Sách Phật giáo

Xây dựng hạnh phúc gia đình (P.1)

Thứ ba, 01/03/2017 03:34

Thật là bất hạnh, giới trẻ mới lớn lên khi bước chân vào đời qua cánh cửa gia đình đa số đều thất vọng chua cay, bao nhiêu lý tưởng cuộc đời đều sụp đổ trôi sông vì họ tự chuốc lấy nhiều khổ đau ngang trái hơn là gặt hái được những hạnh phúc chân thật mà họ hằng ước mơ. Phần đông giới trẻ nhìn cuộc đời thấy toàn là hoa mộng, đầy trăng sao kết thành bức tranh đời linh hoạt, một bản nhạc sống tuyệt trần. Nhưng chúng không thấy rằng phía sau cuộc đời hoa mộng kia giăng mắc khắp nẻo đường trần đầy chông gai cay đắng.

LỜI MỞ ĐẦU

Thật là bất hạnh, giới trẻ mới lớn lên khi bước chân vào đời qua cánh cửa gia đình đa số đều thất vọng chua cay, bao nhiêu lý tưởng cuộc đời đều sụp đổ trôi sông vì họ tự chuốc lấy nhiều khổ đau ngang trái hơn là gặt hái được những hạnh phúc chân thật mà họ hằng ước mơ.

Phần đông giới trẻ nhìn cuộc đời thấy toàn là hoa mộng, đầy trăng sao kết thành bức tranh đời linh hoạt, một bản nhạc sống tuyệt trần. Nhưng chúng không thấy rằng phía sau cuộc đời hoa mộng kia giăng mắc khắp nẻo đường trần đầy chông gai cay đắng.

Thật ra giới trẻ không phải ích kỷ chỉ biết sống theo bản năng dục vọng riêng tư và họ hết sức chăm sóc người họ thương yêu, nhưng vì khi lập gia đình bắt đầu sống tự lập không được giáo dục chín chắn về hôn nhân của những người lớn nhiều kinh nghiệm, không có phương thức xây dựng hạnh phúc gia đình của các thế hệ trước trao truyền, chỉ đi trong sự mò mẫm học lóm bên ngoài với tính cách vá víu hời hợt. Họ ăn ở bắt chước theo đường lối truyền thông đại chúng miêu tả, nào sách vở, báo chí..v..v... diễn dịch có tính cách lý luận triết học sinh lý mập mờ thiếu kiểm chứng, cho nên không thể áp dụng được.

Cũng vì những lý do trên, tôi cho ra tác phẩm với nhan đề là “Xây Dựng Hạnh Phúc Gia Đình” ngỏ hầu giúp cho thế hệ trẻ một cẩm nang sống đúng ý nghĩa của một con người trên lĩnh vực hạnh phúc gia đình. Nhan đề “ Xây Dựng Hạnh Phúc Gia Đình” đúng ra gọi cho đủ là “Những Điều Kiện Căn Bản Xây Dựng Hạnh Phúc Gia Đình Theo Tinh Thần Phật giáo” mới đúng ý nghĩa của nội dung trong tác phẩm này muốn trình bày.

Thật là trớ trêu và buồn cười, tôi là một ông thầy tu, xuất gia vào chùa lúc lên 8 tuổi và hiện nay, năm 2007 đã đến 80 tuổi rồi, đã hoàn toàn không biết chút nào về chuyện đời mà lại bàn luận đến “Những Điều Kiện Căn Bản Xây Dựng Hạnh Phúc Gia Đình Theo Tinh Thần Phật Giáo”. Những điều tôi trình bày trong tác phẩm này chưa chắc được mọi người tin tưởng mà tin tưởng sao được khi một người không biết đời là gì lại bàn đến những chuyện không có chút kinh nghiệm. Đúng ra tôi viết nên tác phẩm này là nhờ căn cứ theo tinh thần của các Kinh Luận, như các bộ Kinh Nikàya, phối hợp bốn bộ A Hàm, Kinh Đại Niết Bàn, các bộ Duy Thức Luận,..v..v.... trong đó có Kinh Thi Ca La Việt (Singàlaka); ngoài ra tôi còn căn cứ theo tinh thần Tâm Lý Học, Sinh Lý Học, Xã Hội Học mà tôi đã học qua trong khi còn là một sinh viên, chẳng những thế tôi còn góp nhặt những sự kiện của một số gia đình Việt Nam đã xảy ra ở hải ngoại mà tôi làm cố vấn tinh thần.

Căn cứ theo tinh thần trong các Kinh Luận, nghĩa là tôi đã căn cứ theo những điều mà đức Phật đã chỉ dạy trong các Kinh Luận về hạnh phúc gia đình viết nên tác phẩm này mà không phải căn cứ theo những lời chỉ dạy trong bối cảnh của lịch sử thời đại ngày xưa. Bối cảnh lịch sử của thời đại ngày xưa không phải là bối cảnh lịch sử của thời đại ngày nay, nhưng tinh thần của đức Phật chỉ dạy trong các Kinh Luận về hạnh phúc gia đình thì có giá trị tuyệt đối ở bất cứ thời đại nào, chẳng những có giá trị từ ngàn xưa mà còn có giá trị mãi cho đến ngàn sau.

Mặc dù tôi không có chút kinh nghiệm nào về hạnh phúc gia đình, nhưng những điều kiện căn bản mà tôi viết trong tác phẩm này chính là những nguyên tắc sống để có hạnh phúc mà không cần đòi hỏi phải có kinh nghiệm mới viết được, vì những điều kiện đó đều đặt trên nền tảng đời sống tâm thức để xây dựng. Người đời thường bình luận về hạnh phúc gia đình luôn luôn đặt trên nền tảng vật chất để xây dựng, nào phải có tiền của nhiều, tài năng giỏi, học vấn cao, sắc đẹp tốt..v..v.... mới có hạnh phúc. Nhưng thực ra những thứ đó càng lôi cuốn dục vọng càng phát triển, ham muốn càng nhiều, lòng tham càng đòi hỏi, nếu không đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của dục vọng thì phiền não càng chồng chất và như thế đời sống làm sao có được hạnh phúc chân thật. Đời sống tâm thức có được xây dựng thì chồng vợ mới có hiểu biết nhau, có thông cảm nhau, mới có chia sẻ cay đắng ngọt bùi với nhau trên mọi nẻo đường đời chông gai quanh co khúc khuỷu và được như thế đôi chồng vợ mới gặt hái được hạnh phúc thực sự.

“Những Điều Kiện Căn Bản Xây Dựng Hạnh Phúc Gia Đình Theo Tinh Thần Phật Giáo” mà tôi sáng tác đều được thiết lập trên quy chế Sáu Pháp Hòa Kính của đức Phật chỉ dạy để làm phương châm cho nếp sống tập thể của một gia đình. Sáu Pháp Hòa Kính, gọi tắc là Lục Hòa là quy chế của đức Phật sáng lập dành cho tập thể người xuất gia sống trong tinh thần hòa hợp, tương kính, tương thuận để cùng nhau tu tập đạo giác ngộ và giải thoát. Theo tôi, một gia đình cũng là một tập thể nhỏ, đã sống chung thì nhất định phải có tinh thần hòa hợp, tương kính, tương thuận mới đồng lòng để tát cạn biển Đông. Tác phẩm này tuy không phải khuôn vàng thước ngọc nhưng dù sao đi nữa cũng là cẩm nang cần thiết cho những thế hệ trẻ lúc ban đầu khi bước chân vào đời khỏi bị vấp ngả đớn đau. Cha mẹ nào muốn dựng vợ gả chồng cho con cái của mình nên bắt chúng học thuộc lòng cẩm nang này trước khi tiến tới hôn nhân.

Vấn đề hạnh phúc gia đình, tôi khi còn ở Học Đường Ấn Quang, trong lớp Trung Đẳng có học qua, nhưng không chút quan tâm, chỉ chuyên tu học những tư tưởng triết học của Phật giáo cho được thông suốt. Lúc đó tôi quan niệm rằng, vấn đề hạnh phúc gia đình là chuyện của thế gian thường tình, không phải là pháp môn vô lậu giải thoát, cho nên không thích hợp với những người xuất gia như tôi để tâm đi sâu vào nó. Đến khi ra nước ngoài, tôi đi hoằng pháp khắp nơi, nhất là ở nước Mỹ và nước Canada, gặp rất nhiều Đạo Hữu hỏi tôi trong Phật giáo có Kinh nào dạy cách xây dựng hạnh phúc gia đình, cũng như một số thanh niên phật tử cũng hỏi tôi về vấn đề trên. Đó cũng là những lý do thúc đẩy tôi phải nghiên cứu lại các kinh điển của Phật giáo và viết thành tác phẩm này.

Nội dung trong tác phẩm này chưa hẳn không có khuyết điểm, nguyên nhân là vì tác giả hoàn toàn chưa có kinh nghiệm trên lĩnh vực tình yêu, nhưng dù sao cũng là khởi điểm lúc ban đầu cho những tư tưởng mới đáng giá và thiết thực xuất hiện qua những ngòi bút đầy kinh nghiệm hơn. Tôi hy vọng sẽ đón nhận rất nhiều sáng kiến đầy kinh nghiệm và thiết thực của quý đọc giả bốn phương để bổ xung tác phẩm này cho được hoàn hảo, mong làm sao cho các thế hệ trẻ bước chân vào đời có một cẩm nang gối đầu quan yếu cho việc xây dựng hạnh phúc gia đình.

Cẩn bút
Phật Lịch 2551, năm Mậu Tý, ngày 04/03/2008
Sa môn Thích Thắng Hoan

XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
I. VÀO ĐỀ

Vấn đề hạnh phúc gia đình là vấn đề trọng đại trong cuộc sống của con người. Từ xưa đến nay không có người nào không bôn ba khắp mọi nẻo đường đời để đi tìm hạnh phúc chân thật cho lẽ sống, nhưng họ hoàn toàn thất bại vì không biết bản chất của hạnh phúc là như thế nào và phải đi tìm ở đâu. Phần đông họ tưởng rằng hạnh phúc phát xuất từ bên ngoài và trên lạc thú vật chất. Cho nên họ thi đua đổ rất nhiều công sức xây dựng hạnh phúc gia đình trên ngũ dục lạc của thế gian, như xây dựng trên tiền tài, trên sắc đẹp, trên danh vọng, trên ăn uống, trên ngủ nghỉ, rồi đi vào thực tế những người đó không có chút nào hạnh phúc cả. Người giàu có cái khổ của người giàu, người nghèo có cái khổ của người nghèo, người quan quyền có cái khổ của người quan quyền, người thứ dân có cái khổ của người thứ dân..v..v...., nghĩa là gia đình nào cũng có thảm cảnh riêng của họ.

Họ không biết rằng hạnh phúc chân thật đều phát sinh từ nơi tâm linh của mỗi con người và phải được xây dựng trên tinh thần hòa hợp thân thương. Trong sự sống chung hằng ngày, bất hòa là một tai họa không gì bằng.

- Trong gia đình, vợ chồng không hòa thì gia nghiệp không thành, con cái khổ sở vì xa cha hoặc xa mẹ.

- Trong xã hội, xóm làng không hòa thì sinh ra rầy rà, kiện cáo, chém giết lẫn nhau,

- Quốc gia không hòa thì sinh ra giặc giả loạn lạc, dân chúng khổ sở,

- Nhân loại không hòa thì chiến tranh tiếp diễn, nhân sinh điêu đứng, suy tàn.

Vì sự bất hòa vô cùng nguy hiểm cho nếp sống tập thể, thế nên đức Phật mới chế ra Pháp Hòa Kính, Pháp Hòa Kính gồm có sáu loại, gọi chung là Lục Hòa.

II. ĐỊNH NGHĨA
 
Lục là sáu, Hòa là hòa kính, nghĩa là hòa thuận và kính nể lẫn nhau. Lục Hòa là sáu pháp hòa kính, nghĩa là sáu phương pháp cư xử hòa thuận, tôn trọng và kính nể lẫn nhau trong sự sống chung. Hòa ở đây không phải nhu nhược mà nhằm mục đích làm lợi lạc cho tất cả, gây hạnh phúc cho tất cả, trong đó có ta và người.
 
Muốn xây dựng hạnh phúc gia đình trên tinh thần Lục Hòa cho được hữu hiệu, trước hết chúng ta cần phải ý niệm rõ tinh thần duyên sinh của Phật giáo.

III. TINH THẦN DUYÊN SINH

Duyên sinh gọi cho đủ là nhân duyên sinh. Tinh thần duyên sinh, nghĩa là tất cả pháp trong thế gian đều quan hệ lẫn nhau để sinh tồn, để phát triển, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt, bác sĩ sống được là nhờ bệnh nhân hổ trợ và bệnh nhân sống được là nhờ bác sĩ trị liệu, cho đến cỏ cây sống được là nhờ con người cung cấp thán khí và con người sống được là nhờ cỏ cây cung cấp dưỡng khí,..v..v.... Tất cả đều nói lên tinh thần duyên sinh cả, cho nên nhà thơ có câu:

“ Cây thường cho ta dưỡng khí để ta sống góp mặt đời, Ta thường cho cây thán khí để cho cây lá khoe tươi” (Thắng Hoan Thi Tập)

Trên tinh thần duyên sinh, con người muốn sống có ý nghĩa để được hạnh phúc chân thật trước hết cần phải ý niệm những điều cơ bản sau đây: Giá trị gia đình, giá trị nương tựa và giá trị chức năng.

1. GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH

Gia đình là căn bản của gia tộc, của cộng đồng, của xã hội. Sự giá trị này có hai lĩnh vực:

a. Lĩnh Vực Gia Tộc

Lĩnh vực gia tộc là căn cứ trên dòng họ định mức giá trị quan hệ. Gia tộc là bao gồm nhiều đơn vị gia đình cùng chung một dòng họ. Gia tộc có giá trị là khi nào mỗi gia đình sống có ý nghĩa, có đạo đức, có hạnh phúc chân thật. Sự quan hệ giữa gia đình và gia tộc trên hai phương diện: quan hệ vật chất và quan hệ tâm linh.

1. Sự Quan Hệ Vật Chất

Con người gồm có hai phần: phần vật chất và phần tâm linh. Hai phần này hòa hợp chặt chẻ tạo thành con người, trong đó phần tâm linh đứng vai chủ tể trong mọi lĩnh vực sinh hoạt đời sống. Riêng về phần vật chất, con người quan hệ như thế nào với gia đình với gia tộc.

Thân thể người con chính là máu huyết của cha mẹ trao truyền. Thân thể cha mẹ chính là máu huyết của ông nội bà nội của ông ngoại bà ngoại hai họ hòa hợp trao truyền. Thân thể ông nội bà nội cũng do máu huyết của ông cố bà cố hai họ trao truyền, cứ như thế lần lên đến cao tằng tổ khảo..v..v.....

Cũng từ ý nghĩa quan hệ đó, chúng ta ý niệm được rằng, thân thể chúng ta toàn diện chính là máu huyết của cha mẹ nảy nở và phát triển, cũng giống cây đậu xanh toàn diện là do hạt đậu xanh nảy nở và phát triển. Không những sự có mặt máu huyết của cha mẹ khắp trong thân thể chúng ta cả đến sự có mặt máu huyết của dòng họ tông môn nhiều đời trong thân thể chúng ta. Trong tinh thần duyên sinh của các pháp, chúng ta là những kẻ có kiến thức đôi chút không thể phủ nhận ý nghĩa quan hệ này trên lĩnh vực vật chất.

2. Sự Quan Hệ Tâm Linh

Con người ngoài sự quan hệ về vật chất còn có quan hệ về tâm linh. Tâm linh của con người là chúa tể của mọi sự sống, tâm linh hiện hữu thì con người tồn tại, tâm linh giả biệt thì con người biến hoại, tâm linh thánh thiện thì cuộc sống của con người thăng hoa, tâm linh sa đọa thì lôi cuốn con người đi vào vực thẩm đen tối của cuộc đời. Ý niệm được hạnh phúc an lạc cho lẽ sống cũng do tâm linh và chuốc lấy những thất vọng chán chường khổ đau của cuộc đời cũng từ nơi tâm linh.

Sự quan hệ của tâm linh con người đối với gia tộc như thế nào? Theo tinh thần duyên sinh, tâm linh của con cháu đối với tâm linh của dòng họ gia tộc quan hệ đến bảy đời, thường gọi là quan hệ thất tổ. Tâm linh của tổ tiên gia tộc chính là nguồn tâm linh cung ứng trực tiếp cho con cháu qua hệ thống tâm linh của cha mẹ. Nguồn tâm linh của tổ tiên dòng họ quan hệ với dòng tâm linh của con cháu trong mỗi gia đình cũng tương tợ như nguồn điện lực của nhà máy phát điện quan hệ với dòng điện các bóng đèn trong mỗi nhà. Nguồn tâm linh của tổ tiên dòng họ cũng tương tợ như nguồn điện lực của nhà máy phát điện, dòng điện lực của bình biến thế nơi mỗi khu vực cũng tương tợ như dòng tâm linh của cha mẹ, đòng điện của mỗi con cháu trong gia đình cũng tương tợ như dòng điện của mỗi bóng đèn trong nhà. Sự quan hệ của tâm linh con người đối với gia tộc đúng như câu Tục Ngữ nhân gian thường nói: “Cây có cội, nước có nguồn”, nghĩa là cây cối thì phải có gốc rễ mới nảy mầm sinh hoa trái, nước phải có cội nguồn thì mới tỏa khắp rạch sông, làm con người thì ai cũng phải có cha mẹ tổ tiên.

Chúng ta cắt đứt mọi sự quan hệ tâm linh với cha mẹ dòng họ tổ tiên, chỉ biết sống riêng tư với khả năng của mình thì không khác nào bóng đèn cắt đứt mọi sự quan hệ với nguồn điện lực của nhà đèn, chỉ quan hệ với bình điện nho nhỏ (Battery) của riêng nó. Với hiện tượng này, dòng tâm linh cá nhân của mỗi con người tự nó không đủ sức đương đầu với cuộc đời quá nhiều cạm bẩy khổ đau đen tối dồn dập đưa đến, cũng như dòng điện của bóng đèn với bình điện nho nhỏ (Battery) không đủ soi sáng một ngôi nhà quá cao rộng.

Sự quan hệ về mặt tâm linh vừa trình bày trên cho chúng ta một ý niệm cụ thể rằng giữa chúng ta và cha mẹ tổ tiên ông bà có mối tương quan tình cảm một cách chặt chẽ không thể phân ly. Để tránh những sự bất hạnh sau này sẽ xảy ra cho đời sống của mình, chúng ta không nên cắt đứt mọi sự quan hệ về mặt tâm linh với cha mẹ tổ tiên ông bà bằng những cung cách bất kính, những cử chỉ thiếu lễ độ mà còn phải nuôi dưỡng mối tương quan tình cảm nói trên qua sự kính trọng, thương yêu, quý mến và thường xuyên quan tâm đến đời sống, đến tình cảm của họ mà họ đã đặt hết niềm tin vào mình. Chúng ta nếu như cắt đứt mọi sự quan hệ tình cảm với cha mẹ tổ tiên ông bà thì vô tình khiến tâm linh của chúng ta bị tổn thương bị đau khổ vì đứa con bất hiếu. Chúng ta giả như có thái độ bất hiếu với đấng sinh thành là nguyên nhân, rồi sau này con cháu của chúng ta sẽ có thái độ bất hiếu với chúng ta và sẽ làm cho chúng ta đau khổ cũng như chúng ta đã từng làm cho họ đau khổ. Chúng ta có thể trốn khỏi luật pháp thế gian, nhưng không thể trốn khỏi luật pháp nhân quả nghiệp báo.

b. Lĩnh Vực Cộng Đồng và Xã Hội

Sự quan hệ giữa con người, giữa gia đình với cộng đồng với xã hội như thế nào? Trước hết chúng ta nhận xét tổng quát sự quan hệ giữa con người và cộng đồng:

1. Sự Quan Hệ Với Cộng Đồng

Cộng đồng nghĩa là những người sinh hoạt chung một nghề nghiệp, chung một tư tưởng, chung một quan niệm. Cộng đồng bao gồm có các tôn giáo, các đoàn thể, các nghiệp đoàn,..v..v..... Sự quan hệ giữa con người với các tôn giáo, các đoàn thể, các xí nghiệp được nhận định như sau:

+ Một tôn giáo được xã hội tôn kính và quy ngưỡng là do mỗi cá nhân của những tín đồ nơi tôn giáo đó thể hiện được đạo đức qua lời nói, qua hành động, qua tư tưởng và họ biết hòa hợp lẫn nhau trong cùng một nếp sống đạo đức mà chính họ đã chọn tôn giáo đó làm lý tưởng. Ngược lại tôn giáo đó mất giá trị với xã hội, mất niềm tin với mọi người là do những tín đồ của tôn giáo đó không biểu tượng được tư cách đạo đức để làm gương mẫu cho chúng sinh quy ngưỡng. Tư cách không tốt của một số tín đồ gây ảnh hưởng không nhỏ đến với tôn giáo của họ nương tựa đúng như câu tục ngữ nhân gian thường nói: “Con sâu làm sầu nồi canh”.

+ Một đoàn thể được mọi người kính yêu và nương tựa là do mỗi thành viên của đoàn thể đó biết sống chân thật, biết liên kết chặt chẽ với nhau, biết thể hiện được tinh thần đạo đức tập thể.
 
+ Một nghiệp đoàn được phát triển lớn mạnh điều quan trọng không nhỏ là do giữa người lĩnh đạo và các đoàn viên biết hòa hợp chặt chẻ, biết thiện chí trong nghĩa vụ, biết chia sẻ và thông cảm trong trách nhiệm.

2. Sự Quan Hệ Với Xã Hội

Một xã hội có rất nhiều cộng đồng hiện hữu, trong đó bao gồm tất cả đơn vị gia đình, gia tộc, đoàn thể, nghiệp đoàn, tôn giáo,..v..v....cùng nhau góp mặt. Một xã hội muốn được hòa bình an lạc thật sự, muốn đời sống văn minh tiến bộ cả hai mặt vật chất và tinh thần, tất cả thành phần đơn vị trong những cộng đồng, bao gồm có cá nhân của mỗi người biết hòa hợp thân thương, biết đoàn kết chặt chẽ, biết dấn thân hợp tác đóng góp hết mình trong mọi lĩnh vực văn hóa, đạo đức, kinh tế, an ninh,..v..v.... Trái lại, trong một xã hội, có vài đơn vị mâu thuẩn, có vài cá nhân bất chính sẽ tạo nên tình trạng bất an và viễn ảnh đưa xã hội vào con đường bi đát, tràn ngập khổ đau cho đời sống của mọi người.

Những dữ kiện đã trình bày tổng quát ở trên cũng đủ nói lên được sự quan hệ như thế nào giữa con người với gia đình, với gia tộc, với cộng đồng và với xã hội. Tất cả sự quan hệ này là tất yếu của con người sinh tồn và không ngoài nguyên lý duyên sinh của Phật giáo. Những người sống trong một gia đình hay trong một xã hội không thể thoát ly khỏi mọi sự quan hệ nói trên, nhất là sự quan hệ về mặt tâm linh, nguyên vì con người sở dĩ ý niệm được hạnh phúc chính là nhờ ở nơi tâm linh. Giờ đây chúng ta đã khái niệm được giá trị trọng đại của lẽ sống qua sự quan hệ như thế nào giữa con người với gia đnh, với gia tộc, với cộng đồng, với xã hội thì cần phải tiến thêm một bước nữa là phải ý niệm được sự nương tựa.

2. GIÁ TRỊ NƯƠNG TỰA

Theo tinh thần duyên sinh, vấn đề nương tựa là vấn đề quan yếu không chỉ riêng của con người mà còn chung của tất cả chúng sinh trong vũ trụ. Tất cả chúng sinh trong vũ trụ nếu như không có chỗ nương tựa thì không thể nảy nở và phát triển; Chỗ nương tựa của cây cối là đất đai, nếu đất đai có phì nhiêu thì cây cối mới nảy nở tốt tươi..... và ngược lại đất đai thiếu dinh dưỡng thì cây cối trở nên cằn cỗi yếu ớt. Chỗ nương tựa của con người là cha mẹ và dòng họ, cha mẹ và dòng họ có phước đức thì con cháu được hiển vinh, cha mẹ và dòng họ thiếu phước đức thì con cháu sống bất hạnh và khổ đau. Con người muốn sống có ý nghĩa, muốn được an lạc, muốn được hạnh phúc thì phải ý niệm được giá trị của sự nương tựa. Đời sống con người có 3 giai đoạn nương tựa: Giai đoạn ấu thơ, giai đoạn trưởng thành và giai đoạn tuổi già.

a. Giai Đoạn Ấu Thơ

Giai đoạn ấu thơ theo quan niệm phổ thông, nhất là ở Việt Nam ước lượng vào khoảng con người mới sinh ra cho đến 20 tuổi, có chỗ cho rằng khoảng 30 tuổi (gọi là tam thập nhi lập: nghĩa là con người lớn lên đến 30 tuổi thì mới đứng vững với đời). Trong giai đoạn này, con người có hai nơi nương tựa cho lẽ sống, để lớn lên, để mở mang kiến thức: nương tựa nơi cha mẹ và nương tựa nơi thầy tổ.

1. Nương Tựa Nơi Cha Mẹ

Cha mẹ nếu không ước mơ thì không cho chúng ta ra đời, cha mẹ nếu không mến thương thì không cho chúng ta no cơm ấm áo, cha mẹ nếu không hy sinh hạnh phúc riêng tư thì không cho chúng ta ăn học để thành danh với đời. Sự có mặt của chúng ta trong cõi đời này chính là sự hy sinh của cha mẹ quá nhiều cả thể xác và tâm hồn cho con cái của mình. Thế nên đối với ân nghĩa sinh thành của cha mẹ, phận làm con phải ghi sâu đậm nét vào tâm khảm để luôn luôn tưởng niệm tri ân và báo ân, nhất là về mặt tâm linh chúng ta đừng có thái độ phũ phàng đối với đấng sinh thành vô tình làm tổn thương nơi lương tâm của cha mẹ đã chịu nhiều cay đắng và đau khổ suốt cả cuộc đời.

2. Nương Tựa Nơi Thầy Tổ

Cha mẹ chỉ sinh ra thân xác cho chúng ta, nhưng không thể sinh ra trí thông minh cho chúng ta. Chúng ta muốn có trí thông minh để sống với đời thì phải nhờ thầy tổ chỉ dạy. Thầy tổ là những ân nhân không thua cha mẹ, người đã tạo dựng trí khôn cho chúng ta có kinh nghiệm sống để bước chân vào đời khỏi bị vấp ngả. Chúng ta ngày nay được hảnh diện là một đơn vị quan trọng đáng quý trong một xã hội văn minh tiến bộ với trình độ kiến thức sâu rộng chính là nhờ thầy tổ trao truyền sự kinh nghiệm lâu đời của họ. Giá trị tinh thần này chúng ta cũng phải ghi sâu vào tâm khảm để luôn luôn tưởng niệm ân nghĩa giáo dưỡng của thầy tổ cũng giống như tưởng niệm ân nghĩa sinh thành của cha mẹ. Ý niệm giá trị sự quan hệ này cũng là vấn đề trọng yếu trong sự bồi dưỡng tâm linh.

b. Giai Đoạn Trưởng Thành

Giai đoạn trưởng thành ước lượng vào khoảng 20 tuổi đến 60 tuổi. Ở giai đoạn này, con người đúng ra đủ tư cách dấn thân vào đời và đủ trí khôn bước chân vào xã hội. Khi bước chân vào xã hội để vươn mình lên, con người cũng cần phải có chỗ nương tựa. Chỗ nương tựa của con người là gia đình và tôn giáo.
 
Gia đình là chỗ nương tựa cho đời sống con người và tôn giáo là chỗ nương tựa cho tâm linh của con người. Gia đình là đơn vị truyền thừa của gia tộc là nơi phát huy sự hiển vinh cho dòng họ muôn đời với tổ tiên. Gia đình là một xã hội nhỏ trong cộng đồng, bao gồm có chồng vợ con cái. Chồng vợ phải ý niệm được rằng là bạn đời cần thiết không thể thiếu để chia sẻ với nhau những cay đắng ngọt bùi trong mọi nẻo đường thăng trầm vinh nhục và cùng nhau xây dựng hạnh phúc an lạc thật sự cho đời sống. Tôn giáo là miếng ruộng phước để cho tâm hồn con người phát triển đạo đức làm người. Con người khi thân bệnh thì phải nhờ bác sĩ trị liệu và con người khi tâm bệnh thì phải nhờ tôn giáo trị liệu, Bác sĩ trị liệu thân bệnh bằng y dược và tôn giáo trị liệu tâm bệnh bằng pháp dược. Cho nên con người muốn được lành mạnh thì phải cần đến bác sĩ và muốn được đạo đức nảy nở hạnh phúc thì phải cần đến tôn giáo. Chúng ta là người muốn sống có giá trị thì phải ý niệm rõ điều đó.

Có người quan niệm rằng họ không cần phải lập gia đình cho thêm khổ, chỉ nương tựa bạn bè là đủ sống an lạc rồi. Họ không hiểu rằng bạn bè chỉ giúp nhau trong giai đoạn ngắn, nhưng không hy sinh cho nhau đến đầu bạc răng long. Hơn nữa bạn bè chỉ giúp nhau có tính cách tạm bợ trong phạm vi giới hạn về đời sống vật chất nhưng không chia sẻ với nhau trên lĩnh vực tâm linh, đúng với câu tục ngữ như sau: “Giúp lời giúp đủa, không ai giúp của giúp cơm”; chỉ có chồng vợ mới giúp của giúp cơm và giúp suốt cả cuộc đời.

Tóm lại, chúng ta phải lập gia đình làm chỗ nương tựa vững chắc cho đời sống cũng như cho tâm linh để có hạnh phúc an lạc thật sự. Chúng ta nếu như không lập gia đình sẽ buông thả theo dòng đời trụy lạc xa hoa không định hướng, sẽ làm đau khổ cho mình khi tuổi về chiều, sẽ ô nhiễm tâm linh đen tối khi mình bước chân vào thế giới bên kia mờ mịt. Chúng ta nếu như không lập gia đình mà muốn cuộc sống thăng tiến thì phải xuất gia tu hành. Người xuất gia tu hành cũng phải nương tựa nơi Tăng Đoàn để tiến lên trên con đường giác ngộ và giải thoát khổ đau sinh tử. Nói cho cùng, con người muốn nếp sống có ý nghĩa phải tạo dựng cho mình một chỗ nương tựa vững chắc.

c. Giai Đoạn Tuổi Già

Giai đoạn tuổi già là giai đoạn kể từ 60 tuổi cho đến chấm dứt hơi thở cuối cùng của một sinh mạng. Đa số những người già cả, tâm trạng của họ không nhiều thì ít thường mang bệnh hay lo xa. Sự lo xa của họ tương đối gồm có:

* Tứ đại nơi thân thể của họ thường hay bất hòa, gây tạo cho họ nay đau mai yếu.

* Những ước mơ của họ chưa hoàn tất mà sức khỏe của họ không cho phép tiếp tục gánh vác trách nhiệm.

* Họ băn khoăn không biết sau khi họ chết, con cháu của họ có thương yêu chia sẻ và đùm bọc với nhau hay không.

* Họ không biết sau khi họ chết con cháu của họ có đủ sức đương đầu với cuộc đời hay không.

* Họ tự cảm thấy buồn tủi khi họ không còn là cây đại thọ che mát cho con cháu trong cuộc đời.

* Tuổi họ càng già thêm thì tình cảm của họ càng lớn mạnh theo tỷ lệ nghịch, cho nên họ cảm thấy sẽ bị cô đơn rồi đây phải xa lìa con cháu khi họ bước qua bên kia cửa tử.

* Họ càng lo lắng khi họ chết, không biết con cháu có làm tròn bổn phận giúp đỡ họ những hành trang cần thiết đi vào thế giới bên kia hay không.

* Nhất là họ càng băn khoăn cho nẻo trước của họ quá mờ mịt, nghĩa là họ hoàn toàn không biết sau khi chết họ sẽ đi về đâu.

Đây là tâm trạng băn khoăn lo lắng tổng quát của người già. Tâm trạng băn khoăn lo lắng của họ có khi quá cực độ khiến cho họ trở nên quẩn trí, thường hay bộc lộ thái độ buồn phiền, gắt gỏng, bực dọc và cũng có người trở nên tình trạng tâm hồn bảng lảng. Những người con biết quý trọng đấng ân nghĩa sinh thành thì cần phải thể hiện chỗ nương tựa xứng đáng cho tâm hồn của cha mẹ trong khoảng đời còn lại, nghĩa là phải luôn luôn quan tâm đến tình trạng khủng hoảng của họ, thường xuyên chia sẻ, an ủi và tìm mọi cách giúp họ được an tâm cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Người nào làm tròn nghĩa vụ nói trên chính là kẻ ý niệm được giá trị của sự quan hệ sinh tồn nơi cuộc đời.

3. GIÁ TRỊ CHỨC NĂNG

a) Định Nghĩa

Chức năng là bổn phận, ý niệm chức năng nghĩa là ý niệm bổn phận. Chức năng của con người là sống phải có tình nghĩa. Tình nghĩa chính là tình cảm và ân nghĩa.

1. Tình Cảm: nghĩa là tình thương yêu, biết chia sẻ buồn vui cho nhau. Tình cảm không phải là tình ái. Tình ái chính là tình yêu xác thịt, chỉ làm thỏa mãn cho thể xác đòi hỏi mà không có chút tình cảm ở trong. Tình yêu xác thịt thì dễ bị chán chê, bị quên lãng, nguyên vì theo Tâm Lý Học ăn mãi một món ăn thì dễ bị ngán ngẩm và thích muốn thay đổi món ăn mới cho ngon miệng hơn. Tình cảm đặt trên nền tảng nội tâm chỉ đạo thì tạo cho nhau sự cảm thông và đưa đến tình yêu lý tưởng. Đôi chồng vợ biết sống trên tình yêu lý tưởng là đôi chồng vợ đạt được hạnh phúc trọn vẹn đến đầu bạc răng long.

2. Ân Nghĩa: là bổn phận tri ân và báo ân. Con người có ân nghĩa là con người biết sống chung và có trách nhiệm với nhau trong mọi hoàn cảnh, biết gánh vác nghĩa vụ của mình trong gia đì
loading...