Kiến thức
Ý nghĩa màu hoa hồng cài trên ngực áo trong ngày lễ Vu lan
Thứ hai, 24/08/2023 11:00
Nghi lễ "Bông hồng cài áo" trong lễ Vu Lan đã trở thành nét văn hóa truyền thống có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là dịp nhắc nhở mỗi người con, trong cuộc sống dù bộn bề lo toan nhưng vẫn luôn từng giờ, từng phút không quên báo hiếu với cha mẹ đã vất vả, chắt chiu, hy sinh tất cả vì con.
Vào ngày lễ Vu Lan, mọi người sẽ cài lên ngực một bông hoa hồng để bày tỏ lòng thành với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Những ngày rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm, nhà nhà trên khắp cả nước Việt Nam đều thành kính bước vào mùa Vu Lan, mùa báo hiếu.
Những người đến chùa không phân biệt già trẻ lớn bé, gái hay trai đều không quên dừng lại để cài lên ngực một bông hồng, thầm nhắc nhở về công ơn của cha mẹ đối với mình.
Bông hồng vàng: Được cài lên áo của những người tu sĩ. Các vị tu sĩ đã từ bỏ thế tục để sống một cuộc sống của người xuất gia. Màu vàng là màu của giải thoát như vô lượng phước điền y, màu của đất. Màu vàng là màu của tuệ giác tượng trưng cho sự buông bỏ, xả ly, không chấp thủ và thành tựu giải thoát.
Bông hồng nhạt: Mang đến cái buồn man mác là bông hoa màu hồng trên ngực áo. Với những “ hoa hồng” đó là nỗi buồn của những người con mồ côi đã mất một trong hai người thân. Theo hành trình trưởng thành của mỗi người, sắc đỏ phai đi một phần, chỉ còn màu hồng nhạt dần theo năm tháng.
Bông hồng đỏ: cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời. Đó là một sự nhắc nhở về may mắn và tự hào vì vẫn còn cha mẹ.
Bông hồng trắng: dành cho những người đã mất cả cha và mẹ, tượng trưng cho sự tưởng nhớ và sự chia lìa âm dương. Hoa hồng trắng như nhắc nhở rằng con người đã mất đi những thứ quý giá nhất trên cõi đời này, do đó cần phải sống thật tốt để người yêu thương đã lìa khuất được an tâm.