Kiến thức
Xuất xứ, tên gọi và đặc trưng của 18 vị La Hán
Thứ hai, 15/01/2021 10:48
Trong Phật giáo, nhất là Phật giáo Bắc truyền, tên tuổi và hành trạng của mười tám vị La hán là một đề tài được gắn liền với nhiều huyền sử kỳ đặc.
Theo quan niệm dân gian, xuất xứ của mười tám vị La hán được diễn giải dưới những hành trạng khác nhau. Có khi đó là những tên cướp, nhân quy y Phật pháp và trở thành đệ tử Phật, tích cực ủng hộ Phật pháp. Có thể nói, có rất nhiều "dị bản" kể về hành trạng của các vị La hán này. Thế nhưng, căn cứ vào kinh Đại A La Hán Nan Đề Mật Đa La Sở Thuyết Pháp Trụ Ký (Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 49, tr.12c) thì thứ tự, tên gọi và hành trạng của các vị La hán được trình bày như sau:
1. Tôn giả Tân Độ La Bạt La Đọa Đổ
Ngài vốn xuất thân từ dòng tộc Bà la môn, là một đại thần của vua Ưu Điền ở thành Câu Xá Di. Tương truyền, sau khi chứng quả A la hán, ngài đã từng cưỡi một con hươu trở về Câu Xá Di và khuyên quốc vương nên xuất gia. Nhân sự kiện này, dân gian đã gọi Ngài là "La hán cưỡi hươu".
2. Tôn giả Ca Nặng Ca Phạt Tha
Tôn giả vốn là một luận sư với tài hùng biện trong xã hội Ấn Độ cổ đại, sau khi quy y Phật và chứng đắc Thánh quả, ngài nổi tiếng là một vị "thấu hiểu tất cả tiếng kêu của tội ác". Theo ngài, thành tâm hướng về Phật, hiểu rõ trong tâm mình có Phật, đó chính là an lạc (hỷ khánh) lớn nhất. Do vậy, Ngài còn được tôn xưng là "La hán Hỷ khánh".
3. Tôn giả Ca Nặc Ca Bạt Ly Đọa Đô
Hành trạng của vị La hán này rất kỳ đặc. Ngài thường du hành khất thực, gieo duyên khắp nơi. Tuy nhiên, do ngài thường dùng một cái bát sắt khi khất thực nên còn được gọi là "La hán Cử bát".
4. Tôn giả Tô Tần Đà
Vị Tôn giả này, lúc nào cũng cầm trong tay một ngôi bảo tháp thu nhỏ. Theo ngài, tháp là nơi giữ gìn Xá lợi Phật, giữ tháp bên mình là giữ gìn mạng mạch của Phật Tổ. Thế nên, vị La hán này còn được tôn xưng là "La hán Thác tháp".
5. Tôn giả Nặc Cự La
Xuất thân là một chiến binh, thường xông pha trận mạc cho nên tính cách ngài rất cương nghị, dũng mãnh. Về sau, khi xuất gia, ngài thường tĩnh tọa để hàng phục tính cách hung bạo ngày trước. Đây cũng là đặc điểm để nhân gian tôn xưng ngàu là "La hán Tĩnh tọa".
6. Tôn giả Bạt Đà La
Tương truyền, ngài chuyên lo việc tắm rửa trong các chốn thiền lâm. Bạt Đà La còn được gọi là "Hiền" vì mẹ ngài hạ sinh ngài ở dưới gốc cây Bạt đà la, tức là cây "Hiền". Sau khi chứng đắc A la hán, ngài một mình cưỡi thuyền đi hoằng hóa ở các quần đảo miền đông Ấn Độ. Do đó, ngài còn có tên là "La hán Quá giang".
7. Tôn giả Ca Lý Ca
Ngài vốn là một người thuần dưỡng voi. Tài nghệ của ngài rất thành thục và tương truyền, mỗi khi đi đâu, ngài đều sử dụng voi làm phương tiện chuyên chở nên còn được gọi là "La hán Cưỡi voi".
8. Tôn giả Phật Đổ La Phất Đa La
Khi còn ở thế tục, ngài là một thợ săn. Sau khi xuất gia liền từ bỏ việc sát sinh chuyên tu thiện nghiệp. Tương truyền, trước đây, muôn thú gặp ngài đều hoảng sợ. Thế nhưng, sau khi chứng quả A la hán, ngài không còn là nỗi đe dọa cho muông thú nữa, thậm chí có một con sư tử vẫn thường quấn quyết bên ngài. Đây cũng là lý do để ngài được tôn xưng là "La hán Đùa với sư tử".
9. Tôn giả Nhung Bác Ca
Ngài vốn là thái tử của một tiểu quốc vùng Trung Ấn. Vì muốn tranh vương vị với ngài nên người em trai đã nổi lên làm loạn. Ngài không những không trừng phạt em mình mà còn nhường ngôi cho em. Cảm kích việc làm của anh, người em của ngài tỉnh ngộ và đây cũng là lý do để sau khi chứng quả A la hán, ngài còn được tôn xưng là "La hán Khai tâm".
10. Tôn giả Bán Thác Ca
Tương truyền, ngài được sinh ra ở bên đường (đại lộ biên sinh). Đây là nghĩa được phiên dịch từ tên của Ngài. Khi ngồi thiền, ngài thường ngồi bán già. Đặc biệt nhất là khi xả thiền, ngài thường giơ hai tay lên trời và hít một hơi thật dài. Do đó, ngài còn được gọi là "La hán Thám thủ".
11. Tôn giả La Hỗ La
Còn được gọi là La Hầu La - vị mật hạnh đệ nhất. Ngoài cương vị là một trong mười đại đệ tử của Phật, La Hầu La còn là một trong mười tám vị La hán. Trước khi chứng quả, theo kinh văn ghi nhận, La Hầu La là một sa di với nhiều hoạt động kỳ đặc vì ngài có một mật hạnh riêng. Đây cũng là lý do để ngài được tôn xưng là "La hán Trầm tư" trong mười tám vị La Hán.
12. Tôn giả Na Già Tê Na
Ngài vốn là một nhà lý luận rất giỏi trong xã hội Ấn Độ cổ đại, sau khi xuất gia chứng đắc Thánh quả, ngài chuyên về "Nhĩ căn". Do đó, các tranh tượng của ngài thường mô ta một Tôn giả đang ngoáy tai. Đây cũng là cơ sở để dân gian gọi ngài là "La hán Ngoáy tai".
13. Tôn giả Nhân Kiệt Đà
Ngài vốn là một người bắt rắn, thường đeo trên mình một cái túi thuốc nhằm cứu chữa cho những ai bị rắn cắn. Do đó, khi mô tả hình dạng của ngài, người ta thường vẽ một vị La hán với túi vải trên lưng (khác với túi vải của Bố Đại Hòa thượng). Do bởi hàng trạng kỳ đặc ấy nên ngài cũng được tôn xưng là "La hán Túi vải".
14. Tôn giả Phạt Na Bà Tư
Phật Na Bà Tư có nghĩa là mưa. Theo truyền thuyết, ngài sinh ra nhằm lúc mưa to. Những hạt mưa rơi vào tàu lá chuối nên kêu rất to. Sau khi xuất gia, ngài chuyên đứng dưới cây chuối để tu tập nên còn được gọi là "La hán Ba tiêu".
15. Tôn giả A Thị Đa
Ngài là một người có nhiều điểm kỳ đặc. Một trong những điểm đó là khi mới sinh ra đã có một sợi lông mi dài màu trắng. Khi đã chứng quả A la hán, ngài được tôn cưng là "La hán Lông mi dài".
16. Tôn giả Trú Trà Bán Thác Ca
Điểm đặc biệt của vị La hán này là khi đi khất thực, ngài thường dùng đầu của mình gọi người mở cửa để hóa duyên. Về sau, ngài sử dụng một cây tích trượng, khi đi khất thực, ngài rung cây tích trượng để báo cho mọi người biết. Do đó, ngài còn có tên gọi là "La hán Khán môn".
17. Tôn giả Khánh Hữu
Tương truyền, Long Vương trong một lần nhấn chìm toàn bộ nước Na Kiệt ở Ấn Độ, Tôn giả Khánh Hữu đã ra tay hàng phục được Long Vương, do đó ngài còn được tôn xưng là "Hàng long La hán".
18. Tôn giả Tân Đầu Lô
Tích xưa kể rằng, gần ngôi chùa ngài Tân Đầu Lô ở có một con hổ dữ, ngày đêm la hét. Ngài cảm thương, nghĩ rằng con hổ này bị đói nên đã đem ít thức ăn cho nó. Qua một thời gian, ngài thu phục được hổ dữ và nó cùng ngài làm bè bạn. Do đó, ngài cũng được tôn gọi là "Phục hổ La hán".
Có thể nói, tên gọi cũng như hành trạng của mười tám vị La hán được diễn giải dưới những "di bản" khác nhau. Tùy theo không gian, bối cảnh văn hóa, quan niệm của dân gian mà có sự đa dạng, phong phú về hành trạng của Thập bát La hán. Điểm tương đồng lớn nhất, đó là những vị La hán có công lao lớn trong sự nghiệp bảo vệ, hoằng truyền chánh pháp cũng như khẳng định tính thiết thực, khả thi trong những lời giáo huấn của Đức Thế Tôn.