Đức Phật
Ý nghĩa ngày Phật nhập Niết bàn
Thứ sáu, 12/04/2022 11:26
Suốt một đời, trong 80 năm, không một lúc nào Ngài xao lãng với mục đích tối thượng là hóa độ chúng sinh đang trầm luân trong bể khổ.
Đặt vấn đề:Con người ta sinh ra, lớn lên, già cả, rồi bệnh tật và mất đi. Cát bụi lại trở về cát bụi. Âu cũng là quy luật thường tình của một kiếp người. Sinh, lão, bệnh, tử vốn là như vậy. Ngay cả vạn vật hễ có sinh tất sẽ có diệt, không có ai, không có thứ gì là mãi mãi. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống, ngay cả Kim thân ngũ uẩn của đức Bản sư vẫn phải tuân theo quy luật này, huống chi là cái thân ngũ uẩn đầy bất tịnh của người bình thường. Con người vì dính mắc vào cái thân ngũ uẩn, nên sẽ bị cái ngã chấp làm đau khổ phiền não. Nếu buông xả theo quy luật thì sẽ an vui tự tại như tinh thần của Tâm kinh đã dạy: “Ngũ uẩn giai không qua hết khổ ách”.Tag: niết bàn, đức Phật, kim thân, cát bụi, ngũ uẩn,…
I. Lời dạy cuối cùng của đức Phật
Trước khi vào Niết Bàn, đức Phật tạo điều kiện cho các hàng đệ tử có cơ hội để hỏi đáp nếu có những vấn đề nghi ngờ hoặc những điểm còn chưa sáng tỏ, có thể đi đến kiến giải khác nhau. Đức Phật gọi Ngài A Nan và các đệ tử của Ngài đến căn dặn rằng: “Này ông A Nan Đà và các đệ tử, còn thời gian ngắn nữa Như Lai sẽ diệt độ, các ông giăng võng cho Như Lai nằm nghỉ, các ông muốn hỏi những gì cứ hỏi, để sau này các ông thắc mắc không ai chỉ dạy”.
– Ông A Nan Đà và các đệ tử của Như Lai, liền giăng võng tre giữa 2 cây đại thọ trong rừng Sa La. Những vị chứng được tứ quả Thanh văn trở lên, thân tâm bình thường; còn những vị chưa nhận được yếu lý sâu mầu lời đức Phật dạy, ai ai cũng rơi lệ, còn: cây, cỏ, hoa, lá cả khu rừng Sa La u buồn, muôn chim như ngừng hót!
Đức Phật biết được tâm của những vị này nên dạy: “Như Lai sắp diệt độ, lìa bỏ dục giới, để trở về nguồn cội của chính Như Lai, đáng lẽ các ông nên vui mừng mới phải, vì Như Lai đã làm tròn lời nguyện, là đến cõi này để hướng dẫn mọi người ở đây biết được đường về nguồn cội của mọi người”. Như Lai nhắc lại cho các ông rõ: “Khi thành đạo dưới cội bồ đề, Ma Vương đến quấy phá Như Lai, nhưng không được, nên bọn Ma Vương có lời nguyền thật nặng nề rằng: “Này ông Cồ Đàm, khi ông không còn ở thế giới này, các người là đệ tử của ông, tuy tu theo đạo của ngài, nhưng những việc làm của họ là làm theo ý muốn của ta cả, thời gian càng cách ngài bao nhiêu, đệ tử ngài cũng làm theo sự sai khiến của ta càng nhiều, ngài đừng mong dạy cho họ biết đường giác ngộ và giải thoát!”
– Này các môn đồ, các con hãy tự làm đuốc để soi sáng cho các con, hãy trông cậy vào chính sức mạnh của các con, không nên lệ thuộc vào bất cứ ai. Những lời giảng huấn của ta sẽ làm ngọn đuốc dẫn đường cho các con, làm nơi nương tựa cho các con, không cần phải lệ thuộc thêm vào những lời giảng huấn nào khác nữa.
– Con quỷ của những dục vọng thế tục luôn luôn tìm cách đánh lừa tâm thức các con. Nếu có một con rắn độc trong phòng, các con sẽ không thể nào ngủ yên nếu chưa đuổi được nó ra ngoài. Các con phải cắt đứt những mối giây ràng buộc của thèm khát thế tục và dứt bỏ những mối giây đó như các con đã đuổi bỏ con rắn độc ra khỏi phòng. Các con phải bảo vệ thật cẩn thận tâm thức các con.
– Này các con, giây phút cuối cùng của ta đã đến, tuy vậy các con phải hiểu rằng cái chết chỉ là sự tan rã của xác thân vật chất mà thôi. Thân xác được cha mẹ sinh ra, nó lớn lên nhờ thức ăn, nó không có cách gì tránh khỏi bệnh tật và cái chết. Một vị Phật đích thực không mang thân xác con người, mà vỏn vẹn chỉ là sự Giác ngộ. Chỉ có sự Giác Ngộ mà thôi. Thân xác con người phải tiêu tan, nhưng Trí tuệ của Giác ngộ sẽ trường tồn vô tận trong thực thể của Đạo Pháp, trên con đường tu tập Đạo Pháp. Nếu có ai chỉ thấy thân xác ta thì kẻ ấy không thấy ta một cách thật sự. Chỉ có người nào chấp nhận những lời giáo huấn của ta mới thật sự nhìn thấy ta.
– Sau khi ta tịch diệt, Đạo Pháp thay ta làm vị thầy cho các con. Biết noi theo Đạo Pháp ấy chính là cách các con tỏ lòng trung thành với ta. Trong bốn mươi chín năm sau cùng trong cuộc đời của ta, ta không hề dấu diếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch.
– Này các con yêu quý của ta, đây là giây phút chấm dứt. Trong một khoảnh khắc nữa ta sẽ nhập vào Niết bàn. Những lời này là những lời dặn dò cuối cùng của ta cho các con. Rồi sau đó Ngài phú chúc như sau:
a) Y, bát của Ngài sẽ truyền cho ông Ma Ha Ca Diếp.
b) Các đệ tử phải lấy Giới luật làm Thầy.
c) Ở đầu các Kinh phải nên nêu 4 chữ: “Như thị ngã văn”.
d) Xá lợi của Ngài sẽ chia làm ba phần:
– Một phần cho Thiên cung,– Một phần cho Long cung,– Một phần chia cho 8 vị Quốc vương ở Ấn Độ
Đây là lời vàng ngọc mà Ngài đã để lại trong giờ phút cuối cùng, dặn dò cặn kẽ xong, Ngài nhập định rồi vào Niết Bàn. Lúc bấy giờ nhằm ngày Rằm tháng Hai Âm lịch (theo giáo sử Phật giáo Đại thừa).
II. Ý nghĩa Phật nhập Niệt Bàn
Suốt một đời, trong 80 năm, không một lúc nào Ngài xao lãng với mục đích tối thượng là hóa độ chúng sinh đang trầm luân trong bể khổ.
Sau khi đức Phật thọ dụng bữa ăn cúng dường cuối cùng của ông Thuần Đà, đức Phật cùng với chúng tăng đi đến xứ Câu Thi La (Kusinàra), tại rừng Mạt La (Màla). Ở dưới hai cây Sa la, đức Phật sau khi dặn dò và hỏi tăng chúng có ai còn nghi ngờ gì đối với giáo pháp của Ngài hay không? Tất cả trong hội chúng không có ai nghi ngờ gì cả nên Ngài A Nan thưa: Bạch đức Thế Tôn, mặt trăng có thể nóng lên, mặt trời có thể lạnh đi, nhưng giáo lý của đức Thế Tôn không có gì là không đúng sự thật, chắc chắn sẽ đem lại an lạc và hạnh phúc cho những ai thực tập. Đó là chân lý không bao giờ thay đổi. Lúc bấy giờ có ông Tu Bạt Đà La (Subhadda) nghe tin đức Phật Niết bàn, ở xa nên đến trễ nhưng ông đã đảnh lễ Phật và xin Ngài cho phép xuất gia. Ngài hoan hỷ nhận lời cho Tu Bạt Đà La và ông đã chứng quả. Đó là người đệ tử cuối cùng của Phật.
Chứng nhập Niết bàn tối hậu của đức Phật cũng là sự thị hiện để độ sinh, giúp chúng sinh thấy rằng không có một pháp nào tồn tại vĩnh viễn ngoài chính pháp của đức Như Lai. Điều ấy cũng nói lên ý nghĩa rằng không có một đệ tử nào của Phật có thể mãi mãi dựa vào Phật được, mà phải dựa vào chính pháp của Ngài để tinh tấn tu tập, lập thệ nguyện kiên cố để gạn lọc và đoạn trừ tất cả mọi cấu uế, phiền não điên đảo như tham, sân, si… mạn, nghi, ác kiến…
Đức Phật tiếp tục sách tấn những lời dạy vô cùng cần thiết mà nay lời dạy ấy đã trở thành lời Di giáo tối hậu: “Các pháp hữu vi là vô thường biến hoại. Các ông hãy tinh tấn, nỗ lực, đừng để thân này mất đi, sau này hối tiếc”. Nói như thế xong, đức Phật đi vào định sơ thiền cho đến định thứ tư của thiền tứ không, rồi nhập lại tứ thiền và đi vào diệt thọ tưởng định.
Tất cả tứ chúng đệ tử của Phật đều im lặng, cả không gian và thời gian lắng yên phăng phắc, và thực sự đức Phật thị hiện Diệt độ-Tịch tịnh, Chứng nhập- Chân lý, Tối hậu-Niết-bàn.
Thật ra, chúng ta nhìn Phật qua hình dáng của Thái tử Tất Đạt Đa thì thấy Phật có sinh có diệt, có Đản sinh có Niết Bàn. Nếu ai nhìn thân Phật qua Pháp thân thì rõ ràng Ngài không có sinh diệt. Trong kinh Kim Cang, Phật dạy nếu ai nhìn Phật qua 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp thì sẽ không bao giờ thấy được Phật mà phải nhìn qua Pháp thân thì mới thấy được Phật. Trong các kinh Nikaya Phật cũng dạy rằng: “Ai thấy duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Phật” thấy Phật quả là sự giác ngộ tối thượng. Nhưng vì chấp thủ ngã và ngã sở, bị chìm sâu vào vòng sinh tử khổ đau, hễ có sinh là có diệt, không có ai, cũng không có thứ gì là mãi mãi. Nếu buông xả chúng thì sẽ an vui tự tại như tinh thần của Tâm kinh đã dạy: “Ngũ uẩn giai không qua hết khổ ách”, thì tiếng nói Duyên sinh Vô ngã phải là tiếng nói của giác ngộ, giải thoát khổ đau. Cho nên đức Phật dạy: Khi mười hai nhân duyên sinh khởi thì đồng nghĩa với toàn bộ khổ uẩn khởi. Khi mười hai nhân duyên diệt hay gọi là mười hai nhân duyên đoạn diệt thì đồng nghĩa với toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt. Tất cả đó gọi là Duyên khởi, là sự thật về sự có mặt của các pháp, đã được Thế Tôn xác nhận: “Pháp Duyên khởi ấy, dù có Như Lai xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tính ấy, pháp quyết định tính ấy, y duyên tính ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt định lý ấy. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, chứng đạt, Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết, khai triển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị.” Ngài dạy: “Duyên vô minh, này các Tỳ kheo, có các hành,… Như vậy, này các Tỳ kheo, ở đây là như tính, bất hư vọng tính, bất dị như tính, y duyên tính ấy. Này các Tỳ kheo, đây gọi là Duyên khởi.” Trong kinh Đại Duyên (Trường Bộ III), khi Tôn giả A Nan ca ngợi giáo lý Duyên khởi thâm thúy, thì Thế Tôn lại nhấn mạnh hơn: “Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp Duyên khởi này mà chúng sinh hiện tại bị rối loạn như một tổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja, không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sinh tử.” Ở đây cho chúng ta thấy thực tại là duyên khởi, vô ngã. Đây chính là thật pháp, như pháp, là thật tính, bất hư vọng tính, như chủ trương của Hoa Nghiêm qua giáo lý “Pháp giới trùng trùng Duyên khởi”. Không có một sự cao thấp nào giữa Duyên khởi được Thế Tôn chứng ngộ trình bày dưới mười hai chi phần nhân duyên (Tương Ưng Bộ Kinh II) và Duyên khởi của Hoa Nghiêm. Sự kiện Thế Tôn giác ngộ nói lên rằng vô vi cũng chính là cuộc đời này. Một buổi sáng thanh tịnh, Tôn giả Tu- bồ-đề (Subhuti) đã khéo nhận ra việc mở bày tâm Kim Cang của Thế Tôn qua các việc đắp y, trì bát, vào Xá-vệ thành khất thực,… (Kinh Kim Cương, phần mở đầu) và đã dâng lời tán thán Thế Tôn: “Thiện hộ niệm, thiện phó chúc chư Bồ-tát.” Trong câu kệ Pháp Cú số 279 viết: “Hết thảy các pháp là vô ngã” nghĩa là hữu vi và vô vi đều vô ngã, hay hữu vi cũng chính là vô vi ở mặt tự thể, hay ở mặt chân nghĩa của Duyên khởi. Đây là ý nghĩa mà Kinh Kim Cang bảo: “Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp”; Hoa Nghiêm nói: “Nhất thiết chư Pháp vô phi Phật pháp” và các tư tưởng Bắc tạng thường đề cập: “Phiền não tức Bồ-đề”, hay “Sinh tử tức Niết-bàn”, hoặc “Thiết lập nhân gian Tịnh độ”.
Cho dù chúng ta nhìn Phật ở góc độ nào, Pháp thân hay Kim thân ngũ uẩn, có nhập diệt hay không nhập diệt thì suốt 49 năm hoằng pháp độ sinh không mệt mỏi, Ngài vẫn là tấm gương sáng về lòng từ bi và trí tuệ cho đời. Sự hy sinh cao cả, lòng từ bi rộng lớn, trí tuệ sáng suốt, ý chí dũng mãnh của Ngài không những là gương sáng cho đệ tử Phật mà còn cho tất cả mọi người. Những ai muốn có sự an lạc thật sự ở ngay trong đời này và giải thoát trong đời sau thì phải tu theo giáo pháp của Ngài. Đó là con đường Bát Chí́nh Đạo, con đường Giới Định Tuệ. Nếu tu giống Phật thì sẽ thành Phật. Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng mình tu giống Phật chưa? Phật từ bỏ tất cả, còn mình đã bỏ được chưa hay là dính mắc quá nhiều thứ trên đời. Phật từ bi vô lượng vô biên còn chúng ta từ bi được mấy phần?… Đó là những câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra để soi rọi nơi tự thân mình.
III. Thực hiện lời phú chúc của đức Phật Thích Ca
Năm tháng đi qua, cuộc đời của Ngài vẫn còn in đậm trong tâm tư của tất cả những người con Phật nói riêng và toàn nhân loại trên thế giới nói chung. Bởi vì lợi ích mà Ngài đã mang lại cho nhân loại thật cao cả và vĩ đại. Có thể nói rằng, sự hòa bình của thế giới có được không thể thiếu sự đóng góp của đạo Phật, sự hạnh phúc và an lạc của muôn loài trên vũ trụ không thể có được nếu như không có giáo pháp của Ngài. Vì vậy, mỗi năm đến ngày Rằm tháng Hai thì phật tử ở khắp mọi nơi trên thế giới đều tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhập Diệt của đức Từ Phụ, nhằm ôn lại và tán thán công đức cũng như hạnh nguyện tu hành của Ngài, từ đó nhận thức sâu sắc và quyết tâm thực hiện trọn vẹn lời dạy sau cùng của đức Phật là: “Phải lấy giới luật làm thầy, tự thắp đuốc lên mà đi, hãy lấy Pháp của Phật làm đuốc, hãy theo Pháp của Phật mà tự giải thoát, đừng tìm sự giải thoát ở một ai khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác ngoài chính mình, mọi vật ở đời không có gì quý giá, thân thể rồi sẽ tan rã, chỉ có đạo Phật là quý báu, chỉ có chân lý của đạo Phật là bất di, bất dịch, hãy tinh tấn để giải thoát”.
Ứng thân của đức Phật đã viên mãn sự nghiệp độ sinh. Nay nhập Niết bàn là trở về thể tính chân thật, trở về Pháp thân. Đức Thế Tôn phổ cáo đại chúng: “Ta dùng mắt Phật xem khắp ba cõi sáu đạo chúng sinh, chính báo y báo, tướng đều hư vọng như hoa đốm. Nhưng thể tính vẫn thường trụ thanh tịnh bất động như hư không”. Phàm phu không giác biết nghĩa này, cho rằng Phật nhập Niết-bàn là mất hẳn. Sự thật Phật nhập Niết-bàn là trở về bản tính vô lượng quang, vô lượng thọ.
Chúng sinh quen sống với sự tướng, khó tin được những gì mắt không thấy, tai không nghe nên đức Phật giáng thần về xứ Ấn Độ, hiện thân tu hành chứng quả. Phật giáo dạy các đệ tử phải quan sát tính chất thế gian vô thường, vô ngã, khổ và không. Phàm có hình tướng đều hư vọng. Ai lấy âm thanh, sắc tướng cầu Phật đều là tà đạo, không thể thấy Như Lai. Cho nên đích thân Phật cũng thị hiện vô thường. Đúng pháp lý thế gian, Phật nhập Niết bàn. Thật ra vạn pháp chẳng chỗ nào, chẳng thời gian nào không phải là Phật. Phật bảo thường trụ ở khắp mười phương suốt quá khứ, hiện tại, vị lai. Chỉ vì không hình không tướng nên thế gian không ngờ là Phật vẫn ngày đêm ở trước mặt mình, ở ngay trong tâm mình, ở khắp quanh mình.
Với mục tiêu là đi tìm sự giác ngộ và giải thoát, (dù là giải thoát nho nhỏ từng ngày), chúng ta là đệ tử của Phật từng bước đi trên con đường đạo của Phật, thực hành theo những lời dạy của Phật. Tức là cố gắng noi theo gương Phật, lấy giáo lý của Phật làm người thầy. Cho nên, chúng ta (phật tử) nên nương tựa vào đức Phật. Vì vậy, trong giáo pháp (dhamma) của Phật cũng là nơi nương tựa cho chúng ta sau khi Phật đã đi xa.
Đức Phật dạy: “Như Lai chỉ là người chỉ đường, mỗi người phải tự đi đến, không ai đi thế cho ai được”. Nói như vậy để hiểu, “giải thoát” trong đạo phật không phải là việc cầu cúng để đức Phật giúp những khó khăn, đau khổ của chúng ta biến mất (hay nhiều người vẫn nói là đến cửa phật để sám hối). Mà phải bản thân chúng ta, bằng việc thực sự tu tập theo 8 con đường giải thoát để tự thoát khỏi những phiền não, đánh thức trí tuệ, nội tâm, lòng từ bi của chính mình. Chỉ có sự tự mình thực hành thì mới đi đến chứng ngộ và giải thoát.
Trong suốt cuộc đời của mình, đức Phật đã dành phần lớn thời gian để thuyết giảng các phương tiện (cách thức) để chúng sinh giác ngộ được những điều mà ngài đã chứng ngộ để tất cả đều có thể trở thành những vị Phật giác ngộ. Sự truyền bá rộng rãi của đạo Phật cũng tạo nên yếu tố đa dạng về hình thức và nội dung của những nghi lễ, pháp môn tu tập. Điều này sẽ tương ứng bởi mỗi nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, dù có sự đa dạng như vậy nhưng đạo Phật ở đâu cũng xem Tứ Diệu đế là giáo pháp căn bản- là cốt lõi của đạo.
Ðức Phật sinh ra trong thế giới loài người nhưng Phật là đấng Giác, nên Phật thấu hiểu những nỗi lo toan, băn khoăn, thắc mắc về (khắp mặt) tâm lý, tình cảm, về trí tuệ, đạo đức, về lối sống của con người và, do đấy, giáo pháp của Phật rất thân thiết, gần gũi với chúng ta. Giáo pháp ấy là tổng hợp mọi khuôn nếp sống và quán triệt hết những gì là tinh hoa cao đẹp nhất của con người và vạn hữu- một nền giáo lý xây dựng trên sự thật về con người và về cuộc đời; lấy con người làm chủ điểm để giải quyết những việc liên quan đến cuộc sống con người. Ðấy là tất cả Sự Thật trong kinh gọi là khế lý và khế cơ. Khế lý có nghĩa giáo lý của đức Phật là sự thật, đúng chân lý. Khế cơ, tức giáo pháp ấy thích hợp với mọi trình độ con người và xã hội loài người, trong khắp các thời đại.
Với một đức tin đưa con người đến chỗ thành công quyết không phải là một thứ mê tín. Một tín ngưỡng mù quáng không xây dựng trên lý trí xét đoán là một nguy hại lớn cho đời sống của cá nhân, của gia đình, dân tộc và xã hội. Cái tín ngưỡng sai lầm có thể làm hại tinh thần quần chúng. Sự tín ngưỡng mù quáng không căn cứ trên lý trí xét đoán đã đào luyện và sẽ đào luyện lên những trí óc lười biếng, ỷ lại, nô lệ cho hoàn cảnh, nô lệ cho dục vọng. Chính đức Phật Thích Ca cũng có dạy: “Tin ta mà không hiểu ta, ấy là bài báng ta vậy”. Vì vậy một lòng tin chân chính phải đi theo với một lý trí xét đoán. Hiểu rồi mới tin, thì cái tin ấy mới là chính tin. Ðối với đạo Phật, tin mà không hiểu thì sẽ lạc đường.
Vì vậy, chúng ta là đệ tử Phật, phải noi gương đức Phật, học tập đức tính vô ngã, vị tha và lòng từ bi cao cả của Ngài. Chúng ta hãy chính tín Tam Bảo, phát nguyện dõng mãnh học đạo và hành đạo, không được biếng nhác giải đãi. Được như thế chúng ta mới có thể báo đáp được một phần thâm ân của đức Phật.
Đi theo con đường Phật pháp, các phật tử có thể không làm được việc ra vào trong thiền định như đức Phật nhưng cũng sẽ noi theo gương đó mà coi nhẹ sống chết, luôn ung dung tự tại đón nhận những điều sẽ xảy đến với mình. Phật tử cũng cần nhìn vào tấm gương sáng về lòng từ bi đại độ của đức Phật để tự răn mình trong cuộc sống, để học theo tấm gương từ bi vô lượng của Ngài. Làm như vậy cũng chính là thực hiện lời phó chúc của Ngài trước khi nhập diệt.
Nhân Kỷ niệm ngày nhập diệt của người (15/2/AL), chúng con, những người học trò của Người xin hứa sẽ mãi tinh tấn tu hành như lời Người chỉ dạy, đem ánh sáng của người lan khắp nẻo hành tinh, đem tình thương của người rải ban ngàn thế giới. Cúi xin người gia hộ cho chúng con mãi kiên trinh, dù cho gặp bao giông tố cuồng xoay của cuộc đời náo nhiệt, vẫn mãi vững niềm tin son sắt nơi bậc Thầy cao cả và con đường Trí tuệ Từ bi mà Người đã dẫn lối đưa đường.