Kiến thức
Vững chãi tinh tấn trên con đường tu đạo, chứng đạo và hành đạo
Chủ nhật, 03/10/2022 03:27
Sự vững chãi tinh tấn đó được truyền thừa tiếp nối truyền thống Phật giáo Lý – Trần cho các thiền sư, Phật tử Việt Nam thể nhập vào dòng Lâm Tế, Tào Động vào thời Hậu Lê – Nguyễn mà hoằng dương Phật pháp, đồng hành cùng.
Trong tiến trình thực hiện con đường giải thoát giác ngộ, tinh tấn có mặt trong mọi pháp tu đối với người học Phật. Chánh tinh tấn trong Bát chánh đạo, tinh tấn giác chi trong thất giác chi, tấn căn trong ngũ căn, tấn lực trong ngũ lực, hay bốn sự tinh tấn nỗ lực để đẩy lùi các bất thiện pháp, duy trì và phát triển các thiện pháp trong tứ chánh cần. Như vậy, tinh tấn là đứng đầu trong các pháp tu, phẩm hạnh có mặt trong quá trình tu tập tâm và thân trong lộ trình hướng đến giải thoát. Tinh tấn cũng là cơ sở lý luận và thực tiễn để thành tựu quá trình tu đạo, chứng đạo và hành đạo mà bất cứ người con Phật hiện hữu trên cõi đời này đều khát ngưỡng thực thi để hoàn thiện. Quan trọng hơn, nhờ có tinh tấn mà thành tựu công đức đóng góp cho đời và đạo.
Chánh tinh tấn là cơ sở để loại trừ các pháp bất thiện
Có thể nói, sự tinh tấn không phóng dật, không lười biếng đưa đến nhiệt tâm tinh cần để hành giả thực thi loại bỏ các pháp bất thiện, chú tâm nỗ lực hành trì các pháp thiện. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, mỗi khi hành giả tinh tấn thực hành chánh pháp thì lúc đó toàn tâm và thân có sự tác động mạnh mẽ vào sự hưng khởi các pháp thiện chưa sinh làm cho chúng phát sinh. Các pháp thiện đã sinh thì làm chúng phát triển đến sự viên mãn; các pháp bất thiện chưa sinh khởi không có khả năng bộc phát, các pháp bất thiện đã sinh khởi có khả năng viễn ly, đi đến đoạn trừ.
Cơ sở để tinh tấn phát sinh và đi đến thành tựu viên mãn là như lý tác ý trên sự dõng mãnh hành trì giới, tinh cần về giới, phòng hộ các căn, không cho các căn nhiễm ô bụi trần. Chính Đức Phật từng khuyến cáo các hành giả sống an trú trong sự tỉnh thức và học hỏi hành trì pháp tinh tấn như sau: “Vị Tỳ kheo vô sự, sống ở nơi vô sự, nên học hạnh tinh tấn, không giải đãi. Nếu Tỳ kheo vô sự sống nơi vô sự mà lại thường không tinh tấn sẽ bị các Tỳ khác chỉ trích và cật vấn “Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự làm gì? Vì sao thế? Vì Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự không tinh tấn, mà trái lại còn giải đãi”. Nếu vị ấy đến giữa đại chúng, cũng sẽ bị các Tỳ kheo khác quở trách, cật vấn. Do đó, các Tỳ kheo vô sự sống ở nơi vô sự phải học tinh tấn, hành tinh tấn không giải đãi” (Kinh Cù Ni Sư).
Rõ ràng, khi một hành giả bước vào đời sống thực tập tâm linh, điều kiện cần và đủ để đi đến sự thăng chứng là tinh tấn. Tinh tấn là cơ sở để thực thi đời sống Giới – Định – Tuệ, biểu hiện qua nếp sống phạm hạnh, đi đến giải thoát:
“Kính trọng không cười cợt,
Không phiếm luận, kiêu ngạo,
Giữ căn, ăn biết đủ,
Biết thời, ngồi đúng chỗ,
Thảo luận Luật, Tỳ đàm
Và tịch tịnh, giải thoát,
Lậu tận thông, cũng vậy”.
Chính tinh tấn được vận hành liên tục dẫn đến sự hưng khởi, hỷ lạc về tâm và thân. Ở đây, hành giả có sự tuỳ hỷ pháp khởi lên. Điều đó có nghĩa tinh tấn đang có mặt và dẫn tâm, hướng tâm bước ra khỏi trạng thái tâm lý tham lam, sân hận, si mê. Từ đó, tâm không còn ước muốn các dục, an trú trên các pháp đã, đang hành trì. Thực tiễn cho thấy, một hành giả thực thi các pháp thiện, công đức ở đời thì trước, trong và sau khi làm đều sinh tâm hoan hỷ.
Vững chãi tinh tấn là cơ sở tu tập cho các pháp môn của Phật giáo
Tinh tấn tu tập các pháp thiện thực chất là tu tập Giới – Định – Tuệ, bước đầu khởi tâm hoan hỷ tinh tấn nghiêm trì các giới hạnh, các căn không bị nhiễm ô, dừng chỉ các vọng tưởng tức là chỉ, an trú trong Định, từ đó thấy như thật các pháp nhờ trí tuệ bừng khởi. Nói một cách khác, tiến trình đó được Đức Phật đúc kết trong kinh Hà Nghĩa thuộc Trung A Hàm như sau: “Này, A Nan, giữ giới lợi ích không hối hận, do nhân không hối hận mà được hoan duyệt, nhân hoan duyệt mà được hoan hỷ, nhân hoan hỷ mà được chỉ, nhân chỉ mà được lạc, nhân lạc mà được được định, nhân định mà thấy như thật, biết như thật mà có nhàm chán, nhân nhàm chán mà được vô dục, nhân vô dục mà được giải thoát, nhân giải thoát mà có giải thoát tri kiến, biết đúng như thật rằng ‘sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn tái sinh nữa”.
Sự nỗ lực tinh tấn trong tiến trình tu tập giải thoát chính là sự vững chãi tinh tấn vận hành cả thân tâm đối với nội pháp và ngoại pháp mà không rời khỏi sự tác ý viễn ly, ly tham, từ bỏ, đoạn diệt tham ái để chứng đạt Diệt đế. Trọng tâm của vấn đề giải thoát là đoạn tận khát ái. Mỗi khi khát ái được đoạn tận thì sự chấp thủ không còn, vô minh diệt và minh khởi. Tại đây, ta có thể nói sự vững chãi tinh tấn là cơ sở tu tập cho bất kỳ pháp môn tu tập nào trong hệ thống giáo lý Phật giáo. Xem ra, bản chất của con đường tu tập giải thoát của Phật giáo là con đường Đạo đế, còn gọi là con đường Thiền định. Bản kinh Tương Ưng V cũng đề cập như sau: “Ở đây, đối với hành giả tu tập Niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, ly tham, đoạn diệt, hướng đến từ bỏ, quảng đại, vô lượng, không sân, khát ái được đoạn tận. Do khát ái được đoạn tận nên nghiệp được đoạn tận”.
Vững chãi tinh tấn trong Phật giáo Việt Nam
Các Tổ sư, thiền sư, Tăng Ni Phật tử Việt Nam ngay từ buổi đầu Phật giáo du nhập nước ta đã vững chãi tinh tấn truyền bá Chánh pháp, xây dựng đạo Phật Việt Nam trên nền tảng thực thi đạo lý nếp sống văn hóa tín ngưỡng người Việt, hòa nhập với giá trị triết lý Phật đà từ các nhà sư Ấn Độ. Chính sự nhiệt tâm tinh cần tu đạo, chứng đạo và hành đạo của các thiền sư và Phật tử Việt Nam đã gắn bó và hoà nhập với cội rễ văn hóa dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử của đất nước mà hình thành nên sức mạnh nội tại chống lại sự đồng hóa xâm lược của phong kiến phương Bắc trong suốt 1.000 năm.
Không phải ngẫu nhiên vào thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, thiền sư Mâu Tử tu hành và thành danh tại Trung tâm Luy Lâu (Giao Châu) đã dành cả cuộc đời xiển dương đạo Phật ở nước ta để chống lại những thành kiến sai lầm, bài xích Phật giáo. Và cũng không ai khác, chính Mâu Tử đã bác bỏ tư tưởng Đại Hán thông qua tác phẩm Lý hoặc luận mà Ngài đã viết. Để rồi gần 1.000 năm sau, Lý Công Uẩn – vị vua đầu tiên triều Lý – xuất thân và được đào tạo từ trong ngôi chùa do thiền sư Vạn Hạnh nuôi dưỡng đã tuyên bố trong Chiếu dời đô (năm 1010), khẳng định quyền độc lập tự chủ của quốc gia Đại Việt trên mọi phương diện từ kinh tế, chính trị văn hóa, giáo dục kể cả tín ngưỡng tâm linh và sự phát triển của đất nước Đại Việt trong kỷ nguyên mới, thời đại mới: “Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”[1].
Trong sự thành tựu đó, giới Phật giáo Việt Nam, sau thời Mâu Tử còn có thiền sư Khương Tăng Hội đã tinh tấn vững chãi khai mạch đạo thiền Việt Nam vào thế kỷ III, rồi thiền sư Đạo Cao và Pháp Minh một lần nữa giải đáp những thắc mắc cho thứ sử Lý Miễu đại diện giới cầm quyền ở nước ta về việc đạo Phật không thể hiện được sự tác dụng trong đời do người học Phật không thấy được chân hình của Phật qua tác phẩm Sáu bức thư với nhan đề là: Cao Minh nhị pháp sư đáp Lý Giao Châu Miễu nạn Phật bất kiến hình sự, (nói về việc hai vị pháp sư Đạo Cao và Pháp Minh trả lời những câu hỏi của một vị quan ở Giao Châu về việc không thấy được chân hình của Phật vào thế kỷ V). Sự ra đời của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi vào thế kỷ VI, Vô Ngôn Thông vào thế kỷ IX, Thảo Đường vào thế kỷ XI cũng minh chứng cho sự vững chãi tinh tấn của các thiền sư Việt Nam trong sự “truyền đăng tục diệm”, phát triển đạo Thiền Việt Nam trong vận hội cùng dân tộc xây dựng Quốc gia Đại Việt hưng thịnh, đạo pháp trường tồn.
Chính sự vững chãi tinh tấn tu đạo, chứng đạo và hành đạo của các thiền sư, Phật tử Việt Nam là kết quả sản sinh ra những gương mặt đại biểu Phật giáo Việt Nam tiêu biểu vào thời Lý – Trần, chính là những vị vua lãnh đạo đất nước. Trong vai trò lãnh đạo quốc gia các vị vua đời Lý như: Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông…; các vị vua đời Trần như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông là những thiền gia, thiền sư đắc đạo, đã dùng chánh pháp để an dân, với khát vọng xây dựng quốc gia Đại Việt trở thành Phật quốc, sánh vai các cường quốc bấy giờ. Kết quả một tổ chức Giáo hội Nhất tông đời Trần ra đời. Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo nước nhà có tổ chức Giáo hội thống nhất từ trong tư tưởng, ý chí, phương thức tu hành và hành đạo tùy duyên nhập thế đã làm nên kỳ tích lịch sử. Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên minh chứng có đạo thiền Việt Nam mang tên thiền Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông tu đạo, chứng đạo sáng lập và trở thành vị Phật Việt Nam với tuệ giác thăng chứng soi sáng dẫn đường cho dân chúng Việt sống an vui và hạnh phúc ngay giữa cõi đời.
Sự vững chãi tinh tấn đó được truyền thừa tiếp nối truyền thống Phật giáo Lý – Trần cho các thiền sư, Phật tử Việt Nam thể nhập vào dòng Lâm Tế, Tào Động vào thời Hậu Lê – Nguyễn mà hoằng dương Phật pháp, đồng hành cùng dân tộc mở đất phương Nam lập nghiệp, kiến tạo nên quốc gia thống nhất, hội tụ tinh thần đoàn kết toàn bộ các thành phần xã hội. Chính sức mạnh nội tại từ lòng yêu nước chính là yêu đạo, yêu đạo là yêu nước để nhân dân Việt Nam làm nên kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, chiến thắng cả hai cường quốc là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Sau ngày đất nước thống nhất vào năm 1975, chính các thiền sư, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã nhiệt tâm tinh cần vận động thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981. Sự thành tựu này là sự minh chứng lớn nhất của sự tinh thần vững chãi tinh tấn Phật giáo Việt qua các thời kỳ lịch sử dân tộc. Đến nay, Giáo hội với tinh thần thông điệp: “Trí tuệ – Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển” đã đồng hành cùng dân tộc trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước, hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Và như thế, vai trò và vị thế Phật giáo Việt Nam trong thời đại ngày nay càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Hình ảnh chư Tăng Ni, Phật tử tích cực tham gia tu đạo, sống đạo và hành đạo trên nhiều phương diện văn hóa, giáo dục, hoằng pháp, từ thiện, an sinh xã hội… mà Đại hội Phật giáo các tỉnh/thành nhiệm kỳ gần đây tổ chức như tại: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tiền Giang, Đà Nẵng, Quảng Trị, Bình Định, Hà Nam… với những thành tích và con số biết nói đã minh chứng cho sự vững chãi tinh tấn của Phật giáo nước nhà là quy luật tất yếu của lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Hơn hết và trên hết là sự vững chãi tinh tấn của thế hệ Tăng Ni trẻ sẵn sàng kế thừa trách nhiệm gách vác công tác điều hành Phật sự và hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sanh mà các Tổ sư, thiền sư, tiền bối đã tin tưởng truyền trao, phó thác sứ mệnh thiêng liêng này trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Điều này càng khẳng định Phật giáo Việt Nam xứng đáng là thực thể trung tâm kết nối khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình xây dựng và phát triển đạo pháp trường tồn, đất nước Việt Nam phồn vinh.
Chú thích:
[1] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư (tập 1), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.241.