Kiến thức
Ý nghĩa lời nguyện niệm Phật thứ hai
Thứ hai, 22/03/2021 10:04
Đạo Phật được gọi là đạo trí tuệ và người Phật tử chúng ta phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp, phải trau dồi trí tuệ. Chỉ có trí tuệ này mới đem đến cho chúng ta an vui, hạnh phúc và giải thoát. Đó là lời nguyện thứ hai.
“Kính lạy Phật Di-đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Cho trí sáng tâm khai”.
Đạo Phật là đạo trí tuệ. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, đức Phật có nói “duy tuệ thị nghiệp”, có nghĩa là lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Đối với người chưa hiểu đạo, hoặc là đối với những người còn si mê thì lấy tiền bạc, lấy nhà cửa, lấy ruộng vườn, lấy những thứ vật chất trên thế gian này để làm sự nghiệp. Thế nhưng, họ không biết rằng những thứ đó là thứ tạm thời và chúng ta sẽ bỏ lại tất cả khi bước qua thế giới khác. Chỉ có sự nghiệp trí tuệ mới đem theo chúng ta từ đời này sang đời khác.
Ý nghĩa lời nguyện niệm Phật thứ nhất
Người niệm Phật noi theo gương của đức Phật. Mà đức Phật, như chúng ta đã biết, Ngài từ bỏ tất ca sự nghiệp trên thế gian. Sự nghiệp của đức Phật là vương nghiệp, tức là nghiệp làm vua, nhưng Ngài cũng từ bỏ hết tất cả. Bởi Ngài thấy rằng sự nghiệp đó là sự nghiệp giả tạm, cho nên Ngài đã rũ bỏ và đi tìm sự nghiệp trí tuệ cao thượng. Muốn được trí tuệ mình phải có định, nghĩa là tâm phải yên định. Tâm có định thì trí mới sáng. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong thời gian tu hành, Ngài đã đi sâu vào thiền định và cuối cùng trí tuệ bừng sáng. Ngài có thể nhớ được tiền kiếp của mình từ một đời cho đến mười đời, trăm đời, ngàn đời và vô lượng đời. Không những Ngài thấy quá khứ của mình sinh ra, tên gì, ở đâu, con ai và không chỉ một đời, rất nhiều đời. Ngài còn nhớ và biết được những chúng sinh khác, không những một kiếp mà cũng rất nhiều kiếp sinh ra, tên gì, ở đâu, làm gì, chết như thế nào.
Như vậy do đâu mà đức Phật có được trí tuệ như vậy? Do tâm của Phật đã đạt đến một mức định rất cao. Khi tâm của mình định ít thì sáng ít, định nhiều thì sáng nhiều, càng định sâu thì tâm càng sáng. Điều này cũng dễ hiểu. Quý vị thấy một hồ nước. Hồ nước mà yên lặng càng lâu thì nó càng lóng tất cả các cáu bẩn xuống. Khi các cáu bẩn lắng xuống nước sẽ trong. Khi nước đã trong chúng ta có thể nhìn xuống nước thấy cả bầu trời, thấy cả mây bay, bởi vì tất cả mọi vật đều có thể ảnh hiện xuống đáy hồ là do nước đã trong.
Chúng ta phát nguyện niệm Phật, niệm thường xuyên, niệm mãi, lúc nào cũng nhớ Phật, tâm sẽ dần dần an định; khi tâm an định rồi sẽ có trí tuệ. Nhờ trí tuệ mà mình thấy rõ được thực tướng của vũ trụ, nhân sinh và từ đó mình mới không đắm nhiễm tất cả những vật chất của thế gian này. Trí tuệ chính là ngọn đuốc soi đường dẫn lối đưa ta ra khỏi đêm tối khổ đau của vòng luân hồi lục đạo. Cho nên, đạo Phật được gọi là đạo trí tuệ và người Phật tử chúng ta phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp, phải trau dồi trí tuệ. Chỉ có trí tuệ này mới đem đến cho chúng ta an vui, hạnh phúc và giải thoát. Đó là lời nguyện thứ hai.