉnh ngươi biết "Thân nghiệp này ta muốn làm, thân nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến cả hai, thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ. Một thân nghiệp như vậy, này La Hầu La, nhà ngươi nhất định chớ có làm. Này La Hầu La, nếu sau khi phản tỉnh, ngườơ biết: "Thân nghiệp này ta muốn làm, thân nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại, không có thể đưa đến hại nguời, không có thể đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc. Một thân nghiệp như vậy là thiện, này La Hầu La, nhà ngươi nên làm".
Giai đoạn hai là giai đoạn một việc đã bắt đầu làm, đang làm. Ngay trong giai đoạn này, giai đoạn việc làm đang diễn biến, chúng ta vẫn tiếp tục phản tỉnh: việc này chúng ta đang làm hợp hay không hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, có gây thiệt hại cho mình, cho người khác, cho cả hai hay không, hay là ngược lại, có đem an lạc cho mình, cho người khác, cho cả hai hay không? Nếu qua phản tỉnh, xét thấy là không có hại cho mình, cho người, cho cả hai thì chúng ta hãy cương quyết tiếp tục việc làm đó, dù có khó khăn cản trở.
Cũng như ngày hôm nay, quý vị hoan hỉ đến đây lễ Phật, nghe thuyết pháp, làm nhiều thiện sự và Phật sự, trong lòng quý vị cảm thấy an lạc, hạnh phúc, trí tuệ các vị tăng trưởng. Nếu quý vị xét thấy đúng như vậy thì quý vị hãy yên tâm tiếp tục làm, trong ngày lễ Phật đản này cũng như trong các ngày lễ Phật khác, hay là mỗi khi có điều kiện.
Trái lại, có những việc quý vị đang làm, đang tiến hành, nhưng trong quá trình làm, quý vị xét thấy không có lợi cho mình, cho người, không có lợi cho cả hai, thì dù ý muốn ban đầu có tốt chăng nữa, quý vị cũng nên chấm dứt ngay công việc đó.
Ðức Phật dạy La Hầu La rằng: "Này La Hầu La, khi nhà ngươi đang làm một thân nghiệp, nhà ngươi cần phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau: Thân nghiệp này ta đang làm, thân nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ. Này La Hầu La, nếu trong khi phản tỉnh, nhà ngươi biết thân nghiệp đang làm là bất thiện, như vậy thì nhà ngươi hãy từ bỏ một thân nghiệp như vậy. Nhưng nếu, này La Hầu La, trong khi phản tỉnh, nhà ngươi biết như sau: thân nghiệp nay ta đang làm không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc, thân nghiệp như vậy, này La Hầu La, nhà ngươi cần phải tiếp tục làm."
Giai đoạn ba là giai đoạn khi một việc đã được làm xong. Chúng ta cũng cần phản tỉnh xem, việc mà chúng ta đã làm có hợp hay không hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, có gây thiệt hại hay không cho mình và cho người, có gây thiệt hại hay không cho cả hai, có đem lại an lạc và hạnh phúc hay không cho mình và cho người khác hay là cho cả hai. Nếu phản tỉnh và nhận thấy việc đã làm có gây thiệt hại cho mình và cho người khác hay là cho cả hai, thì chúng ta phải thành thật ăn ăn hối lỗi, trung thực bộc lộ lỗi lầm với vị đạo sư hay là với những người bạn đồng tu, đồng đạo của mình. Sau đó, hạ quyết tâm từ nay không làm lại một việc làm có hại như vậy nữa. Nhưng nếu, qua phản tỉnh, nhận thấy việc mình đã làm là hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, đem lại hạnh phúc an lạc cho mình và cho người khác, hay cho cả hai, thì chúng ta thật sự hoan hỷ, sẵn sàng làm lại việc đó một lần nữa, nhiều lần nữa mỗi khi có điều kiện, vì hạnh phúc an lạc của bản thân mình và của mọi người.
Chính Ðức Phật cũng đã khuyến cáo La Hầu La nên làm như vậy, sau mỗi việc làm của mình: "Này La Hầu La, sau khi nhà ngươi làm xong một thân nghiệp, nhà ngươi cần phải phản tỉnh thân nghiệp ấy như sau: "Thân nghiệp này ta đã làm, thân nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người khác, đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ, nếu trong khi phản tỉnh, này La Hầu La, nhà ngươi biết như sau: Thân nghiệp này ta đã làm, đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là bất thiện đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ. Một thân nghiệp như vậy, này La Hầu La, nhà ngươi cần phải thưa lên, cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày trước các vị Ðạo sư, hay trước các vị đồng Phạm Hạnh có trí. Sau khi đã thưa lên, tỏ lộ, trình bày, cần phải phòng hộ trong tương lai".
"Lại nữa, nếu trong khi phản tỉnh, này La Hầu La, nhà ngươi biết như sau: Thân nghiệp này ta đã làm, không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc đem đến quả báo an lạc. Do vậy, này La Hầu La, nhà ngươi phải an trú trong niềm hoan hỷ, tự mình tu học ngày đêm trong các thiện pháp".
Quán chiếu tâm và đoạn ác tâm để làm sinh thiện tâm
Ðối với mỗi việc làm của thân, tức là thân nghiệp, dù khi còn là ý muốn, hay là khi đang làm, hay là sau khi đã làm xong, Ðức Phật đều khuyên La Hầu La cũng như tất cả Phật tử chúng ta đều nên tỉnh táo xem xét, là thiện hay là bất thiện, nếu là thiện, thì hãy tu học ngày đêm để tăng trưởng những việc làm thiện đó. Và nếu là bất thiện thì cũng hãy cố gắng ngày đêm để dứt bỏ, đoạn trừ, đề phòng, ăn năn, hối lỗi, để cho những pháp bất thiện đó không bao giờ còn tái phạm nữa.
Không những đối vói việc làm nơi thân, mà cả đối với lời nói, đối với mỗi ý nghĩ chớm nở trong tâm mình, Ðức Phật cũng đều khuyên chúng ta phản tỉnh xem xét là thiện hay bất thiện. Nếu là thiện, thì học tập phát huy tăng trưởng lên, nếu là bất thiện, thì phấn đấu không mệt mỏi để diệt trừ, xóa bỏ. Và chỉ sau nhiều lần phản tỉnh như vậy đối với việc làm, lời nói và ý nghĩ của mình, chúng ta mới có thể tiến dần tới chỗ tất cả ba nghiệp của chúng ta, thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp dần dần được trong sạch sáng sủa, hoàn toàn hợp với nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo. Chúng ta, dần dần thực hiện theo đúng lời dạy của Ðức Phật, như đã ghi trong Kinh Pháp Cú:
"Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm giữ ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy".
Tâm ý giữ trong sạch, phải là mối quan tâm thường xuyên và hàng đầu của mọi Phật tử chúng ta, xuất gia hay tại gia. Vì sao vậy? Thưa quý vị, đây là vì, thông thường, người ta suy nghĩ trước rồi mới nói, mới làm, tất cả chúng ta đều tâm niệm câu kệ I của Kinh Pháp Cú:
"Ý dẫn đầu các Pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như bánh xe vật kéo"
Nghĩa là: Tâm ý đã bất thiện, nhơ bẩn, đầy tham sân si, thì lời nói, hành động với tâm ý như vậy cũng sẽ bất thiện, nhơ bẩn, đầy tham sân si, và đem lại quả báo đau khổ.
Trái lại, như Kinh Pháp Cú nói:
"Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng không rời hình".
Nếp sống đạo, nếp sống Phật giáo, là nếp sống với tâm ý trong sạch. Ðó cũng chính là nếp sống hạnh phúc. Một niềm hạnh phúc mình tự tạo cho mình, đem lại cho mình chứ không phải người nào khác, dù là cha mẹ, bà con cũng không làm được. Ðó chính là ý tứ của câu kệ 43 trong kinh Pháp Cú:
"Ðiều mẹ cha, bà con
Không có thể làm được,
Tâm hướng chánh làm được,
Làm được tốt đẹp hơn!".