Kiến thức
Ý nghĩa của lễ Phật đản
Thứ ba, 10/05/2021 01:32
Cách đây hơn 2.500 năm, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ra đời vào ngày trăng tròn tháng 4 Âm lịch tại khu vườn Lâm Tỳ Ni, xứ Ca Tỳ La Vệ thuộc miền Bắc Ấn Độ.
Những người con Phật trên toàn thế giới hàng năm đã lấy ngày trăng tròn tháng 4 Âm lịch làm ngày Phật đản, hay còn gọi là Đại lễ Vesak kỷ niệm 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đó là kỷ niệm ngày đản sinh, ngày thành đạo và ngày Ngài nhập Niết Bàn.
Năm 1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra nghị quyết công nhận Đại lễ Phật đản hàng năm là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên hợp quốc, vì hòa bình của nhân loại, nhằm tôn vinh giá trị giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để lại cho nhân loại trong quá trình tu tập, hoằng pháp và độ sinh.
Kỷ niệm Đại lễ Phật đản của Phật giáo Việt Nam cũng là dịp để tiếp tục phát huy tư tưởng giáo lý của Đức Phật trong sự nghiệp hoằng dương đạo pháp, lợi lạc quần sinh và bảo vệ hòa bình, góp phần xây dựng đất nước. Đây còn là dịp để cộng đồng xã hội có thêm hiểu biết và lan tỏa những giá trị đạo đức, văn hóa và tâm linh của Phật giáo.
Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay, giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả), thực hành bố thí và làm việc từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.
Ở Việt Nam, lễ Phật Đản luôn được tổ chức trang trọng. Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào ngày rằm tháng 4, Giáo hội các tỉnh thành còn tổ chức diễu hành, làm lễ, thả hoa đăng trên sông, tổ chức thuyết giảng về Phật pháp xen kẽ các buổi văn nghệ, đèn lồng, làm lễ đài tổ chức…
Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp để tưởng nhớ Phật. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.
Tại các chùa, Phật tử thường dựng lễ đài lớn, trang trí các xe hoa. Tuy nhiên, tất cả những việc này đều được thực hiện sao cho không gây tốn kém nhiều, không phung phí, tất cả được thể hiện bằng tấm lòng thành vốn là đạo lý nhà Phật.
Một trong những nghi thức quan trọng nhất không thể thiếu chính là: Tắm Phật. "Tắm Phật trong ngày lễ Phật đản là để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Ngài đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau. Tắm Phật là tắm những phiền não ở trong lòng, gột rửa đi những sân hận để cho tâm được thanh lương mát mẻ hướng đến một đời sống an lạc".
Chử Thị Kim Phương
Viện Nghiên cứu Tôn giáo