Kiến thức

Ý nghĩa cùng tử

Chủ nhật, 26/11/2023 08:42

Bốn vị Thánh Tăng là Ca Diếp, Mục Kiền Liên, Ca Chiên Diên và Tu Bồ Đề thuộc hàng thập đại đệ tử của Đức Phật. Các Ngài nói thí dụ cùng tử trong phẩm Tín giải thứ 4, kinh Pháp hoa.

Câu chuyện cùng tử mà bốn vị thượng thủ này trình bày với Đức Phật chắc chắn không đơn giản, lời nói của các Ngài phải hàm chứa ý nghĩa sâu xa, chúng ta cần suy nghĩ, tìm hiểu, và trắc nghiệm để nhận ra yếu nghĩa mà các Ngài chỉ dạy.

Câu chuyện nói về gã cùng tử bỏ cha trốn đi. Người cha đi tìm con lâu ngày không gặp, ông mới đến một thành nọ làm ăn và trở thành người giàu có được nhiều người hầu hạ. Qua hình ảnh ông trưởng giả, kinh Pháp hoa muốn nói đến các vị Bồ-tát thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vì thương nhân gian mà sanh lại cuộc đời này, các Ngài có năng lực là Phật nhưng hiện thân vào trần gian đóng vai người bình thường, nên thừa sức cứu giúp chúng sanh.

Chúng ta thấy rõ ý này trong sinh hoạt cuộc đời. Người có tài làm chức nhỏ thì dễ hoàn thành công việc. Trái lại, người năng lực kém, nhưng nhờ thân thế được cất nhắc làm chức vụ lớn thì người trí thấy đó là tai họa. Cũng vậy, hàng phàm phu mà đóng vai Thánh Tăng thì nguy hiểm vô cùng, vì họ có thể lường gạt được vài người, nhưng với thời gian, cái dở, cái xấu cũng bị phát hiện.

Ông trưởng giả vào sống trong xóm nghèo nhưng chẳng bao lâu, với tài năng cao tột, ông trở thành người giàu có. Điều này ví cho Thái tử Sĩ Đạt Ta mang thân người, nhưng Ngài có 32 tướng tốt, có sức khỏe phi thường, sức thông minh kỳ vĩ… Đó là những điểm ưu việt rất quan trọng của con người, nên Ngài làm được nhiều việc siêu phàm của bậc Thánh.

Người ta thường nói sức khỏe là vàng. Người có sức khỏe tốt dễ làm được nhiều việc, không có sức khỏe chẳng làm được gì. Bệnh tật không thể sanh ra với người có sức khỏe tốt, vì cơ thể họ có khả năng đề kháng tất cả bệnh tật. Phật cũng dạy sức khỏe tốt là một trong năm phước của con người. Thứ hai là có sức thông minh quan trọng hơn kiến thức. Vì kiến thức chỉ sử dụng được trong lãnh vực chuyên môn thôi, nhưng người thông minh đối trước việc khó khăn nào cũng giải quyết thành công.

Tu theo Phật, chúng ta không để mình kẹt vô pháp.

Tu theo Phật, chúng ta không để mình kẹt vô pháp.

Với đầy đủ phước đức và trí tuệ vô thượng, Đức Phật vào cuộc đời, ở hoàn cảnh nào, Ngài cũng hơn thiên hạ, ví như ông trưởng giả có cuộc sống sung túc, an vui. Mọi người sanh ra với hai bàn tay trắng, nhưng có người từ tay không mà dựng nên sự nghiệp. Đức Phật là như thế, hành giả Pháp hoa là như thế.

Ông trưởng giả quen biết những người có thế lực, giàu có mà họ thường nhờ vả ông, kinh diễn tả là ông có nhiều kẻ hầu người hạ. Còn gã cùng tử không có tài năng, không tiền bạc, trí khôn cũng không có thì đương nhiên phải làm thuê mướn, phải nghèo.

Ông trưởng giả và gã cùng tử cùng ở một chỗ, nhưng đi lập nghiệp thì trưởng giả tạo được sự nghiệp to lớn, trở thành giàu có. Còn gã cùng tử lang thang từ xứ này đến xứ khác, sống lầm than cơ cực nhưng cơm không đủ ăn.

Bốn vị Thánh nói thí dụ cùng tử cho chúng ta suy nghĩ rằng cũng là con người, cũng đi tu, nhưng có người tu trở thành Hiền thánh, có người tu rớt xuống, thành ma quỷ.

Ông trưởng giả và gã cùng tử cùng bỏ xứ ra đi, nhưng hai người này gặp lại nhau trong hoàn cảnh rất đặc biệt là cùng tử lạc vào cung điện của ông trưởng giả khiến anh ta khiếp sợ, liền bỏ chạy. Lúc đó, ông trưởng giả nhận ra cùng tử là con của ông, nghĩa là anh ta có hạt giống Phật, có căn lành.

Điều này gợi cho chúng ta biết rằng nghèo hay giàu tùy theo phước báo, nhưng quan trọng là tu được hay không thì tùy theo căn lành. Vì vậy, kinh Pháp hoa, phẩm 28, Phật nói muốn tu Pháp hoa phải có căn lành mới được Phật hộ niệm. Tôi thường nói giống như chúng ta có điện thoại thông minh mới tiếp nhận được thông tin toàn cầu.

Trưởng giả thấy cùng tử ốm o, đen xấu, nhưng có hạt giống Phật thì Phật độ được. Các vị Thánh nói thí dụ này là nói thân phận các Ngài từng tu theo ngoại đạo làm đủ cách, nhưng vẫn khổ sở, không được gì, quanh năm suốt tháng phải ôm phận nghèo, nói cách khác, cũng ở trong sinh tử khổ đau. Nhưng các Ngài trở về, gặp được Phật thì thân tâm hoàn toàn khác hẳn.

Thật vậy, Phật đã thành tựu trí tuệ vô thượng, nên Ngài biết rõ tất cả sự việc. Trong khi Bà-la-môn nói đủ thứ, nhưng thực ra họ không nắm bắt được chân lý, vì thế họ cứ tranh cãi hơn thua. Phật dạy hơn thua sẽ dẫn đến việc người thắng sanh kiêu, người thua sanh oán. Sống trên đời mà cứ nghĩ cách hơn thiên hạ, nhưng hôm nay mình hơn thì ngày mai có người khác hơn, rõ ràng cuộc đời là như vậy.

Phật nói biết được cách sống, ta không hơn thua, nhưng không bao giờ thua. Điển hình Xá Lợi Phất là nhà hùng biện, đại luận sư nổi tiếng gặp Mã Thắng, Ngài không nói gì, nhưng Xá Lợi Phất đã cảm thấy thua. Và ông được Mã Thắng dẫn về gặp Phật, dù Phật chưa nói lời nào, ông cảm thấy ông chỉ xứng đáng là đệ tử của Phật thôi.

Vì vậy, trong thế giới tu hành, kiến thức, học vị, học hàm để qua một bên, có chứng ngộ mới là việc cần thiết. Biết trên sách vở thì ai cũng biết, nhưng biết chân lý rất khó.

Khi gã cùng tử bỏ chạy, ông trưởng giả sai hai vị Bồ-tát thượng thủ ở hội Hoa Nghiêm có uy đức vô song, đó là Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền đuổi theo. Văn Thù cỡi sư tử tiêu biểu cho sức mạnh và nhanh của loài chúa sơn lâm mà muông thú đều kinh sợ. Phổ Hiền cỡi voi trắng sáu ngà cũng tiêu biểu cho sức mạnh, vì voi kéo nặng lại đi ngược dốc nhưng không loài thú nào ngăn cản được nó.

Khi Phật sơ thành đạo ở hội Hoa Nghiêm, bốn vị Thánh này cũng tới pháp hội được vì các Ngài có tu thiền nên vào được thế giới thiền định, thế giới tâm linh và thấy biết những điều kỳ diệu. Các Ngài mới có kinh nghiệm mà nói về Phật, hay nói chân lý để chúng ta suy nghĩ, thực tập.

Về việc vào thiền định, cần lưu ý, người tu phải có căn lành mới vào Chánh định, thâm nhập được thế giới Phật, Bồ-tát, thấy được những điều bình thường không biết. Nếu không có căn lành mà vào định thì trở thành than nguội củi mục, không biết gì. Hoặc người có nghiệp ác vào định thì rớt vô tà định, vì lòng còn nhiều tánh xấu, khi vào định, tánh xấu sẽ hiện lên, dẫn họ vào thế giới ma liền. Tu hành có Chánh định và tà định khác nhau là vậy. Nhờ căn lành mới gắn kết vào Chánh định. Tu khó ở điểm này.

Ở hội Hoa Nghiêm, các Bồ-tát lớn đông như vi trần, các Thánh đệ tử mới tự nghĩ đâu phải là thế giới của họ. Vì các Ngài xuất thân từ ngoại đạo, cứ ngày đêm bái lửa cầu Phạm Thiên, Đế Thích che chở cho được bình yên, chứ làm sao sống ở thế giới này được.

Vào hội Hoa Nghiêm mới thấy Phạm Thiên thỉnh Phật thuyết chân kinh. Thấy như vậy, đương nhiên phải sợ, vì các Ngài kính phục Phạm Thiên, nhưng Phạm Thiên lại nhỏ nhất trước uy đức của Phật.

Ở hội Hoa Nghiêm, sau khi Phật thuyết kinh Hoa nghiêm cho các Bồ-tát, Phật có thể vào Niết-bàn, nhưng vì Phạm Thiên thỉnh Phật khai phương tiện để cứu vớt nhân gian, vì những người ở nhân gian không thể vào hội Hoa Nghiêm được, họ cần có pháp thích hợp để họ tu được.

Kinh nói ý này rằng gã cùng tử thấy trưởng giả khiếp sợ, bỏ chạy qua xóm nghèo làm thuê mướn. Bấy giờ, trưởng giả không bảo Bồ-tát Văn Thù và Phổ Hiền, nhưng ông sai một người chột mắt và một người què chân để ví dụ cho pháp của Nhị thừa là Tứ Thánh đế và thập nhị nhân duyên. Hai pháp này thích hợp với loài người chúng ta, hay với người không có phước đức vì nghiệp chướng trần lao nặng quá, nên phải dùng pháp này để trừ khử nghiệp chướng.

Người chột mắt không thấy đường ví cho người tu nhưng tu mù, người què chân tiêu biểu cho người sáng mắt nhưng không có chân đi; hai người này kết hợp lại, dìu nhau đi, người có mắt nhờ người mù cõng. Hình ảnh này nhằm nói pháp tu của chúng ta đầu tiên thực tập Tứ Thánh đế và quán Thập nhị nhân duyên, nhờ đó phiền não nghiệp chướng trần lao của chúng ta tan lần, cho đến đắc Thánh quả.

Điển hình là Bàn Đặc chỉ quét lá, quét bụi, tức quét sạch tâm phiền não, thì trí mới sáng, thấy được chân lý, là đắc quả La-hán. Việc thực hành nhuần nhuyễn hai pháp Tứ Thánh đế và Thập nhị nhân duyên như vậy theo Phật đạo gọi là quét dọn phân nhơ, khác hẳn tu theo ngoại đạo luyện bùa chú nhưng kết cuộc bị quả báo đáng sợ.

Hai người chột mắt và què chân dụ dỗ cùng tử về làm cho ông trưởng giả, cũng làm việc quét dọn phân nhơ nhưng được trả lương gấp đôi. Nghe vậy, cùng tử liền bỏ xóm nghèo đi về làm thuê cho ông trưởng giả. Ý này các Thánh đệ tử muốn nói thân phận của các Ngài lúc còn ở ngoại đạo. Lúc đó, Ca Chiên Diên là chiêm tinh gia giỏi nhất, Mục Kiền Liên thông thạo bốn bộ kinh Vệ Đà. Tu Bồ Đề chuyên lý luận và Ca Diếp tu khổ hạnh bậc nhất.

Họ bỏ ngoại đạo, trở về học Phật đạo, Phật dạy từ nay, các ông không được dùng khôn ngoan, lý luận, tranh cãi nữa vì càng tranh cãi càng gây tội lỗi. Chúng ta thấy hai người không có hiểu biết mà gặp nhau thích nói đủ thứ, nhưng hai vị Thánh, hay hai Đức Phật ngồi lại thấy biết chân lý, thấy việc cần làm thì chẳng cần gì nói.

Bốn vị Thánh đệ tử hiểu ý Phật dạy mới nói rằng cùng tử dọn quét phân nhơ nghĩa là họ từ bỏ tất cả những gì họ đã học và làm trước kia ở ngoại đạo.

Tổ Phước Huệ nói ý này rằng kinh điển có 84.000 pháp môn tu phải học hết. Thuở nhỏ, tôi cũng phải học đầy đủ, nhưng đến lúc nhận ra việc học để hiểu biết chất đầy tiềm thức mà trí không sáng được, thì cái biết này trở thành phiền não. Thật vậy, hai người học rộng gặp nhau cãi hoài không dứt, không ai bằng lòng ai. Giới trí thức này cũng nguy hiểm, vì họ biết theo suy nghĩ riêng của họ, nên khó bằng lòng ý tưởng của người khác.

Tổ Phước Huệ bảo học hành không thiếu, nhưng tính ra đã quên hết. Nghĩa là trên bước đường tu, muốn trì kinh Pháp hoa, phải quên tất cả hý luận đã học, vì học để biết cách phá phiền não thì đó là pháp phương tiện mà Phật đưa ra, không phải để chúng ta kẹt phiền não. Ý này thường được Phật dạy rằng pháp của Ngài ví như thuyền bè để chở mọi người qua sông mê bể khổ.

Khi chúng ta còn mê thì còn khổ và tất nhiên còn cần kiến thức theo sách vở, nhưng hết mê hết khổ thì cũng không cần đến sự chỉ dạy theo sách vở; cũng như qua sông rồi thì bỏ thuyền, không đội thuyền lên đầu mà đi. Vậy mà phần lớn chúng ta đội thuyền, không chịu bỏ thuyền, đó là bệnh chấp pháp. Điều cần lưu ý là bỏ pháp với điều kiện phải chứng ngộ chân lý.

Vì lý này, Phật lập giáo khai tông không nói giới, đối với Thánh Tăng, Phật chỉ nói ba pháp quy y, vì sống với tập thể, tuân thủ ba pháp quy y cũng được an lạc, hòa hợp rồi. Và nếu thành Phật thì ba pháp quy y cũng bỏ luôn, tức chỉ sử dụng khi cần, không cần đem theo làm chi cho nặng. Hiểu như vậy, người tu muốn giải thoát thì học, thực tập và kiểm chứng, nhận thấy có kết quả rồi thì không dùng pháp đó nữa.

Tu theo Phật, chúng ta không để mình kẹt vô pháp. Tổ Phước Huệ bảo chúng ta quên hết, nhưng quên mà không biết gì là sai. Quên để tuệ giác sanh và tuệ giác sanh rồi thì mới bỏ tất cả dữ kiện đã học. Tuệ giác chưa sanh vẫn cần những dữ kiện này. Nói cách khác, khi chúng ta sáng mắt, thấy đúng mọi việc như thật thì tùy hoàn cảnh mà sử dụng pháp tương ưng, không cần lặp lại y khuôn cái có sẵn.

Thể hiện ý này, xưa kia Lão Tử vốn ít nói, nhưng có một người ưa nói đến la lớn rằng mặt trời hôm nay đẹp quá. Lão Tử nghĩ ông này vô duyên, ông thấy trời đẹp ta cũng thấy trời đẹp thì đâu cần phải nói.

Trở lại việc bốn Thánh đại đệ tử của Phật theo học pháp Phật để rửa sạch ba nghiệp. Lúc trước các Ngài biết để tranh cãi, nhưng nay biết để quét dọn phân nhơ, không tranh cãi nữa, kể cả ý thức tranh cãi cũng không có.

Ngày nay, quý vị nghe giảng, học pháp Phật, nhận thấy pháp nào ứng với nghiệp của chúng ta thì sử dụng phá được nghiệp hay hết bệnh, vì pháp được ví như thuốc để chữa bệnh. Hết bệnh thì không dùng thuốc nữa, đừng dùng thuốc đến mức trở thành ghiền thuốc, hay ghiền pháp.

Theo Phật, các vị Thánh đệ tử ví mình giống như cùng tử nghèo khó làm thuê mướn cho trưởng giả, hay làm tôi cho Phật. Các Ngài làm tôi trung thành khác với người làm tôi hèn hạ. Làm tôi trung thành chỉ nghĩ đến công việc mà làm, không hơn thua phải trái, tu để tâm hồn lắng yên trong sạch.

Các Ngài nói cùng tử làm việc cho trưởng giả nhưng vẫn ở am tranh của mình, nghĩa là làm nhưng không hưởng thụ, vì hưởng thụ sẽ tăng nghiệp chướng trần lao. Các Ngài chỉ thích tu để đắc đạo, để làm Phật, hết phiền não, ra khỏi sinh tử. Nói đơn giản, ở chùa, ít nhất trồng cây, quét sân, lau dọn… cũng có thành quả cho đạo khiến mình vui, đó là làm để tu, không phải để hưởng.

Còn người làm công hèn hạ làm ít muốn hưởng nhiều, luôn nghĩ đến quyền lợi nên thích lãng công đòi tăng lương.

Trưởng giả nói với cùng tử rằng anh nghèo nhưng không tham. Ông thử bằng cách cho cùng tử cái này cái nọ, nhưng anh không dùng. Ý này nhắc chúng ta tu hành, cái gì cần mới dùng. Không cần mà dùng thì mình thiếu nợ đàn na tín thí và sanh nghiệp.

Tôi có người bạn mà tôi học được điều hay. Trời lạnh, người bạn này được bạn đồng tu khác tặng một điếu thuốc lá để hút cho ấm. Ông tự nghĩ hút thuốc thấy ấm, nhưng sợ ghiền thuốc làm trở ngại việc tu hành của mình, nếu ngày mai không có thuốc hút thì sao. Vì vậy, trời lạnh ông không hút thuốc, không lệ thuộc thuốc hút, nhưng ngồi thiền, nhập định thì quên lạnh và nhập thiền được chẳng những cảm thấy ấm mà tâm được tự tại đối trước sự tác động của bốn pháp đói, khát, nóng, lạnh.

Đọc truyện cùng tử, hay thực tập hạnh của cùng tử, mình có nhiều thức ăn, nhưng chỉ ăn vừa đủ, hay thiếu một chút càng tốt, vì ăn dư thành bệnh. Trưởng giả nói các người nghèo khác tham quá, ăn thành bệnh. Còn cùng tử được cho nhiều nhưng không ăn, lại đem cho người khác là biết bố thí, chứng tỏ cùng tử là người tốt, nên trưởng giả giao cho ông quản lý gia tài. Từ đây, ông có cơ hội tiếp xúc với người trí thức, hay học hỏi với Hiền Thánh nên trí tuệ cũng được phát huy theo.

Nói cách khác, vào ở nhà trưởng giả là bước qua thế giới mới là thế giới thiền định, làm bạn với Hiền Thánh không lệ thuộc cuộc sống vật chất, không lệ thuộc ăn uống, nóng lạnh và làm bạn với chư vị Bồ-tát hành đạo khắp mười phương được Phật khen ngợi. Nhờ ở trong thế giới thiền định, thân cận chư vị tu chứng cao đã nuôi dưỡng tâm hồn và năng lực của cùng tử mở rộng vô cùng. Nhận thấy cùng tử có chí lớn và có khả năng thay thế trưởng giả làm được việc lớn, nên cuối cùng trưởng giả mới giao gia tài cho cùng tử.

Tổ Phước Huệ diễn tả ý này như sau: “Cùng tử nhiệm Đại thừa chi vinh hoa, bình sanh đắc vị tằng hữu chi công đức”. Ở đây muốn nói cùng tử nhận được kinh Pháp hoa, tức được sự vinh hoa tột bậc, nghĩ không bao giờ có mà lại được. Cốt lõi điều này là nghèo mà không hèn, nghèo mà không tham. Nghèo mà tham, kinh Pháp hoa gọi là người làm công hèn hạ, trước mắt họ có thể được vài món lợi, nhưng về lâu dài, vì tham lam nên họ không được Hiền Thánh chấp nhận thì suốt đời họ phải làm mướn chỉ được hưởng cái giá ít ỏi.

Còn cùng tử không tham, không hèn, được trưởng giả cho vào nhà quản lý gia tài, làm bạn với La-hán, Bồ-tát thì sự nghiệp đương nhiên trở thành lớn lao đến mức độ bất khả tư nghì, tức không hiểu được.

Thật vậy, điều này không phải chỉ có trong kinh điển, mà trên thực tế cuộc sống, có người tuy không giỏi, nhưng thành quả họ tạo được quả là khó hiểu. Lúc tôi tu học ở Nhật, ông Ikeda, Hội trưởng Soka Gakkai là người nghèo, nhưng ông không hèn, không tham, mà được Phật hộ niệm, được các Bồ-tát hợp tác, nên ông thành lập hội Pháp hoa, lúc đó có trên 16 triệu hội viên tham gia tổ chức này.

Vì vậy, hội này đã làm được nhiều việc lớn trong thời Phật giáo Nhật Bản phục hưng. Một người khác nữa là ông Niwano là quân nhân giải ngũ làm nghề vắt sữa bò đã thành lập Hội Rissho Koseikai có 8 triệu tín đồ. Những người thành công như vậy thể hiện sự thật mà Tổ nói là được điều chưa từng có. Chính ông Niwano cũng nói rất dễ thương rằng việc ông làm được mà ông chưa từng nghĩ tới.

Về ý nghĩa của thành quả được điều chưa từng có, thì đối với các Thánh đệ tử, các Ngài tự nghĩ mình là người nghèo khó làm thuê mướn thôi, không ngờ tu theo Phật, các Ngài được Phật cho gia tài đồ sộ, tức có tuệ giác và phước đức có thể thay thế Phật giáo hóa chúng sanh và sẽ thành tựu quả vị Phật.

Riêng đối với chúng ta, tu hành chưa sanh công đức, chỉ dọn dẹp phân nhơ, bỏ tánh xấu, cũng được Phật giao cho sự nghiệp truyền bá Chánh pháp làm lợi ích chúng hữu tình.

Qua phẩm Tín giải, chỉ với câu chuyện cùng tử đơn giản, nhưng nếu chúng ta suy nghĩ, thực tập miên mật sẽ hiểu nghĩa lý sâu xa. Thiết nghĩ người trước đã thực hiện được tinh ba của kinh Pháp hoa và ghi lại cho chúng ta thực tập, từng bước chúng ta cũng sẽ gặt hái thành quả giống như các Ngài.

loading...