Kiến thức
Vị Thầy tinh thần
Thứ năm, 07/03/2022 11:27
Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam rất sớm đem theo những giá trị tu tập tâm linh quý báu như nhân quả nghiệp báo, quan niệm luân hồi rất phù hợp với tín ngưỡng người Việt.
Theo Nguyễn Lang, Phật giáo đã truyền vào Việt Nam từ khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch1. Còn giới sử học Việt Nam đưa ra quan điểm “vào khoảng thời vua Hùng Vương.2” Điều này cho thấy, Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam rất sớm đem theo những giá trị tu tập tâm linh quý báu như nhân quả nghiệp báo, quan niệm luân hồi rất phù hợp với tín ngưỡng người Việt.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại suy nghĩ Chùa là nơi tìm đến sau mỗi muộn phiền gia đình, bế tắc trong công việc, gãy đổ trong một mối quan hệ nào đó, là nơi người già tìm đến để “ôn cố tri tân”, đi dạo. Bên cạnh đó công nghệ khoa học kỹ thuật phát triển nhanh đã đưa đời sống vật chất từ đủ ăn đủ mặc lên “ăn ngon mặc đẹp”, con người thiên về hưởng thụ. Trong bối cảnh đó giá trị tu tập, sự truyền bá giáo lý đạo Phật bị xem nhẹ. Đặc biệt là sự thu hút của Chùa, một vị Thầy đối với tầng lớp tri thức chưa tương xứng với giá trị thực.
Như vậy, để đưa Đạo vào đời thuộc về trách nhiệm của người tu sĩ với vai trò là một vị Thầy tâm linh. Trong vai trò của một người Thầy, vị Sa môn phải hội đủ khả năng, kiến thức sâu rộng về kinh điển, sự chứng nghiệm bản thân về giáo lý là rất cần thiết. Để đạt được điều này vị ấy cần tu tập Giới – Định – Tuệ.
Giới: Một vị Thầy phải trau giồi hoàn thiện đạo đức bản thân. Việc này được thực hiện thông qua việc giữ gìn Giới luật đã lãnh thọ một cách nghiêm túc nhằm thoát khỏi sự trói buộc của lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp), không đi qua bờ bên trái hay bên phải mà đi đúng con đường Trung đạo (Bát Chánh Đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định). Trên cơ sở này chúng ta đủ sức chủ động và quản lý được những đòi hỏi thuộc về bản năng, không vi phạm hay thực hiện các hành vi thiếu đạo đức như tà dâm, sát sanh, trộm cắp, nói lời vọng ngữ, uống các loại chất kích thích gây nghiện.
Như chúng ta thấy pháp luật thế gian cũng nương nơi Giới Luật Phật giáo mà khai triển thành các quy phạm đạo đức ngăn chặn những việc con người không được thực hiện. Điều này đã được áp dụng từ rất sớm, trong bia ký “The Ginar Rock3” với 14 sắc lệnh nổi tiếng của vua Asoka thể hiện Pháp trị với những nguyên tắc đạo đức Phật giáo đã được ứng dụng một cách thiết thực. Như ở bia ký XIII (viết về trận chiến Kalinga), III, IV, IX, XI trên các bia ký này Asoka nhấn mạnh tinh thần bất sát, tôn trọng sự sống mọi loài, từ bỏ bất bạo động.
Vậy, người Phật tử bị ràng buộc sống đời sống đạo đức bởi pháp luật thế gian thì vị Thầy càng phải có nền tảng đạo đức tốt mới hầu mong nhiếp phục được họ.
Định: Cách ứng xử, hành vi của chúng ta thường bị chi phối bởi cảm xúc. Cảm xúc (hỷ, nộ, ái, ố) thường biểu hiện ra bên ngoài thông qua ánh mắt, nét mặt, ngôn ngữ cơ thể và được chia làm hai loại cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực4. Nếu cảm xúc tích cực đem lại sự hân hoan thì cảm xúc tiêu cực tạo ra sự khó chịu, nặng nề đem lại những tác hại nhất định về mặt thể chất, tâm lý, mối quan hệ xã hội.
Trong vai trò hướng dẫn tinh thần, vị Sa môn cần quản lý tốt tâm ý, cảm xúc cá nhân được đem lại bởi bối cảnh chung quanh. Thiền định là phương pháp loại bỏ sự xao lãng của tâm thức. Sự bình an, tĩnh lặng phát khởi bên trong sẽ bao phủ hóa giải tâm tham lam, sân hận, si mê.
Khi này, oai nghi của một vị Thầy mới được kiện toàn. Linh hoạt, nhanh nhẹn trong mọi cử chỉ hành động nhưng không lăng xăng. Khuôn mặt, ánh mắt, lời nói toát ra vẻ từ tốn nhưng không chậm chạp.
Tuệ: Nhờ sự có mặt của Giới và Định trong chúng ta, Tuệ sẽ hiện diện. Vị Thầy có tuệ nhìn thấy bản chất vô thường của vạn pháp, mọi sự vật hiện tượng đều nằm trong vòng sanh – trụ – dị – diệt.
Ngã, là đối tượng làm phát sinh phần lớn các vấn đề trong cuộc sống. Cha mẹ của tôi, tài sản của tôi, thân thể của tôi những mối bận tâm này khó mà dứt bỏ khỏi tâm. Thông qua Kinh sách ta biết rõ Phật dạy nên từ bỏ cái ngã, nhưng đây là lý thuyết, thực hành khó hơn nhiều. Tuệ xuất hiện là ngọn đèn soi rõ và giúp loại bỏ chấp ngã. Cho nên, vị Thầy phải dùng tuệ làm phương tiện đạt đến cảnh giới vô ngã.
Bên cạnh đó, kiến thức nội điển về Kinh – Luật – Luận phải vững vàng. Chẳng những vậy, còn phải hiểu về hệ thống giáo lý của các tôn giáo khác. Điều này làm tăng khả năng phân tích, nhận xét các vấn đề phát sinh một cách rõ ràng, khoa học, không bị yếu tố mê tín dẫn dắt.
Tóm lại, Chùa chính là trường học, Sa môn là một vị Thầy tâm linh mà ở vị này phải có đủ các phẩm chất trên. Vị ấy hiểu rõ rằng, Giới – Định – Tuệ phải được hoàn thiện trên cơ sở của nguyện, nghĩa là tam vô lậu học được thành tựu với ước nguyện duy nhất là thành tựu sự nghiệp trí tuệ để giúp đời. Bởi mục đích chính của chúng ta là giúp con người nhận chân được cuộc đời là khổ, nguyên nhân của khổ, phương thức diệt khổ và phương pháp tu tập đạt giác ngộ giải thoát.
------------------------------------
1. Nguyễn Lang. (1973). Việt Nam Phật giáo Sử luận, tập 1, NXB. phương Đông, tr.21.
2. Lê Mạnh Thát. (1999). Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, NXB. Thuận Hóa, tr.27-35.
3. E.Hultzsch., Ph.D (1991), Inscriptions Of Aśoka, p. ix. New Delhi: Printed at Bengal Offset Works, Karol Bagh.
4. Lê Thi Hân. (2012). Tâm lý học đại cương, NXB. Đại học Sư phạm TP. HCM, tr. 89-92.