Chùa Việt
Viếng thăm những ngôi chùa nổi tiếng miền Tây Nam bộ (P.3)
Thứ sáu, 09/10/2014 09:44
Kiến trúc, giá trị lịch sử, cũng như cảnh quan của các ngôi chùa tạo nên một vẻ đẹp thuần khiết cùng không khí trong lành làm say lòng khách thập phương khi viếng thăm những ngôi chùa nổi tiếng miền Tây Nam bộ.
Chùa tọa lạc ở đường Nguyễn Trung Trực, xã Mỹ Phong, Tp.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, đây là một di tích kiến trúc nghệ thuật đứng vào hàng thứ ba đối với mọi kiểu chùa của đất Nam bộ. Chùa được xây dựng pha hòa nét kiến trúc cả Âu lẫn Á.
Mặt tiền chùa Vĩnh Tràng |
Theo sách Phật giáo Tiền Giang – Lược sử và những ngôi chùa (HT.Thích Huệ Thông, NXB. Tp.HCM, 2002), chùa là ngôi Tổ đình của dòng Lâm Tế – Trí Huệ. Năm 1987, Hòa thượng Trí Long, đời 41, trụ trì chùa từ năm 1955 đến năm 1987 viên tịch. Do không có người thừa kế nên Nhà nước giao cho Tỉnh hội Phật giáo quản lý và đặt văn phòng làm việc của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang. Từ năm 1987, Tỉnh hội bầu Ban trụ trì theo nhiệm kỳ. Các vị trụ trì qua các nhiệm kỳ là: Hòa thượng Thích Bửu Thông, Thượng tọa Thích Hoằng Từ, Hòa thượng Thích Hoằng Thông, Hòa thượng Thích Nhựt Long và hiện nay là Thượng tọa Thích Huệ Minh.
Trước chùa có hai cổng Tam quan được xây dựng vào năm 1933 theo kiểu cổ lầu của Trung quốc. Cửa ngõ này được cẩn bằng đồ sứ có giá trị in hình long, lân, quy, phụng, canh, mục, ngư, tiều...Tất cả đều thể hiện sự sống động vui tươi.
Chùa được xây dựng theo dạng chữ Quốc của Hán tự, gồm 04 gian nối tiếp nhau: Tiền đường, Chánh điện, nhà Tổ, nhà Hậu làm bằng xi măng và gỗ quí, nền đúc cao 1m, chung quanh xây tường vững chắc.
Chùa có nhiều bao lam và hoành phi, câu đối. Các bao lam ở đây được chạm trổ công phu, như bộ bao lam Bát tiên kỵ thú đặt ở gian giữa.
Chùa rộng khoảng 2 hecta. Trước có sân kiểng và tượng đức Phật Thích Ca tham thiền dưới cội bồ đề. Bên phải có ao sen, tượng đài Bồ tát Quan Thế Âm, hai bên có nhiều ngôi tháp cổ của các vị Hòa thượng tiền bối, phía sau có hội trường và phòng phát hành kinh sách. Trong khuôn viên chùa còn có nhiều cây cao bóng mát và vườn cây ăn trái.
Đến Tiền Giang không thể không ghé thăm chùa Vĩnh Tràng - ngôi cổ tự danh tiếng bậc nhất ở miền Tây Nam bộ.
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (Cần Thơ)
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam tọa lạc tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Tp.Cần Thơ, đây là ngôi thiền viện lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Dáng vóc ngôi thiền viện xây dựng theo kiến trúc mỹ thuật Phật giáo thời Lý, Trần được khánh thành vào ngày 19/04/Giáp Ngọ (17/05/2014).
Một góc thiền viện Trúc Lâm Phương Nam |
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam nằm trong khu Di tích Lịch sử Lộ Vòng Cung Tp.Cần Thơ. Tổng diện tích Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam 38.016,6 m2. Chánh điện lợp ngói tám mái theo theo phong cách nhà Trần, Tổ điện lợp ngói bốn mái theo phong cách Lý triều; Lầu Trống, Gác Chuông lợp ngói mười hai mái. . .khung sườn bằng gỗ Lim.
Ngoài tôn tượng đức Phật Thích Ca niêm hoa vi tiếu bằng đồng, đặc biệt toàn bộ hệ thống tượng thờ đều bằng gỗ Thủy Tùng. Khuôn viên được bày trí các gian nhà rất cân đối cho cảnh quan như: Quan Âm điện, Di Lặc điện (Thủy tạ), Chùa Một Cột, Giảng đường, Khách đường, Trai đường, Thư viện, phòng Đông y Nam dược . . . Công trình ước tính tổng kinh phí 145 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa.
Mảnh đất Tây đô xinh đẹp, có thêm một cơ sở Phật giáo đậm nét Thiền phái Việt Nam trong lòng dân chúng miền Tây Nam bộ, sẽ tao thêm sức sống mới trong sinh hoạt Phật giáo và lễ hội Tâm linh, tín ngưỡng văn hóa của dân tộc.
Chùa Ang Korajaborey (Trà Vinh)
Chùa thường được gọi là chùa Âng, tọa lạc ở ấp Ba Se, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, nay là phường 8, thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Đây được coi là ngôi chùa Khmer cổ nhất Trà Vinh.
Toàn cảnh chùa |
Chùa Âng rộng hơn 4 hecta tọa lạc cạnh Nhà bảo tàng văn hóa dân tộc Khemer và ẩn mình trong rừng cây cổ thụ của ao Bà Om, với các công trình kiến trúc tôn giáo cổ kính và độc đáo được khắc họa, tô điểm bằng nhiều tác phẩm nghệ thuật như các tượng thần, hình chằn, chim thần, sự tích về Phật Thích ca với những đường nét, hoa văn mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh, tôn giáo của đồng bào Khmer Nam bộ.
Ngoài kiến trúc, chùa Âng cũng ghi dấu với vài trăm cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp thuần khiết cùng không khí trong lành làm say lòng khách thập phương.
An Hoàng (tổng hợp)