Kiến thức
Vượt thoát tử sinh
Thứ ba, 09/04/2023 02:46
Trẻ em hỏi: Thưa thầy, tại sao một ngày nào đó mình cũng phải chết đi?
Sư Ông: Con thử tưởng tượng trên đời này, người ta chỉ có sinh ra mà không có chết đi, cho đến một ngày trái đất không còn có đủ chỗ cho mọi người đứng nữa. Người ta chết đi thì mới có chỗ cho con cháu của mình sinh ra chứ. Mà con cháu của mình là ai? Chính là mình chứ ai.
Con cháu của mình là một biểu hiện mới của mình. Con trai là sự tiếp nối của người cha. Nếu người cha thấy được rằng con trai là sự tiếp nối của mình thì người cha sẽ không thấy mình đang chết đi. Và người con trai cũng không chết vì cháu ngoại, cháu nội cũng đang tiếp nối mình. Thiền tập của đạo Bụt giúp ta nhìn sâu để thấy không có gì mất đi, mọi vật chỉ thay đổi từ hình tướng này sang hình tướng khác mà thôi.
Con hãy nhìn đám mây trên trời kìa, đám mây không sợ chết đâu, mây sẽ trở thành mưa, mây không chết. Nếu nhìn thật sâu thì con sẽ thấy trong cơn mưa đám mây cũng đang có mặt. Cơn mưa chính là sự tiếp nối của đám mây. Mây chỉ thay đổi hình tướng mà thôi. Mây cũng trở thành tuyết, thành dòng sông, thành nước đá và một ngày nào đó mây sẽ trở thành ly kem mà con ăn. Nếu mây không chịu chuyển hóa thì làm sao có kem cho con ăn?
Thầy không sợ chết vì các đệ tử và con chính là sự tiếp nối của Thầy. Con đã đến đây để học hỏi từ Thầy thì con đã có Thầy trong con rồi đó. Thầy đã trao truyền bản thân Thầy cho con rồi. Nếu con tiếp nhận được một chút hiểu, một chút thương, một chút tỉnh thức từ Thầy thì con chính là sự tiếp nối đẹp của Thầy. Sau này, khi có người muốn đi tìm Thầy thì họ chỉ cần đến gặp con, họ sẽ thấy Thầy ngay. Thầy không chỉ ở đây (Thầy chỉ vào Thầy) mà còn ở đây nữa nè (Thầy chỉ vào em bé).
Trong tất cả giáo lý của đạo Bụt, Thầy thích điều này nhất: Thiền giúp ta vượt thoát ý niệm sinh tử.
Con biết rồi đấy, cái chết rất cần cho sự sống, cho sự tiếp nối. Hàng ngàn tế bào trong cơ thể mình đang chết đi trong từng phút từng giây. Nếu các tế bào không chết đi thì làm sao cơ thể mình có thể tiếp tục sống. Cho nên cái chết và sự sống nương nhau mà có mặt. Nhờ có sự chết mà có sự sống, nhờ có sự sống mà có sự chết. Nếu mình khóc than và đau khổ mỗi khi có tế bào trong cơ thể mình chết đi thì mình sẽ không còn nước mắt để khóc nữa. Nếu mình tổ chức đám tang cho từng tế bào chết trong cơ thể mình thì mình phải tổ chức đám tang cả ngày luôn. Do đó ta phải thấy sự sống và cái chết đang diễn ra từng phút từng giây trong mình. Câu trả lời trước tiên của Thầy là: cái chết đóng một vai trò rất quan trọng. Câu trả lời thứ hai quan trọng hơn là: nhìn sâu để thấy được là chúng ta không sinh ra cũng không mất đi, tất cả chỉ là sự tiếp nối mà thôi. Càng học hỏi con sẽ càng có cái nhìn sâu sắc hơn.
Trích trong cuốn “Planting seeds” của Sư Ông và tăng thân Làng Mai