Chùa Việt

Viếng thăm những ngôi chùa nổi tiếng miền Tây Nam bộ (P.2)

Thứ hai, 02/10/2014 12:05

Có dịp đến miền Tây Nam bộ, bạn đừng quên viếng thăm nhưng ngôi chùa cổ kính nổi tiếng để hiểu thêm và rõ hơn về bản sắc văn hóa cũng như đời sống tâm linh của đồng bào nơi đây.

Chùa Phật Tổ hay Sắc Tứ Quan Âm cổ tự (Cà Mau) 

Chùa tọa lạc tại số 84/4, đường Rạch Chùa, phường 4, Tp.Cà Mau. Chùa được xây dựng vào năm 1840. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa với mái ngói máng có hình quả ấn, phỏng theo mái đình của vùng đồng bằng sông Cửu Long. 
 
Chùa do Hoà thượng Tô Quang Xuân dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX, lúc bấy giờ chỉ là một am nhỏ để ngài tu hành và chữa bệnh cho dân. Sau ngài về tu ở chùa Kim Chương (Gia Định) lấy pháp hiệu là Trí Tâm.

Năm 1842, triều Nguyễn đã xuống sắc phong chùa Phật Tổ là Sắc Tứ Quan Âm cổ tự. Đây là ngôi chùa cổ duy nhất ở Cà Mau đến nay còn giữ được nét kiến trúc cổ xưa. 

Trong thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Chùa Phật Tổ trở thành nơi che giấu các chiến sĩ cách mạng. Không ít các nhà sư của chùa Phật Tổ đã hy sinh và trở thành liệt sĩ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và giải phóng đất nước. 

Chùa An Phước Ông Chính (Kiên Giang)

Năm 1958, Hòa thượng Thích Thiện Tấn (thế danh Đinh Văn Chính) thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41 đã cho xây dựng một ngôi chùa đơn sơ vách ván, mái lợp tôn với kiến trúc thượng lầu hạ hiên trên một khu đất tọa lạc tại phường An Hòa, TP. Rạch Giá. Tuy ngôi chùa được đặt tên hiệu là chùa An Phước nhưng cư dân thường quen gọi là chùa Ông Chính.
 
Trước ngày giải phóng năm 1975, chùa An Phước là nơi che giấu nhiều cán bộ hoạt động cách mạng. Đến năm 1989, Hòa thượng Thiện Tấn trùng tu ngôi chùa bằng vật liệu nặng các công trình phật sự của chùa như Chánh điện, nhà Tổ, nhà khách. 

Năm 1992, Hòa thượng trụ trì thành lập một phòng thuốc Nam tại chùa trực thuộc Tuệ Tĩnh Đường BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang và Chi hội Chữ thập đỏ phường An Hòa để bốc thuốc trị bệnh cho dân nghèo tại địa phương. 

Năm 1999, Hòa thượng Thiện Tấn thu thần thị tịch vào ngày 14.10 ÂL, trụ thế 84 tuổi. Xá lợi của Ngài được tôn trí tại Phước Linh tháp trong khuôn viên chùa.

Sau khi Hòa thượng Thiện Tấn viên tịch, môn đồ pháp quyến của Ngài và phật tử bổn đạo địa phương cung thỉnh Đại đức Thích Phước Thắng (thế danh Diệp Đức Cường) đang tu học tại chùa Phật Quang (Rạch Giá) về trụ trì chùa An Phước và được Tỉnh hội bổ nhiệm chính thức vào tháng 7 năm 2000.

Với cương vị trụ trì, Đại đức Phước Thắng chăm lo phụng sự Tam bảo đã tiếp tăng độ chúng, trùng tu ngôi Chánh điện và Tổ đường, đào tạo tăng tài, khai mở đạo tràng Bát quan trai, hướng dẫn Phật tử tu học hàng tháng.

Tổ đình Kim Cang (Long An)

Tọa lạc ở ấp Bình Cang 1, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, gần cầu Voi. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, được dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX.
 
Vị Hòa thượng đã có công trùng tu chùa và hoằng pháp là Hòa thượng Minh Lương – Chánh Tâm, đời thứ 40 dòng Lâm Tế Chánh tông, là đệ tử của Hòa thượng Tiên Giác – Hải Tịnh (chùa Giác Lâm, Tp.HCM).

Chùa còn giữ những bản kinh Kim Cang chữ Hán, khắc gỗ và nhiều pho tượng cổ.

Năm 1993, Thượng tọa Thích Tắc Ngộ từ chùa Ấn Quang (Tp.HCM) về trụ trì chùa. Thượng tọa đã tổ chức trùng tu ngôi tổ đình trở thành một tự viện khang trang.

Chùa hiện là điểm An cư kiết hạ của Chư tăng, nơi tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, hoằng pháp, từ thiện xã hội... của Phật giáo Long An.

Chùa đặt văn phòng BTS GHPGVN huyện Thủ Thừa. Chùa Kim Cang là ngôi cổ tự nổi tiếng ở miền Nam xưa nay.

Chùa Chén Kiểu (Sóc Trăng)

Còn gọi là chùa Sà Lôn nằm trên quốc lộ 1A, cách Tp. Sóc Trăng 12km, hướng từ Tp. Sóc Trăng đi Bạc Liêu. Nét đặc sắc ở ngôi chùa là sử dụng những chén, dĩa sứ ốp lên tường trang trí nên có tên gọi là chùa Chén Kiểu.
 
Cổng chùa với 3 ngôi tháp được chạm khắc, đắp nổi với hoa văn và sắc màu rực rỡ mang đậm màu sắc văn hóa Khmer Nam Bộ. Kỹ thuật ốp sứ độc đáo đã tạo nên vẽ đẹp riêng rất ấn tượng của ngôi chùa. Mặt sau chính điện là một mảng tường đắp nổi bởi nhiều chén, dĩa kiểu trông rất đẹp mắt và sắc sảo.

Đặc biệt, chùa còn lưu giữ một bộ Trường kỷ cẩn xà cừ và hai chiếc giường bằng gỗ quý hiếm được chạm, khảm rất tinh tế, nhà chùa mua lại trong phần gia sản của công tử Bạc Liêu năm 1947.

Nếu có dịp đến Sóc Trăng, bạn đừng quên ghé thăm ngôi chùa Khmer cổ kính này để hiểu thêm và rõ hơn về bản sắc văn hóa cũng như đời sống tâm linh của đồng bào Khmer Nam bộ.

An Hoàng (tổng hợp)
loading...