Kiến thức
Vun bồi Phật tính trong đời sống doanh nhân
Thứ bảy, 18/10/2020 04:10
Tâm trong sáng là yếu tố hàng đầu và cực kỳ quan trọng, nhất là với những người mỗi ngày tiếp cận với tài chính, tiền tệ. Có người sẽ đặt vấn đề, nếu giữ tâm trong sáng, chẳng phải ta phơi bày hết vốn liếng hàng hóa của mình ra trước thiên hạ thì làm sao kinh doanh?
Không ít người định kiến rằng tu sĩ chỉ tìm kiếm cảnh giới an lạc, niết bàn ở một nơi xa xăm nào đó. Nếu tu sĩ đề cập đến vấn đề kinh tế, thương mại sẽ được gắn mác “hủ hóa”. Và nếu doanh nhân vận dụng lời dạy của đức Phật trong công việc thì được gắn nhãn “làm ăn kiểu chùa”. Dưới những thành kiến ấy, lời Phật dạy dường như chưa có ”đất dụng võ” trong kinh doanh. Doanh nhân vì vậy chưa có nhiều điều kiện để thực hành giáo lý đạo Phật vào trong công việc. Chúng ta cần hiểu, việc vận dụng lời dạy của đức Phật vào kinh doanh không nhằm mục đích làm giàu nhanh chóng. Nhưng sẽ là thượng sách nếu ta nghiên cứu, vận dụng giáo lý đạo Phật nhằm giúp tâm trong, trí sáng trong quá trình làm việc.
Đạo Phật không phải chỉ quẩn quanh trong không gian tự viện, lời dạy của Phật không phải chỉ cho người tu sĩ. Giáo lý đạo Phật là mẫu số chung của tất cả giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong đời sống. Ai nắm được nguyên lý cuộc đời, người ấy làm chủ vận mệnh. Ai làm chủ được vận mệnh, người đó có được hạnh phúc, an vui.
Những doanh nhân luôn trăn trở giúp thế giới tốt đẹp hơn
Chúng ta không nên hiểu đơn giản kinh doanh hay hiệu quả kinh doanh theo ý nghĩa thuần túy tiền bạc. Nó còn là kết quả của quá trình vun bồi nghề nghiệp bằng chất liệu đạo đức và văn hóa cuộc sống. Kinh doanh có lợi nhuận mà thiếu chất liệu đạo đức, văn hóa thì hiệu quả cần được xét lại. Như vậy, sự xuất hiện của đức Phật và lời dạy của Ngài là một phương thuốc giải cứu tâm thức ô nhiễm của con người. Khi tâm thức bị ô nhiễm, người đó gây ra khổ đau cho chính bản thân và gia đình. Địa vị của người ấy trong xã hội càng to, hệ quả khổ đau y gây ra càng lớn.
Xã hội rất tôn vinh và trân quý những ai vươn lên làm giàu bằng chính năng lực, đạo đức và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh. Nếu doanh nhân phớt lờ quy tắc đạo đức, văn hóa sẽ rất dễ trở thành hạng trọc phú. Không ít người đã quá chú trọng đến vấn đề tạo ra của cải vật chất mà quên đi tu tâm dưỡng tính. Có thể ví von đức Phật là người vun trồng và dạy chúng ta vun trồng. Nhìn từ lăng kính của đạo Phật, doanh nhân cần ứng dụng năm nguyên tắc dưới đây:
Đầu tiên là giữ tâm trong sáng như tinh thần mà Kinh Pháp Cú đã truyền lại:
“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo.
Nghĩa là:
Không làm những điều ác
Chỉ làm những việc lành
Giữ tâm trong sáng
Đó là lời Phật dạy”.
Doanh nhân thành tâm sám hối, ấy là người có trí tuệ!
Tâm trong sáng là yếu tố hàng đầu và cực kỳ quan trọng, nhất là với những người mỗi ngày tiếp cận với tài chính, tiền tệ. Có người sẽ đặt vấn đề, nếu giữ tâm trong sáng, chẳng phải ta phơi bày hết vốn liếng hàng hóa của mình ra trước thiên hạ thì làm sao kinh doanh? Nhưng, kinh doanh không phải buôn bán một lần rồi trốn khỏi cuộc đời này. Muốn buôn bán lâu dài chúng ta phải khẳng định uy tín thương hiệu và chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Trên thế giới có những doanh nghiệp tồn tại hai, ba trăm năm với uy tín rất cao. Đó là nhờ chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cách thức quản trị. Lối kinh doanh “ăn xổi ở thì” hoàn toàn không phù hợp để xây dựng doanh nghiệp bền vững.
Thứ hai là tự lợi và lợi tha. Tự lợi là làm lợi cho bản thân. Lợi thế là có lợi cho đối tác, cho tất cả mọi người. Phương pháp kinh doanh mang đến lợi ích cho các bên là một phương pháp bền vững, tốt đẹp. Còn kinh doanh chỉ ta có lợi, người có hại thì kinh doanh ấy không tồn tại lâu dài. Trong tương quan duyên khởi, sự tồn tại của một hữu thể này luôn nằm trong sự tồn tại của hữu thể khác.
Thứ ba là phương tiện và cứu cánh. Giá trị vật chất là phương tiện đem lại những tiện nghi và nhu cầu cơ bản của cuộc sống chứ không phải sự an vui, hạnh phúc. Không ít người đã đồng hóa vật chất với hạnh phúc và an lạc nên bị vật chất chi phối một cách rất nghiêm trọng. Trong khi, niềm hạnh phúc chân thật là sống cho sâu sắc với chính ta, với những người mình yêu thương và với cuộc sống xung quanh ta. Chúng ta nên dành thời gian để nhìn lại chính mình. Dành cơ hội để ngắm mẹ mình, vợ mình và những đứa con thân yêu của mình. Và nếu chúng ta không tận hưởng được những tình cảm thân yêu của người thân thì làm sao có được hạnh phúc chân thật.
Nữ doanh nhân giúp người chèo đò cứu 34 người ở Hà Tĩnh xoá nợ
Thứ tư là tính vô thường. Vạn vật luôn chuyển biến không ngừng. Có những chuyển biến tạo nên sự hình thành, vun bồi, gầy dựng và cũng có những chuyển biến mang tính phá vỡ, đập đổ. Nếu nhìn một cách xuyên suốt trong dòng chảy thời gian thì ta sẽ thấy rằng sự hình thành nào mà không đi đến tan vỡ và sự sụp đổ nào mà không hình thành nên cái mới. Cho nên, trước những biến động kinh doanh, hiểu được lẽ vô thường, tâm con người mới không nhiễu động.
Thứ tư là tính nhân quả. Nhân quả là quy luật tồn tại khách quan trong cuộc sống, không do ai tạo dựng. Đức Phật là người phát hiện ra quy luật nhân quả, không phải là người tạo dựng nhân quả. Khi một người hiểu và tin vào nhân quả , người đó sẽ biết mình nên và không nên làm gì. Và nếu ý thức một cách sâu sắc về quy luật nhân quả, chúng ta sẽ tránh được những nhân xấu tạo ra để không nhận lấy quả đắng. Tóm lại, doanh nhân là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng đất nước, xã hội. Doanh nhân làm việc với tâm trong sáng, lợi mình – lợi người, thấy được cái chân, cái giá, thấy được những quy luật và chuyển biến của cuộc đời, ứng dụng cái thấy vào cuộc sống thì chúng ta sẽ có được nhiều niềm vui, hạnh phúc. Ngược lại, dù hiệu quả công tác tốt, thành quả đạt được cao nhưng không có sự an lành nội tâm, không thấy được bản chất cuộc đời, lấy giả làm chân, lấy phương tiện làm cứu cánh thì doanh nhân không thể nói là thành công.