Chùa Việt
Viếng Tịnh xá Bửu Linh trong Tết Thanh minh đầy nắng
Chủ nhật, 08/04/2019 11:51
Mất 20 cây số đạp xe trên đường nhựa thiên lý Bắc - Nam (quốc lộ 1), tôi đến Tịnh xá Bửu Linh khi mặt trời vừa lên kịp, nắng chói chang gắt gỏng ngay trên đường. Xe cộ ngược xuôi dày đặc và cảnh tảo mộ rải rác bên vệ đường...
>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc
May mắn đến Tịnh xá tôi đã được gặp Đại đức Thích Huệ Thường. Đại đức đang có ở phòng khách của Tịnh xá - đây cũng là văn phòng Ban Trị sự Phật giáo huyện Hòa Bình (Tỉnh Bạc Liêu). Đồng thời có cả anh Dương Phước Hải - Phó thư ký Văn phòng BTS cùng Phật tử. Tôi lắng nghe lịch sử ngôi Tịnh xá khất sĩ Phật giáo Việt Nam bên tách trà Bắc.
Vị Phó thư ký tóc đã hoa râm cho biết khởi đầu trên đất này có một am nhỏ do một phú nông hơn nghìn công đất trong vùng lập ra để từ thiện, dân gian quen gọi “Am Cả Hốt”, họ tên khai sinh của vị phú nông ấy là Dương Vĩnh Phước. Đấy là thời điểm 1945 lịch sử. Khi đất nước còn chinh chiến triền miên, 1948 - tức ba năm sau - ông qua đời. Sau đó những người có tâm đã coi sóc và từ thiện ở am, trong đó có Cô Năm, bốc thuốc cứu người. Những năm 1980, sư Giác Tạng tiếp nhận khu đất am và lập tịnh xá theo đúng kiến trúc cũng như truyền thống tu học của hệ phái khất sĩ Việt Nam. Đại đức Thích Huệ Thường được sư phụ Thích Giác Tạng trao trọng trách trụ trì theo nghi thức của Giáo hội, cho đến ngày nay.
Thư thái chiếm bái không gian thiền, chính điện xây kiểu bát giác độc đáo trên nền cao, lối xây dựng khiến không gian tối ưu rộng và tràn ngập ánh sáng, không có góc khuất, hài hòa cân đối lại đẹp. Tượng Đức Chí Tôn cỡ lớn nhũ vàng tọa trong khung kính, phía sau Phật là ban thờ tổ sư hệ phái, Thầy Minh Đăng Quang. Kiến trúc thanh tịnh của chính điện ở trung tâm, nhìn ra quốc lộ lại có thể bao quát cả khu đất chùa.
Cốc đã cài then, nói Sư Giác Tạng tịnh, lúc còn ở Tịnh xá. Sâu vào bên hữu, sau giảng đường, nơi an nghỉ của Ông Cả Hốt - Dương Vĩnh Phước cùng phu nhân vừa được tôn cao nền mộ, cúng thanh minh. Rải rác mộ phần trong họ tộc...Từ đấy nhìn ra thôn xóm đồng áng vốn một thời là điền đất của Ông Cả họ Dương.
Vị Phó thư ký chỉ các cội cổ thụ được chính Ông cả trồng ngày cũ: cội bồ đề xoắn xít cạnh chính điện, đẹp lạ, thả nhánh phủ một vuông đất bên dưới. Những cội cây là chứng nhân gắn với công đức vị chủ đất, nếu xuất gia sẽ được gọi bậc khai sơn tạo tự.
Tôi kính cẩn vào ngôi nhà thờ cửu huyền, sau tượng Phật có di ảnh Ông Cả Hốt và cạnh bên là phu nhân. Bao lần đến viếng tịnh xá, làm khách vị sư trụ trì, hôm nay trọn vẹn viếng hết mọi chốn thiêng liêng, lại tường tận lịch sử đất thiêng. Nếu có cơ hội trên đường thiên lý, ở một chốn giữa hai đô thị Bạc Liêu & Cà Mau, bạn hãy lễ Phật nơi ấy, tịnh xá Bửu Linh.