Hỏi - Đáp

Vọng tưởng quá kinh khủng, tôi phải làm sao?

Thứ năm, 18/03/2024 03:50

Tôi là Phật tử thuần thành, đã quy y Tam bảo và tu học trên 30 năm rồi. Mấy tháng gần đây, tôi cố gắng tu tập hơn nhưng mỗi khi đến chùa làm lễ thì bỗng nhiên trong đầu xuất hiện những hình ảnh truỵ lạc, xấu xa. Tôi nghĩ kiếp trước đã gây tạo ác nghiệp nên bây giờ bị quả báo.

Hỏi:

Tôi là Phật tử thuần thành, đã quy y Tam bảo và tu học trên 30 năm rồi. Mấy tháng gần đây, tôi cố gắng tu tập hơn nhưng mỗi khi đến chùa làm lễ thì bỗng nhiên trong đầu xuất hiện những hình ảnh truỵ lạc, xấu xa. Đặc biệt là những hình ảnh không đẹp ấy lại hiện ra trong lúc tụng kinh, lễ sám và kinh hành, thậm chí ngay cả những lúc tôi ngắm nhìn Phật. Điều này làm tôi rất lo lắng, sợ đoạ lạc vì mang tội bất kính với đức Phật. Tôi nghĩ kiếp trước đã gây tạo những ác nghiệp nên bây giờ bị quả báo. Vì thế, nhiều lúc tôi không dám đến chùa nữa. Xin cho tôi một lời khuyên.

01

Cẩn trọng với hai chướng ngại hôn trầm và vọng tưởng

Đáp: 

Đối với một Phật tử tại gia có thâm niên hơn 30 năm tinh tấn tu học là điều quý hoá, rất có duyên lành với Phật pháp. Thế nhưng, chỉ hơn 30 năm, một thời gian quá ngắn trong vô lượng kiếp sanh tử luân hồi, để một người phát tâm hướng thiện có thể khắc phục và cải tạo hết những nghiệp lực của chính mình. Vì thế, dù nổ lực tu tập nhưng Phật tử vẫn còn chiêu cảm những quả báo như trên là chuyện bình thường trong tu học, không nên quá lo lắng hoặc sợ hãi về những điều ấy.

Mỗi người, trong vô lượng kiếp về trước cũng như trong đời hiện tại, tạo ra nhiều nghiệp nặng nhẹ, tốt xấu khác nhau. Khi nghiệp lực đã chín muồi thì phát huy tác dụng lên đời sống hiện tại. Nếu đó là những nghiệp lành thì sẽ được phước báo tốt, ngược lại nếu là nghiệp dữ thì bị quả báo xấu. Và hẵn nhiên, không ai có thể trốn được nghiệp lực của chính mình.

Tuy vậy, nghiệp có thể cải tạo và chuyển hoá được. Tu tập chính là nổ lực để cải tạo và chuyển hoá nghiệp lực của tự thân. Bằng cách ngăn ngừa rồi chấm dứt những nghiệp ác đồng thời liên tục tu tạo, tích lũy và phát triển những nghiệp lành, người tu dần dần gột rửa thân tâm, khắc phục những nghiệp nhân xấu ác. Nhưng để xoá sạch những nghiệp ác, chuyển hoá tâm thức trở nên hoàn toàn thanh tịnh là cả một quá trình, việc này có thể thực thi trong một đời nhưng cũng có thể phải đợi đến các đời sau ở vị lai.

Riêng đối với trường hợp của Phật tử, sự biểu hiện của nghiệp trong khi nỗ lực tu tập vào những thời gian gần đây, chứng tỏ Phật tử tu học có tiến bộ, tâm có sự vận động và chuyển hoá tích cực. Bởi không phải đến tận bây giờ, những hạt giống xấu như Phật tử đã trình bày mới có. Thực ra, nó đã song hành và chi phối đời sống của Phật tử từ lâu lắm rồi nhưng vì tâm của mình quá vọng động, phan duyên nên không nhận ra đó thôi. Khi tâm thức tạm lắng yên thì lúc ấy Phật tử mới có cơ hội nhận ra phần sâu kín của tâm mình. Giống như bề mặt đại dương khi thuỷ triều lên dường như phẳng lặng nhưng khi thuỷ triều xuống thì hiện ra vô vàn những dãi đá ngầm lởm chởm.

Cũng vậy, tâm người sâu thẳm, có những phiền não thô dễ nhận ra lúc bình thường nhưng có những phiền não vi tế chỉ nhận ra trong lúc tâm có sự yên lặng nhất định. Vì thế, trước đây khi tâm của Phật tử còn vọng động nên không nhận ra phần vi tế đang tồn tại trong tâm mình. Thời gian vừa qua, sự tu tập được đẩy mạnh, tâm có phần được thanh tịnh hơn và những hạt giống ở tầng sâu hơn bị hiển lộ, phát huy tác dụng. Đây là đặc điểm rất cơ bản trong lộ trình tâm mà bất cứ hành giả nào khi dụng công tu tập đều trãi nghiệm qua.

Tùy theo nghiệp lực của mỗi người mà có những biểu hiện khác nhau. Đây chính là ma cảnh, do các hạt giống tâm thức được tích tụ từ vô lượng kiếp biến hiện ra. Căn cứ vào huyễn cảnh lưu xuất trong tâm mà mỗi người có thể kiểm định về khuynh hướng nghiệp lực của mình. Nặng về loại nghiệp nào thì chúng biểu hiện ra hình ảnh hoặc âm thanh mang sắc thái của loại nghiệp đó. Vì thế, người tu phải nỗ lực và tinh tấn hơn nữa để vượt qua gian đoạn thử thách đầy nguy hiểm này.

Không có gì phải lo lắng hoặc sợ hãi về những hình ảnh không mấy tốt đẹp ấy lưu xuất và biến hiện ở trong tâm cả, vì nó đã đi theo bên mình tự lâu lắm rồi. Hãy giữ vững công phu, duy trì chánh niệm tức trụ tâm vào pháp môn một cách liên tục. Đồng thời, nổ lực quán sát về sự vô thường và vô ngã của thân, tâm và thế giới. Không cần xua đuổi những hình ảnh bất tịnh ấy, vì thực ra nó chỉ là huyễn cảnh, hư vọng và không thực. Nó sẽ tự tan biến khi không còn nơi nương tựa, tức khi thành tựu sự quán chiếu về vô thường và vô ngã của vạn pháp, tâm không chấp thủ đó là cảnh thật. Đồng thời, tinh tấn hơn nữa trong việc duy trì chánh niệm, nổ lực sám hối nghiệp chướng và vun bồi phước báo để trang nghiêm tự thân.

May mắn cho Phật tử là những hình ảnh này biểu hiện ra lúc còn tỉnh táo, khỏe mạnh nên còn có cách để hàng phục. Nếu những huyễn cảnh này là cảnh giới hiện ra lúc lâm chung thì chắc chắn Phật tử theo ái nghiệp mà đoạ vào ác đạo, tam đồ.

Như vậy, trong quá trình tu tập, tuỳ nghiệp lực của mỗi người mà có biểu hiện ma cảnh khác nhau. Tất cả là huyễn cảnh, đều từ những hạt giống trong tâm mỗi người lưu xuất không hề mang dấu ấn tội lỗi và bất kính với Tam bảo. Vì thế, Phật tử phải siêng năng đến chùa hơn và tinh tấn tu tập hơn nữa cho đến khi nào vượt qua chướng ngại ấy mới thôi. Hãy giữ vững tâm chí của mình là bí quyết để tu tập thành công. Điều này được Phật khẳng định trong kinh Di giáo: Chế ngự tâm lại một chỗ thì không có việc gì mà không thành (Phật Di Giáo kinh).

loading...