Kiến thức

Xuất gia là sự khai sinh trong đạo

Chủ nhật, 19/05/2021 02:59

Bốn trở lực về nghịch cảnh, thói quen, quyến luyến tình cảm, và sự tiếc nuối sở hữu tài sản trở thành những nghịch duyên đối với những người có chí nguyện xuất gia.

Nét đẹp của người xuất gia

Những ai có chí nguyện muốn xuất gia nên đi trong thời điểm còn tuổi thanh xuân, có năng lực, sức khỏe và sự sáng tạo. Lúc đó, sự dấn thân của chúng ta mới thật sự có ích cho xã hội và tha nhân. Mặc dù đi tu tuổi về già, vẫn mang lại sự an lạc nhưng sự đóng góp, phục vụ của ta sẽ bị hạn chế.

Có thể định nghĩa rằng, xuất gia là sự khai sinh trong Phật pháp. Với giáo pháp của đức Phật, chúng ta được sinh ra với con người hoàn toàn mới. Mặc dù về vóc dáng, hình hài không có gì thay đổi, nhưng sự nhận thức, lý tưởng và hành trì của người xuất gia hoàn toàn khác với trạng thái của người tại gia. Xuất gia là cơ hội để ta tiếp xúc với hạnh phúc, và là con đường mở rộng tầm nhìn, sự dấn thân nhằm đem lại lợi ích cho chính mình và cho những người khác. Niềm thao thức và động cơ xuất gia là những yếu tố rất quan trọng, quyết định cho sự đóng góp của ta trong suốt đời tu.

Đức Phật dùng hình ảnh những quả trứng gà sau một thời gian được gà mẹ ấp. Nhờ sự ấp ủ đó gà con có khả năng chọc thủng lớp vỏ bên ngoài, trở thành một chú gà con.

Về công hạnh xuất gia, đức Phật khen ngợi, tán thán bàng bạc khắp trong Kinh tạng. Ảnh minh họa.

Về công hạnh xuất gia, đức Phật khen ngợi, tán thán bàng bạc khắp trong Kinh tạng. Ảnh minh họa.

Bản chất của tại gia và xuất gia

Đức Phật nói, Ngài cũng là một con gà giống bao nhiêu con gà khác như chúng ta, nhưng Ngài khác chúng ta một điểm, Ngài là con gà đầu tiên chọc thủng vỏ đi ra với một thân thể khỏe mạnh, không cần sự giúp đỡ của gà mẹ. Thỉnh thoảng, ta vẫn thấy gà mẹ hỗ trợ gà con, dùng mỏ, mổ cho gà con chui ra. Hành động này đôi khi làm cho gà con bên trong bị chết do gà mẹ không xác định vị trí, vô tình mổ trúng con mắt hoặc cái đầu.

Đức Phật dạy người xuất gia hãy nương vào sự hỗ trợ phương tiện, hoàn cảnh, điều kiện môi trường khi có thầy bạn tốt. Chính ngôi chùa là nơi chúng ta cũng như những gà con biết tự mình chọc thủng vỏ trứng, chui ra tạo nên một sức sống mới. Đó là sự khai sinh trong đời sống của đạo đức, thiền định và hành trì. Nơi đó, yếu tố tâm lý, tình cảm của người tu sẽ hoàn toàn khác biệt so với lúc họ còn tại gia. Sự khác biệt này được cảm nhận rõ rệt giống như cảm xúc của người nam và nữ khi kết hôn với nhau. Ở đây, người xuất gia kết hôn với chánh pháp của đức Phật, với lý tưởng của sự phục vụ, những giá trị hạnh phúc, an lạc nội tại và xa rời hạnh phúc của thế nhân. Đối với những ai khi xuất gia không có sự rung động với Phật pháp, người đó khó tu được lâu dài và bền bỉ. Sự rung động càng mạnh, giá trị sự tu tập càng lớn, dấn thân càng lâu dài, giúp họ vượt qua được những thử thách, trở ngại dễ dàng trong tương lai.

loading...