Kiến thức

Ý nghĩa của bố thí ba la mật trong đạo Phật

Thứ năm, 23/02/2024 05:30

Bố thí ba la mật là một trong 6 hoàn thiện của Bồ tát. Những người làm tất cả vì lợi ích chúng sinh nhưng không có tâm mong cầu thành quả, không dính mắc vào người làm, phương tiện và các đối tượng. Đây được gọi là vô sở cầu vô sở đắc.

Bố thí là một hành động tích cực, chúng ta sẽ tích lũy rất nhiều công đức nếu thường xuyên thực hiện hành động này. Nhưng dù bạn có cho hết những gì bạn có trong cuộc đời, bạn vẫn có thể gặp phiền não nếu bố thí sai phương pháp.

Bố thí có nghĩa là cho đi những gì thuộc về mình như: Vật chất, thời gian, công sức và cũng bao gồm việc hướng dẫn tinh thần cho những ai cần nó. Tuy nhiên, động cơ để khiến một người thực hành bố thí khá là đa dạng.

Có người bố thí vì một mục tiêu đen tối đằng sau nó, háo danh, tạo cho họ cảm giác tốt về bản thân, cầu mong trời Phật phù hộ độ trì cho người thân đang gặp nạn hay chỉ đơn giản là hy vọng một phần thưởng nào đó từ hành động này. Đây là những động cơ bố thí không tinh khiết, vì nó luôn đính kèm theo điều kiện.

Đức Phật dạy rằng, khi chúng ta trao cho người khác dù là vật chất, công sức hay kiến thức, chúng ta cũng không mong đợi phần thưởng. Chúng ta tặng mà không gắn bó với món quà hay người nhận. Chúng ta thực hành bố thí là để giải phóng lòng tham, bám víu và đồng thời gửi niềm vui, hạnh phúc đến với mọi người.

Một số người nói rằng, làm Phật sự, thiện sự là tốt vì nó sẽ tích luỹ công đức và tạo ra nghiệp lành đem lại hạnh phúc trong tương lai. Tuy nhiên, ngay cả điều này là cũng là sự bám lấy và mong đợi phần thưởng. Trong 6 Pháp hành quan trọng trên con đường Bồ tát, bố thí ba la mật đứng đầu danh sách.

Làm sao để tu sáu ba la mật trong sinh hoạt hằng ngày?

240654528_1057334148410121_8665804584406796757_n

Bố thí ba la mật là gì?

Ba-la-mật: Có nghĩa là hoan hỷ, háo hức để qua bờ bên kia, bờ của những vị giác ngộ luôn hướng về chúng sinh mà không mong cầu thành quả.

Bố thí ba la mật hay bố thí không trụ tướng trong tiếng Phạn là Dana paramita. Nó bao gồm 3 phương diện được gọi là Tam Luân Không Tịch. Tức là không thấy người cho, vật cho và người nhận. Đây là 3 yêu cầu để người thực hành bố thí ba la mật không vướng dính vào cái tôi của mình.

Thứ 1: Không xem mình là người ban tặng hạnh phúc cho người khác, và không kỳ vọng người khác phải đền ơn lại mình.

Thứ 2: Không xem người khác là kẻ thọ ơn, người phải mang ơn hay chịu ơn.

Thứ 3: Không quan trọng hóa tặng phẩm mà mình mang đến hiến tặng người khác, cho dù nó có giá trị to lớn. Khi đã cho tặng vật chất, công sức hay tinh thần rồi thì nó thuộc về người khác mình không còn vướng kẹt vào nó nữa.

Ví dụ: Người con mỗi tháng chia 1 phần tiền lương cho cha mẹ già, cha mẹ lấy số tiền đó cho các anh chị em của mình đang thất nghiệp thì người con ích kỷ đó bắt đầu la rầy cha mẹ: “Con tặng tiền cha mẹ để cha mẹ hưởng phúc tuổi già chứ không phải để cho lại anh 2, chị 3 hay em tư. Nếu biết như thế con sẽ không cho tiền cha mẹ nữa!”

Hành động cho tiền ba mẹ này vi phạm quyền tự do sử dụng của người được chúng ta tặng biếu. Vì chúng ta còn chấp vào vật tặng biếu nên chưa được ba la mật.

Trong kinh Tăng Chi thì bố thí ba la mật không trụ tướng được hiểu như sau:

Thứ 1: Hoan hỷ và gấp rút trước khi bố thí. Ví dụ mình biết có một Phật sự sẽ diễn ra vào ngày mai, mình sẽ không trì hoãn nó mà háo hức chờ đợi ngày đó với một niềm vui lớn để làm 1 việc nghĩa, việc thiện có lợi ích cho mình và cho người.

Thứ 2: Hoan hỷ khi đang làm việc bố thí. Dù ngày hôm đó nắng quá nóng hay mưa quá nhiều, hay người nhận tặng phẩm không hề biết ơn mà còn nói những lời hờn trách. Chúng ta cũng không nên trỗi lên phiền não nhằm tránh tạo ra hiện tượng bồ đề gai. Phải vui, vì biết rằng tôi đang làm một việc tốt.

Thứ 3: Hoan hỷ sau khi bố thí xong. Mình không tiếc nuối nữa, sau này người đó có trả chúng ta bằng oán thì chúng ta cũng không nên ray rứt khó chịu, hối hận.

Ba la mật không có thái độ đó, thời điểm đó trong không gian đó, ta làm một việc nghĩa đó cho con người đó. Việc nghĩa đó đã kết thúc, sau này người đó có biết ơn mình hay không là chuyện của họ, mình không nên quan tâm. Đây gọi là bố thí không trụ tướng hay bố thí ba la mật trong kinh Tăng Chi.

Dù 2 nguồn kinh điển Pali và Đại Thừa có quan điểm khác nhau về bố thí ba la mật, thì điểm trọng yếu mà chúng ta cần lưu tâm là: Khi làm 1 việc nghĩa, việc thiện chúng ta nên hiểu rõ là chúng ta đang làm cho chính mình để hoàn thiện đạo Bồ tát, từ đó hướng đến quả vị giác ngộ – giải thoát.

Nhận thức đúng đắn về Cho - Nhận

Điều quan trọng cần nhớ là trong bố thí ba la mật thì không có: Cho người không muốn nhận, cho những thứ không phù hợp hoặc không cần thiết với người nhận vào thời điểm đó. Việc cho và nhận phải cùng phát sinh, không thể từ một phía, cho và nhận, nhận và cho là một. Cho đi và tiếp nhận với sự hiểu biết này gọi là sự hoàn hảo của việc bố thí.

260727855_1353773005077726_3210091734380255048_n

Tại sao cho và nhận lại là một? 

Bố thí là trống rỗng, không có chủ thể và đối tượng. Nếu là chúng ta phân loại chúng ta thành người cho, người nhận và vật phẩm, chúng ta vẫn thiếu ba la mật. Trong Phật giáo, sự dính mắc xuất phát từ một thói quen của tâm trí khiến thế giới trở thành “tôi” và “mọi thứ khác”.

Nếu có điều kiện đứng sau việc bố thí sẽ dẫn đến việc sở hữu và xu hướng thao túng tất cả mọi thứ, bao gồm con người. Để không có điều kiện kèm theo trong thực hành cho – nhận, chúng ta phải nhận ra rằng, không có gì là thực sự riêng biệt, vạn vật tồn tại là nhờ tương quan lẫn nhau (xem thêm Tánh không).

Điều này giúp chúng ta hiểu ra người cho và người nhận là một. Và món quà cũng không tách rời. Vì vậy, chúng ta không mong đợi “phần thưởng” từ người nhận, bao gồm cả một “lời cảm ơn”. Chúng ta không kèm theo điều kiện khi thực hành bố thí ba la mật.

Chúng ta sẽ không bị vướng kẹt vào chủ nghĩa thành quả, rằng chúng ta mặc cả nhân quả về những việc làm thiện mà chúng ta đang làm.

Chẳng hạn như phần lớn người tham gia hiến tặng tiền để mổ mắt cườm có nguyện vọng rằng: Tôi nguyện cho tôi và người thân không bị mù, bị lé, bị cận thị, loạn thị…có được một con mắt khỏe mạnh đến già.

Đây là hành động tích cực nhưng nó vẫn còn kèm theo kỳ vọng nên được gọi là bố thí chấp tướng, bố thí chưa đạt trình độ ba la mật. Do đó, chúng ta phải tập thay đổi nhận thức về bố thí, xem việc làm thiện là khẩn thiết, cần làm, hoan hỷ làm và làm xong rồi chúng ta quên đi.

Mặc dù người thực hiện bố thí ba la mật không cần sự đờn ơn của người nhận, nhưng người nhận phải luôn ghi nhớ điều đó để có thể đáp nghĩa khi có cơ hội. Người nhận phải lấy người cho làm tấm gương mà cố gắng thực hành ba-la-mật để tránh phiền não khi làm những việc thiện.

Bố thí ba-la-mật đôi khi được dịch là “sự hoàn hảo của lòng quảng đại.” Một tinh thần hào phóng không chỉ đơn giản là trao tiền cho tổ chức từ thiện. Đó là một tinh thần đáp ứng với thế giới, cho đi những gì cần thiết và thích hợp vào thời điểm đó. Tinh thần quảng đại này là một nền tảng quan trọng trên con đường hành đạo Bồ tát.

loading...