Kinh Phật

Ý nghĩa của việc tụng Kinh Pháp Hoa

Chủ nhật, 04/08/2021 01:51

Tụng Kinh Pháp Hoa là để khai hóa, chỉ cho mọi người thấy rõ, mỗi người là một hoa sen, mặc dù bản chất của nó là thơm nhưng vẫn ở trong mùi bùn. Hoa sen tuy ở trong bùn mà không dính mùi bùn, trái lại còn mang hương thơm dâng hiến cho đời.

Biết vậy thì tự mình phải trân quý hoa sen trong bản thân mình, làm cho Phật tánh trong mình tỏa rạng hơn lên và phải kềm chế lòng tham, sân, si trong tâm mình. Nếu không kềm chế, không sửa chữa thói hư tật xấu thì làm sao mà thành Phật được, làm sao mà giáo dục con cái, cải hóa xã hội cho tốt hơn được.

Muốn làm Phật thì phải học Kinh Pháp Hoa, bằng cách miệng không tạo nghiệp dữ mà nói điều lành, thân không làm điều ác mà phải làm điều thiện, ý không nghĩ điều ác mà luôn luôn hướng thiện. Nhưng tiếc rằng, chúng ta chỉ tạo nghiệp lành trong khi tụng kinh, còn khi không tụng kinh thì nghiệp cũ đâu vẫn hoàn đó. 

Muốn làm Phật thì phải học Kinh Pháp Hoa

Muốn làm Phật thì phải học Kinh Pháp Hoa

Nói như thế để biết rằng, trong khi mình đi tụng kinh là đang làm điều lành, đem lại an vui cho mọi người và cho xã hội được an lành hạnh phúc.

Ý nghĩa pháp phương tiện và chân thật theo kinh Pháp hoa

Do vậy, chúng ta phải áp dụng lời Kinh đã tụng trong đời sống hằng ngày bằng cách nào cho có lợi nhất? Theo tôi, khi các Phật tử ngồi bán ngoài chợ cũng tưởng tượng như mình đang ngồi trong chùa mà tụng Kinh Pháp Hoa, nghĩa là không tạo thân ác, khẩu ác, ý ác mà phải tạo nghiệp thiện cả về thân, khẩu, ý. Đó là cách tụng Kinh Pháp Hoa đem lại lợi cho mình, lợi người một cách hữu ích nhất.

Tụng Kinh Pháp Hoa có hai cái lợi là lợi về tinh thần và lợi về vật chất. Thường thường người ta hay nhìn vào cái lợi vật chất là chủ yếu, nghĩa là làm sao kiếm cho ra nhiều tiền nhiều của, nhiều danh lợi. Còn về tinh thần thì cái gì không thấy, không bắt, không nắm được thì không cho là có lợi. Tuy nhiên cái lợi vật chất cũng quí, nhưng cái lợi tinh thần mới là cao quí hơn hết.

Thử hỏi nếu như con người không có đạo đức thì dù con người đó có ở trên vàng bạc, danh lợi, trên mâm cao cỗ đầy, có còn xứng đáng là con người hay không? Người mà không có đạo đức thì dầu người đó có quyền thế, của cải giàu có bao nhiêu, thử hỏi họ mang lại lợi ích và an lạc gì cho ai không? Như thế tức nhiên ta sẽ có câu trả lời. Đó là có vật chất thì phải có tinh thần, tinh thần ở đây là đạo đức trong sáng và hướng thượng, đó là sự Giác ngộ. Có Giác ngộ thì mới cứu giúp mọi người ra khỏi sông mê, bể khổ để lên bờ giải thoát. Theo tôi đó là một điều lợi cao quý vô cùng. Chính Đức Phật muốn nhắc nhở cho chúng sinh điều lợi đó, cho nên Ngài xả bỏ quốc thành thê tử để đi tu. Đi tu là để dạy cho chúng sanh một bài học rằng: Đừng nghĩ làm vua là sướng. Theo Ngài thì làm vua không sướng đâu, và những người giàu vàng giàu bạc cũng chưa chắc đã có hạnh phúc. Nếu thật sự hạnh phúc thì Ngài đã hưởng rồi sao lại bỏ nó? Vì Ngài cho nó là cái hạnh phúc mong manh, hẹp hòi, ích kỷ nên Ngài bỏ nó để đi tìm một thứ hạnh phúc lớn lao hơn. Đó là hạnh phúc của sự Giác ngộ, của tâm Từ bi. Lời Ngài dạy có tác dụng là thức tỉnh chúng sanh đừng có mê muội, phải luôn luôn tỉnh giác, sáng suốt. Khi tâm ta sáng suốt thì đó là một sự lợi ích lâu dài, còn không sáng suốt tức là mê muội và sẽ sống trong vòng loanh quanh, nếu có hạnh phúc thì hạnh phúc ấy có vui nhưng dễ tan vỡ. 

Có một lần Đức Phật ngồi giữa đám cỏ, có người đi ngang qua hỏi Ngài rằng:

Sa-môn Cù Đàm ngồi một mình như vậy có sầu muộn không? Đức Phật trả lời: Ta mắc chi mà sầu muộn! Anh ta liền hỏi: Ngài không sầu muộn chắc là Ngài hoan hỷ? Ngài trả lời: Ta được gì mà hoan hỷ! Anh ta ngạc nhiên và nghĩ: Không sầu muộn thì hoan hỷ, không hoan hỷ thì sầu muộn, cớ sao ở đây Ngài sầu muộn cũng không, mà hoan hỷ cũng không? Biết tâm lý hoang mang của người kia, Ngài mới nói: Sầu muộn chỉ đến với người có tâm hoan hỷ, hoan hỷ chỉ đến với người có tâm sầu muộn. Ta đây đã dứt hết tâm sầu muộn rồi, nên Ta không sầu muộn cũng không hoan hỷ. Tâm ta không giao động. Đó là một lời dạy cao siêu để chúng ta học và suy gẫm.

Sầu muộn chỉ đến với người có tâm hoan hỷ là thế nào? Bây giờ đây ta có được một thỏi vàng bỏ trong túi thì hoan hỷ lắm (tâm người hoan hỷ), nhưng ra đường nó rớt đâu mất tìm không ra (sầu muộn). Nếu người không có vàng trong túi thì có rớt đâu mà sầu, có vàng đâu mà hoan hỷ. Tôi có một cục vàng trong túi tôi mừng quá, nên tôi hoan hỷ. Giờ đây nó rớt mất nên tôi mới sầu muộn. Còn như chúng ta làm gì có vàng đâu để rớt mà sầu muộn, và không có vàng trong túi làm gì có hoan hỷ. Thế là sầu muộn chỉ đến với người có tâm hoan hỷ.

Hoan hỷ chỉ đến với người có tâm sầu muộn là sao? Ví như tôi đang đói là sầu muộn (đang sầu muộn). Nếu ai đó cho tôi một ổ bánh mì ăn, hết đói tất nhiên là hoan hỷ. Đó là hoan hỷ chỉ đến với người có tâm ầu muộn. Nhưng mà cái hoan hỷ, cái sầu muộn đó đều do cái duyên bên ngoài tạo ra hết. Có cục vàng thì hoan hỷ, mất cục vàng thì sầu muộn, có ổ mì ăn thì hoan hỷ, hết ổ mì ăn thì sầu muộn, đều do cái duyên bên ngoài tạo ra. Cho nên cái hoan hỷ, cái sầu muộn đó rất mong manh, chỉ có trong vòng đối đãi, nó cứ nói đuôi nhau, hết hoan hỷ đến sầu muộn, hết sầu muộn lại hoan hỷ. Đức Phật đã vượt lên cái hoan hỷ và sầu muộn đối đãi đó và Ngài đã tạo cho mình một cái hoan hỷ chính trong lòng Ngài, không cần có vàng Ngài mới hoan hỷ, mà cũng không phải vì mất vàng mà Ngài sầu muộn. Vì Ngài đã vượt lên trên sự hoan hỷ và sầu muộn đó nên Ngài được tự tại trên cái hoan hỷ giải thoát đó.

Ở đây, các Phật tử thấy tượng Phật ngồi trên tòa sen khi nào cũng luôn luôn hoan hỷ, khi nào miệng cũng mỉm cười luôn, không có sầu không có muộn. Còn chúng ta lắm khi sầu thì nhăn mặt khó coi lắm, trái lại khi cười thì miệng toe toét cũng khó nhìn lắm. Còn Đức Phật thì khi nào cũng vậy, dáng ngồi bình thản tự tại, trên diện của Ngài không tỏ gì là sầu muộn, không có chút gì là khoái trá, không có chút gì hí hửng hoan hỷ hết. Chính đó là niềm vui giải thoát bất diệt.

Phật dạy, người trì Kinh Pháp Hoa, ví như người đào giếng trên cao nguyên, là việc làm vô cùng khó khăn, cao nguyên ví như đồng hoang sinh tử.

Phật dạy, người trì Kinh Pháp Hoa, ví như người đào giếng trên cao nguyên, là việc làm vô cùng khó khăn, cao nguyên ví như đồng hoang sinh tử.

Từ kinh Pháp hoa nhìn về kinh Nguyên thủy

Theo Phật, tụng Kinh Pháp Hoa chúng ta cố gắng nhìn lên tượng Ngài, cố gắng suy nghĩ lời Ngài dạy, cố gắng thâm nhập đạo lý vi diệu của Ngài để làm cho lòng chúng ta thắm nhuần lời dạy của Ngài, để thâm tâm luôn được nhẹ nhàng hoan hỷ, sống trong cuộc đời hiện tại với tâm bao dung hỷ xả, lấy đó làm hành trang cho cuộc đời. Tương lai mai sau nhờ nghiệp báo tốt này, nhờ cái thắng duyên đó mà chúng ta cùng được vào trong các cảnh giới hoan hỷ. Được như vậy, tất cả chúng ta mới thấy rõ được cái ân đức của Phật lớn lao lắm, chứ không phải là chuyện bình thường. Mặc dầu có đôi lúc chúng ta cầu xin Phật chuyện này chuyện khác, điều đó là chính đáng, nhưng chính đáng hơn hết là thấm nhuần theo đạo lý Giác ngộ của Ngài, để giác ngộ tự lòng mình (tự giác) và giác ngộ cho người khác (giác tha), đó là điều hạnh phúc lớn lao cho tất cả chúng ta.

Cầu mong cho tất cả các Phật tử chúng ta, phát tâm dõng mãnh, luôn luôn thủy chung trì tụng Kinh Phật mà tu hành theo lời Phật dạy, đó mới là chơn hạnh phúc lâu dài.

loading...