Kiến thức
Xá Lợi Phất khai thị Cấp Cô Độc
Thứ sáu, 10/12/2020 07:01
Cấp Cô Độc là người cúng dường cho đạo Phật rất to lớn, như vậy tâm từ bi của người cũng to lớn theo.
Truyện Phật giáo: Thái tử cầu Pháp
Dẫn nhập
Mọi người đều biết câu chuyện Xá Lợi Phất thăm Cấp Cô Độc khi bị bệnh nặng và giảng cho Cấp Cô Độc bài pháp về quán chiếu, khi thiền trong Tứ niệm xứ mà chữa bệnh cho Cấp Cô Độc. Quán về Phật Pháp Tăng, 18 giới gồm 6 căn 6 trần 6 thức, rồi quán về 7 đại: đất nước gió lửa không kiến thức, quán về thời gian không gian và cuối cùng là quán về 5 uẩn. Cấp Cô Độc nghe xong hết bệnh. Cũng câu chuyện như vậy, nhưng nó khác đi chi tiết là lúc về già: Xá lợi Phất khai thị Cấp cô độc chú trọng về 5 uẩn, hãy trả 5 uẩn về lại cho 5 uẩn khi duyên hội tụ đã hết. Hãy trả pháp về lại cho pháp. Và Cấp Cô Độc chết thành A la hán vì đã ngộ được đạo về cõi trời. Chúng ta nghiên cứu câu chuyện sau này để hiểu ý nghĩa sâu xa, khiến cho Cấp Cô Độc khóc và khẩn xin Xá Lợi Phất, hãy xin đức Phật cho phép giảng bài pháp này, cho các cư sĩ tại gia có được duyên học tập.
Thật vậy ai rồi cũng đến ngày chết, khi chết mà đạt được ngộ đạo như Cấp Cô Độc là điều ước mơ của chúng ta. Làm sao ngộ đạo khi nghe Xá lợi Phất giảng về 5 uẩn như vậy? Để hiểu thấu bài khai thị của Xá Lợi Phất chúng ta cần hiểu hết xuyên suốt đạo Phật. Đầu tiên là Pháp giới duyên khởi rồi đến Tánh không Bát nhã tâm kinh, sau đến duy thức với chủng tử trong Tàng thức, rồi đến Nghiệp và sự tái sinh.[1]
Ngũ uẩn trả về với ngũ uẩn là gì?
Xin phép cho chúng tôi diển giải ý nghĩa lời Xá Lợi Phất khai thị cùng Cấp Cô Độc như sau: Cấp Cô Độc là người cúng dường cho đạo Phật rất to lớn, như vậy tâm từ bi của người cũng to lớn theo.
Đạo Phật là đạo giải thoát chỉ cần từ bi và tuệ giác. Đó là hai cánh chim đại bàng cất cao đôi cánh bay lên giác ngộ giải thoát sinh tử luân hồi. Đầu tiên quán chiếu về vũ trụ và chúng sanh được thành hình bằng sự chuyển động không ngừng nghỉ, mọi vật đều đang vận hành nếu ngừng lại là chết là sanh trụ hoại diệt. Vì chỗ chúng đang vận hành không bao giờ ngừng nghỉ nên gọi là Vô thường. Rồi chúng hiện hữu không bao giờ tự chúng mà có được, chúng phải có duyên dựa vào nhau mà hiện hữu, cái này có vì cái kia có, làm duyên cho nhau nên gọi là Vô ngã do duyên kết hợp mà có mặt. Vì vô ngã nên chúng sanh Khổ và Bất tịnh.
Tóm lại đã sanh ra làm người là có vô thường vô ngã Khổ và Bất tịnh. Phật đã giảng điều đó và chỉ rõ giải thoát chúng bằng Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên để giải phóng 4 điều khổ đau trên. Với hàng Tiểu thừa Phật đã giảng về 12 nhân duyên còn gọi là nghiệp cảm duyên khởi, tức là duyên do nghiệp báo dẫn đường và cảm thọ. Sau đó đến hàng Đại thừa Bồ tát thì duyên này thành A lại da duyên khởi, tức là chủng tử xâm nhập hàng ngày vào tàng thức để tạo nghiệp cảm luân hồi. Có nghĩa là đằng sau nguyên nhân của nghiệp cảm duyên khởi đó là do các chủng tử ở tàng thức tạo thành nghiệp, đó là A lại da duyên khởi. Đi sâu hơn về chủng tử này thì mới biết chân như, tùy duyên sinh ra chủng tử xâm nhập vào A lại da thức, nên gọi là chân như duyên khởi. Cuối cùng là các pháp làm duyên cho nhau chằng chịt như một matrix, gọi là Pháp giới duyên khởi hay trùng trùng duyên khởi. Duyên khởi này giữa các pháp với nhau làm duyên, viên thông hỗ trợ nhau mà thành hình.[2] Do duyên trùng trùng như thế nên có sự chuyển đổi theo luật tùy duyên mà bất biến rồi trở về bất biến mà tùy duyên.
Thánh tích Tịnh xá Kỳ Viên - Nơi Đức Phật trải qua nhiều mùa an cư nhất
Tương tự như định luật vật chất và năng lượng (mass and energy conversion) của Einstein gọi là định luật bảo tồn năng lượng: vật chất tiêu huỷ thành năng lượng và ngược lại không bao giờ có sự mất tiêu diệt. Einstein đã từng bảo nếu bạn cho tôi một phương cách làm biến mất một hạt cát, thì tôi có thể làm cho cả vũ trụ này biến mất. Phật cũng đã dạy khi các chân như do tùy duyên mà hội tụ lại thì thành ra con người chúng ta và này khi ta chết thì tùy duyên thành bất biến. Nói cho dễ hiểu khi có duyên thì hydrogen kết hợp với oxygen thành nước H2O và nước này vô thường thay đổi từ dạng lỏng thành thể hơi và ngược lại, nay duyên diệt thì nước trả về lại hydrogen và oxygen đó là đơn chất (element) bất biến chân thật. Khi hội tụ đủ duyên thì 5 uẩn và 7 đại đã tạo thành hình chúng ta, nay thì 5 uẩn tan rã thì trả 5 uẩn về lại cho 5 uẩn, 7 đại về lại 7 đại chân như của chúng. Tương tự như thế khi chúng sinh đang sống là vô thường vô ngã khổ bất tịnh vì các việc này do duyên mà có, đằng sau nó là có bất biến là vô thường thì có thường, vô ngã thì có ngã, khổ thì có Lạc, bất tịnh thì có Tịnh. Phần đầu gọi là hình Tướng hay động hay sinh diệt còn phần sau là Thể, Bất biến là Tịnh là Chân như. Phân tâm học gọi là hiện tượng với bản chất. Nay khi chết đi thì 5 uẩn có uẩn sắc trả về với cát bụi còn lại 4 uẩn kia là Tâm thì trả về lại Tâm thức, vào trong không gian vô tận thời gian vô cùng. Sau này do duyên hội tụ thì 7 đại kết lại tâm thức, nhập vào thành bào thai đứa bé có đầy đủ thân và Tâm. Bản thể chân như là thường lạc ngã tịnh là Pháp thân thì kinh pháp hoa gọi là Tri kiến Phật, kinh Lăng nghiêm gọi là Chân Tâm, kinh Đại bát niết bàn gọi là Phật tánh, kinh Hoa nghiêm gọi là Trí huệ Phật.
Phật dạy rằng, này các tỳ kheo, tuệ giác như là lửa cháy trên cây củi là vô minh, lửa càng sáng thì cây củi càng tàn mất đi chứ lửa đó không thể có từ ngoài khác vào. Tuệ giác là bồ đề thì cây củi là phiền não tức vô minh. Phiền não tức là bồ đề vậy. Tương tự sinh tử là nỗi đau khổ của chúng sinh thì niết bàn là niềm an lạc của chúng sanh, nên sinh tử là niết bàn. Đứng trên phương diện Tục đế thì nhìn thấy đủ mọi việc: hiện tượng, khổ đau, vô thường, vô ngã, bất tịnh, còn đứng trên phương diện Chân đế là chân thường chân ngã chân lạc chân tịnh. Chân đế này có từ tục đế mà ra chứ không có ở ngoài mang vào. Phật pháp có từ pháp thế gian mà có. Đứng về duy thức thì các chủng tử xâm nhập vào càng ngày càng nhiều tạo thành nghiệp, nên các tỳ kheo cố gắng Thủ hộ 6 căn, ngăn cản 6 căn tiếp xúc 6 trần tạo 6 thức. Với muôn ngàn các chủng tử mới này đã bị dừng xâm nhập vào A lại Da thức do thủ hộ 6 căn, riêng cần quét sạch các chửng tử cũ đi ra cho tàng thức trống không thì khó thành được. Tu hành như thế thì Đại thừa cho rằng khó thành đạt vì lấy đá đè trên cỏ. Vì thế mới ra đời Tánh không Bát nhã tâm kinh. Tánh không Bát nhã gọi ngủ uẩn giai không thì không đây là không có tự tánh, không có độc lập, không có tự mình mà thành lập, phải do duyên mà có.
Như vậy vô ngã và rồi là vô pháp. Tất cả các pháp do duyên hợp là nên gọi là Giả hợp. Giả đây là không thật cố định vững bền nên nó hiện hữu như là có thật, nhưng không đứng yên thật sự, do mỗi sắc na nó thay đổi luôn luôn nên nó có mặt như là giả, như huyễn như ảo. Nhờ quán chiếu Tánh không nên bứng cội rể của Tham sân si. Các chủng tử mới sanh sẽ không xâm nhập vào Tàng thức và các chủng tử cũ lâu đời cũng sẽ bị quét sạch bởi Tánh không của vạn pháp, của vô ngã và vô pháp. Còn như tu tập diệt trừ lậu hoặc đợi nó ló lên thì chặt đứt, sẽ khó mà chấm dứt cho đến ngày chết đi. Chủng tử mới không có nhưng chủng tử cũ lâu đời vẫn còn đó thì không sao thoát được luân hồi. Như thế Tánh Không Bát Nhã là bổ xung diệt trừ lậu hoặc tận cùng.
Nghiệp và sự tái sinh
Đức Phật dạy chúng sanh có nghiệp và quả báo. Nghiệp là hành động do thân khẩu ý tạo thành. Nghiệp do cố ý hành động hoặc vô ý hành động. Từ đó nghiệp tạo ra kết quả gọi là nghiệp quả. Từ nghiệp sanh ra quả còn có duyên đứng ở giữa nên gọi là luật nghiệp duyên quả. Duyên ở đây là lý duyên khởi là có điều kiện. Nghiệp chính là lý giải được ý nghĩa của luân hồi.
Phật dạy nhất thiếc duy Tâm tạo nên duyên ở giữa nghiệp và quả bị ảnh hưởng ở tâm, vì thế ta tu tâm để chuyển nghiệp. Tu tâm la an trụ tâm va điều phục. Tu tâm nhận được tánh không, tâm chúng sanh là không thì nghiệp tiêu trừ. Quán theo Bát nhã tánh không thì nghiệp cũng là không có tự tánh. Và rồi vô ngã thì không có ai chịu nhận lãnh nghiệp quả, chỉ toàn là một vòng nhân duyên kín xoay dần. Do vậy nghiệp tuỳ thuộc vào hành của chúng sanh.
Kết luận: Ngộ đạo
Tất cả hình tướng ngay cả tướng của chúng ta đều là không có thật, thật tướng chính là vô tướng. Phật dạy Chân không nên có diệu hữu. Vì chân không nên không có hình tướng vì thế nó không có vô thường, nó không dấy động nên nó vô sanh. Phật dạy không chấp vào hình tướng gồm 4 tướng: ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Ngã tướng là chấp vào có cái tôi, nhân tướng là chấp vào tướng của người, nhân loại tướng, chúng sanh tướng là chấp vào chúng sanh có thật, thọ giả tướng là chấp vào thời gian của vạn vật có tuổi tác.
Qua Bát nhã thì tánh không có mặt là chân không. Hiểu theo tục đế thì Không đây là “không có”, hiểu theo chân đế thì chân không là vắng lặng tịch diệt. Chân không thì vô tướng còn “không có” là hữu tướng. Chân không thì vô lậu còn “không có” là hữu lậu. Chân không là vô vi còn “không có” là hữu vi. Như đã kể trên, để có tánh giác thì vô minh chỉ cần tiêu huỷ đi như que củi và ngọn lửa. Như nước trong và nước đục. Tục đế thì thấy nước đục vì nó có lậu hoặc. Chân đế thì thấy nước trên trời mưa xuống là nước tinh khiết, nhưng vì rớt xuống đất nên có bụi trần làm đục.
Vậy cứ để nước đục đó lắng yên, tĩnh lặng thì lậu hoặc trầm lắng xuống thành nước trong trở lại. Vậy do duyên thành nước đục tức là từ bất biến thành tùy duyên, và cũng vậy để lắng tụ thì tùy duyên thành bất biến. Đại thừa khởi tín nói đến Thể dụng và tướng thì hiểu thấu Chân không diệu hữu và từ đó ngộ được đạo, là nhận được chân thực của vạn pháp. Như thị, vô sanh, vô phân biệt, vô trụ không bám không chấp. Như kinh Bahiya sutta khi 6 căn tiếp xúc 6 trần mà 6 thức không bám không chấp vào, không có phân biệt cái Tôi xen vào thì là giác ngộ là chân tâm hiện ra. Phật dạy rằng: Này Bahiya, trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri. Cứ thế mà tu tập đi, Bahiya. “khi với ông, này Bahiya, trong cái được thấy chỉ là cái được thấy… [nhẫn tới]… trong cái được thức tri chỉ là cái được thức tri, thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘với đó.’ Này Bahiya, khi ông không là ‘với đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘trong đó.’ Này Bahiya, khi ông không ‘trong đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không ở nơi này, cũng không ở nơi kia, cũng không ở chặng giữa. Thế này, chỉ thế này, là đoạn tận khổ đau.”[3] Không còn không gian và thời gian số lượng, như thị và không trụ, không phân biệt. Đó là Ngộ đạo là Thức thành Trí tuệ Bát nhã.
Tài liệu tham khảo:
1. Tôn giả Xá Lợi Phất và trưởng giả Cấp cô Độc, tác giả: Toàn không, tham khảo: Thư viện Hoa sen.
2. Pháp giới duyên khởi, Tác giả: Lê sỹ minh tùng, tham khảo: Thư viện hoa sen
3. Bahiya sutta, Tác giả: Nguyên Giác Phan Tấn Hải, tham khảo: Thư viện hoa sen.